Cuộc Đời Triết Gia Plato

Fri,17/12/2021
Lượt xem: 4379

PLATO, một trong những triết gia vĩ đại nhất thế giới, chào đời tại thành Athens (hay chính xác hơn là tại đảo Aegina), có lẽ vào khoảng năm 428 hay 427 TCN, trong một gia đình danh giá ở Athens.  Bố ông là Ariston và mẹ ông là Perictione; bà là em gái của Charmides và là cháu họ của Critias, cả hai người [thân này của bà] đều là những nhân vật có tiếng trong Giới Cầm Quyền (Oligarchy) năm 404 – 403 TCN. Người ta cho rằng lúc đầu Plato được gọi là Aristocles, còn cái tên Plato thì chỉ sau này mới được đặt cho ông dựa theo vóc dáng tráng kiện của ông,[1] mặc dù tường thuật của Diogenes có thể chưa đáng tin cậy cho lắm. Hai người anh của Plato là Adeimantus và Glaucon đều xuất hiện trong tác phẩm Cộng Hoà (Republic) của ông. Plato còn có người em gái tên là Potone. Sau khi bố ông, Ariston, qua đời, mẹ ông, bà Perictione, đã đi bước nữa với ông Pyrilampes và sinh hạ một con trai tên là Antiphon. Người em cùng mẹ khác cha này của Plato được nhắc đến trong tác phẩm Parmenides của ông. Chắc hẳn Plato đã được nuôi dưỡng trong nhà người bố dượng, nhưng dù ông xuất thân quý tộc và được nuôi dạy trong gia đình quý tộc, thì cũng nên nhớ rằng Pyrilampes, bố dượng ông, là bạn của Pericles, và vì thế, Plato chắc chắn đã được giáo dục theo truyền thống của chế độ Pericles. (Pericles băng hà vào khoảng năm 429 hay 428 TCN.) Nhiều tác giả đã chỉ ra được việc Plato về sau có thành kiến chống lại chế độ dân chủ trong mọi trường hợp đều khó có thể xem là do hoàn cảnh sinh trưởng của ông, nhưng theo suy đoán của họ đó là do tầm ảnh hưởng của Socrates và nhất là bởi bản án mà Socrates phải nhận trực tiếp từ chế độ dân chủ lúc bấy giờ. Mặt khác, cũng có khả năng là việc bất tín nhiệm của Plato đối với chế độ dân chủ đã hình thành từ rất lâu trước khi Socrates qua đời. Trong suốt Cuộc chiến chống người Peloponese sau này, (rất có thể là Plato đã chiến đấu tại Arginusae vào năm 406 TCN), Plato dễ dàng nhận thấy chế độ dân chủ thiếu một lãnh tụ có thực tài và trách nhiệm, còn những lãnh tụ trước đó thì dễ dàng bị chi phối bởi tình cảnh phải lấy lòng dân chúng. Plato không còn quan tâm đến chính trị của nước nhà chắc có lẽ kể từ phiên toà xử và kết án Thầy ông. Tuy nhiên, trong suốt những năm mà quyền lực của Athens đang đi vào suy thoái, ông đã đưa ra xác quyết là “con tàu Quốc gia” cần có một hoa tiêu trung kiên điều khiển; đồng thời, người này phải nắm rõ phương hướng đúng đắn để theo, và phải là người được chuẩn bị để tỉnh táo hành động theo đúng đường lối đã xác định.

Theo như những gì Diogenes Laërtius kể lại, Plato “đã học hội hoạ, và sáng tác thơ, trước tiên là thơ tán tụng, sau đó là thơ trữ tình và bi kịch.”[2] Điều đó có hoàn toàn là sự thật hay không, chúng ta không thể kết luận, nhưng Plato đúng là đã sống trong một thời kỳ hoàng kim của nền văn hoá Athens và chắc hẳn ông đã nhận được một nền giáo dục giàu bản sắc văn hoá. Aristotle cho chúng ta biết rằng Plato lúc còn trẻ có quen biết với Cratylus, một triết gia theo tư tưởng Heraclitus. Từ ông này mà Plato đúng lý ra đã biết thế giới khả giác là một thế giới không ngừng thay đổi và vì thế mà không có chủ đề nào xác đáng đối với tri thức đích thực và chắc chắn. Tri thức đích thực và chắc chắn đó có thể đạt được ở mức ý niệm, Plato đúng ra đã biết được điều đó từ Socrates, người mà ông đã quen biết từ nhiều năm trước. Thật vậy, Diogenes Laërtius khẳng định Plato « là một học trò của Socrates » khi ông 20 tuổi, [3] nhưng vì Charmides, cậu của Plato, kết giao với Socrates vào năm 431 TCN, [4] do đó Plato chắc hẳn phải quen biết Socrates trễ nhất cũng trước tuổi 20. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng đều không có lý do gì để cho rằng Plato lúc đó là « môn đồ » của Socrates, hiểu theo nghĩa một người toàn tâm toàn lực cống hiến cho triết học, vì chính ông nói là lúc đầu ông đã có ý định dấn thân vào sự nghiệp chính trị, cũng giống như mong ước của tất cả các bậc tiền bối của ông lúc còn trai trẻ.[5] Những người thân của ông ở trong Giới Cầm Quyền năm 404-403 TCN đã thuyết phục ông bước vào chính trường dưới sự bảo trợ của họ, nhưng khi chính quyền bắt đầu theo đuổi chính sách bạo lực và cố gây ra tội ác với Socrates, Plato đã bắt đầu phẫn nộ với họ. Những người thuộc chế độ dân chủ cũng chẳng hơn gì, vì chính họ đã xử tử Socrates. Và thế là Plato quyết từ bỏ ý nghĩ theo đuổi sự nghiệp chính trị.

Plato hiện diện tại phiên toà xử Socrates, và ông là một trong những người bạn của Socrates thuyết phục Socrates đề nghị tăng số tiền phạt từ một lên đến ba mươi nén bạc (minae), nhằm để đảm bảo an ninh;[6] nhưng vì lâm bệnh, ông đã vắng mặt khi Socrates bị hành quyết.[7] Sau khi Socrates qua đời, Plato rút về Megara và nương ẩn triết gia Euclid, nhưng hoàn toàn có khả năng là ông đã sớm trở lại Athens. Những nhà viết tiểu sử cho rằng ông đã đến Cyrene, Italia và Ai-cập, nhưng không chắc những chuyện đó là thật. Đơn cử ví dụ như bản thân Plato chưa bao giờ đề cập tới chuyến viếng thăm Ai-cập nào. Có thể là kiến thức của ông về toán học Ai-cập và thậm chí là về các trò chơi trẻ em làm người ta suy diễn ra việc ông đã từng lưu trú tại Ai-cập. Mặt khác, chuyện ông từng sống ở Ai-cập có thể được thêu dệt lên như một kết luận được rút ra từ những gì Plato nói về người Ai-cập. Một vài những câu chuyện này chắc chắn là ít nhiều mang tính huyền thoại, thí dụ như một số người cho rằng Euripides là bạn của Plato mặc dầu sự thật là nhà thơ này mất năm 406 TCN. Thực tế đó làm cho chúng ta tốt nhất là nên đặt nghi vấn về các câu chuyện kể về những chuyến đi của Plato nói chung, nhưng dẫu sao đi nữa, chúng ta cũng không thể khẳng định chắc như đinh đóng cột là Plato chưa bao giờ đến thăm Ai-cập, cũng có thể là ông ấy đã làm điều đó lắm chứ. Lúc bấy giờ, nếu ông đã từng đến Ai-cập, thì ông đến khoảng năm 395 TCN và đã trở về Athens khi cuộc chiến với người Cô-rin-tô bùng nổ. Theo giáo sư Ritter, rất có thể Plato là một thành viên của quân lực Athens trong những năm đầu của cuộc chiến (395 và 394 TCN).

Tuy nhiên, điều chắc chắn là Plato đã đến thăm nước Ý và đảo Sicily khi ông 40 tuổi.[8] Có thể là ông mong ước được gặp gỡ và đàm đạo với các thành viên của Trường Pithagore. Dẫu sao đi nữa, ông đã quen biết với Archytas, một môn đồ uyên bác của Pithagore. (Theo Diogenes Laërtius, Plato thực hiện chuyến đi nhằm tham quan đảo Sicily và những ngọn núi lửa.) Plato được mời đến cung điện của vua Dionysius đệ nhất, Bạo Chúa của Thành Syracuse, chính nơi đây ông đã kết bạn với Dion, em vợ của Bạo Chúa. Câu chuyện còn kể rằng tính bộc trực của Plato đã khiến Dionysius nổi giận và giao ông cho Pollis, một công sứ vùng Lacedaemon, để bán ông như một nô lệ. Pollis đã bán ông ở đảo Aegina (lúc này đang giao chiến với Athens), và vì thế mà Plato bị rơi vào tình cảnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cuối cùng ông được một triết gia Cyrene chuộc lại và cho người đưa ông về Athens.[9] Thật khó có thể biết được câu chuyện đó đến từ đâu, vì nó không được đề cập đến trong Tập Thư (Epistles) của Plato. Nếu thực sự xảy ra (giáo sư Ritter chấp nhận câu chuyện này), nó phải diễn ra vào năm 388 TCN. Khi trở về Athens, có thể là Plato đã thành lập một Học viện (năm 388 hay 387 TCN), gần đền thờ anh hùng Academus. Học viện đó có thể được coi là trường đại học đầu tiên của Châu Âu, vì việc nghiên cứu ở đó không bị giới hạn trong lĩnh vực triết học thuần tuý mà còn được mở rộng ra các ngành khoa học bổ trợ thời bấy giờ như toán học, thiên văn học và các ngành khoa học tự nhiên. Tất cả thành viên của Trường này đều thờ các nữ thần Muses. Những người trẻ đã đến với Học viện, không chỉ từ nội thành Athens mà thôi, nhưng còn từ hải ngoại nữa; và điều ấy là bằng chứng cho tinh thần khoa học của Học viện, cũng như minh chứng rằng nó không chỉ đơn thuần là một hội “triết lý-bí nhiệm” (a society “philosophical-mystery”), đến nỗi nhà toán học lừng danh Eudoxus đã phải cắp cặp đến tầm sư, thậm chí “bứng” cả Trường của ông từ Cyzicus đến Học viện này. Điều đó cũng để nhấn mạnh tinh thần khoa học của Học viện đấy thôi, vì dẫu Plato quả đã nhắm đến việc đào tạo các chính khách và các nhà cầm quyền, phương pháp của ông đã không cốt ở việc giảng dạy đơn thuần chuyện chính trị vốn mang tính thực dụng tức thời, chẳng hạn khoa hùng biện-tu từ (như Isocartes đã làm thế trong Trường của ông), nhưng hệ ở chỗ thúc đẩy việc theo đuổi khoa học một cách vô vị lợi và liên lỉ. Chương trình học hướng đến cao điểm là triết học, nhưng nó cũng bao gồm những môn dẫn nhập như toán học và thiên văn học, và chắc chắn phải có môn hoà âm nữa, trong một tinh thần vô tư và không thực dụng chút nào. Plato tin rằng việc đào tạo tốt nhất đối với đời sống chung thì không chỉ đơn thuần là một cuộc đào luyện “nguỵ biện” thực dụng, nhưng đúng hơn là hành trình theo đuổi khoa học vị khoa học. Toán học, dĩ nhiên chưa kể đến tầm quan trọng của nó đối với triết học của Plato về các Ý tưởng (Ideas), được đề nghị như một lãnh vực hiển nhiên đối với việc nghiên cứu mang tính vô tư, và nó đã đạt đến một mức độ phát triển cao trong thế giới Hy lạp. (Dường như việc học cũng bao gồm những nghiên cứu sinh học nữa, chẳng hạn thực vật học, được tiếp tục theo đuổi khi đề cập đến những vấn đề về phân loại nhóm hợp trình [logical classification]). Một chính trị gia được đào tạo như thế ắt sẽ không trở thành kẻ xu thời cơ hội, nhưng sẽ hành động một cách can trường và gan dạ phù hợp với những xác tín được đặt nền trên những chân lý vĩnh hằng và bất biến. Nói cách khác, Plato nhắm đến việc sản sinh ra những chính khách chứ không phải những kẻ mị dân.

Ngoài công việc điều hành việc học trong Học viện, đích thân Plato còn thuyết giảng cho các thính giả của ông ghi chép. Thật đáng lưu ý rằng những bài thuyết trình này đã không được công bố, trong khi ngược lại, những cuộc đối thoại của Plato lại là những tác phẩm được ra mắt nhằm phục vụ độc giả “quần chúng” (meant for “popular” reading).  Khi chúng ta nhận ra thực tế này thì một vài khác biệt rõ rệt mà tự nhiên chúng ta thường có khuynh hướng phân biệt giữa Plato và Aristotle (người đã đến học ở Học viện năm 367) bỗng dưng biến mất, ít là phần nào. Chúng ta có trong tay những tác phẩm mang tính đại chúng của Plato, những cuộc đối thoại của ông, chứ không phải những bài thuyết trình. Cảnh huống này hoàn toàn trái ngược với trường hợp của Aristotle: trong khi các tác phẩm của Aristotle mà chúng ta có trong tay là tiêu biểu cho những bài thuyết trình của ông, thì những tác phẩm mang tính đại chúng hay những cuộc đối thoại của ông lại không đến tay chúng ta – ngoại trừ vài mẫu nhỏ còn sót lại. Do đó, chỉ bằng việc so sánh những cuộc đối thoại của Plato với những bài thuyết trình của Aristotle mà không cần bằng chứng nào khác hơn, chúng ta không thể đưa ra kết luận tương tự về sự trái nghịch đáng lưu ý giữa hai triết gia, chẳng hạn, so sánh khả năng văn chương, hay quan điểm về cảm xúc, về cái đẹp và về “tính bí nhiệm” nữa. Như chúng ta được nghe nói, Aristotle thường kể bao người đến nghe Plato thuyết trình về Sự thiện (the Good) đã phải ngỡ ngàng và hụt hẫng ra sao khi chẳng được nghe gì ngoài số học và thiên văn học, về giới hạn và về Nhất thể (the One). Trong Bức thư thứ 7, Plato phủ quyết những trình báo cho rằng một số người đã cho ra mắt bài thuyết trình đang được bàn đến. Trong cùng bức thư ông nói: “Vì thế chẳng có, và có lẽ chẳng bao giờ có, bất cứ một bài luận nào bởi tôi, ít là về những điều này, vì không giống những môn khoa học khác, chủ đề này thì “bất khả ngôn truyền”. Đúng hơn là sau một hồi miệt mài liên tưởng trong chính các vấn đề và trải nghiệm cuộc sống đủ, một tia sáng đã ánh lên trong linh hồn, ngời sáng như nó đã từng như thế, bằng một ngọn lửa bập bùng, và từ đó chính nó được thoả thuê.” Ông nói tiếp, trong Bức thư thứ 2: “Bởi đó tôi đã chưa hề tự tay viết lấy một lời nào về những vấn đề này, và cũng không có, hoặc sẽ chẳng bao giờ có, bất cứ bài luận nào của Plato được biên thành văn tự; điều làm nên danh tiếng vốn thuộc về Socrates, bây giờ chỉ được trang điểm và trẻ hoá đấy thôi.”[10] Từ những đoạn thế này mà một số người rút ra kết luận rằng Plato đã có không nghĩ nhiều đến giá trị của sách đối với những mục tiêu giáo dục đúng nghĩa. Cũng có thể, nhưng chúng ta đừng nên nhấn mạnh quá về điểm này, vì rốt cuộc, Plato đã cho ra mắt những cuốn sách – và chúng ta cũng nên nhớ rằng những đoạn văn đang được nói đến không biết có phải do Plato viết không nữa. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng Học thuyết về Ý tưởng, đúng theo thể thức nó được truyền dạy tại Học viện của Plato, đã không được cho phổ biến thành văn.

Danh tiếng của Plato trong tư cách người thầy và người cố vấn của các chính khách hẳn đã góp phần đưa đến chuyến du hành lần thứ hai của ông đến Syracuse vào năm 367. Năm ấy Dionysius đệ nhất băng hà, và Dion [em vợ của nhà vua] đã mời Plato đến Syracuse đảm trách việc giáo dục vua Dionysius đệ nhị, khi đó khoảng ba mươi tuổi. Plato đã nhận lời, và hướng dẫn Bạo chúa [tức Dionysius đệ nhị] một khoá về hình học. Tuy nhiên, ít lâu sau, lòng ganh tỵ của Dionysius đối với Dion trổi lên, và khi Dion đã rời Syracuse, vị triết gia đã quyết định trở về Athens sau một vài khó khăn gặp phải, từ đó ông chỉ tiếp tục hướng dẫn Dionysius qua thư từ mà thôi. Plato đã không thành công trong việc hoà giải Bạo chúa với người cậu ruột của vua [tức Dion]. Dion khi ấy đã định cư ở Athens, nơi ông và Plato từng kết giao. Tuy thế, vào năm 361, Plato đã thực hiện chuyến du hành lần thứ ba đến Syracuse theo lời mời tha thiết của Dionysius, vì vua này ao ước được tiếp tục học triết với Plato. Có vẽ như Plato hy vọng sẽ soạn thảo được một bản hiến chương cho liên hiệp các thành ở Hy Lạp được thành lập để chống lại sự uy hiếp của người Cathage, nhưng xem ra đối phương quá mạnh: hơn nữa, Plato tự thấy không thể đảm bảo rằng ông có thể mời Dion về lại. Cũng phải thôi, làm sao Plato có thể giúp Bạo chúa triệu hồi người cậu đã từng bị cháu ruột mình tịch thu cơ đồ. Do đó, năm 360, Plato đã trở lại Athens, nơi ông tiếp tục các hoạt động trong Học viện đến khi qua đời năm 348 hoặc 347.[11] (Vào năm 357 Dion đã thành công trong cuộc soán ngôi vua ở Syracuse, nhưng ông đã bị sát hại vào năm 353, trước sự thương tiếc khôn nguôi của Plato; thế là giấc mộng về một ông hoàng-triết gia của Plato xem như tan tành mây khói.)

 Nguồn: Frederik Copleston,SJ, A History of Philosophy: Greece and Rome,(bản dịch tiếng Việt của  Petrus Phạm Hữu Cường, chủng sinh Gp. Kontum và Bartholomeus Nguyễn Anh Huy, SJ),

 

NewYork: Doubleday, 1993, pp. 127-132.

[1]Diog. Laërt., 3,4.

[2]Diog. Laërt., 3, 5.

[3] Metaph., A  6, 987 a 32 – 5.

[4]At least, this is what the reference to Potidaea (Charmides, I53) implies.

[5] Ep.,  7, 324  b 8 – 326 b 4.

[6] Apol., 34 a I, 38 b 6 – 9.

[7] Phaedo, 59 b 10

[8]Ep., 7, 324 a 5 – 6.

[9] Diog. Laërt., 3, 19 – 20.

[10] Ep. 7, 341 c 4 – d 2; Ep. 2, 314 c 1 – 4.

[11] Uno et octogesimo anno scribens est mortuus. Cic., De Senect., 5,13.

 

Nguồn tin: dongten.net