Tương Quan Giữa Kinh Nghiệm Tôn Giáo Và Nội Dung Đức Tin Kitô Giáo

Fri,04/01/2019
Lượt xem: 3287

             Kinh nghiệm tôn giáo

Thử hỏi một người không theo tôn giáo nào về cảm giác thiếu vắng, trống rỗng khi anh ta không tham dự các nghi lễ phụng tự tôn giáo, bạn sẽ nhận được câu trả lời là rất bình thường! Người ta không có cảm giác thiếu vắng một cái gì đó khi chưa hề được nếm trải nó. Cũng vậy, giả như tôi sinh ra trong một gia đình không theo một tôn giáo nào, tôi sẽ mang trong mình những cảm thức, những kinh nghiệm khác với một người sống trong bầu khí tôn giáo. Trong một chừng mực nhất định, người ta có thể nói những “tri thức” lĩnh hội được trong môi trường tôn giáo của một tín đồ là những kinh nghiệm tôn giáo hiểu như là tất cả những gì mà chủ thể nhận thức đã trải nghiệm. Nhưng sẽ nói như thế nào về những đấng sáng lập các tôn giáo? Họ sống trong môi trường nào để có ý tưởng về thần linh, về Thượng đế? Như vậy, kinh nghiệm tôn giáo không phải là những tri thức thường nghiệm, kết quả của chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức xuất hiện trong tương quan. Vì những tri thức ấy, xét cho cùng, chỉ là một sự phản ảnh về sự vật mà thôi. Và trong tiến trình nhận thức, con người thường nỗ lực gán ghép một căn tính nào đó lên đối tượng nhận thức theo khuôn mẫu tri thức của mình. Hơn nữa, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan nên tri thức của con người thường không trung thực, vì cái mà chúng ta biết được về thế giới thực tại quanh ta chỉ là những phóng ảnh từ tâm thức, nói cách khác, chỉ là thế giới biểu tượng của thực tại chứ không phải là thực tại bản nguyên. Từ đó, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng, khả năng tri nhận của con người, dù thế nào đi nữa vẫn không thể là hạt nhân cho những kinh nghiệm tôn giáo, trái lại, nó đòi hỏi những yếu tố thể nghiệm, niềm tin và trực giác. Gerard O’Collins trong Fundamental Theology đã quả quyết rằng: “Những ai giới hạn kinh nghiệm vào trong phạm vi giác quan, chắc chắn sẽ khó có thể hiểu được kinh nghiệm tôn giáo là gì”, vì theo ông nơi thế giới loài vật cũng “đầy ắp những dữ kiện thuộc giác quan”, nhưng với những người “giản lược kinh nghiệm xuống chỉ còn là sự hiểu biết của giác quan” cũng sẽ “không gán kinh nghiệm tôn giáo cho loài chó”[i], vì con chó không bao giờ nhìn lên bầu trời đầy sao không thể ăn được!

Vậy, cái gì làm nên kinh nghiệm tôn giáo? Như trên chúng ta đã phân tích về sự giả tạo của tri thức do giác quan đưa lại, nó chỉ cho chúng ta một thứ kinh nghiệm rất riêng tư, cá vị theo cách nói sống là tôi và khoa học là chúng ta hay “đoạn trường ai đã qua cầu mới hay”. Tri thức đích thực có đối tượng là hữu thể thường hằng, bất di bất dịch, hơn nữa là công việc của tư tưởng chứ không phải của giác quan, hay cảm nhận giác quan, vốn bị chi phối bởi thực tại đổi thay, chia cắt. Nói theo ngôn ngữ của Platon thì đó chỉ là sự tổ hợp của nỗi hoài nhớ cố quận: “Con người như một trích tiên, một thời được chiêm ngưỡng những ý niệm hoàn hảo, nay trong thân phận xác phàm, nhìn thấy nơi sự vật còn phảng phất ý niệm mà mình đã từng được chiêm ngắm. Hoặc có thể nói ngược lại, con người nhìn những thực tại mong manh, khuy khuyết mà hoài nhớ về một thế giới lý tưởng”[ii]. Biết là nhớ lại.

Vì thế, người không theo tôn giáo nào sẽ không có những kinh nghiệm về những tri nhận thiêng liêng trong đời sống tôn giáo, nhưng cảm giác sợ hãi, sự liên hệ giữa việc làm và hậu quả, nỗi ngạc nhiên trước thế giới tự nhiên, sự thúc bách trong sâu thẳm tâm hồn, giọt nước mắt thống hối và những khát mong một vẻ đẹp vĩnh hằng bất biến, nỗi thao thức mong có được một sự thật tròn đầy viên mãn vẫn luôn thôi thúc con người đi tìm, truy vấn về lẽ hiện sinh của chính mình… nói theo cách của E. Kant, chúng như những mệnh lệnh của Lương Tri luôn có nơi một con người bình thường. Cảm giác kính sợ cũng làm nên kinh nghiệm tôn giáo. Dẫu biện minh cách nào người ta cũng phải đối diện với sự thật mong manh của phận người trước sức mạnh của tự nhiên. Một sự “run rẩy đầy bí nhiệm” – nói như thần học gia Tin lành người Ðức Rudolf Otto (1869-1937) trong cuốn The Idea of the Holy (Ý tưởng về cái thiêng liêng, 1917) – “một cái gì đó hoàn toàn khác và bất khả tri, một cái gì đó đáng kinh sợ trong các chiều kích và sức mạnh của nó; một cái gì đó vừa cuốn hút vừa say sưa”[iii]. Cảm giác đó có thể trực nhận được như khi mình đang lạc vào một cõi thần tiên và có MỘT AI đó đưa cánh tay nâng dậy trong cảnh khốn cùng. Chứng từ của một tân tòng cho chúng ta hình dung được thế giới huyền nhiệm với cái run rẩy thần bí mà chị đã trải qua như một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa: “…Một biến cố lớn tưởng chừng như sự sống của bản thân con vĩnh viễn chẳng còn. Một đứa con bé bỏng, một mầm sống chưa kịp cất tiếng chào đời đã bỏ bố mẹ và hai anh mà ra đi vĩnh viễn. Còn bản thân con thì mê man bất tỉnh ba ngày liền ở phòng cấp cứu. Mọi chuyện đến với con như trong mơ, trong cơn mê ấy, nỗi sợ hãi tột đỉnh đến với con. Con thấy mình đang chạy trên con đường trong rừng sâu, con đường chỉ đủ cho con đặt lọt đôi chân mình, một bên con đường nhỏ là rừng rậm, rắn rết nhiều lắm, còn một bên là vực sâu thăm thẳm. Con nghĩ rơi bên nào con cũng chết. Trong cơn mê hoảng hốt con kêu lên “cứu! cứu!”. Chính lúc đó một người nữ (con nghĩ là Mẹ Maria) với áo choàng xanh ngời, trên đầu tỏa ánh sáng, đã đưa tay ra nắm lấy tay con bay lên. Sau ba ngày mê man con tỉnh lại, nhưng do bị phản ứng từ việc chuyền máu, vừa tỉnh dậy đã lại phải cấp cứu xử lý tiếp. Sau này bác sỹ nói mạng con lớn lắm, cùng một thời điểm mà hai lần thoát chết trong gang tấc. Mẹ con là một bác sỹ khoa sản cũng kinh ngạc, vì theo bà, sinh nở mà bị nhau tiền đạo là không thể cứu được.

Riêng con, con xác tín rằng nhờ Mẹ Maria bầu cử và nhờ ân phúc của Chúa Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã cứu con. Chồng con cũng xác tín như thế. Lúc con kể lại mọi sự cho anh nghe, anh cho biết: Khi đưa con đi cấp cứu , thấy tay con bắt chuồn chuồn, anh sợ quá nên cứ nắm lấy tay con mà kêu cầu xin Chúa cứu vì còn hai đứa con thơ dại, đứa lên bốn tuổi, đứa mới lên ba, và không ngớt bảo vợ: "em ơi chúng ta có Chúa mà!"

Kể từ đó con đã tin là có Chúa thật sự. Chúa đã cứu thân xác con để trao cho con, cho chồng con, và con cái con sự sống vĩnh cửu của Chúa. Sau này, nhờ sự nâng đỡ của một số bà con giáo dân hướng dẫn giáo lý, con đã hoàn tất việc lãnh nhận tất cả các bí tích cần thiết của ơn gọi”[iv].

Thi sĩ Hàn Mạc Tử cũng đã viết nên những trực cảm thiêng liêng như thế sau mỗi lần cận kề với cái chết. Trần Thanh Mại và Quách Tấn đồng ý “là mỗi lần chàng chết đi sống lại (trong mấy năm bệnh chàng bị chết đi sống lại đến bốn năm lần) là chàng đều cảm thấy có bà Thánh Nữ Đồng Trinh Maria đến cứu”[v]. Theo Quách Tấn thì bài thơ trứ danh “Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh” được viết khi Tử sống lại, trong cảnh đó[vi]:

[.]

Maria ! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan.

Run như run hơi thở chạm tơ vàng...

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn tríu mến.

...

Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ:

Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua;

Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,

Và trong tay nắm một nạm hào quang...

[.]

Kinh nghiệm tôn giáo, xét như một dạng tri thức, không phải là sản phẩm suy tưởng của các triết gia, mà là một sự vật lộn với Đấng mà ta gặp gỡ như Thiên Chúa của Abraham, của Issac, của Giacob… của Phêrô, của Phaolô, của Gioan Phaolô II v.v… của các bà phước tận tụy hy sinh trong trại cùi, của ông Lê Bảo Tịnh thà chịu chết chứ không chịu chối Chúa, của cậu Đôminicô Saviô còn bé mà đã có đời sống hơn người v.v… nghĩa là của các chứng nhân đã “vấp phải”, đã “đụng phải” chính Ngài trong sự hiện hữu của Ngài[vii]. Thật vậy, phần lớn những người theo đạo là do vấp phải những đau thương mất mát mà chính mình không thể hóa giải được chứ không phải do học hiểu nhiều về giáo lý. Một sự đụng chạm thiêng liêng nào đó làm bừng tỉnh lương tri con người, hay nói cách khác, đó là những khải thị thiêng liêng, những mặc khải thần linh mà Thiên Chúa muốn dùng “để biểu lộ và thông ban chính mình cũng như ý định muôn đời của Ngài liên quan đến việc cứu rỗi nhân loại, nghĩa là để cho con người được tham dự vào các ân phúc siêu nhiên hoàn toàn vượt quá trí hiểu loài người”[viii].

Kinh nghiệm tôn giáo với nội dung đức tin Kitô giáo

Tuy nhiên, kinh nghiệm ấy cũng sẽ trở thành những câu chuyện huyền thoại nếu không có một thứ ngôn ngữ phù hợp để diễn tả và thông truyền cho người khác, cho thế hệ khác. Đây chính là nội dung căn bản của Kinh Thánh hiểu như là cuốn sách ghi lại những kinh nghiệm tôn giáo. Thật vậy, theo Gerard O’Collins trong Fundamental Theology: “Việc khách quan hóa những kinh nghiệm ấy không phải là điều thứ yếu. Bản thân con người không thể sống nhờ một kinh nghiệm nào đó mà lại không khái niệm hóa, nội tâm hóa hoặc diễn tả những kinh nghiệm ấy ra… Không diễn tả kinh nghiệm ấy ra, kinh nghiệm sẽ không có ý nghĩa và cách chủ yếu vẫn không hoàn hảo”[ix].

Người ta đã dùng nhiều từ ngữ để cố gắng, tới được chừng nào hay chừng ấy, mô tả các cảm xúc, và trình bày các ý tưởng gần giống “cái thiêng liêng” mà bản thân mình vừa chứng nghiệm một cách riêng tư: cái thiện, cái dịu dàng, cái thanh khiết, cái bên kia, cái đó, v.v…, nhưng trong những từ ngữ ấy, không cái nào thật sự diễn tả trung thực “cái thiêng liêng” ấy. Quả vậy, ngôn ngữ không phải là phương tiện duy nhất để diễn tả kinh nghiệm. Cũng theo Gerard O’Collins trong Fundamental Theology: “… quá nhấn mạnh đến lời thành văn hoặc truyền khẩu là điều dễ dãi cách nguy hiểm”, bởi vì “ngoài các bản văn ra, khoa điêu khắc, hội họa và phụng vụ Hội thánh cùng với những nghi lễ và các biểu tượng và, thật ra toàn bộ lối sống của một ai đó, đều là một trong nhiều cách để người ta diễn tả kinh nghiệm của mình. Các biểu tượng không lời và những công thức nghi lễ của kinh nghiệm có thể truyền thông cách tốt hơn là việc bày tỏ thuần túy bằng lời nói. Việc khách quan hóa kinh nghiệm xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau và nhờ nhiều dòng chảy khác nhau”[x]. Gerard O’Collins muốn nói đến dòng chảy Truyền Thống. Trong Kitô giáo dòng chảy ấy “âm thầm len lỏi vào các hình thức tương hợp với bản chất của nó và với những vai trò khác nhau trong các cộng đồng tín hữu: Từ các câu chuyện về Chúa Giêsu đến những lời tuyên xưng đức tin, từ các định thức phụng vụ đến các lời kinh chung và các vãn ca của tín hữu, từ các quy luật sống của Chúa Giêsu đến những lược đồ bài giảng rửa tội”[xi].

Tuy nhiên, truyền thống mang chở những kinh nghiệm tôn giáo trải ra trong dòng lịch sử và được lưu ký qua các bản văn sẽ dễ biến thành những dòng thác cuộn chảy vô lối nếu không có sự uốn dòng, chỉnh lối của một “cơ quan có thẩm quyền” đảm nhận các công việc thông các phương pháp chú giải. Trong Kitô giáo, dân Chúa không chỉ là một đám người tin vào một cuốn sách, và truyền thống sống động ấy cũng không lưu truyền qua một tập thể vô danh, nhưng trong một xã hội có tổ chức, có cơ cấu và có phẩm trật để từ đó phát sinh những văn bản chính lục. Gerard O’Collins trong Fundamental Theology cũng chỉ cho chúng ta thấy “các tín hữu không chỉ dấn thân cách tin tưởng cho mối tương quan đích thân với Đức Kitô mà còn tuyên xưng việc Thiên Chúa tự truyền thông chính mình, họ kinh nghiệm được trong Người. Họ đáp lại mặc khải dứt khoát ấy của Thiên Chúa bằng cách diễn tả và làm thành công thức kinh nghiệm đức tin của họ. Theo cách diễn tả thứ nhất, các thành viên của huấn quyền thuộc về Hội thánh tin và tuyên xưng ấy. Nhưng các ngài cũng giúp diễn tả đức tin chung cách hữu hình trọn vẹn và có thẩm quyền. Nơi bộ phận các tín hữu nói chung, huấn quyền có được tính hữu hình và rõ ràng khi thiết lập các công thức về vấn đề đức tin”. Huấn quyền này như một mô hình xã hội không chỉ là một tổ chức nhân loại thuần túy nhưng “chính là thân thể Chúa Kitô, được Thần Khí hướng dẫn”, vì thế nó “không thay thế vai trò của Chúa Thánh Thần cũng không xén bớt quyền ưu tiên trọn vẹn của toàn cộng đoàn”. Nhưng “huấn quyền ấy phục vụ Hội thánh với tư cách là những công cụ được Thiên Chúa tuyển chọn để chuyển giao việc tuyên xưng đức tin cách chủ yếu, vì huấn quyền ấy luôn làm cho các kinh nghiệm căn bản và các niềm tin của Kitô giáo sống động hoặc sống động lại nơi các Kitô hữu và luôn dẫn họ tới một cuộc sống Kitô hữu trọn vẹn hơn”. Theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II, “Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được ủy thác riêng cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, một quyền hạn được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô”[xii] với một mục đích duy nhất là làm cho mặc khải cứu độ đến được với mọi thế hệ mới.

Trên bình diện luân lý, không ai chối cãi rằng Kitô giáo đã tiếp nhận rất nhiều giáo huấn từ những nền văn hóa, tôn giáo khác nhau trên thế giới (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 44; Sắc lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo số 22). Điều này không những chỉ đúng với quá khứ, như đối với văn hóa Do Thái, Hy Lạp, La Mã, hoặc tại Á Châu, cụ thể như trong phần khuyến thiện nơi các thư của thánh Phaolô danh sách các nhân đức và tội lỗi được lấy chủ yếu từ nền văn hóa hay luân lý đương thời; nhưng cũng đúng cho thời hiện đại nữa, chẳng hạn ý thức về nhân quyền, sự bình đẳng giữa các công dân[xiii]. Như vậy, hiển nhiên là giữa kinh nghiệm tôn giáo nói chung với nội dung đức tin Kitô giáo luôn có các mối tương quan mật thiết thông qua những định chế nhằm tái xác lập một cách rõ ràng minh nhiên đức tin Kitô giáo./.

 

Giuse Trần Văn Học, K.11


[i] Gerard O’Collins, Thần học căn bản, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ, NXB Tôn giáo 2011

[ii] Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Dẫn vào siêu hình học

[iii] Trích trong cuốn Triết học tôn giáo của Nguyễn Ước

[iv] Trăng Thập Tự, Có một vườn thơ đạo, tập 4, trang 120.

[v] Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, Tân Việt tái bản, Sài Gòn, 1957.

[vi] Trần Thanh Mại, Hàn Mạc Tử, Tân Việt tái bản, Sài Gòn, 1957.

[vii] Nguyễn Khắc Dương, Đức tin và Lý trí

[viii] Hiến chế Mạc khải, số 6

[ix] Gerard O’Collins, Thần học căn bản, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ, NXB Tôn giáo 2011

[x] Gerard O’Collins, Thần học căn bản, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông chuyển ngữ, NXB Tôn giáo 2011

[xi] Điển ngữ Thần học Thánh kinh, quyển II

[xii] Hiến chế Dei Verbum, số 10

[xiii] Kim Thao, Những đặc trưng của luân lý Kitô giáo, Thời sự Thần học, số 2

Nguồn tin: