Thần Học Là Đức Tin Đi Tìm Hiểu Biết (Fides quaerens intellectum)

Thu,22/11/2018
Lượt xem: 9022

Thần học là gì? Một câu hỏi vắn gọn nhưng xem ra có không ít câu trả lời. Dường như dưới mỗi “lăng kính” đều có cho ta những đáp án khả dĩ, dù có thể chưa phải rốt ráo, viên mãn nhất. Xin được tìm hiểu nơi đây định nghĩa cổ điển của thánh Anselmô (1033-1109) : “Thần học là đức tin đi tìm hiều biết”.
 

Thần học là Đức tin…: thần học khởi đi từ Đức tin

Định nghĩa của thánh Anselmô trước hết làm nổi bật lên nét đặc thù có tính nền tảng của thần học, đó là yếu tố đức tin, yếu tố tiên quyết, làm nên căn tính của thần học.Điều này có nghĩa là một khi loại trừ yếu tố niềm tin, một khi đứng bên ngoài cách hoàn toàn khách quan để “tìm kiếm hiểu biết” thì thần học không còn là chính mình nữa. Thần học phải là một hoạt động của đức tin, hoàn toàn dẫn khởi từ đức tin, được mời gọi, được định hình, được điều hướng bởi đức tin và để nuôi dưỡng, bênh vực, củng cố đức tin.

Quả vậy, thần học (Kitô Giáo) gắn với kinh nghiệm của con người về Thiên Chúa, cách riêng là trong tư cách một cộng đoàn đức tin. Nó là cố gắng nhận hiểu và diễn giải kinh nghiệm đức tin của một cộng đoàn, đưa kinh nghiệm đó vào trong sự diễn đạt bằng ngôn ngữ và biểu tượng.[1] Như thế, thần học được nảy sinh từ chính đức tin và “nhu cầu” được diễn tả của nó. Đồng thời, đức tin định hướng và theo sát tiến trình làm việc của thần học; hay nói khác hơn, đức tin là linh hồn của thần học. Nói đến thần học là chúng ta đã mặc nhiên hàm ý đến đức tin.

Mặt khác, chỉ có đức tin mới giúp thần học gia thực sự đạt tới đối tượng của nghiên cứu thần học: chân lý về Chúa, một chân lý hằng tắm gội toàn thể thực tại trong ánh sáng một ngày mới, dưới lý lẽ của Thiên Chúa. Cũng chính đức tin được tình yêu làm cho sinh động đã đánh thức nơi thần học gia cái năng động thiêng liêng cần thiết để không mệt mỏi thăm dò sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong đa dạng tính phong phú của nó, đã được tỏ lộ phù hợp với mục đích đời đời mà Người đã thực hiện trong Đức Giêsu Kitô (Ep 3,10-11).[2]

Bên cạnh đó, đức tin không những nảy sinh mà con thúc đẩy thần học hành động. Đức Phanxicô nói rằng, vì đức tin là một ánh sáng, nó thúc đẩy chúng ta bước vào chính nó, để khám phá rộng rãi hơn nữa chân trời mà nó soi sáng, để hiểu rõ hơn những gì mà chúng ta yêu thích. Thần học Kitô giáo được sinh ra từ ước muốn này…. Không thể thu gọn Thiên Chúa thành một đối tượng. Ngài là một chủ thể, Đấng mặc khải chính mình và tỏ mình ra trong mối liên hệ giữa người với người. Các tiến sỹ Hội Thánh và các thần học gia vĩ đại thời Trung Cổ đã quả quyết rằng, thần học, như một khoa học của đức tin, là việc thông phần vào sự hiểu biết của chính Thiên Chúa. Do đó, thần học không chỉ là một lời về Thiên Chúa, nhưng trước hết là chấp nhận và tìm kiếm một sự hiểu biết sâu xa hơn về những lời mà Thiên Chúa nói với chúng ta và nói về chính Ngài.[3]

Như vậy, đức tin với thần học, thực sự là một mối liên hệ “sống còn”. Thần học “là một khoa học về đức tin, một môn học không thể được hoàn thành mà lại không có một kinh nghiệm sống động về đức tin và việc thực hành đức tin”.[4] Đức tin là điều kiện cần để làm thần học, nó không bao giờ được phép vắng mặt trong công việc của thần học, nếu không muốn giản lược nó thành một khoa nghiên cứu tôn giáo đơn thuần. “Nếu các ngươi không tin, các ngươi sẽ không hiểu (x. Is 7,9)”.[5] Và, “tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin” (thánh Augustinô).

Nói như thế, hẳn chúng ta “cảm giác” một sự “chật chội” trong nỗ lực tri thức của các thần học gia? Tuy nhiên, đó lại là một sự “căng thẳng ” lành mạnh, hiệu quả và cần thiết, hầu cho thần học không ngừng vươn mình mà vẫn đảm bảo được căn tính, tính chắc thực và khả tín của nó.

Định nghĩa cổ điển của thánh Anselm tìm cách thể hiện yếu tính không thể giản lược được của thần học; đồng thời, cũng cho thấy một khát vọng vươn mãi của đức tin.

Thần học là đức tin đi tìm hiểu biết

Nếu đức tin là một thái độ, một sự xác tín, một sự “hiểu biết” Thiên Chúa,[6] đấng là bất biến nhưng là vô hạn, thì hẳn đức tin ấy không bao giờ là một hằng số; ngược lại, nó luôn chuyển mình, tiến triển, tiệm cận bao nhiêu có thể với huyền nhiệm, vô biên. Hội Thánh cũng “không bao giờ coi đức tin như điều đương nhiên, mà biết rằng hồng ân này của Thiên Chúa cần phải được nuôi dưỡng và củng cố để nó có thể tiếp tục hướng dẫn cuộc hành trình của mình”.[7] Theo định nghĩa của thánh Anselmô trên đây, thì nỗ lực đó là thần học và là công việc của thần học, một công việc không bao giờ lấy làm đủ. Nó trước hết cho thấy khát vọng vươn mình luôn mãi của đức tin và thần học.

Bên cạnh đó, định nghĩa cũng nói lên tính năng động và bản chất tạm thời của thần học. Thần học không cho là mình đã chiếm hữu mọi hiểu biết, nhưng nó là một tiến trình luôn luôn đi tìm sự hiểu biết rộng lớn hơn. Một nền thần học mà không dấn thân tìm kiếm, không ngừng để hiểu biết, thì sẽ thấy mình chỉ còn là một dạng khảo cổ học về tri thức, đào sâu vào quá khứ để phục hồi những ý tưởng cổ xưa, hầu như không để ý đến khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại. Một đàng, thần học mang tính “tạm thời” vì  tùy thuộc vào những gì nó “đang” nghiên cứu (cũng như “hôm nay” của Thánh Kinh là một thực tại kéo dài và mang tính thời sự), còn  các mầu nhiệm mặc khải luôn luôn mở ra cho những hiểu biết cao sâu hơn. Đàng  khác, thần  học cũng phát sinh từ bản chất “tạm thời” của chính sự hiểu biết. Khi nền văn hóa thay đổi, có thể nói, sự hiểu biết cũng thay đổi theo.[8]

Định nghĩa của thánh Anselmô cũng cho thấy rằng, đức tin không phủ nhận lý trí, để xét xem đức tin có hợp lý hay không và hợp lý theo nghĩa nào; và thần học bao hàm việc dùng trí năng và lý luận, tra vấn và trả lời: “tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1,12). Định nghĩa nêu rõ, thần học là một hoạt động khác với lòng đạo đức, tính độc đoán, tính giáo điều và duy tín (đức tin bác bỏ lý lẽ). Thần học là điểm gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, nơi mà mỗi bên phải được biện minh bởi sự phán quyết của bên kia.

Dĩ nhiên trong tiến trình này, sự hiểu biết và lý trí có những nguyên tắc và chuẩn mực riêng, không thể dùng đức tin mà áp đặt một cách độc đoán. Lý trí đòi hỏi các dữ kiện được xác định rõ ràng, một sự sắp xếp hệ thống các vấn đề và các phán đoán dựa trên sự hiển minh. Một khi thần học bỏ những nguyên tắc và chuẩn mực này, nó chỉ còn là chủ trương duy tín mà cuối cùng sẽ đi đến chỗ là đức tin chẳng cần lý lẽ nữa. [9]

Tuy nhiên, chúng ta cũng không ngây ngô và ngạo mạn đi tìm một sự hiểu biết cách thấu tỏ bằng trí hiểu tất cả các chân lý đức tin; bởi lẽ, lý trí có giới hạn của nó. Trong nỗ lực đi tìm hiểu biết của đức tin, thần học phải khởi đi từ thái độ đón nhận của niềm tin. Thánh Anselmo quả quyết rằng: “Tôi không tìm sự hiểu biết để tin nhưng tôi tin để nhờ đó mà hiểu. Vì tôi tin cả điều này nữa: đó là tôi sẽ không hiểu được, trừ khi tôi tin”.[10]

Hơn nữa, “hiểu biết” của đức tin không hoàn toàn chỉ là nỗ lực của lý trí, nhưng còn là của tâm trí, của tình yêu…. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, đức tin biết theo mức độ mà nó gắn liền với tình yêu, theo mức độ mà tình yêu tự nó mang một ánh sáng. Sự hiểu biết về đức tin là điều phát sinh khi chúng ta nhận được tình yêu cao cả của Thiên Chúa là Đấng biến đổi chúng ta từ bên trong và ban cho chúng ta đôi mắt mới để nhìn thực tại. Tình yêu tự nó là kiến thức (thánh Grêgôriô Cả), mang trong nó một luận lý mới.[11]

Như thế, là đức tin đi tìm hiểu biết, thần học thực sự là một cuộc dấn thân không ngưng nghỉ, để khám phá kho tàng đức tin, làm tròn đầy niềm tin và cố gắng diễn tả nó theo ngôn ngữ mới.

Tóm lại, định nghĩa của thánh Anselmô: “thần học là đức tin đi tìm hiểu biết” cho ta thấy được bản chất, “ơn gọi” và sứ vụ của thần học; đồng thời cho thấy một sự đan quyện hài hoà giữa lý trí và đức tin, mà nói như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong lời mở đầu thông điệp Fides et Ratio là “được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”.

PM. Lê Hùng 
ĐCV Vinh Thanh - K.XII

[1] Thomasp Rausch, Dẫn Vào Thần Học, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008), 16-17
[2] Vũ Văn An, UBTHQT: Thần Học Hiện Hữu Là Vì Đức Tin, 2012, www.dcvxuanloc.net, truy cập 9/1/2015
[3] ĐGH Phanxicô, thông điệp Lumen Fidei, (n.d. Phạm Xuân Khôi, http://tgpsaigon.net), số 36
[4] Gerard O’Collins, Thần Học Căn Bản, n.d. Nguyễn Đức Thông, (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2011), 19
[5] ĐGH Phanxicô, thông điệp Lumen Fidei, số 23
[6] ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, n.d. Nguyễn    Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam,  (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2009), 66-75
[7] ĐGH Phanxicô, thông điệp Lumen Fidei, số 6
[8] Tam Chung, Thần Học Là Gì?,2012, http://www.dcvxuanloc.net, truy cập 12/1/2015
[9] http://www.dcvxuanloc.net
[10] Nguyễn Khoa Luật, Đức Tin Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết, (Tp HCM: Nxb Phương Đông, 2008), 24
[11] ĐGH Phanxicô, thông điệp Lumen Fidei, số 20 và 26

 

Nguồn tin:
Tags :