Con Người Có Thực Sự Tự Do Không?

Tue,08/03/2022
Lượt xem: 1888

Con Người Có Thực Sự Tự Do Không?

Jalalu’s ddin Rumi, một nhà thơ người Ba Tư sống vào thế kỷ thứ 12, đã từng nói rằng cuộc tranh luận giữa những người cho rằng con người có ý chí tự do (free will) với những người chủ trương tất định (determinism) sẽ chẳng bao giờ có hồi kết cho đến ngày cánh chung[1]. Nhận định của Rumi có lẽ sẽ khiến mỗi người chúng ta phải dừng lại và tự hỏi, “liệu tôi có thực sự tự do như tôi vẫn thường nghĩ hay không?”. Bài viết này không có tham vọng đưa ra câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi trên, nhưng chỉ hy vọng làm sáng tỏ phần nào đó những thách thức từ phía tất định mà ý chí tự do phải đối mặt. Phần đầu của bài viết sẽ đưa một định nghĩa căn bản về ý chí tự do. Phần thứ hai sẽ bàn đến những kinh nghiệm thân quen về ý chí tự do. Những thách thức từ phía tất định dành cho ý chí tự do sẽ được bàn đến ở phần cuối của bài viết.

Đầu tiên, chúng ta có thể ghi nhận rằng có sự khác biệt rất lớn giữa sự tự do của ý chí và tự do trong hành động. Trong tiểu thuyết Walden Two, tác giả Skinner đã mô tả về một xã hội nơi mọi người chỉ có thể làm những gì họ đã được “lập trình”[2]. Cụ thể hơn, họ được huấn luyện làm sao để chỉ hành động theo những khuôn mẫu nhất định. Người dân ở đó không bị ngăn cản để làm những gì họ muốn làm nhưng những gì họ muốn làm đều đã được người khác quy định trước. Ước muốn của họ đã được xác định bởi những yếu tố nằm ngoài sự ý thức của họ. Họ chỉ có sự tự do trong hành động. Ý chí của họ không hề có sự tự do.

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng sự tự do mà chúng ta thường hay đề cập tới là sự tự do trong hành động. Đó là thứ tự do khi một ai đó không bị ép buộc hay ngăn trở để anh ta có thể làm những gì anh muốn làm. Chúng ta có thể liệt kê ra ở đây một vài ví dụ như tự do ngôn luận, tự do di trú, tự do tôn giáo, v.v. Đó là thứ tự do ở bề mặt. Sự tự do ấy không phải là tự do của ý chí mà chúng ta đang bàn đến. Khi đề cập đến ý chí tự do của một người thì không chỉ xét đến sự miễn nhiễm khỏi những ép buộc hay cấm cản, nhưng còn xét đến chuyện anh ta có toàn quyền quyết định trên ý chí của anh. Chính anh ta, chứ không phải ai khác hay yếu tố khác, quyết định ý chí của anh. Những yếu tố khác, nếu có, chỉ có thể ảnh hưởng chứ không có quyền quyết định. Sự tự do của ý chí là thứ tự do ở bề sâu. Từ sự phân biệt trên, chúng ta có thể điểm qua một vài kinh nghiệm gần gũi của chúng ta liên quan đến ý chí tự do.

Trước hết, ý chí tự do liên quan đến những kinh nghiệm về sự lựa chọn, tức là về việc đưa ra những quyết định của mỗi người. Sống là phải quyết định, từ những quyết định thông thường nhất như mặc gì, ăn gì, đi đường nào, v.v. cho đến những quyết định hệ trọng hơn như xây nhà thế nào, kết hôn với ai, v.v. Mỗi người có thể lựa chọn trong số nhiều khả thể. Người ta phải băn khoăn suy xét trước khi đưa ra quyết định. Người ta ý thức rằng họ là người lái con tàu cuộc đời của mình, họ có thể quyết định ga nào họ muốn đến. Họ có tự do để đưa ra quyết định.

Thứ đến, sự tự do của ý chí cũng liên hệ đến kinh nghiệm của về chuyện thưởng phạt trong đời sống hàng ngày. Một hành động anh hùng được mọi người tán thưởng. Trái lại, một hành vi tội ác bị công chúng lên án. Sự tự do đã được giả định trước những phán đoán như vậy. Nói cách khác, chúng ta sẽ không quan tâm đến chuyện thưởng hay phạt ai đó nếu người đó không có tự do. Chẳng hạn như khi tham dự phiên toà xét xử một thanh niên có hành vi giết người cướp của, đa số những người tham dự lúc đầu sẽ cảm thấy oán ghét tên tội phạm. Nhưng khi nghe kể về hoàn cảnh của anh – rằng anh ta mồ côi từ nhỏ; gia đình anh ta nghèo; anh bị hắt hủi và bị lạm dụng; anh sống trong khu phố có nhiều băng nhóm xã hội đen; anh nghỉ học từ sớm – thì người ta sẽ có sự cảm thông hơn với anh. Họ có thể lên án những kẻ đã ảnh hưởng đến cuộc đời của anh. Trách nhiệm của anh được giảm nhẹ do anh đã không hoàn toàn tự do trong việc hình thành ý chí của mình.

Kinh nghiệm về việc chọn lựa và kinh nghiệm về trách nhiệm là hai kinh nghiệm rất quen thuộc liên quan đến sự tồn tại của ý chí tự do. Nhưng ý chí tự do của con người bị tra vấn mạnh mẽ bởi phái duy định (determinism). Theo trường phái này, thế giới vận hành theo quy luật nhân quả. Bất kỳ sự kiện nào đó xảy ra đều là kết quả của những điều kiện đã xảy ra trước đó[3]. Nói cách khác, một khi hội đủ các điều kiện cho trước, sự kiện tương ứng với những điều kiện ấy ắt phải xảy ra. Nếu cứ theo luồng tư tưởng này, ý chí của con người cũng có thể bị quy định trước bởi những yếu tố nào đó.

Ba trong số những yếu tố quy định tính cách một con người có thể kể đến ở đây là yếu tố di truyền, yếu tố giáo dục và yếu tố môi trường. Một đứa trẻ khi chào đời mang trong mình những gen nhất định do thế hệ trước truyền lại. Rồi đứa bé ấy lớn lên trong sự chăm sóc giáo dục của gia đình và xã hội. Tính cách đứa trẻ phụ thuộc vào sự tác động từ bên ngoài. Sau đó, khi đứa bé ấy trưởng thành và tự lập thì lại chịu tác động từ môi trường sống xung quanh nó. Như vậy, có thể có những yếu tố khác quyết định tính cách đứa bé chứ không phải đứa bé tự quyết định tính cách của mình.

Có lẽ cần phải làm rõ sự khác biệt giữa sự tất định với “định mệnh” (fatalism). Kane cho rằng đây là một trong những hiểu lầm phổ biến nhất[4] khiến người ta “dị ứng” với sự tất định. Quan điểm định mệnh cho rằng những gì sẽ xảy ra, thì sẽ xảy ra, cho dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa. “Nếu số phận đã định cho tôi thi đậu thì dù tôi không học tôi vẫn đậu. Còn nếu số phận đã định cho tôi thi rớt thì dù tôi có học ngày học đêm tôi vẫn sẽ rớt. Do vậy tốt nhất là tôi chẳng làm gì cả, cứ ngồi đợi điều gì đến sẽ đến” – những người theo thuyết định mệnh sẽ lý luận như vậy. Sự tất định không hoàn toàn ngụ ý như thế. Sự tất định vẫn đảm bảo rằng những gì chúng ta quyết định và những gì chúng ta làm sẽ tạo ra sự khác biệt. Những chọn lựa hiện tại đều có ảnh hưởng đến kết quả tương lai. Sự tất định không làm giảm suy những ước mơ hay cố gắng của con người. Sự tất định chỉ tuyên bố rằng những ước mơ và quyết tâm của con người đều được quy định trước.  

Ý chí tự do của con người dường như khó tương hợp với sự tất định. Nhưng những phát hiện trong ngành vật lý lượng tử vẫn giành những không gian nhất định cho sự bất định. Với những định luật mà Newton khám phá ra, người ta có thể dự đoán chính xác chuyển động của mọi vật thể, từ những hành tinh xa xôi cho tới những viên đạn nhỏ xíu. Thế giới dường như vận hành theo những quy luật nhất định. Quan điểm trên đã bị suy yếu đi phần nào đó với những khám phá trong ngành vật lý lượng tử. Nguyên lý bất định của Heisenberg cho rằng các hạt cơ bản (electron, proton) chuyển động không theo quy luật nào cả[5]. Chúng ta không thể dự đoán được chính xác chuyển động của chúng. Có hai thế giới tồn tại song song với nhau: thế giới tất định của Newton và thế giới bất định của Heisenberg. Dù vậy, ý chí tự do của con người cũng không nhận được sự hậu thuẫn đáng kể từ sự bất định.

Thật vậy, nếu quả thật nguyên lý bất định chính xác, thì sự bất định cũng chỉ xảy ra ở hệ thống vi mô. Còn đối với những hệ thống vĩ mô, nguyên lý bất định nhường chỗ cho những quy luật tất định. Con người xét như một hệ thống vẫn có thể tuân theo những quy luật tất định cho dù sự bất định có thể diễn ra ở các nơ ron thần kinh[6]. Và nếu hành vi của con người là kết quả của những phản ứng đột ngột trong não bộ, hành vi con người sẽ mang nặng tính ngẫu nhiên. Chọn lựa của con người sẽ trở nên tùy tiện giống như một tư tưởng bất chợt xuất hiện hay như cánh tay tự nhiên rung lên mà người ta không thể kiểm soát[7]. Như thế, ý chí tự do cũng khó có thể dung hoà với sự bất định.

Đến đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng ý chí tự do gặp phải những chất vấn rất lớn từ phía tất định (cũng như từ phía bất định). Thật khó để có thể đưa ra một câu trả lời rốt ráo cho vấn nạn về tự do con người trước những chất vấn từ phía tất định. Có lẽ, vấn đề ý chí tự do cần phải được soi sáng thêm từ những khám phá trong nhiều lĩnh vực. Tác gỉa Poijman cho rằng vấn đề tự do – tất định cũng liên quan đến vấn đề tinh thần – vật chất[8]. Dù vẫn chưa thể trả lời rõ ràng cho câu hỏi về sự tồn tại của ý chí tự do, và dường như mỗi người phải chọn một lập trường cho mình về vấn đề này, thì sự tra vấn về ý chí tự do của mình cũng là sự tra vấn về chính sự hiện hữu của mình. Sự tra vấn ấy là một nét cao cả của con người. Robert Kane nhận định rằng khi con người biết chất vấn về sự tự do của mình, họ đã đạt đến một sự ý thức cao hơn về sự hiện hữu của mình[9]. Chỉ có con người mới có thể tra vấn về nguồn gốc của các hành động cũng như về vai trò của mình trong vũ trụ bao la này. Như thế câu hỏi về tự do gắn liền với câu hỏi về huyền nhiệm con người. Câu hỏi ấy vẫn luôn là một câu hỏi mở gọi mời chúng ta tiếp tục khám phá.

Fx Nguyễn Quang Tuấn, S.J.

 

Tài liệu tham khảo

KANE, Robert, A Contemporary Introduction to Free Will (New York: Oxford University Press, 2005)

POJMAN, Louis P., Who are We? Theories of Human Nature (New York: Oxford University Press, 2006), 260

[1] Robert Kane, A Contemporary Introduction to Free Will (New York: Oxford University Press, 2005), 1

[2] Kane, op. cit., 3

[3] Kane, op. cit., 6

[4] Kane, op.cit., 19

[5] Kane, op.cit., 8

[6] Kane, op.cit., 9

[7] Kane, op.cit., 9

[8] Louis P. Pojman, Who are We? Theories of Human Nature (New York: Oxford University Press, 2006), 260

[9] Kane, op. cit., p.5

 

Nguồn tin: dongten.net
Tags :