Chiều Kích Khách Quan Và Siêu Việt Trong Lý Thuyết Thế Giới Ý Niệm Của Plato So với Tính Duy Chủ Thể Trong Triết Học Cận Đại

Fri,10/01/2025
Lượt xem: 93

MỤC LỤC

DẪN NHẬP. 2

NỘI DUNG. 4

I. Tính duy chủ thể trong triết học Cận đại 4

1. Descartes - ngạc nhiên trước sự xuất hiện của “chủ thể suy tư” 4

2. Locke - chủ thể là khởi điểm của tri thức. 5

3. Kant – chủ thể quyết định thực tại 6

II. Chiều kích khách quan và siêu vượt của ý niệm (Eidos) trong triết học Plato. 8

1. Khái quát học thuyết ý niệm.. 8

2. Chiều kích khách quan và siêu vượt của ý niệm.. 9

III. Nhận định. 12

KẾT LUẬN. 15

THƯ MỤC THAM KHẢO. 16

 

DẪN NHẬP

Khi nhìn vào dòng chảy sống động của lịch sử tư tưởng, con người không ngừng kinh ngạc trước những thành tựu mà nhân loại đã thâu lượm được trên hành trình đi tìm Chân lý. Tuy nhiên, trong kho tàng tri thức phong phú đó, con người không chỉ bắt gặp những truyền thống triết học tương đồng bổ túc cho nhau, nhưng trong đó cũng không thiếu những truyền thống triết học mâu thuẫn và đối lập nhau. Song, sự đối lập đó không phải là để xô đổ, vùi lấp cho bằng là nỗ lực mở ra một cuộc đối thoại xuyên thời gian, nhằm soi sáng cho nhân loại trên bước đường truy tìm ý nghĩa cuộc sống.

Vào thời Phục hưng, với những thành tựu to lớn của mình, khoa học đã trở thành nguồn cảm hứng cho những trào lưu triết học mới. Triết học trong giai đoạn này cũng khao khát kiến thiết nên một nền triết học có sự chính xác và hữu hiệu như khoa học. Trong tinh thần đó, cái nhìn của triết học Cận đại không còn hướng về “đối tượng” (Objective) nữa, nhưng quay vào với “chủ thể” suy tư (Subjective). Nói cách khác, nếu triết học Cổ đại không ngừng nỗ lực đi tìm bản tính vĩnh cửu, vững bền của vạn vật, nghĩa là hướng cái nhìn “phi ngã vị” (Impersonal) về thế giới “khách thể”, thì triết học Cận đại lại là một cuộc chuyển mình hướng về phía “chủ thể”, khiến chủ thể trở thành nền tảng để xây dựng toàn bộ toà nhà tri thức[1]. Đành rằng triết học Cận đại đã thức tỉnh con người khỏi tình trạng mù loà về chính hiện hữu độc đáo, duy nhất, riêng biệt của mình. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy những hệ quả tiêu cực trên đời sống nhân loại. Với ảnh hưởng của khoa học và não trạng duy chủ thể, con người ngày càng bị đóng khung trong “cái tôi” chật hẹp của chính mình. Đến nỗi, con người dường như đánh mất khả năng nâng tâm hồn lên để chiêm ngưỡng tất cả những gì chân thực nhất, tinh tuyền nhất về vẻ đẹp của hữu thể (Being), thay vào đó lại bị giam cầm trong chính thế giới tối tăm, tù túng và khuy khuyết của chính chủ thể.

Có lẽ, một cuộc trở về với truyền thống triết học Cổ đại, tiêu biểu là triết học Platon sẽ khai mở những nẻo đường nhằm giải thoát chúng ta khỏi những ảo tưởng của khoa học và sức mạnh của chủ thể, nhờ đó, con người lại tiếp tục tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Con đường đó phải chăng là con đường mà Platon đã đề xuất trong tác phẩm Banquet qua miệng của nữ tư tế Diotim:

“… đó là chính lộ cần phải theo trong lãnh vực của tình yêu hay trong những lãnh vực khác…: khởi đầu với những vẻ đẹp dưới thế này rồi vươn lên vẻ đẹp trên cao kia, vươn lên mãi, như thể vượt qua những nấc thang, từ một thân thể đẹp, tới hai, rồi tới mọi thân thể đẹp, rồi từ cái đẹp của thân thể đến cái đẹp của những thao thức, rồi từ đó lên đến cái đẹp của cái tri thức, rồi đến chính tri thức như là tột đỉnh mà không gì khác hơn là tri thức về chính cái đẹp, để cuối cùng đạt tới cái đẹp tự thân. Chính nơi điểm này của cuộc sống, hơn là mọi điểm khác, Socrates thân yêu, mà đối với con người, cuộc đời quả thực là đáng sống”[2] (Symposium, 210E - 211D)

Để có thể đi sâu và đồng thời làm sáng tỏ điểm mấu chốt vừa nêu trên, trước hết chúng ta đi vào tìm hiểu sự phát triển tiệm tiến của (1) chủ thể tính trong triết học Cận đại qua ba đại diện: Descrates, Locke, Kant; phần hai sẽ cho thấy (2) tính khách quan và siêu vượt của thế giới ý niệm trong triết học Platon. Cuối cùng, từ những đối chất đó, chúng ta có thể rút ra những bài học cho thời đại của chúng ta qua phần (3) nhận định.

NỘI DUNG

I. Tính duy chủ thể trong triết học Cận đại

Vào thế kỷ XVI, với những phát kiến đột phá của mình, khoa học đã đặt ra những câu hỏi nhằm chất vấn về mức độ đáng tin cậy của lối tư duy triết học. Về phần mình, triết học bắt đầu nhận ra những lỗ hổng trong chính lối tiếp cận của mình. Vì thế, để có được một chỗ đứng vững chắc như tri thức khoa học, triết học trong thời đại mới đã đặt ra những vấn đề về khả năng tri thức, ý thức của con người; và khao khát vạch ra một con đường chắc chắn theo lối khoa học từ lý trí đến sự vật[3]. Nói cách khác, phương pháp chính là ưu tư lớn nhất mà triết học cận đại quan tâm. Người khởi xướng và đặt nền cho phong trào triết học mới đó không ai khác đó chính là Descartes[4].  

1. Descartes - ngạc nhiên trước sự xuất hiện của “chủ thể suy tư”

Với khao khát xây dựng một toà nhà tri thức mà chính mình có thể thực sự chắc chắn, Descartes đã đi đến một quyết định táo bạo đó chính là xô đổ tất cả các tri thức từ trước tới nay, và tự mình bước vào một cuộc kiểm duyệt theo phương pháp hoài nghi triệt để. Descartes nỗ lực tìm ra một nền móng chắc chắn, vững bền để có thể làm nền tảng cho toàn bộ toà nhà tri thức của mình[5]. Trong suy niệm thứ hai của mình, Descartes viết:

“Nếu có một Kẻ Lừa dối tôi, thì tôi vẫn cứ chắc là tôi hiện hữu; vì tha hồ cho vị đó lừa dối tôi, ngài vẫn không thể làm cho tôi không là gì, khi tôi tưởng tôi là một cái gì. Cho nên sau khi đã cân nhắc mọi sự cách cẩn thận, tôi nghĩ phải kết luận chắc chắn rằng: Có tôi đây, tôi hiện hữu. Mệnh đề này nhất thiết chân thực, mỗi khi tôi nói lên hoặc mỗi khi tôi suy tưởng nó.”[6]

Descartes sau khi đã hoài nghi tất cả những gì xuất hiện đối với giác quan, trời, đất, sự vật xung quanh, ngay cả thân xác và linh hồn, hay thậm chí cả chính những tư tưởng trong đầu ông, thì ông khám phá ra có một điều duy nhất không thể không chắc chắn đó chính là hiện hữu của chính ông. Cụ thể hơn, đó chính là hiện hữu của cái “tôi suy tư”. Hơn nữa, nếu có một ai đó, một Đấng nào đó cố tình lừa dối ông thì cũng không thể nghi ngờ gì về cái “tôi hiện hữu” đó. Nói cách khác, nếu muốn hoài nghi thì phải có một cái tôi chủ thể, tức là kẻ đang hoài nghi. Dù cái tôi đó đang bị người khác đánh lừa như thế nào đi chăng nữa thì trước hết nó vẫn phải hiện hữu để bị lừa. Vì thế, Descartes quả quyết hiện hữu của chính chủ thể suy tư thật vững chắc, không thể nghi ngờ được.

Mặc dù, “tôi suy tư” đã được Descartes tôn lên hàng nguyên lý đệ nhất[7], là nền tảng vững chắc cho triết học của mình, nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng, cái “tôi suy tư” đó chỉ xuất hiện như là một kinh nghiệm “nội tại”, trong sự “ý thức” về chính “chủ thể suy tư”. Trái lại, cái “tôi suy tư” lại chẳng thể đảm bảo cho tính khách quan của những thực tại bên ngoài, nơi thế giới sự vật. Vì thế, Descartes đã phải nại tới hiện hữu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa tốt lành làm quy luật tổng quát đảm bảo cho toàn bộ tri thức của con người[8].

Như vậy, “chủ thể suy tư” trong triết học Descartes xuất hiện như một sự ngạc nhiên của chủ thể khi suy tư phản tỉnh về chính mình, ngoài ra nó lại chẳng phải là nguyên lý nền tảng cho tri thức của con người như sẽ được trình bày nơi triết học của Locke.

2. Locke - chủ thể là khởi điểm của tri thức

Trong cuốn Khảo Luận Về Nhận Thức Của Con Người, Locke viết:

Giả sử tâm trí như chúng ta nói là trang giấy trắng, trống rỗng không có bất kỳ nội dung và ý tưởng nào: Vậy làm thế nào để có các ý niệm? Từ khi nào mà tâm trí được lấp đầy với vô số ý niệm như thế? Tâm trí nhận được tất cả các CHẤT LIỆU của lý trí và kiến ​​thức từ đâu? Về điều này, tôi trả lời, trong một từ, đó chính là từ KINH NGHIỆM. Từ kinh nghiệm mà tất cả tri ​​thức của chúng ta được hình thành. Những ghi nhận của chúng ta về các đối tượng được nhận thức qua giác quan, hay qua hoạt động phản tỉnh diễn ra ở trong của tâm trí chúng ta, là những thứ cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết”[9]

Theo Locke, nhờ hoạt động của giác quan (Sensation) và phản tỉnh (Reflection) mà con người có được tri thức về những thực tại bên ngoài. Giác quan cung cấp những chất liệu thô cho trí năng. Từ đó, nhờ hành vi phản tỉnh của trí năng mà những dữ kiện được giác quan thu thập được tổng hợp và trừu xuất trở thành những ý niệm trong tâm trí con người[10]. Locke kết luận, nguồn gốc của mọi tri thức nơi con người đều khởi đi từ những dữ kiện mà giác quan mang lại[11]. Như vậy, nếu tri thức của con người đều có nguồn gốc từ giác quan thì chúng ắt phải gắn liền với chính những kinh nghiệm của “chủ thể”. Điều mà đối với Platon những tri thức có được từ thế giới khả giác chỉ được liệt vào hàng ý kiến (Opinion), thì đối với Locke, những gì được kiểm chứng bằng giác quan mới thực sự đáng kể và chắc chắn. Nói cách khác, con người chỉ nhận thức về thế giới trong mức độ giác quan mở ra cho “chủ thể”.

3. Kant – chủ thể quyết định thực tại

Cũng như Locke, Kant cho rằng mọi kiến thức đều bắt đầu từ kinh nghiệm. Tuy nhiên, với Kant, tri thức lại không chỉ đơn thuần là kết quả của hậu nghiệm, nhưng còn bị chi phối bởi những hoạt động tiên thiên của cảm năng và giác tính.

Kant đã phân loại ba khả năng tri thức của con người: cảm năng (Sinnlichkeit/ sensibility), giác tính (Verstand/ understanding) và lý tính (Vernunft/ reason)[12]. Cảm năng giúp chủ thể ghi nhận những kích thích về giác quan như nóng lạnh, đau, nhột, sảng khoái,… Tuy nhiên, mọi cảm giác đều xuất hiện trong thời gian và không gian, mà thời gian và không gian lại không thể là đối tượng mà giác quan có thể nắm bắt được. Kant kết luận, thời gian và không gian là hai hình thức tiên thiên của khả năng tri thức cảm năng. Như vậy, tri thức cảm năng cần hai yếu tố: thứ nhất là chất thể - những dữ kiện do giác quan cung cấp; và mô thể chính là yếu tố tiên thiên của cảm năng[13].

Cũng vậy, tri thức giác tính nhận những dữ kiện từ tri thức cảm năng cung cấp làm chất liệu để tạo nên các ý niệm. Tuy nhiên, để có thể tổng hợp những chất liệu đó, giác tính cần những “ý niệm thuần tuý”, hay “các phạm trù”. Chính các phạm trù đóng vai trò tổng hợp, hệ thống, cấu trúc toàn bộ những dữ kiện mà cảm năng cung cấp, từ đó đưa tới cho con người những quan niệm về thế giới xung quanh[14]. Nói cách khác, các phạm trù như những chiếc khuôn (Mô thức) định hình nên các ý niệm. Cũng giống với không gian và thời gian, phạm trù là yếu tố tiên thiên, và là điều kiện để con người có thể có tri thức[15], điều này đã được Kant khẳng định trong cuốn Phê Phán Lý Trí Thuần Tuý (PPLTTT):

“Các phạm trù vừa nêu trên đây (B106) không gì khác hơn là các điều kiện của tư duy trong một kinh nghiệm khả hữu, giống như không gian và thời gian chứa đựng các điều kiện của trực quan cũng trong một kinh nghiệm như thế. Do đó, điều chúng ta thực sự cần biết ở đây là: các phạm trù cũng là các khái niệm cơ bản để suy tưởng những đối tượng nói chung thành những hiện tượng, và vì thế, chúng có giá trị khách quan tiên nghiệm.”[16] (PPLTTT, A111)

Như vậy, lý thuyết về khả năng tri thức của Kant cho thấy, thực tại ngoại giới không đóng vai trò quyết định về tri thức của con người, nhưng chính những điều kiện tiên thiên – mô thức nơi chính “chủ thể” sẽ là yếu tố quyết định thực tại. Đó cũng chính là ý nghĩa của cuộc cách mạng Corpecnic trong triết học của Kant[17].

Tóm lại, từ sự thức tỉnh của Decartes trong ý thức về chính mình như là một chủ thể chứ không còn là đối tượng; tới chủ thể như là khởi điểm của tri thức nơi Locke; và cuối cùng ở Kant, chủ thể xuất hiện trong vai trò quyết định tri thức cho thấy sự nổi lên của chủ thể tính trong triết học Cận đại. Chủ thể từ đây sẽ không còn bị chi phối bởi “khách thể” như trong thời Cổ đại nữa, nhưng sẽ cho thấy tầm ảnh hưởng và vị thế của nó trong mọi lĩnh vực.

II. Chiều kích khách quan và siêu vượt của ý niệm (Eidos) trong triết học Plato

1. Khái quát học thuyết ý niệm

Nếu con người (Chủ thể) là trung tâm mà triết học Cận - Hiện đại hướng về, thì triết học Cổ đại là điển hình triết học phóng thể, với chủ đích đi tìm căn nguyên của vũ trụ[18]. Cũng như những triết gia tiền Socrates, một trong những ưu tư lớn nhất của Platon là đi tìm nguyên lý của mọi thực tại. Vì thế, học thuyết ý niệm ra đời như là một nỗ lực để dung hoà giữa hai luồng tư tưởng đối lập nhau, giữa một bên là Heraclite với quan niệm thế giới đa thể, luôn biến dịch và thay đổi không ngừng, trong khi đó, Parmenides lại chủ trương một thế giới trường tồn, duy nhất, bất di bất dịch[19].

Trong cuốn VII của tác phẩm Nền Cộng Hoà, lý thuyết về thế giới ý niệm đã được Platon trình bày một cách sống động và giàu hình ảnh qua phúng dụ hang động. Thế giới con người giống như một hang tối. Trong đó, con người mải mê ngắm nhìn những hình bóng ở trên bức tường. Cho đến một ngày kia khi con người được thoát ra khỏi hang tối, họ mới nhận ra rằng, những thực tại trước đây họ vẫn cho là thật và thực hữu thực ra chỉ là hình bóng của những thực tại ở ngoài hang[20]. Thế giới trong hang là một thế giới đa phức, luôn biến dịch. Trái lại, thế giới bên ngoài mới thực hữu, là nơi cư ngụ của những thực tại vĩnh cửu, bất biến và chân thực.

Hơn nữa, học thuyết ý niệm cũng là lời đáp trả của Platon đối với lập trường tương đối của những nhà nguỵ biện. Đối với họ, chân lý và đạo đức là những điều tuỳ thuộc nơi mỗi người, không thể có chân lý và luân lý khách quan được[21]. Tuy nhiên, với Platon, ý niệm không chỉ là một thực tại khách quan, vượt ra khỏi quan niệm của con người, mà còn siêu vượt và thống nhất tất cả các thực tại trong thế giới khả giác. Nói cách khác, ý niệm là nguyên lý chi phối mọi vật.

2. Chiều kích khách quan và siêu vượt của ý niệm

2.1. Chiều kích khách quan

Đối với con người hiện đại, ý niệm thường được hiểu như là một hoạt động của trí năng, hoàn toàn phụ thuộc vào tâm trí con người. Ngay cả Locke, trong cuốn Khảo Luận Về Nhận Thức Của Con Người dường như cũng cho rằng ý niệm của Platon chỉ là những ý tưởng do sự trừu xuất của trí năng[22]. Tuy nhiên, trong tác phẩm Parmenides, khi được Socrates hỏi, liệu ý niệm phải chăng chỉ là những ý tưởng xảy đến trong tâm trí, thì Parmenides đã quả quyết, đó là một điều phi lý[23]. Bởi lẽ, nếu trước đó cả Socrates và Parmenides đã đồng ý với nhau rằng, mọi sự vật khả giác đều tham dự vào ý niệm, mà ý niệm nếu chỉ là ý tưởng trong tâm trí thì phải chăng tất cả những sự vật được ghi nhận bằng giác quan lại cũng chỉ là những ý niệm trừu tượng, hoàn toàn không hiện hữu ở đâu cả. Điều này thật phi lý. Vì thế, Parmenides đã kết luận ý niệm không đơn thuần chỉ là một ý tưởng trong đầu. Ngoài ra, nếu ý niệm chỉ là một ý tưởng của tâm trí, thì lý thuyết ý niệm của Platon sẽ không còn là một vấn đề thuộc lãnh vực hữu thể luận nữa, nhưng trở thành một vấn đề của tâm lý học nhận thức[24]. Nói cách khác, ý niệm lúc bấy giờ bị giản lược từ một thực tại khách quan, phổ quát lại trở thành một thực tại chủ quan, tương đối, hoàn toàn tuỳ thuộc vào hành vi suy tư của chủ thể. Vậy, nếu ý niệm không phải là một sản phẩm của trí năng thì nó đích xác là gì?

Trong tác phẩm Euthyphro, Socrates nói với Euthyphro:

“Anh hãy nói cho tôi một ý tưởng tổng quát làm cho cái gì vô đạo là vô đạo và cái gì đạo đức là đạo đức. Anh hãy cho tôi biết bản chất của ý tưởng đó là gì, để tôi có thể có một tiêu chuẩn dựa vào đó mà đánh giá các hành động của anh hay bất cứ ai, để tôi có thể phân biệt được hành động nào là đạo đức, hành động nào là vô đạo.”[25]

Điều mà Socarates muốn ở Euthyphro không phải là những đặc tính, hay những ví dụ về đức hạnh, thứ đã có sẵn trong đầu của Euthyphro, nhưng là “ý niệm” hay “hình thức” của chính đức hạnh (In itself), mà nhờ đó họ có thể xác định được hành vi nào là đạo đức, và hành vi nào là vô đạo. Cũng giống như, làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được con ngựa và con lừa, mặc dù giữa chúng có rất nhiều điểm tương đồng? Hơn nữa, nhờ đâu mà chúng ta có thể nhận ra đó là một con ngựa, dẫu cho nó chỉ có hai chân thay vì bốn chân như những con ngựa khác? Platon hẳn sẽ trả lời đó chính là nhờ vào “ý niệm ngựa”. Thật vậy, mặc dù có rất nhiều con ngựa khác nhau, nhưng sở dĩ chúng ta có thể phân biệt được chúng bởi chúng tham dự vào một “yếu tính chung”, hay một “ý niệm ngựa” chung. Ý niệm đó không tuỳ thuộc ở trí năng nhưng là một thực tại khách quan tự nội, biệt lập với trí khôn con người. Nói cách khác, ý niệm mang tính duy nhất, phổ quát, và là nguyên lý định nghĩa mọi thực tại trong thế giới đa phức, cụ thể[26].

2.2. Chiều kích siêu vượt của ý niệm

Ý niệm siêu vượt thời gian và không gian

Trong tác phẩm Timaeus, Platon đã mô tả về ý niệm như sau:

“Chúng ta phải thừa nhận rằng, loại hữu thể này thì bất biến, không phải được tạo thành, và không thể chết được. Nó cũng chẳng thể thêm vào cho chính nó bất cứ điều gì từ bất cứ nơi nào khác, cũng như không thể đặt nó vào trong bất cứ thứ gì khác mà không phải là chính nó. Chúng là những thực tại không thể cảm nhận được bằng mắt hay bất cứ giác quan nào khác. Nó là đối tượng của riêng trí năng mà thôi.”[27] (Timaeus, 52A)

Trên bình diện thời gian, ý niệm là một thực tại “bất biến, không phải được tạo thành, và không thể chết được”. Nói cách khác, ý niệm là một thực tại vĩnh hằng, không thể bị chi phối bởi thời gian. Ngoài ra, thời gian tính còn được trình bày trong lý thuyết về hồi ức qua hình ảnh “tiền kiếp”, hay “trích tiên”. Tuy nhiên, điều mà Platon muốn diễn tả không phải đóng khung ý niệm trong giới hạn của thời gian. Bởi lẽ, những huyền thoại về “tiền kiếp” hay “hậu kiếp” của linh hồn chỉ hoàn toàn mang tính phỏng định và ẩn dụ[28]. Trái lại, ông muốn khẳng định rằng, ý niệm đã để lại dấu vết về tuyệt đối nơi con người từ bao giờ rồi. Vì thế, điều con người cần làm là thoát ra khỏi địa hạt của “tin tưởng” và “ý kiến suông” để tìm kiếm những thực tại chắc chắn, bất biến và bền vững.

Trên bình diện không gian, ý niệm được Platon phân biệt với những sự vật trong thế giới khả giác. Nó không phải là một thực tại có trương độ, bị giới hạn trong không gian vật lý, và cũng không thể nhận thức chúng bằng giác quan. Hơn nữa, hai không gian được trình bày trong phúng dụ hang động không có ý phân chia thực tại thành hai chiều kích đối lập giữa một bên là thế giới khả giác và bên kia là thế giới ý niệm, nhưng mở ra một không gian của tinh thần, nhằm mời gọi những tù nhân hãy vượt ra khỏi thế giới của những hình bóng luôn biến dịch và thay đổi để vươn tới những thực tại thực hữu trong thế giới ý niệm.

Tóm lại, theo Mackie, với Platon ý niệm không phải là những thực tại bị giới hạn trong thời gian và không gian, nhưng tồn tại trong một địa hạt siêu vượt khả giác (Super-sensible realm)[29]. Thế giới khả giác đa nguyên với những đổi thay, biến dịch không thể trở thành đối tượng của tư tưởng. Trái lại, chỉ những thực tại vĩnh hằng, bất biến, phổ quát mới xứng đáng là đối tượng đích thực của tư tưởng.

Ý niệm siêu vượt sự vật

Như đã được trình bày ở trên, điều mà tư tưởng nhắm đến vẫn là hữu thể, bởi lẽ ý niệm mới thực hữu theo nghĩa tròn đầy, trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, theo Miller, ý niệm đối với Platon còn mang một nghĩa mạnh và chân thực hơn rất nhiều. Mọi vật tham dự không chỉ rút ra bản tính của mình qua việc tham dự vào ý niệm, nhưng ý niệm cách nào đó đã chi phối và cấu trúc thực tại tham dự vào chúng[30]. Đến nỗi, mọi con ngựa chỉ được gọi là ngựa trong mức độ tham dự vào “ý niệm ngựa”. Nếu vật tham dự càng gần với ý niệm thì chúng càng thực hữu (Being), trái lại càng rời xa ý niệm thì chúng càng gần với vô hơn (Non-being).

Theo Nehamas, trên bình diện hữu thể luận, duy chỉ có “cái đẹp tự thân” mới thực sự Đẹp. Đó mới là cái đẹp tinh tuyền, trọn vẹn, tròn đầy nhất. Cũng vậy, trên bình diện ngữ nghĩa, hạn từ “đẹp” hoàn toàn chỉ được dành riêng cho “cái đẹp tự thân”. Còn tất cả các sự vật đẹp, hay bất cứ thứ gì được gọi là đẹp chỉ là hoạ ảnh của chính “cái đẹp tự thân” mà thôi. Nói cách khác, nếu “cái đẹp tự thân” được gọi (Name/ onoma) là Đẹp, thì những vật tham dự dẫu có được gọi là đẹp cũng chỉ là danh từ được rút ra (Named after/ onomazein) từ “cái đẹp tự thân”[31].

Nói cho cùng, đối với Platon, ý niệm không chỉ là một thực tại siêu vượt địa hạt thời gian và không gian, nhưng còn chân thật, hoàn hảo, tròn đầy vượt trên mọi thực tại khả giác.

III. Nhận định

Khái niệm con người trong truyền thống triết học Cổ đại thường được hiểu theo nghĩa phổ quát chung cho mọi con người, hay theo nghĩa giống, loài (Human kind)[32]. Trái lại, trong triết học Cận đại, khi con người bắt đầu ý thức về chủ thể tính của mình, thì cũng là lúc vũ trụ bị lột bỏ hoàn toàn vẻ thần thánh ban sơ của nó. Từ đây, con người không còn là một thực tại run rẩy trước sự bao la, kì bí của vũ trụ nữa. Thay vào đó, con người được tôn lên vị thế ngang hàng với “thần linh”. Sự thức tỉnh trong ý thức về chủ thể tính đã đưa lịch sử nhân loại đến những bước ngoặt to lớn không chỉ trên bình diện triết học, nhưng còn trên bình diện xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật,...[33]

Tuy nhiên, tinh thần mới này cũng dẫn đưa nhân loại vào những ngã rẽ cực đoan của nó, đến mức đẩy con người vào thái cực duy chủ thể (Subjectivism). Thái độ này tôn chủ thể lên hàng nguyên lý, đặt con người làm thước đo cho vạn vật. Trong tinh thần đó, tất cả những quy chuẩn khách quan về chân lý và đạo đức dường như bị cào bằng. Sự thật, sự thiện không còn là thực tại khách quan, đơn nhất, phổ quát, có khả năng thống nhất và chi phối tất cả mọi thực tại, nhưng lại trở nên tương đối, tùy thuộc nơi chủ thể. Hơn nữa, với ảnh hưởng của não trạng khoa học thực nghiệm, con người hiện đại nhìn thế giới qua lăng kính của những phạm trù công cụ, lợi ích và hiệu năng. Tất cả mọi thực tại đều trở thành công cụ của sản xuất và tiêu thụ. Cây xanh kia trong cái nhìn thực dụng, ngoài cung cấp dưỡng khí cho con người thì sự hiện hữu của nó chẳng mang lại ý nghĩa nào khác. Tha nhân đối với “tôi” cũng đơn thuần chỉ còn là một bộ máy đảm nhận một vai trò nhất định nào đó trong xã hội mà thôi. Trớ trêu thay, ngay trong chính thời đại được cho là văn minh nhất của nhân loại, thực tại lại bị giản lược đến mức tối giản và tầm thường đến thế.

Học thuyết thế giới ý niệm của Platon dẫu đã trở thành di sản xưa cũ với nhân loại, nhưng khi được đặt vào trong cuộc đối thoại với triết học Cận đại, nó vẫn cho thấy những ý nghĩa thiết thực đối với con người thời đại hôm nay. Đã đến lúc con người hiện đại cần thừa nhận những giới hạn của chủ thể suy tư, và đồng thời chân nhận nhưng vẻ đẹp tiềm tàng, khách quan nơi mọi thực tại. Nhờ đó, con người không chỉ được giải thoát khỏi “cái tôi” chật hẹp, tù túng, nhưng còn mở ra nơi chính mình khả năng khám phá những vẻ đẹp chân thực và nguyên tuyền của thực tại. Bởi lẽ, thực tại luôn luôn là vật tự thân, là huyền nhiệm cần khám phá chứ không đơn thuần chỉ là một hiện tượng, hay phạm trù được định nghĩa bởi chủ thể.

Nói cho cùng, nâng tầm hồn lên vẫn là động thái chính mà vị nữ thần tư tế Diotim muốn nhắn nhủ với Socrates. Hành trình của cuộc sống luôn khởi đi từ những gì rất cụ thể, nhưng đồng thời cũng là con đường đi lên tới tầm cao gần như là của thần linh, vượt trên những quan niệm chật hẹp, manh mún, để rồi với cái nhìn của thần linh, con người có được một tầm nhìn hoàn toàn mới, tròn đầy hơn, chân thực hơn nhờ nhận ra những ý nghĩa dài, rộng, cao, sâu của thực tại. Nói cách khác, muốn vươn cao trong thế giới tinh thần, con người phải thoát khỏi sự đè nặng của thế giới khả giác vốn lôi kéo con người xuống thấp, nhưng phải hướng đến những thực tại trên cao, và trở nên giống với thần linh chừng nào có thể. Thật vậy, con người là hữu thể duy nhất được chúc phúc với khả năng nhận ra nơi mọi thực tại điều gì đó “ở bên kia” sự vật, “siêu vượt” trật tự của sự vật.

Tuy nhiên, với những gì được phú bẫm không đương nhiên con người cho phép mình quyền định nghĩa thực tại. Trái lại, cách nào đó con người cần một thái độ khiêm tốn và cởi mở để đón nhận thực tại. Bởi lẽ, không phải tự mình mà con người có thể khám phá thực tại nhưng nhờ chính ánh sáng của Sự Thiện soi tỏ mà con người mới có khả năng chiêm ngưỡng thực tại. Nói cho cùng, bao nhiêu con người càng mở ra với “Hữu”, thì bấy nhiêu con người càng khám phá được ý nghĩa cuộc đời. Có như vậy, cuộc đời mới quả thực là đáng sống.

KẾT LUẬN

Nói tóm lại, ý nghĩa hiện hữu vẫn mãi luôn là ưu tư lớn nhất của triết học. Đó cũng là nỗi khắc khoải khôn cùng của toàn nhân loại trên hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Cách nào đó, ý nghĩa cuộc sống được mạc khải xuyên qua cuộc đối thoại miên trường giữa tư tưởng và thực tại, nói cách khác giữa “chủ thể suy tư” và “khách thể”. Như Jacques Maritain đã khẳng định, “thực tại” và “tư tưởng” đã kết ước với nhau bằng mối tình muôn thuở của mối dây hôn phối[34]. Mà lý tưởng của hôn nhân là gì nếu không phải là hoà điệu và hợp nhất nên một với nhau. Dẫu biết rằng, giữa “chủ thể suy tư” và “hữu thể” luôn tồn tại một hố thẳm bất khả đổ đầy, nhưng đó luôn là năng hướng tự nhiên của mỗi con người trong nỗi khắc khoải bất tận nhằm vươn tới hình thái tròn đầy nhất của hữu thể - đó chính là Chân, Thiện, Mỹ.

Antôn Lee

(ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê)



[1] x. W. Norris Clarke, The One and The Many: A Contemporary Thomistic Metaphysics, University of Notre Dame Press, Indianna, 2001, 37.

[2] Platon (Brisson trans, Nguyễn Quốc Lâm dịch), Banquet, Garnier-Flammarion, Paris, 1998, 157-158.

[3] x. Donald Rutherford, The Cambridge Companion to Early Modern Philosophy, Cambridge University Press, New York, 2007, 137.

[4] x. Ibidem., 26.

[5] x. John Cottingham, The Cambridge Companion to Descartes, Cambridge University Press, New York, 2005, 140.

[6] Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2005, 438.

[7] x. Ibidem., 259.

[8] Donald Rutherford, The Cambridge Companion to Early Modern Philosophy, op. cit., 151.

[9] Let us then suppose the mind to be, as we say, white paper, void of all characters, without any ideas:—How comes it to be furnished? Whence comes it by that vast store which the busy and boundless fancy of man has painted on it with an almost endless variety? Whence has it all the MATERIALS of reason and knowledge? To this I answer, in one word, from EXPERIENCE. In that all our knowledge is founded; and from that it ultimately derives itself. Our observation employed either, about external sensible objects, or about the internal operations of our minds perceived and reflected on by ourselves, is that which supplies our understanding (John Locke (Peter H. Nidditch trans), An Essay Concerning Human Understanding, The Clarendon Press, Oxford, 1975, 104.)

[10] x. Vere Chappel, The Cambridge Companion to Locke, Cambridge University Press, New York, 1999, 118-119.

[11] x. Ibidem., 152.

[12] x. Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê Phán Lý Tính Thuần Tuý, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2006, 527, B303.

[13] x. Ibidem., 162, B52.

[14] x. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Kant, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Tp. HCM, 2005, 102.

[15] x. Paul Guyer, Cambridge Companion to Kant’s Critique of Pure Reason, Cambridge University Press, New York, 2010, 121- 127.

[16] Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê Phán Lý Tính Thuần Tuý, op. cit., 354, A111. 

[17] x. Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học các luận đề, Nxb. Lao Động, Tp. HCM, 2007, 248.

[18] x. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb. Văn Học, Tp. HCM, 2005, 18.

[19] x. Johannes Hirschberger (N. Fuerst trans), The History of Philosophy, Vol I, The Bruce Publishing Company, America, 1958, 18 – 22.

[20] x. Platon (Đỗ Khánh Hoan dịch), Nền Cộng Hoà, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2013, 482 - 487, 514A - 516E.

[21] x. Johannes Hirschberger (N. Fuerst trans), The History of Philosophy, Vol I, op, cit., 40.

[22] x. John Locke (Peter H. Nidditch trans), An Essay Concerning Human Understanding, op, cit., 500.

[23] x. Plato (Samuel Scolnicov trans), Parmenides, University of California Press, California, 2003, 65, 132B-C.

[24] x. Mitchell Miller, Plato’s Parmenides: The Conversion of the Soul, The Pennsylvania State University Press, Pennsylvania, 1986, 55.

[25] Benjamin Jowett & M. J. Knight (Lưu Văn Hy & Trí Tri dịch), Plato chuyên khảo, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Tp. HCM, 2007, 271, 6D.

[26] x. Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM, 2001, 85 - 89.

[27]This being so, we have to admit that there exists, first, the class of things which are unchanging, uncreated, and undy-ing, which neither admit anything else into themselves from elsewhere nor enter anything else themselves, and which are imperceptible by sight or any of the other senses. This class is the proper object of intellect. (Plato (Robin Waterfield trans), Timaeus and Critias, Oxford University Press, New York, 2008, 44 - 45, 52A.)

[28] x. Frederirk Copleston, A History of Philosophy (New revised edition), Vol I, Greece and Rome, Maryland, U.S.A, 1960, 168 - 169.

[29] x. J.L. Mackie, Problems from Locke, Clarendon Press, Oxford, 1976, 126.

[30] x. Mitchell Miller, Plato’s Parmenides: The Conversion of the Soul, op. cit., 148.

[31] x. Alexander Nehamas, Virtues of Authenticity: Essays on Plato and Socrates, Princeton University Press, Princeton, 1999, 185.

[32] x. W. Norris Clarke, The One and The Many: A Contemporary Thomistic Metaphysics, op. cit., 36.

[33] x. Donald Rutherford, The Cambridge Companion to Early Modern Philosophy, op. cit., 328.

[34] x. Ibidem., 18.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.   Alexander Nehamas, Virtues of Authenticity: Essays on Plato and Socrates, Princeton University Press, Princeton, 1999.

2.   Benjamin Jowett & M. J. Knight (Lưu Văn Hy & Trí Tri dịch), Plato chuyên khảo, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Tp. HCM, 2007.

3.   Donald Rutherford, The Cambridge Companion to Early Modern Philosophy, Cambridge University Press, New York, 2007.

4.   Frederirk Copleston, A History of Philosophy (New revised edition), Vol I, Greece and Rome, Maryland, U.S.A, 1960.

5.   Howard Caygill (Bùi Văn Nam Sơn và các bạn dịch), Từ Điển Triết Học Kant, Nxb. Tri Thức, Tp. HCM, 2013. 

6.   Immanuel Kant (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê Phán Lý Tính Thuần Tuý, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2006.

7.   J.L. Mackie, Problems from Locke, Clarendon Press, Oxford, 1976.

8.   Johannes Hirschberger (N. Fuerst trans), The History of Philosophy, Vol I, The Bruce Publishing Company, America, 1958.

9.   John Cottingham, The Cambridge Companion to Descartes, Cambridge University Press, New York, 2005.

10.               John Locke (Peter H. Nidditch trans), An Essay Concerning Human Understanding, The Clarendon Press, Oxford, 1975.

11.               Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM, 2001.

12.               Mitchell Miller, Plato’s Parmenides: The Conversion of the Soul, The Pennsylvania State University Press, Pennsylvania, 1986.

13.               Paul Guyer, Cambridge Companion to Kant’s Critique of Pure Reason, Cambridge University Press, New York, 2010.

14.               Plato (Robin Waterfield trans), Timaeus and Critias, Oxford University Press, New York, 2008.

15.               Plato (Samuel Scolnicov trans), Parmenides, University of California Press, California, 2003.

16.               Platon (Brisson trans), Banquet, Garnier-Flammarion, Paris, 1998.

17.               Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học các luận đề, Nxb. Lao Động, Tp. HCM, 2007.

18.               Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2005.

19.               Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb. Văn Học, Tp. HCM, 2005.

20.               Trần Thái Đỉnh, Triết Học Kant, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, Tp. HCM, 2005.

21.               Vere Chappel, The Cambridge Companion to Locke, Cambridge University Press, New York, 1999.

22.               W. Norris Clarke, The One and The Many: A Contemporary Thomistic Metaphysics, University of Notre Dame Press, Indianna, 2001.

 

 

 

Nguồn tin: