Linh Mục David Neuhaus: Người Israel Và Người Palestine Sống “Trong Lòng Các Vết Thương Chưa Được Chữa Trị”

Tue,18/05/2021
Lượt xem: 1244

Dù có những nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang, tình trạng thù địch giữa Israel và Hamas ngày càng tăng trong các cuộc đụng độ bạo lực quân đội Israel và những người biểu tình trẻ tuổi ở Cisjordania, các cuộc bạo động chưa từng có ở Israel làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về sự chung sống giữa người Do thái và người Ả rập. Linh mục David Neuhaus trả lời trên Vatican News về tình huống này.

Linh mục David Neuhaus là bề trên Dòng Tên ở Đất Thánh, giáo sư Kinh Thánh ở Israel và Palestine, nguyên là Đại diện Tòa Thượng phụ La-tinh của người công giáo nói tiếng Do thái và là cựu điều phối viên chăm sóc mục vụ cho người di cư và tị nạn ở Israel.

Quan điểm của linh mục Dòng Tên David Neuhaus

Trong cuộc đối đầu quân sự giữa Israel và Hamas, bạo loạn giữa các cộng đồng Do thái và Ả rập đã xảy ra trong nhiều ngày trên lãnh thổ Israel. Hình ảnh về các vụ tấn công, giết người, các cuộc cướp bóc đã gây chấn động trên đất nước. Những chuyện này có làm cha ngạc nhiên không?

Linh mục David Neuhaus: Đây không phải là chuyện ngạc nhiên. Chúng tôi đã sống với một vết thương không được chữa trị, vết thương mưng mủ suốt 73 năm qua. Năm 1948, những người ngày nay là người Do thái Israel đã có được quê hương của họ, một đất nước giàu có. Nhưng người Palestine không có quê hương, họ không nhận được gì. Và điều này đã diễn ra trong 73 năm. Đôi khi có một sự yên tĩnh, do hai chuyện: bạo lực và đàn áp đối với người Palestine đòi quyền lợi của họ, và sự mệt mỏi của người Palestine đã đẩy họ vào bật động. Mặt khác, tại chính Israel, nơi có công dân Palestine,  một chế độ phân biệt đối xử ngày càng nhấn mạnh đến định nghĩa do thái của Quốc gia này. Đó là một nhà nước “dành cho người Do thái” Vậy người Palestine là công dân ở đâu?

Các cuộc đối đầu ở các thành phố có hai sắc dân, vốn gây sốc cho nhiều người Israel, thực tế không nên gây sốc. Đây là một phần logic khủng khiếp của cuộc xung đột này. Ngày nay chúng ta có thể không ngạc nhiên, chúng ta không thể nói “thật bất ngờ”.

Một lần nữa, tên lửa đã phát xuất từ Giêrusalem (đụng độ trên Mosque Esplanade, vụ trục xuất các gia đình Palestine ở khu Sheikh Jarrah). Liệu vấn đề chưa được giải quyết về Đất Thánh vẫn là then chốt trong cuộc xung đột này không?

Tất nhiên! Giêrusalem là trọng tâm ý thức và địa lý của Israel-Palestine. Giêrusalem là thành phố vĩnh viễn sống trong căng thẳng. Nhiều yếu tố đã góp phần vào sự bùng phát bạo lực mà chúng ta đang trải qua. Tin tức trên báo chí, mọi người đều thấy, nhưng một lần nữa, không có gì được thực hiện.

Những người bị đuổi ra khỏi nhà của họ trong hoàn cảnh bất công. Bây giờ chắc chắn vấn đề rất phức tạp. Những tài sản đất đai này thuộc về người Do thái trước năm 1948, và nhân danh sự thuộc về này, người Israel muốn đuổi người Palestine đã sống trong những khu nhà này từ hồi đó. Sự bất công không nằm trong việc khôi phục tài sản cho sở hữu chủ của chúng; nhưng do không có sự song hành giữa người Do thái và người Palestine. Người Palestine sống trong các khu nhà này năm 1948 đã mất nhà của họ trong vùng mà bây giờ thuộc về người Israel. Việc thiếu song hành, độc quyền và thống trị toàn bộ đất nước của một bên, vẫn là một vấn đề rất lớn.

Chúng ta có thể quan sát sức nặng ngày càng tăng của các ý thức hệ cực đoan, đặc biệt là về phía những người theo chủ nghĩa phục quốc do thái và những người thực dân. Ảnh hưởng của họ trong xã hội có làm đảo lộn sự cân bằng không?

Nó đã luôn tồn tại. Đúng vậy, ngày nay người dân có thể bị thu hút nhiều hơn bởi những hệ tư tưởng tận căn này. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến sự thao túng của các nhà lãnh đạo Israel. Trong cuộc bầu cử vừa qua, Netanyahu ủng hộ phái cực hữu, hy vọng sau đó ông có thể thành lập chính phủ với họ. Đây là những người thật đáng sợ; họ công khai nói “người Ả rập phải chết”, “đuổi người Ả rập” (…)

Đúng vậy, chủ nghĩa cực đoan đang phát triển nhưng nó bị thao túng bởi một Thủ tướng không muốn từ chức. Và như mọi lần trong tình huống này, người dân bị thao túng bằng cách chi phối nỗi sợ và ác mộng họ có trong đầu. Điều này được các chính trị gia vô đạo đức khai thác, họ là những người không có gì để mất. Và những người vô tội của cả hai bên phải trả giá.

Giáo hội công giáo phản ứng như thế nào với việc công cụ hóa tôn giáo này của cả hai phía?

Nó không chỉ là vấn đề công cụ hóa tôn giáo, nhưng còn công cụ hóa tình cảm quốc gia, một loại ái quốc không phù hợp.

Dù sao, Giáo hội công giáo hoàn vũ và địa phương đã đáp ứng được, như đã đáp ứng trong 73 năm, với tiếng nói nhất quán và hợp lý, tôn trọng tất cả các bên. Nhưng trên tất cả, là tiếng nói của sầu khổ, của một nỗi buồn to tát đứng trước mất mát nhân mạng và sự tàn phá khủng khiếp không cùng ở Gaza, và ở cả Israel.

Vì thế Giáo hội bày tỏ tình liên đới của mình với những người đang đau khổ, nhưng đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng không có hòa bình nếu không có công lý. Không có hòa bình nào trong bầu khí phân biệt chủng tộc, nơi tiếng nói của những kẻ cực đoan được những người có thẩm quyền ủng hộ.

Cha nói vấn đề Giêrusalem là trọng tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Nhưng liệu cuộc xung đột này có còn mang tính quyết định đối với tương lai của khu vực không?

Tôi nghĩ còn, tuyệt đối còn. Kể từ năm 1948, cuộc xung đột này đã định đoạt số phận, không chỉ cho người Israel và người Palestine, mà còn cho các nước xung quanh. Tôi nghĩ đến những người Palestine tị nạn ở Lebanon chẳng hạn, họ là những người góp phần vào sự mất cân bằng rất lớn ở đó.

Những bài diễn văn căm thù, dựa trên vết thương này vẫn tiếp tục xảy ra khắp khu vực tạo một tình huống mà đối thoại, công lý và hòa bình dường như là giấc mơ không thể thực hiện được.

Kể từ năm 1948, cộng đồng quốc tế đã bất lực trước cuộc xung đột này. Người Israel và người Palestine còn mong chờ gì ở cộng đồng quốc tế không?

Dĩ nhiên! Chúng tôi chờ một tiếng nói thúc đẩy công lý. Bà nói “bất lực”. Nhưng phải nói cộng đồng quốc tế đã chọn bất lực. Israel phụ thuộc vào Hoa Kỳ, vào cộng đồng châu Âu. Nếu không có sự hỗ trợ của họ ở tất cả các cấp, Israel không thể tồn tại.

Nếu những quốc gia này quyết định luôn đứng về phía Israel, nó sẽ trở thành một vấn đề lớn: liệu chúng ta có giúp một quốc gia tự sát không? Luôn chọn bạo lực không? Cho đến khi nào? Điều này có hại cho Quốc gia Israel, Quốc gia đang tự sát và cộng đồng quốc tế quan sát và ủng hộ quá trình tự sát này.


Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: phanxico.vn