Biết Mình

Mon,04/03/2019
Lượt xem: 8624

 
Dẫn nhập

Đức Chân Phước Gioan Phaolô II  nói rằng: “Thành công lớn nhất của một cuộc đời là nên thánh”. Song, để đi đến thành công đó cần phải trải qua một chặng đường dài, phải biến đổi bản thân, không ngừng rèn luyện, tập tành các nhân đức… Nói chung trước khi là ‘Thánh’ thì hãy là ‘Người’ cho ra người đã. Tức là một con người sống có nhân bản, trưởng thành về các mặt: thể xác, tinh thần, tâm lý và tâm linh. Riêng đối với người sống đời dâng hiến, vốn là người của mọi người, là người phục vụ mọi người, càng phải sống nhân bản hơn, trưởng thành hơn. Tuy nhiên, là con người thật không dễ gì ngày một ngày hai có thể sống nhân bản, mà phải trải qua nhiều khổ luyện mới nên người được. Việc phát triển nhân cách và luyện tập các đức tính tốt là điều kiện căn bản của đạo làm người, điều quan trọng và thiết yếu nhất là phải biết mình. Bởi vì làm sao có thể tập luyện nếu chưa biết mình có những ưu, nhược điểm nào? Chưa biết khả năng mình ra sao? Có tu được thân thì mới có thể “tề gia, trị quốc và bình được thiên hạ” .  

Trong Binh Pháp Tôn Tử có nói: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” (Biết mình biết người, trăm trận thắng trăm) . Còn Socerte, triết gia người Hylạp thì dạy “Nosce teipsum” (hãy biết mình) và coi đó là nguồn gốc của sự khôn ngoan. Socrate (469 – 399 tr.CN) là người đầu tiên đặt vấn đề con người với tư cách là một sinh thể có đạo đức vào trọng tâm của triết học. Tự giới thiệu như một người chẳng biết gì cả, kích thích suy nghĩ bằng cách liên tục đặt ra những câu hỏi, ông đã nghiên cứu bản chất của con người, thế nào là thiện, ác, chính nghĩa, tình yêu, lương tâm, danh dự, ... Ông hướng triết học đến với sự tự nhận thức chính mình, một con người, một nhân cách có đạo đức và mang ý nghĩa xã hội. Con người đức hạnh đạt tới sự tuyệt vời khi điều mình muốn biết phải là điều thiện thực sự. Ông đã sống và chết với xác tín như vậy.  Như thế, ta có thể chấp nhận rằng, Socrate là người đầu tiên trong lịch sử loài người đã đặt nền tảng cho việc biết mình . Nối tiếp và triển khai hệ thống tư tưởng triết học nhân sinh quan như Socrate về sau ta thấy có rất nhiều triết gia nổi tiếng cả Đông và Tây Phương như Platon, Aristote, Thánh Augustino, Thoma A’quino, hay Khổng Tử, Lão - Trang… Những cố gắng suy tư các chủ đề về con người: Con người là gì? Con người sinh ra là để làm gì? Tại sao lại chết, và chết rồi thì đi về đâu? Tôi là ai? Tại sao trong con người tôi lại có những tư tưởng hay chiều hướng trái nghịch nhau? Thiện là gì? Ác là gì?... chung qui lại, tư tưởng các triết gia đều có một mục đích muốn hiểu về con người khởi đi từ chính mình. 

Trong Tin Mừng, rất nhiều lần Chúa Giêsu cũng đề cao việc tự biết mình với đời sống khiêm hạ và phục vụ. Ngài luôn nhấn mạnh đến cụm từ: “coi chừng”, nghĩa là hãy luôn luôn tự thức, tỉnh thức và kiềm chế, làm chủ chính mình, hiểu rõ bản thân. Có lẽ vì thế mà trong Tin Mừng có đến 22 lần Chúa Giêsu nhấn mạnh đến cụm từ này. Có lần Chúa Giêsu nói “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp mà lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra đặt móng rồi mà không có khả năng hoàn thành…” (Lc 14,28-29). Trước khi đi tìm hiểu những phạm vi con người tự biết về mình cũng như ích lợi phát sinh từ việc biết mình, chúng ta sẽ đi tìm hiểu thế nào là biết mình?

1, Biết Mình nghĩa là gì?

Chỉ có con ngưới mới có khả năng biết mình, nghĩa là biết suy về chính bản thân mình. Việc suy tư này được diễn tả bằng nhiều từ ngữ như: Phản tỉnh, hồi cố, hồi tưởng, tự suy,… Biết mình là tự biết lấy những việc đã làm, lường trước những khả năng đạt được nơi các việc sẽ làm, cả về ưu điểm và khuyết điểm; là ý thức rõ thân phận, hoàn cảnh bất lợi và khả năng của mình mà ứng xử cho thích hợp với người, với việc. Như thế việc biết mình được thực hiện nơi chính con người, là biết chính tâm hồn mình, với tất cả những đặc điểm của nó, từ đó xây dựng con người, rèn luyện những đức tính cần thiết, tập tành các nhân đức để sống nên người hơn. Đó là công việc mà Nho học ngày xưa gọi là ‘phản thân’, nghĩa là trở về với mình, cũng như lời dạy của triết gia Hylạp Socrate là “Hãy tự biết mình” vậy.

2, Biết mình là điều kiện tiên quyết sống đúng đạo làm người hơn

Quả vậy không ai hiểu rõ ta bằng chính ta, nếu ta chịu khó phản tỉnh. Bởi vì người khác có biết ta là biết cách gián tiếp, qua những gì ta thể hiện ra bên ngoài, rồi từ đó mà suy xét, cho nên thường không chính xác, có khi còn sai lệch. Còn ta, ta nhìn vào chính mình, biết chính mình, biết rõ cả những bí ẩn mà không ai biết. Cho nên nếu suy nghĩ chín chắn, kỹ càng thì chắc chắn ta sẽ hiểu rõ bản thân mình hơn ai khác. Nếu tôi biết tâm trạng của tôi khi buồn, không thể thích nghi, tự tin, tức giận, hài lòng hay chán nản, tôi sẽ có được những dữ liệu quan trọng để đưa ra những quyết định tốt hơn. Hoặc, nếu tôi không nhận thức các tâm trạng nội tâm của mình, rất có khả năng là tôi sẽ ngã theo hay bị thúc đẩy đi theo những chọn lựa mà mình không thật sự muốn, để rồi phải hối tiếc. Thánh nữ Têrêxa Avila thường nói:“phần lớn các vấn đề (tiêu cực)trong đời sống thiêng liêng bắt nguồn từ việc không biết mình”. Người biết mình là con người hội đủ các đức tinh căn bản của đạo làm người:  đối với bản thân mình thì phải là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Dũng, đối với người khác thì: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, và “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. 

Có rất nhiều người trong thời đại hôm nay sống một cách buông thả, không biết tự chủ. Họ nói mà không biết mình đang nói gì, làm mà cũng chẳng thể biết rõ việc mình đang làm. Họ không phải là con người độc lập, tự chủ nhưng là nô lệ. Nô lệ cho những dục tình, ham muốn, nô lệ cho tiền bạc, cho danh vọng, cho quyền lực…. Một khi đã là nô lệ, thì họ không thể tự mình định đoạt công việc và số phận mình nữa. Chính vì thế, có nhiều kẻ sống mà không bằng chết, cuộc đời không định hướng, chỉ trôi dạt giữa đời như cánh bèo trên sông. Hiện tượng nhiều người tự ngạo đến bất mãn, thậm chí đi đến tuyệt vọng, quyên sinh một phần nguyên nhân là do không hiểu biết đủ về mình và chưa ý thức về giá trị đời sống hiện tại. 

3, Biết mình cần thiết cho đời sống khiết tịnh

Ta cần biết điều gì đang thúc bách tôi: cảm xúc, ước muốn, khuynh hướng về điều trái… muốn thoả mãn lòng tự cao hay để xoa dịu? Tìm cách bù đắp tình cảm thiếu thốn, nhất là khi bị thử thách đau khổ? Nhận ra những điều đó để ta có thể điều khiển và sống với chúng cách đúng đắn nhất. Khi biết mình có những ưu, khuyết điểm cả về cảm xúc, tình cảm hay tâm thể lý thì mình sẽ có sự phòng bị và sống thật với con người mình hơn. Biết mình, cũng là nhận ra được con người mình là một tặng phẩm cao quý mà Thiên Chúa đã ban cách nhưng không. Từ đó, biết quý trọng bản thân, không ngừng cảm tạ hồng ân Chúa về những khả năng Chúa ban. Dù biết rằng, con người vốn yếu đuối mỏng giòn, dễ sa ngã, nhưng không vì thế mà mình nuông chiều, coi thường hoặc dung túng các dục vọng. Ngược lại, biết được điều đó, ta dần khắc phục bản thân, hoàn thiện chính mình mỗi ngày như Chúa Giêsu đã khuyên: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đồng thời, từ những yếu đuối bất toàn, sa ngã ta dễ dàng chấp nhận, thông cảm và tha thứ cho người khác khi họ gặp yếu đuối, lầm lỡ hay xúc phạm đến mình. Bởi vậy, biết mình là điều hết sức cần thiết và mang tính hệ trọng. Sách Gương Chúa Giêsu nói: Nếu con biết tất cả mà không biết mình thì con chưa biết gì. Nếu một người nào đó mà ‘trên thông thiên văn dưới tường địa lý’ song lại chẳng biết gì về mình thì kể như chưa biết gì. 

Biết mình không những để điều chỉnh tương quan nội tại mà còn vươn ra các tương quan khác và để dung hòa bản thân với người khác. Không để cá tính tự do làm chủ bản thân, mà tìm cách khắc phục nó bằng đời sống khiêm nhường, nhịn nhục hay ép xác hãm mình. Chẳng hạn, một người biết mình nóng tính, nông nổi có thể tập luyện bằng nhiều cách, ví dụ khi đang thật khát, ta không nên uống nước vội, để một lúc rồi uống và khi uống thì tập nhâm nhi từng chút ít. Hay một khi bực mình, chuẩn bị trách mắng ai đó, hãy ngậm vào trong miệng một ít nước lạnh; hoặc đang tranh cãi với ai mà có thể đưa đến cọ xát, nên đi khỏi nơi đó.v.v. 

Các nhà giáo dục, nhất là lĩnh vực tu đức thường cho rằng “Tự biết mình”, là hoàn toàn biết rõ bản chất ý thức lẫn vô thức của chính mình, là động cơ tạo nên năng lực, sự tiết độ và thành đạt.  Các cá nhân gặp phải khó khăn trong đời sống phần lớn là do họ không thực sự hiểu được bản chất, khả năng, giới hạn, động cơ cũng như tính cách của chính họ. Vì thế, cần phải nhờ đến một tấm gương có khả năng giúp họ nhận ra sự thật về họ hơn . Có thể đó là những nhà tâm lý, những nhà linh đạo nổi tiếng sẵn sàng nói thật về họ, cả về ưu điểm cũng như khuyết điểm. Một người thực sự khi đã biết rõ về mình sẽ dễ dàng đạt được thành công trong cuộc sống. Người Trung Hoa có câu: “tri bỉ tri kỷ, bách chiến, bách thắng” là vậy. Ngược lại, nếu một người không tự biết mình có thể sẽ liên tục vấp ngã, thậm chí đi đến chỗ hủy hoại cả cuộc đời. Cuộc sống thường chứng mình rằng kẻ không biết rõ mình là kẻ hay tự ái, tự kiêu và ưa nịnh bợ… 

4, Biết mình là thấy được ánh sáng nội tại chiếu soi trong ta

Nếu con người nhìn lại bản thân mình, biết suy nghĩ sâu xa, độc lập, không bị dục vọng tình cảm tác động, tất sẽ thấy được ánh sáng ngời chiếu bên trong con người mình. Ánh sáng nói đây là ánh sáng của một lý trí trong sáng, là đường hướng đưa ta đến với Chân – Thiện – Mỹ, và có thể nói được đó cũng là ánh sáng của Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa soi chiếu trong ta. Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng, chính anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần hằng ngự trong anh em sao?” ( x. 1Cr 3,16-17) hay khi Ngài nói rằng: “tôi không nói dối, và lương tâm tôi được Thánh Thần hướng dẫn”(Rm 9,1).  

Ánh sáng nội tại của mỗi con người là cái mà nhân loại thường gọi ‘đèn sáng của Trời’ (hay chính lương tâm mỗi người vậy). Điều này có thể lý giải tại sao khi ta làm điều thiện thì ta cảm thấy vui thích, an bình và hạnh phúc. Ngược lại, khi ta làm điều dữ, điều sai trái, ta lại cảm thấy áy náy, bứt rứt ‘cắn rứt lương tâm’. Thiên Chúa đã đặt để vào trong con người ánh sáng nội tại, như là luật bất thành văn, ăn nhập vào xương máu, tâm trí và linh hồn con người, để hướng dẫn con người luôn mãi. Tuy nhiên, con người ta cũng dễ bị những thứ phù phiếm bên ngoài thu hút, như lạc thú, quyền lực, danh vọng, địa vị làm lu mờ hoặc đánh mất lương tâm. Một khi “con người không có lương tâm, thì sớm muộn nhân loại cũng bị tiêu diệt bởi bệnh hoạn, bởi chiến tranh”. Hiện tượng này đang ngày một lan tràn trong xã hội loài người. Một khi người ta bị những thú vui phù phiếm ấy thống trị thì ánh sáng nội tại bị tê liệt hoặc mất dần. Người tín hữu Công giáo gọi đó là dấu hiệu ‘mất cảm thức về tội’ hay ‘lương tâm chai lỳ’. Nếu ngày nào, con người còn bỏ quên ánh sáng nội tại, chỉ chăm lo cái bên ngoài, thì người ta chưa thực sự sống thật với chính mình. Socrates nói rằng : “Ánh sáng nội tại trong con người ví như ánh sáng mặt trời, có thể toả khắp nơi. Không một thứ nào bên ngoài con người như tiền tài danh vọng, nhà cao cửa rộng lại tỏa rạng hơn nó” . Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài, cho con người biết yêu thương nhau, và Ngài ban cho mỗi người một lý trí có khả năng phân biệt tốt –xấu để chọn lựa và hành động. Tuy nhiên, Thiên Chúa dù ban cho con người hoàn toàn tự do trong chọn lựa và hành động thì cũng đồng thời phải gánh chịu lấy hậu quả kèm theo. Người ‘tự biết mình’ là nhờ được ánh sáng chân lý soi chiếu. Quả thế, nếu mọi người trên thế giới đều nhận biết và sống theo lương tâm, thì xã hội loài người ắt hẳn sẽ luôn hòa bình, thịnh vượng và ấm no hạnh phúc.

Như vậy, biết mình còn có nghĩa là hãy để cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu soi và điều khiển cuộc đời của ta. Ánh sáng chính là “Ngôi Lời (Logos) đã đến trong thế gian và chiếu soi mọi người” (X. Ga 1,9). Thiên Chúa hướng dẫn mọi người qua Thánh Kinh và qua mọi biến cố cuộc đời. Ngài hoạt động cách mạnh mẽ qua tiếng nói của lương tri. Nhờ trung thành với tiêng nói lương tâm chân chính, con người sống và hành động theo chuẩn mực đời sống Đức Kitô Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). 

5, Biết mình nhờ sám hối mỗi ngày

Một tấm gương dùng để soi, nhưng ta cần phải bảo dưỡng và lau chùi nó mỗi ngày thì nó mới sáng được lâu. Chỉ khi gương sáng ta mới thấy mình rõ hơn. Cũng vậy, ta cần phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày bằng cách sống sám hối, siêng năng lãnh nhận phép Hòa Giải là phương thế Chúa ban cho ta biết được sự thật về mình. Bản tính yếu đuối, mỏng dòn dễ sa ngã của con người sớm muộn nó cũng bị bã vinh hoa sự đời làm cho ra mờ nhạt. Lương tâm con người dễ bị lu mờ và con người khó có thể nghe rõ tiếng Chúa. Vậy, muốn có một tinh thần sảng khoái, nhạy bén, một lý trí minh mẫn mới mẻ trong sáng, điều quan trọng là ta phải luôn kiểm điểm bản thân và sám hối mỗi ngày. Như một chiếc xe, một cổ máy… nếu luôn hoạt động mà không bảo dưỡng, lau chùi thì sớm muộn nó cũng sẽ hư hỏng. Con người cũng cần có sự bảo dưỡng, chăm sóc bằng cách mỗi khi dừng hoạt động (Trước khi đi ngủ, hay trước khi làm việc gì), ta cần nhìn và nhận định lại bản thân. Qua những phút phản tỉnh ấy, ta thấy được cái sai, cái đúng, cái tốt, cái xấu. Những điều sai, ta cố gắng tìm cách khắc phục; những điều hay, ta tiếp tục phát huy và nhờ đó, những sự việc không hay hoặc điều sai lầm sẽ ít tái diễn trong cuộc đời ta. Nói cách khác, đó là việc xét mình lại mỗi ngày. Nhờ xét mình hằng ngày, lý trí và ánh sáng nội tâm ta lại càng trở nên sáng hơn. Như Tăng Tử, đồ đệ của Khổng Tử mỗi ngày xét mình 3 lần: ‘Nhất nhật tam tỉnh ngô thân’. Franklin mỗi ngày kiểm điểm cuộc sống của mình coi có phạm một nhân đức nào trong bảng thống kê nhân đức của mình  không? Còn Sextiux về chiều là xét mình coi cả ngày có làm được việc gì để  rèn luyện chí khí không. Còn cha Thê-vê-nê dạy: “Mỗi ngày theo giờ nhất định, con hãy đưa mắt nhìn vào lương tâm cho biết những cuộc chiến đấu của mình đối với một nết xấu nhất định, cho biết những dịp con đã cố tránh hay đã gây ra, biết những thắng lợi con đã thu được, hoặc những thất bại con đã phải chịu. Rồi con dốc lòng, cầu nguyện, hãm mình, tỉnh thức và giữ cho trọn về sau. Cuối cùng dục lòng mến Chúa và an năn chừa thật.”  

6, Biết mình là biết tự chủ và tự do 

Kinh nghiệm ở đời cho thấy, những kẻ sống bạc ác xấu xa luôn là kẻ khổ sở, bất an, vì phải đấu tranh với sự cắn rứt lương tâm. Trái lại những ai sống đời hòa thuận, yêu thương, thì luôn luôn được thư thái, bình an dù gặp những nghịch cảnh trong cuộc đời cũng không ảnh hưởng đến tâm hồn họ. Họ sẵn sàng chịu đựng cảnh đối xử bất công, hoặc nếu gặp tai ương hoạn nạn vẫn không bao giờ làm họ nhụt chí, nhưng một lòng phó thác, cậy trông. Hầu như ai trong chúng ta cũng đều cho rằng mình tự biết rõ chính mình, và “không ai gần gũi ta hơn chính bản thân ta”. Tuy nhiên, thực tế có phải vậy không? Thực ra, một người khôn ngoan và từng trải có thể ‘biết’ về ta nhiều hơn chính ta biết về mình. Người biết rõ về ta nhiều nhất và rõ ràng nhất thì duy chỉ mình Thiên Chúa. “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi, con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa…” (Tv 139, 1-2). Chúa Giêsu cũng  nói: “Ta là mục tử nhân lành, ta biết các chiên ta và các chiên ta biết ta” (Ga 10, 14). Thiên Chúa biết rõ chúng ta, còn ta, phải làm gì để biết rõ chính mình?

Thánh Augustino nói “xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”; muốn biết rõ mình, trước hết cần phải có ơn Chúa. Về phía bản thân, ta cần phải biết tự chủ, nghĩa là làm chủ lấy chính mình. Làm chủ ngũ quan, làm chủ những khát vọng và ước muốn trong ta. Biết chọn lựa cho mình những điều ước tốt đẹp và dấn thân sống điều mình mong ước bằng cả con tim và trí khôn. Ai trong chúng ta mà lại không ước ao cho mình được sống hạnh phúc, giàu sang, phú quý và có địa vị? Nhưng phải biết chọn lựa cho mình con đường đúng đắn nhất, con đường đưa tới sự sống chứ không phải đưa ta đến cõi diệt vong. Tự biết mình là điều kiện quan trọng đầu tiên để chúng ta có thể chọn lựa được một công việc thích hợp cho bản thân, hay sống ơn gọi nào cho phù hợp với con người của ta. Một khi đã quyết định chọn lựa, ta phải sống hết mình với chọn lựa đó và luôn để Chúa hướng dẫn ta thì mới mong có được kết quả như Chúa muốn. Kết quả đó cũng chính là phần thưởng Chúa dành cho ta, nếu ta trung thành bước theo Ngài và làm những gì Ngài muốn. 

Ơn gọi cũng giống như một công việc ta chọn để làm, việc đó có phù hợp với sức khỏe, khả năng của ta hay không? Ta không nên nuôi ảo vọng về một công việc vượt ngoài khả năng, hoặc là chúng ta bám víu vào một điều gì đó vốn không có đủ khả năng hoặc phát huy được năng lực của bản thân mình. Như  thế, ta cần ý thức được ơn gọi mà mình lựa chọn, để có thể sinh nhiều hoa trái và đưa ta đạt đến hạnh phúc Nước Trời. 

7, Biết mình nhờ lắng nghe và khiêm nhường đón nhận

Tự biết mình sẽ giúp chúng ta nhanh chóng sửa chữa được những sai lầm, nhưng chúng ta không thể tự biết mình nếu không biết lắng nghe người khác và nhất là lắng nghe tiếng Chúa. Nhờ biết lắng nghe và khiêm tốn chấp nhận những nhận xét, góp ý, đánh giá khách quan từ người khác, chúng ta mới có thể biết được cần phải thay đổi những gì trong phương thức làm việc hoặc trong cung cách ứng xử. Biết lắng nghe người khác là điều kiện quan trọng giúp chúng ta có thể hiểu được rõ hơn về chính mình. Nhiều người không hiểu mình, phần lớn là do họ không bao giờ lắng nghe người khác. Xuất phát từ tính kiêu ngạo, tự cho mình biết đủ và không có khiếm khuyết, do đó không cần thiết phải nghe ai. Nhưng một con người không được tu chỉnh, uốn nắn học hỏi thêm thì sớm muộn cũng suy tàn, dù rằng con người ta là “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Cổ nhân có câu: “ngọc bất trác, bất thành khí – nhân bất học, bất tri lý” , ngọc dù quý, nhưng không được mài dũa thì không sáng, không đẹp và không giá trị gì, còn làm người mà không học thì cũng chẳng hiểu biết gì về đạo lý làm người.

Việc tự biết mình là một điều hết sức quan trọng, nhưng không phải dễ dàng. Không phải bất cứ ai một sớm một chiều là có thể đạt đến chỗ hiểu rõ về chính mình, mà phải rèn luyện và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. Trong môi trường tu, việc lắng nghe người khác là điều hết sức cần thiết. Lắng nghe và tỏ ra vâng phục bề trên, lắng nghe khuyên bảo của vị linh hướng hay thậm chí phải khiêm nhường lắng nghe người anh em trong cộng đoàn góp ý. Nhờ đó, người tu trì mới có thể thăng tiến trên con đường tu đức. Nếu không biết lắng nghe người khác thì khó có thể nghe được tiếng Chúa. Bởi vì nhiều lúc Chúa nói với ta qua bề trên, qua người anh em…. 

Một vài nhận định 

Như đã tìm hiểu, Biết Mình sẽ đem đến cho ta rất nhiều ích lợi, tuy nhiên để hiểu rõ về chính mình bao giờ cũng là một công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian học hỏi cũng như rèn luyện. Việc biết mình là cần thiết để khởi đầu và thành công trong việc rèn luyện nhân cách con người. Tuy nhiên để thành công thì còn cần nại đến ý chí, nghị lực, nhất là biết chỗi dậy sau những lần vấp ngã. Một khi đã hiểu rõ về chính mình, chúng ta sẽ luôn có được sự tự tin cần thiết trong công việc và dễ dàng đi đến thành công. Hiểu được chính mình, ta dễ dàng tránh né được nhiều bất lợi trong cuộc sống, ngăn chặn được những sai trái do hành vi ta đưa đến. Nhờ biết mình, ta có thể hiểu biết về người khác hơn và dễ hòa đồng trong tương quan với người khác. Con người vốn bất toàn, năng lực, tri thức cũng như kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về bất cứ vấn đề gì cũng đều có những giới hạn nhất định. Thế nhưng, chúng ta rất hiếm khi tự xác định được những giới hạn của chính mình. Vì thế, chúng ta cần đến những hoàn cảnh khách quan để bộc lộ những giới hạn đó, cũng như cần đến sự nhận xét, đánh giá của người khác để xác định những điểm yếu kém của chính mình. Cần biết lắng nghe, khiêm nhường đón nhận sự phê bình góp ý chân thành của người khác. Đặc biệt, luôn siêng năng thực tập xét mình và cầu nguyện, để Chúa giúp ta nhìn rõ con người thật của mình mà sống cho xứng hơn. Một khi hiểu biết thấu đáo về bản thân, tự nhiên con người sẽ thấy mình cần phải nổ lực, phấn đấu rèn luyện. 

Con người với khả năng hữu hạn muôn đời vẫn không thể khám phá hết tri thức tiềm ẩn nơi thế giới sự vật hữu hình và vô hình. Tuy nhiên, biết được mình là một thành công vô cùng lớn trong kiếp sống làm người. Nhờ biết được giới hạn nơi bản thân mà con người không ngừng khát khao vươn lên chiêm ngưỡng Đấng Vô Hạn, nguồn mạch của mọi chân lý. Khát khao vươn lên để được kết hiệp với Thiên Chúa, ấy chính là lúc con người đạt tới sự viên mãn hạnh phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban cho kẻ khao khát kiếm tìm.

Giuse Trần Công Hường, K.12
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 02
Nguồn tin: