Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Luca, Mátthêu, Thư Hípri Và Gioan

Tue,04/02/2020
Lượt xem: 3099

 

Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Luca, Mátthêu, Thư Hípri Và Gioan

 

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

“Con được thấy và nhìm ngắm Ba Ngôi Thiên Chúa ở trên ngai tòa vinh quang hay trên tòa uy linh thần linh” (Ignatiô Loyola, Linh Thao).

 

 

Trong phần này, chúng ta sẽ cố gắng nghiên cứu những chứng tá từ Tân Ước về sự phát triển của giáo huấn Ba Ngôi. Mục đích của phần này không phải là nghiên cứu và tìm hiểu hết những gì mà Tân Ước nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng là làm sáng tỏ một số chủ đề chính yếu trong những tác giả Tân Ước mà chúng đã trở thành nền tảng của niềm tin Ba Ngôi và việc thực hành niền tin trong lịch sử.

1. Tin Mừng Luca và sách Công Vụ Tông Đồ

Chúng ta hãy tìm hiểu một số công thức về Ba Ngôi ở trong Tin Mừng Luca và trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trước hết, cùng với Mátthêu, Luca trích dẫn nguồn Q nói về sự hiểu biết thân mật và hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, rồi tương tự như thế theo cách thức đó, ngài giới thiệu về Chúa Thánh Thần:

“Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Lc 10,21-22; x. Mt 11,25-27).

Luca cũng ghi lại chứng tá của Chúa Giêsu về chính mình và về vai trò của Người trong việc mang lại ơn cứu độ chung cuộc cho con người, một vai trò được diễn tả bằng hạn từ “Con Người:”

“Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8-9; x. Mt 11,25-27).

Ơn cứu độ chung cuộc của con người với Thiên Chúa phụ thuộc vào tương quan hiện tại của họ với Chúa Giêsu. Ở đây, chức năng của Chúa Giêsu được đề cao, còn căn tính thì ít được chú trọng hơn, chỉ được hiểu một cách mặc nhiên. Trước những chỉ trích của những người Do Thái về việc Người làm bạn với phường thu thuế và quân tội lỗi, Chúa Giêsu phản biện bằng cách kể cho họ nghe dụ ngôn về người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32). Hiển nhiên, Luca gán cho Chúa Giêsu và Chúa Cha cùng một tình yêu, một thái độ nhân hậu và tha thứ đối với những người tội lỗi. Với việc trích dẫn từ nguồn Q và dụ ngôn về người cha nhân hậu (được dẫn nhập bởi hai dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người hoang đàng và tội lỗi (x. Lc 15,3-10), trình thuật này gợi lên câu hỏi như: Luca nghĩ Chúa Giêsu là ai? Luca nghĩ gì về tương quan giữa Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần? Nhờ những trình thuật này và ba dụ ngôn mà chúng ta có thể cho rằng chúng đã hiện hữu từ thời điểm Chúa Giêsu đang còn ở trần gian; chúng đặt ra những câu hỏi tương tự liên quan đến ý thức của Chúa Giêsu về căn tính của mình và tương quan với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Như chúng ta đã đề cập ở phần trước rằng trong cái nhìn của Luca, Chúa Giêsu lịch sử luôn sống trong Thánh Thần và là Người mang Thánh Thần. Nhưng Chúa Giêsu cũng nắm giữ quyền năng thần linh với tư cách là Đấng Đồng Sai (Co-Sender) của Thánh Thánh. Người đóng vai trò này sau khi phục sinh từ cõi chết sống lại.

Trong một huấn từ đầy khôn ngoan đến ngạc nhiên, Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người rằng:

“Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).

Luca nhắc lại lệnh truyền này trong chương đầu của sách Công Vụ Tông Đồ và một số nơi khác:

“Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,4-5).

Trong trường hợp đầu, Luca chỉ dùng hạn từ “từ trời cao ban xuống” để che dấu nguồn mạch phát xuất từ Đấng mà mọi quyền năng sẽ được ban cho Người. Trong trường hợp sau, Chúa Thánh Thần được gọi là “điều Chúa Cha hứa.” Trong biến cố này, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, Chúa Giêsu phục sinh cũng tham dự vào hoạt động thần linh trong việc tuôn đổ Thánh Thần xuống cho Giáo Hội. Cả hai trình thuật đều gọi Thánh Thần với một cách thức ít tính cá vị: như là “sức mạnh” và là “lời hứa.” Điều này sẽ được trình bày trong phần tới khi nói về “quà tặng của Chúa Thánh Thần” (Cv 2,38: “Quà tặng đó chính là Thánh Thần”). Một thư được gán cho Phaolô là thư Thêxalônica viết về “quà tặng của Chúa Kitô.” Điều này có thể gây khó hiểu đối với lời hứa được nói trong Cv 1,5 về việc “chịu phép rửa trong Thánh Thần.” Sau đó, Luca 3,6 nói về phép rửa “bằng Thánh Thần và bằng lửa.” Nhưng Cv 1,5 không nhắc lại câu này. Trong biến cố Hiện Xuống, lưỡi lửa là biểu tượng của việc Chúa Thánh Thần được đổ xuống cho Giáo Hội một cách dồi dào (x. Cv 2,3).

Hơn nữa, sách Công Vụ Tông Đồ cung cấp một cái nhìn Ba Ngôi về sự phục sinh và một cái nhìn phục sinh về Ba Ngôi. Trong diễn từ Lễ Hiện Xuống, Phêrô giải thích hiện tượng dân chúng vừa trải nghiệm:

“Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,32-33).

Việc sai Thánh Thần xuống không chỉ là quà tặng của Chúa Giêsu, Người đón nhận “từ Chúa Cha” Thánh Thần đã được hứa ban, trước khi tuôn đổ Thánh Thần cho Giáo Hội. Liên quan đến điều này và những trình thuật tương tự trong Công Vụ Tông Đồ, chúng ta có thể hỏi: Luca có phân biệt được tương quan giữa Chúa Thánh Thần, Chúa Cha, và Chúa Giêsu được tôn vinh, Đấng ngự bên “tay hữu Chúa Cha” và là Đấng đồng sai Thánh Thần Thiên Chúa không?

Diễn từ truyền giáo của Phêrô tiếp tục giải thích cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu theo chìa khóa Ba Ngôi:

“Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ítraen ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người. Nghe vậy, họ giận điên lên và muốn giết các ông” (Cv 5,30-32).

Hai đối tượng trong đoạn này cần phải giải thích. Thiên Chúa (Theos) và Chúa Cha trong Cv 2,33 ở đây được đồng hóa với Giavê, Thiên Chúa của cha ông các ngươi (x. Cv 3,13). Vai trò làm chứng của Chúa Thánh Thần được làm nổi bật theo một cách thế cá vị hơn. Khi trình thuật về luồng gió quyền năng và lưỡi lửa trong Cv 2,1-4, tác giả không phải là lờ đi hay loại trừ những ý nghĩa cá vị (personal) của Chúa Thánh Thần. Nói cho cùng, “lửa” biểu tượng cho sự hiện diện và vinh quang của Thiên Chúa (Ga 15,17; Xh 3,2; 19,18; Tv 104,4; Ed 1,4.13.14.27; Hr 12,29). Việc đồng hóa Thiên Chúa với “gió” (Tv 104,3-4; Ed 1,4) và “lửa” mang lại một viễn cảnh năng động thần linh hơn so với việc gọi Thiên Chúa như là “Tảng Đá của tôi” hay là “khiên che thuẫn đỡ của tôi.” Tuy nhiên, vai trò làm chứng của Chúa Thánh Thần là một hoạt động mang tính cá vị rõ ràng hơn cả.

Trong cái nhìn của Luca, Chúa Giêsu phục sinh cần được rút ra khỏi khung cảnh hữu hình trước việc Chúa Thánh Thần được sai đến. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Chúa đã đi xa, nói đúng hơn Người đang ở trong một thế giới hoàn toàn mới mẻ và khác biệt. Người vẫn ở lại một cách sống động, dẫu vô hình, nhưng luôn hiện diện trong và cho Giáo Hội. Ở đây, những phân biệt có thể được coi là không rõ ràng. Luca có thể di chuyển từ những trường hợp được hướng dẫn liên lỉ bởi Chúa Phục Sinh (x. Cv 9,10-16; 18,9-10; 22,17-21) tới những trường hợp được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần (x. Cv 16,7). Có phải Luca hiểu ở đây Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Giêsu, bằng cách này hay cách khác, Thần Khí là Đấng ở trong Chúa Giêsu hoặc là Thần Khí đưa chúng ta tới Chúa Giêsu chăng? Có phải Chúa Giêsu Phục Sinh và Thánh Thần thay đổi cho nhau chăng? Liên quan đến việc Chúa Thánh Thần ngự đến, Luca phân biệt Chúa Giêsu như là Đấng đồng sai Chúa Thánh Thần là Đấng được sai hoặc được tuôn đổ (x. Lc 24,49; Cv 2,33). Nhưng trong sự phát triển và đời sống của cộng đoàn sơ khai, Luca thường quy chiếu đến sự hướng dẫn quyền năng của Chúa Giêsu và của Thánh Thần theo một cách thế xem ra không có phân biệt với nhau.

Sự hướng dẫn trung thành và vững bền như thế một cách vô tình làm nổi bật đặc tính cá vị của Chúa Thánh Thần. Chỉ những chủ vị có thể hướng dẫn những chủ vị khác. Vì thế, ở đây, Chúa Thánh Thần tỏ ra như là một chủ vị ngang hàng với chính Chúa Giêsu.

Trong chương cuối, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao Phaolô ít gọi Thần Khí của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần thường xuyên hơn: chỉ có 13 lần trong bảy thư được cho là do chính tác giả trực tiếp viết ra. Tin Mừng Gioan nói về Thần Khí (the Spirit) 20 lần nhưng nói về Chúa Thánh Thần (the Holy Spirit) chỉ có 4 lần. Tuy nhiên, trong Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ của mình, Luca quy chiếu 54 lần cho Chúa Thánh Thần. Ngay từ ban đầu, Luca cho thấy ngài thích nói về Chúa Thánh Thần không chỉ trong chương đầu (Lc 1,15.35.42), nhưng còn trong trình thuật về phép rửa của Chúa Giêsu. Ở đây, ngài thay đổi tên gọi Thần Khí trong Máccô (Mc 1,10) thành Chúa Thánh Thần (Lc 3,22). Sự quy chiếu của Luca giúp giải quyết vấn đề tên gọi truyền thống đối với ngôi vị thứ ba là Chúa Thánh Thần hơn là Thần Khí. Có phải việc sử dụng của Luca có dụng ý nhấn mạnh đến căn tính phân biệt, khác biệt, cá vị về Thần Khí, hoặc có phải tác giả muốn nhấn mạnh rằng việc tuôn đổ Thần Khí và ban sức mạnh nội tâm cho dân sẽ không loại bỏ tính tha thể siêu việt và sự thánh thiện của Thần Khí như là Thần Khí của Thiên Chúa hay từ Thiên Chúa chăng?

Có lẽ việc sử dụng này muốn diễn tả rằng mục đích trung tâm mà sứ vụ của Chúa Thánh Thần hướng tới là trở thành nguồn mạch của sự thánh thiện qua việc làm triển nở những đức tính thánh thiện nơi tâm hồn con người và như thế kiến tạo nên những con người thực sự thánh thiện. Phải chăng vì thế mà Luca muốn phân biệt Chúa Thánh Thần với những thần khí khác (và cả ma quỷ), vốn được tin rằng chúng ở xung quanh thế giới dân ngoại không (1 Tx 4,1; Gl 4,3; Ep 2,1; Cl 2,8)? Bất luận vì bất cứ lý do nào trong Luca hoặc lẫn lộn những lý do khác ngoài Luca, hạn từ của ngài về Chúa Thánh Thần sẽ là nền tảng để thiết lập nên Kinh Tin Kính cổ nhất và được đưa vào phụng vụ của Giáo Hội sơ khai như là một hạn từ quan trọng trong tiến trình mạc khải Ba Ngôi.

Điều mà chúng ta không tìm thấy trong các trước tác của Luca là một công thức mang chiều kích Ba Ngôi cho phép rửa. Sách Công Vụ Tông Đồ miêu tả các tín hữu đầu tiên chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu và quà tặng Thánh Thần được ban cho họ nhờ phép rửa. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô mời gọi các thính giả của ngài:

“Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38).

Luca viết về quà tặng của Chúa Thánh Thần như là ơn đi kèm trong phép rửa nhân danh Chúa Giêsu (Cv 8,14-17; 19,1-7) và như là sự dẫn vào phép rửa nhân danh Chúa Giêsu (Cv 10,44-48). Mặc dầu những đoạn này nối kết Chúa Giêsu với Thánh Thần trong bối cảnh của phép rửa. Tuy nhiên, Chúa Cha không được giới thiệu ở đây, nên vẫn còn ít công thức Ba Ngôi cho phép rửa trong Luca.

Cũng thế, các thư của Phaolô có âm hưởng của việc cử hành phép rửa “trong” hay “nhân danh Chúa Giêsu” (x. 1 Cr 1,15), khi ngài trình bày phép rửa như là một sự cử hành thuộc bí tích của ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày Chúa Nhật Phục Sinh:

“Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Ở đây, “vinh quang Chúa Cha” (hoặc quyền năng vinh hiển của Chúa Cha) liên kết phép rửa với Ngôi Thứ Nhất trong Ba Ngôi. Một cách ngẫu nhiên, thánh Tông Đồ đồng hóa Chúa Thánh Thần với phép rửa (1 Cr 6,11; 12,13). Trong phần đầu của những đoạn này, chẳng hạn khi khẩn cầu “Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11), Phaolô tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, nhưng ở những nơi khác, ngài liên kết lời tuyên xưng Ba Ngôi như thế với bí tích rửa tội. Đây là điều mà Mátthêu đã làm khi ngài đặt trên môi miệng của Chúa Giêsu công thức Ba Ngôi:

“Anh em hãy làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ, và làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

2. Tin Mừng Mátthêu

Trật tự và tên gọi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) được tìm thấy trong công thức rửa tội của Mátthêu. Công thức này đã trở thành chuẩn mực cho đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, vượt trên một số điểm phân biệt và giống nhau, công thức làm sáng tỏ một số điểm về tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chỉ cung cấp sự giống nhau rất nhỏ bé về Ba Ngôi Vị trong tương quan của mỗi ngôi vị với các ngôi vị khác, nó giúp phân biệt với sự hiệp nhất của ba hữu thể, ám chỉ sự riêng biệt của từng “tên gọi.” Khác với Phaolô, người không dẫn nhập bằng một tuyên xưng Ba Ngôi như thế, nhưng đã hiểu bí tích rửa tội như là sự tái sinh cách bí tích trong Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, Mátthêu rút ra từ việc thực hành phụng vụ của cộng đoàn mình để làm thành một lời tuyên xưng Ba Ngôi như là trung tâm điểm cho việc trao ban và cử hành phép rửa. Vì thế, ngài không quy chiếu về bất cứ sự hiện tại hóa nào của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô trong phép rửa. Tuy nhiên, trong công thức mà Mátthêu trình bày gợi lên hai điều:

Tác giả muốn nói đến mạc khải về ơn cứu độ và quyền năng của Ba Ngôi đặc biệt liên kết với cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu; đồng thời tác giả xác định nền tảng và tính mới mẻ của đời sống đối với người được rửa tội là mang lại cách dứt khoát những ơn phúc quan trọng từ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Lý do cứu độ học này được lưu giữ mãi trong lịch sử suy tư và tranh luận thần học về Ba Ngôi. Điểm đến của Mátthêu (tuyên xưng về Ba Ngôi giống với phép rửa) trở thành điểm khởi hành cho sự phát triển Kinh Tin Kính như chúng đã xuất hiện trong bối cảnh của phép rửa sau này.

3. Thư gửi tín hữu Hípri

Mặc dầu không chứa đựng một quy chiếu nào liên quan đến phép rửa, thư Hípri cống hiến một chứng tá rất phong phú cho niềm tin Ba Ngôi theo một cách thế vượt trên điều chúng ta đã đề cập ở nơi Phaolô. Cùng với các thư của Phaolô, thư Hípri tập trung vào Chúa Kitô, hòa hợp cách tuyệt vời nền tảng Kitô học và Cứu Độ học (hay Chúa Chúa Kitô là ai và Chúa Kitô vì ai?); Phát triển một nền thần học về thập giá và bao hàm một số yếu tố cho nền Kitô học về sự tiền hữu của Chúa Kitô. Thư Hípri khác biệt với các thư Phaolô nhờ việc không phê bình luật Môsê nhưng là chức linh mục của Lêvi trong hệ thống phụng tự của Cựu Ước. Chúa Giêsu được đề cao nhờ tính nghĩa tử thần linh của Người để trở thành không chỉ Messia uy phong (Hr 1,8-9), nhưng còn là Linh Mục tối cao, Người là “Linh Mục Tối Cao” vì Người là Con Thiên Chúa (Hr 4,14-10,31).

Thư Hípri cũng có sự khác biệt khi cho rằng những gì được đề cập trong Kinh Thánh không như Lời Chúa được viết ra nhưng là những Lời của Ba Ngôi Thiên Chúa nói với con người. Phaolô giới thiệu những trích dẫn từ Kinh Thánh với những đoạn như thể nó được viết ra (x. Rm 9,13.33; 11,8-26; 14,11; Gl 4,27), Kinh Thánh nói (Gl 4,30), Môsê nói (Rm 10,19), Isaia nói (Rm 10,20) hoặc Đavít nói (Rm 11,9). Tuy nhiên, thư Hípri lại đặt những trích dẫn Kinh Thánh trên môi miệng của mỗi Ngôi Vị, Chúa Cha hoặc Chúa Con, hoặc Chúa Thánh Thần; mỗi Ngôi Vị cộng tác với nhau qua những Lời được “nói ra” từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Không phải bất cứ ai cũng được cho phép nói những Lời Kinh Thánh như Môsê đã làm trong Hr 9,19-20. Nhờ việc đặt những bản văn Kinh Thánh lên môi miêng của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thư Hípri đón nhận một cách sống động Kinh Thánh Cựu Ước để trình bày niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong những bản văn rút ra từ Kinh Thánh, Thiên Chúa (Chúa Cha) nói về Chúa Con như là Con (Hr 1,5) và là Chúa (Hr 1,10-12). Trong những lời gửi tới Chúa Con, có một nền Kitô học về vương quyền thần linh và vĩnh cửu (lordship). Ở đây, hữu thể thần linh của Chúa Con rất giống với hữu thể thần linh của Chúa Cha mà ngôn ngữ Cựu Ước đề cập về Giavê (và Chúa Cha) và có thể áp dụng cho Chúa Con. Con Thiên Chúa trong hữu thể của mình, Chúa Giêsu có những vai trò như là tư tế tối cao nhân danh con người. Chúa Cha nói với Người: “Con là linh mục đời đời” (x. Hr 7,17.21). Rồi Chúa Con nói với Thiên Chúa Cha rằng:

“Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (Hr 2,12).

Đặc biệt hơn, khi Ngài đến trong thế giới này, Chúa Con nói với Chúa Cha:

“Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hr 10,5-7).

Cuối cùng, thư Hípri đặt những lời Kinh Thánh trên môi miệng của Chúa Thánh Thần: “Vì thế, như lời Thánh Thần phán:

“Ngay hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc...” (Hr 3,7-11; x. 10,15-17).

Tóm lại, thư Hípri rút ra từ những bản Kinh Thánh giáo huấn Ba Ngôi, biến chúng thành những lời trực tiếp của Thiên Chúa, Người nói với Chúa Con và với chúng ta trong Chúa Con (Hr 1,2), Chúa Con nói với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần làm chứng cho chúng ta. Mạc khải ơn cứu độ trong lịch sử được nói ra cách trọng thể trong những đoạn mở đầu (Hr 1,1-4) không làm gì hơn là tiếp tục ad extra (ngoại tại) thông ban điều hiện hữu ad intra (nội tại) giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một sự thông truyền mà thư Hípri táo bạo để cho người đọc như được nghe trực tiếp những lời đó trong Kinh Thánh.

thư Hípri giống với Luca và Mátthêu trong điều này là trình bày mạc khải cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh của cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Nó có khác biệt ngôn ngữ theo kiểu dẫn vào đền thánh trên trời (Hr 4,14; 6,20; 9,12.24) và ngôn ngữ thiên đàng (Hr 1,3; 8,1; 10,12; 12,2) được ưu tiên hơn ngôn ngữ phục sinh của Người từ cõi chết sống lại (Hr 13,20).

4. Những trước tác của Gioan

Khi trở lại với chủ đề Ba Ngôi trong các trước tác của Gioan, chúng ta thấy Gioan sử dụng rất nhiều lần hạn từ Cha/Con. Chẳng hạn, Tin Mừng Gioan gọi Chúa Giêsu là Con 17 lần và gọi Con Thiên Chúa 9 lần. Trong căn tính và sứ vụ của Người như là Con, Chúa Giêsu là Đấng Mạc Khải thần linh của Thiên Chúa Cha. Chúng ta cũng thấy tước hiệu thuộc Kitô học - Logos hay là Ngôi Lời đã trở thành một tước hiệu trung tâm và cao cả đối với những thế kỷ sau.

Trong Lời Tựa (prologue), sự mô tả của Gioan về Ngôi Lời cho thấy có sự tương tự rất ý nghĩa với điều được nói về Bà Chúa Khôn Ngoan trong sách Châm Ngôn 8,22-31 và sách Huấn Ca 24,1-2. Thật vậy, Lời Tựa này nói về Ngôi Lời, không phải là Khôn Ngoan, trở thành nhục thể và không đi theo sách Barúc khi nói rằng: “Đức Khôn Ngoan đã xuất hiện trên trái đất và sống ở giữa loài người” (Br 3,37). Tác giả Tin Mừng phát triển chủ đề Con Thiên Chúa như là Đấng Mạc Khải mang đến sự tự mạc khải thần linh (Ga 1,18); Người là Logos, như là Lời sống động hoặc đây là sự diễn tả thuộc lý trí hơn là tư tưởng thuần túy hoặc ý nghĩa chỉ ở trong lý trí thôi. Khi tập trung trong một trích đoạn kinh điển về những gì “Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nhờ Thánh Thần” (1 Cr 2,10), Phaolô viết về Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa được ẩn dấu và mạc khải (1 Cr 1,17-2,13). Mặc dầu đã có sẵn ngôn ngữ dễ hiểu về khôn ngoan, Gioan nói về “Ngôi Lời” (Ga 1,1-14; x. 1 Ga 1,1; Kh 19,13). Phần Lời Tựa của Tin Mừng Thứ Tư quả quyết sự tiền hữu của Ngôi Lời: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời đã ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

Tại sao Gioan đã chọn Logos – Lời mà không chọn Khôn Ngoan? Có một số nhận định có thể trái chiều nhau. Trước hết, khi Sophia được nhân cách hóa như là Bà Chúa Khôn Ngoan (xem phần trên), xem ra có thể rất lúng túng để nói về một nhân vật nữ “trở thành nhục thể” trong khi Chúa Giêsu là đàn ông. Thứ đến, cũng với những chủ đề khác, Khôn Ngoan được miêu tả như là một người phụ nữ đẹp lộng lẫy mà vua Salomon tìm kiếm để làm vợ mình (Kn 8,2.9.16). Hình ảnh Tân Ước đã phát triển trước khi việc biên soạn cuối cùng của Tin Mừng Gioan mô tả Chúa Giêsu đóng vai trò của Salomon hơn là vai trò của Khôn Ngoan: Người là hôn phu tìm kiếm và chăm sóc người vợ của mình là Giáo Hội (x. Ep 5,25-27).

Thứ nhất, trong văn hóa Do Thái Giáo Hy Lạp, luật Môsê đã được đồng hóa với Khôn Ngoan (Hc 24,23; Br 4,1-4) và đã công nhận những đặc tính của nàng. Nếu loan báo rằng “Khôn Ngoan là Thiên Chúa và đã làm người” có thể cảm thấy như gợi ý rằng “Torah là Thiên Chúa và đã làm người.” Trong một thời gian, các Kitô hữu đã đồng hóa Con Thiên Chúa và Logos với lề luật. Nhưng không chỉ Gioan mà tất cả tác giả Tân Ước khác đều đã đồng hóa Chúa Kitô với Torah.

Thứ hai, Phaolô, Luca (đặc biệt trong Công Vụ Tông Đồ), và những chứng nhân Tân Ước khác đã chuẩn bị con đường cho Lời Tựa của Gioan bằng việc sử dụng Logos cho mạc khải của Thiên Chúa nhờ Đức Kitô. Như J. D. G Dunn có lý khi nói, khung cảnh cho sự chọn lựa Logos của Gioan được tìm thấy trong những cuốn sách rất cổ kính của Tân Ước và không chỉ trong Cựu Ước, Philo, mà còn những nguồn khác như thế.

Cả trong thời đại Tân Ước và sau này, Logos của Gioan đã mang lại một khả thể về Ba Ngôi rất phong phú. Trước hết, nó mang lại khả năng về sự đồng hóa và sự phân biệt. Nói cách khác, Lời phát xuất từ một người nói; là một dạng thức nới rộng của người nói, theo một nghĩa nào đó, chúng đồng hóa với người nói (Lời là Thiên Chúa). Mặt khác, Lời phân biệt với người nói ra (Ngôi Lời ở với và ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa). Như thế, Chúa Kitô đã và sẽ được đồng hóa với Giavê và cũng phân biệt với Giavê. Thứ đến, Thiên Chúa đang nói Lời thần linh luôn mãi (trong và từ lúc khởi đầu); Ngôi Lời “là” Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, Lời mở ra suy tư về sự tiền hữu cá vị và đời đời của Ngôi Lời – Chúa Con. Thiên Chúa không bao giờ hiện hữu mà không có Ngôi Lời.

Thứ ba, chúng ta không cần John Osborne và những tác giả hiện đại khác nhắc nhở về sự kiện là Lời mạc khải người nói. Một cách tồi tệ hay hạnh phúc, những lời nói diễn tả điều ở trong tư tưởng chúng ta và trong trái tim chúng ta. Trong Cựu Ước, Lời Chúa thường xuyên biểu thị mạc khải của Thiên Chúa và ý định thần linh của Người. Tin Mừng Gioan có thể di chuyển cách nhẹ nhàng từ ngôn ngữ của Ngôi Lời sang việc tập trung “Chúa Con là Đấng mạc khải Chúa Cha (Ga 1,18). Ngôi Lời mang lại ánh sáng cho mỗi người đến với Lời Chúa (Ga 1,9), một chủ đề sớm được phát triển, với sự giúp đỡ của Philo, Tân Platon (Middle Platonic), và tư tưởng nhóm Ngộ Đạo, nhờ Giustinô, Origene và các tác giả khác.

Với tư cách là Con Thiên Chúa được sai xuống từ Chúa Cha, hoặc là Con Người đến từ trời, trong một cách thế độc nhất và khác biệt, Chúa Giêsu loan truyền sự hiểu biết trên trời và Người cũng là như thế theo một cách thức mà nó giải thoát và nuôi dưỡng nhân loại. Ngôi Lời của mạc khải đang giải thoát chân lý (Ga 8,32) và là bánh hằng sống (Ga 6,25-59).

Những tín hữu sơ khai nêu lên vấn nạn về sự tự mạc khải của Ba Ngôi Thiên Chúa cho những người không phải là Kitô hữu. Ở đây, từ Logos nhanh chóng được cung cấp để giúp đỡ. Trong tác phẩm đầu tiên Apology, Giustinô viết:

“Chúng ta đã được dạy rằng Chúa Kitô là Con Một của Thiên Chúa và Người là Ngôi Lời (Logos) mà toàn thể nhân loại tham dự vào. Những ai đã sống theo Lời là những Kitô hữu, dẫu họ được coi là vô thần: chẳng hạn, giữa những người Hy Lạp, như Socrates, Heraclitus và những người khác như họ” (46, 1-4).

Ở đâu có Lời hay Logos, ở đó có ánh sáng đích thực và sự hiểu biết tinh tuyền về Thiên Chúa. Giống như Giustinô, Origene nhận biết điều này đã xảy ra làm sao trên và trước Kitô giáo:

“Không đúng khi cho rằng những tia sáng của Thiên Chúa được chứa đựng trong con người này (Chúa Giêsu) mà thôi... hoặc Ánh Sáng vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa, là nguồn gốc của ánh sáng đó, hiện hữu không ở nơi nào khác nữa... Chúng ta phải thận trọng khi nêu lên những chống đối đối với bất cứ giáo huấn tốt lành nào, mặc dù các tác giả của họ ở ngoài đức tin” (Contra Celsum 7,17).

Thứ tư, giáo huấn Logos của Gioan đã mở ra một con đường cho các Kitô hữu không chỉ để nhận biết sự ảnh hưởng của Logos trên Kitô giáo nhưng còn để đối thoại với những tư tưởng gia không Kitô giáo. Đây là những ai được bao gồm: Do Thái giáo, phái Platon, nhóm Khắc Kỷ có tư tưởng về Logos, có thể tìm thấy theo một mức độ nào đó một mảnh đất cùng với Kitô hữu, tuy nhiên, chúng ta luôn giữ sự phân biệt đức tin với họ khi tin rằng “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể.” Trong thế giới cổ đại, quan niệm về Logos có lẽ đã mang lại một chiếc cầu hiệu quả cho nền văn hóa đương thời hơn là quan niệm về “Khôn Ngoan” hoặc “Đức Khôn Ngoan.”

Cuối cùng, khi Gioan và các Kitô hữu Tân Ước gọi Đức Giêsu chịu đóng đanh và phục sinh là Ngôi Lời (và là Khôn Ngoan) của Thiên Chúa, họ không chỉ diễn tả căn tính thần linh của Người nhưng còn lôi kéo sự chú ý tới sự kiện mà đức tin của họ không đơn thuần quay lại với việc nhập thể hoặc với tiền lịch sử của Chúa Giêsu trong ơn gọi và lịch sử của dân Do Thái. Nhờ quan niệm rằng toàn thể thế giới được tạo dựng nhờ Đức Khôn Ngoan thần linh và Ngôi Lời (Ga 1,3.10; 1 Cr 8,6; Cl 1,16; Hr 1,2), họ giải thích Chúa Giêsu như là tác nhân thần linh của mọi loài thụ tạo, Đấng có quyền năng từ khi khởi đầu, mang một dung mạo trong Ba Ngôi hoặc ít ra là một Đấng trong Hai Ngôi. Không có chứng tá Tân Ước nào liên quan đến công trình tạo thành của thế giới được biệt quy cho hành vi của Chúa Thánh Thần. Quả thế, nhiều lần Tân Ước lôi kéo sự chú ý tới công trình sáng tạo của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 12,1-11) cho đời sống mới của các tín hữu trong Chúa Kitô, mà Phaolô gọi là “một cuộc tạo thành mới” (Gl 6,15), một công trình thần linh mà nó tương tự với công trình tạo dựng thế giới ban đầu.

Có điều gì liên quan đến Chúa Thánh Thần trong chứng tá của Gioan nữa không? Theo Gioan, Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Giêsu, được sai bởi Chúa Giêsu, hoặc được tuôn đổ bởi Chúa Giêsu (x. Ga 7,39; 15,26; 19,30-34; 20,22). Đồng thời, việc sai hoặc ban Thánh Thần không chỉ liên quan đến Chúa Giêsu mà thôi, mà còn lệ thuộc vào Chúa Cha như Đấng thực hiện tiến trình nhiệm xuất nguyên khởi và nội tại trong Ba Ngôi:

“Khi Thần Chân Lý đến, Đấng mà Thầy sẽ sai xuống cho anh em từ (para) Chúa Cha, Thần Khí của sự thật phát xuất (proceed) từ (para) Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).

Gioan cũng nói về Chúa Cha là Đấng ban Thánh Thần (Ga 14,16-17) hoặc Chúa Cha sai Thánh Thần xuống (Ga 14,26), mặc dầu đó là sự trả lời cho lời cầu xin của Chúa Giêsu và nhân danh của Chúa Giêsu. Hơn nữa, tác giả Tin Mừng đồng hóa Thánh Thần không chỉ với việc làm chứng cho Chúa Giêsu (Ga 15,26; 1 Ga 5,7-8) nhưng còn với sự tái sinh và đời sống mới (Ga 3,5-8; 4,10.14; 7,37-39), với chân lý và giáo huấn (Ga 14,16-17,26; 16,13-15), với sứ vụ và ơn tha thứ các tội lỗi (Ga 20,22-23).

Cho dù việc ngự đến của Chúa Thánh Thần (Ga 14,16-17.25) hình như chỉ xuất hiện với sự trở về của Chúa Giêsu (Ga 14,3.23.28), trong Tin Mừng Gioan, Chúa Thánh Thần không được đồng hóa với Chúa Giêsu nhưng Người nắm giữ một căn tính riêng. Mặc dầu cả Chúa Giêsu (1 Ga 2,1) và Chúa Thánh Thần (Ga 14,26; 15,26; 16,7) được gọi là Đấng Bảo Trợ, Chúa Thánh Thần mang một tước hiệu là Đấng Bảo Trợ khác (Ga 14,16). Chúa Giêsu được gọi là Chân Lý (Ga 14,6) nhưng không là Thánh Thần chân lý (Ga 14,17). Ngôn ngữ thuộc ngôi vị được áp dụng cho Chúa Thánh Thần (x. “được sai, đến, làm chứng và dạy”) mang lại một số ý nghĩa đặc biệt về một ngôi vị được làm nổi bật. Đặc biệt tước hiệu Đấng Bảo Trợ (Paralectus) là một tước hiệu cho một ngôi vị. Khi dịch những danh hiệu như “Đấng Trợ Giúp, Đấng An Ủi, Trạng Sư, hoặc Cố Vấn,” chúng ta đang sử dụng những hạn từ thuộc ngôi vị.

Trước khi kết thúc việc tìm hiểu Tin Mừng Gioan, chúng ta cũng nên lưu ý rằng chứng tá của Tin Mừng này liên quan đến mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi được xây dựng một cách chắc chắn trong bối cảnh cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu (Ga 13,1-21.25). Ngoài ra, Tin Mừng Thứ Tư cũng làm chứng cho mạc khải này được thông truyền nhờ mầu nhiệm nhập thể (Ga 1,1-18) và sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (Ga 1,19-12.50). Như là Đấng Mặc Khải ngay từ lúc khởi đầu (Ga 1,14), Chúa Giêsu đã mạc khải vinh quang của Thiên Chúa (Ga 17,4). Nhưng tường thuật về Tiệc Ly, tử nạn, và phục sinh trình bày mạc khải Ba Ngôi càng ngày càng rõ ràng hơn, cũng như những gì liên quan đến Chúa Thánh Thần.

 

IV. KẾT LUẬN

Giống như phần đầu, trong phần này, chúng ta đã nghiên cứu mạc khải Ba Ngôi trong bối cảnh của sự phát triển lịch sử và dụng ý khác nhau của mỗi tác giả Tân Ước khi trình bày các bản văn chứa đựng niềm tin Ba Ngôi. Sự tiếp nhận hậu Tân Ước của Kinh Thánh đã đi xa hơn về một số điểm trong chứng tá này. Nó đã không làm theo cách thức khôn ngoan mà thư gửi tín hữu Hípri đã dùng Kinh Thánh Do Thái để làm cho các Ngôi Vị thần linh diễn tả chính mình. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận Ba Ngôi đã chú ý nhiều đến việc thụ thai vô nhiễm và phép rửa của Chúa Giêsu, công thức rửa tội nhân danh Ba Ngôi được thánh Mátthêu cung cấp ở chương 28, hồng ân của Chúa Thánh Thần trong Gioan 19-20 (cùng với vô số những đoạn của Diễn Từ tiễn biệt trong Tin Mừng Gioan), Lời Tựa của Gioan, vịnh ca Kitô học ở trong Philiphê (2,6-11), và cảnh tượng Hiện Xuống trong Công Vụ Tông Đồ chương 2, cũng như khi đọc những đoạn văn của Cựu Ước theo ánh sáng Kitô học và Ba Ngôi học. Những gì của lịch sử về sự tiếp nhận này sẽ được làm sáng tỏ trong phần tới. Phần này chỉ đơn giản muốn biết nhu cầu tìm hiểu sâu rộng về sự tiếp nhận của chứng tá Ba Ngôi từ Kinh Thánh – sự tiếp nhận không chỉ là những đoạn mà phần này đã được nghiên cứu nhưng còn là những phần khác nữa.

 

Nguồn tin: Người Ngư Phủ