Tại Sao Kitô Giáo Có Nhiều Ngành Thần Học?

Mon,23/09/2019
Lượt xem: 3581

Trong cuộc sống, con người luôn mang trong mình khát vọng hiểu biết và hiểu biết tất cả, dù là sự vật nhỏ nhất hay Đấng Tuyệt Đối. Kitô giáo là một tôn giáo mạc khải, rất đề cao sự hiểu biết. Thiên Chúa trong niềm tin của Kitô giáo là một vị Thiên Chúa tự thông ban, để qua đó con người và mọi thụ tạo nhận biết Người và được cứu độ (x. 1Tm2,4). Đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa và chương trình yêu thương của Người, dù không thể giải thích cách thấu đáo nhưng thần học Kitô giáo, với tư cách là những suy tư có tính khoa học và hệ thống về Thiên Chúa của mình, vẫn luôn cố gắng khảo cứu, hầu đưa ra những giải đáp cho những vấn nạn mà con người khắc khoải; và với nhiều chuyên ngành khác nhau, thần học đã đáp ứng phần nào đòi hỏi trí năng của con người. Nhưng vì sao khoa học về Thiên Chúa lại có nhiều chuyên ngành như vậy?

Trong cuộc sống, con người luôn mang trong mình khát vọng hiểu biết và hiểu biết tất cả, dù là sự vật nhỏ nhất hay Đấng Tuyệt Đối. Kitô giáo là một tôn giáo mạc khải, rất đề cao sự hiểu biết. Thiên Chúa trong niềm tin của Kitô giáo là một vị Thiên Chúa tự thông ban, để qua đó con người và mọi thụ tạo nhận biết Người và được cứu độ (x. 1Tm2,4). Đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa và chương trình yêu thương của Người, dù không thể giải thích cách thấu đáo nhưng thần học Kitô giáo, với tư cách là những suy tư có tính khoa học và hệ thống về Thiên Chúa của mình, vẫn luôn cố gắng khảo cứu, hầu đưa ra những giải đáp cho những vấn nạn mà con người khắc khoải; và với nhiều chuyên ngành khác nhau, thần học đã đáp ứng phần nào đòi hỏi trí năng của con người. Nhưng vì sao khoa học về Thiên Chúa lại có nhiều chuyên ngành như vậy?

Thần học Kitô giáo được định nghĩa là “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết”, một cuộc tìm kiếm mang tính khoa học, nhằm giúp con người tìm kiếm sự thật, tìm kiếm giá trị và ý nghĩa của cuộc sống mà bất cứ một tìm kiếm như vậy đều được tiếp nhận và triển khai trong một cộng đoàn nhân loại, một cộng đoàn được hợp thành do có những yếu tố chung: ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống[i]; nó là một khoa học chuyên biệt, không có tính thuần túy chủ quan, bởi vì đối tượng của nó là mạc khải thần linh. Tin là hình thái mà qua đó con người đặt mình vào trong mối tương quan với toàn thể thực tại, bởi “đối tượng của đức tin Kitô chẳng phải là một điều gì đó vĩnh cửu, hoàn toàn khác và hoàn toàn ở bên kia thế giới và ở bên kia thời gian. Nhưng liên hệ đến một vị Thiên Chúa đã đến trong lịch sử, một vị Thiên Chúa làm người”.[ii] Đức tin ấy có nội dung rất đa dạng, phong phú và luôn được hiện tại hóa: Kinh thánh, Thánh Truyền, Giáo huấn của Giáo hội. Và thần học có nhiệm vụ làm sáng tỏ những gì Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử dân Thiên Chúa và toàn thể nhân loại từ khởi thủy cho đến khi kết thúc, chứ không phải một thực tại nhỏ hẹp và không ăn nhập gì với đời sống con người trong vũ trụ này.

Thật vậy, cuộc sống là thực tại mà Thiên Chúa sáng tạo, làm chủ, hướng dẫn và quy hướng về Người; đồng thời, qua thực tại rộng lớn này, Người mạc khải tình thương của mình cho mọi thụ tạo với một tiến trình bằng “nhiều lần”, “nhiều cách”, dưới nhiều hình dạng (x. Dt 1,1-2), bởi vì không có gì trong vũ trụ này mà không mang dấu ấn của Thiên Chúa, dấu ấn của Lời: Đức Giêsu Kitô vừa là một biến cố vừa là Lời, vừa là hành động vừa là ngôn từ (logos),[iii] Người đến trong trần gian, đụng chạm đến tất cả thực tại cuộc sống (x. Dt 2,17; 4,15) nhằm mặc khải trọn vẹn cho con người biết về Thiên Chúa và về ơn cứu độ.

Thiên Chúa mà Kitô giáo tin nhận còn là vị Thiên Chúa đối thoại và cho con người được cộng tác vào công trình sáng tạo của Người. Người ban cho con người tự do và ý chí để họ tác động vào cuộc sống, khi đó, họ thực hiện sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó.[iv] Chính điều này làm cho thực tại cuộc sống vốn luôn thay đổi (ngôn ngữ, mối bận tâm... ) nảy sinh nhiều vấn đề và ngày càng chuyên môn hóa. Điều này đòi hỏi thần học cần có nhiều phương pháp và hình thức tiếp cận, để suy tư và trả lời cho những vấn nạn hay những lĩnh vực tương ứng.[v] Thực tế cho thấy, trước một vấn đề, nếu không tiếp cận với nhiều phương pháp và chuyên ngành khác nhau, chúng ta sẽ khó nắm bắt, và từ đó hiệu quả đem đến sẽ rất hạn chế, thậm chí phiến diện, không thuyết phục và nghèo nàn. Các lĩnh vực của cuộc sống là cả một “thế giới” mà trong đó nội dung đức tin Kitô giáo bén rễ và lớn lên. Thần học vì thế phải tìm kiếm với các phương pháp, chuyên ngành khác nhau hầu giúp mọi người nhận ra sự thật, đồng thời thúc đẩy việc đem ánh sáng Lời vào trong các thực tại ấy cách quyết liệt hơn, nhờ đó làm thay đổi tự bên trong bản thân, đổi mới nhân loại và đem nhân loại cùng mọi thụ tạo vào mối hiệp thông với Thiên Chúa.[vi]

Kitô giáo luôn xác tín rằng, đức tin và lý trí có sự tương quan và bổ trợ cho nhau, không thể tách rời và là đôi cánh giúp ta bay lên tới gần Thiên Chúa hơn. Và Giáo Hội, một thực tại vừa hữu hình vừa vô hình, là khí cụ của Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần sẽ hiểu biết sự thật cách toàn vẹn (x. Ga 16,13) có nhiệm vụ đem ơn cứu độ đến cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15); và để hoàn thành nhiệm vụ ấy, Giáo hội phải “nhập thể” vào đời sống của nhân loại hầu cứu rỗi mọi người (x. 1Cr 9,22).[vii] Mặt khác, tự thân “thần học đòi phải có một sự tự do nào đó để triển khai những khảo cứu của mình và đi tới bất cứ nơi nào mà chứng cứ dẫn mình tới”[viii] (miễn là không ra khỏi cộng đoàn đức tin), vì nói cho cùng, mọi phương pháp hay chuyên ngành mà con người sử dụng để làm thần học đều là một phần của sự Khôn ngoan và thậm chí nằm trong sự Khôn ngoan.[ix]

Tuy nhiên, do nội dung đức tin là một thực tại phong phú, phức tạp và năng động nhưng luôn thống nhất, được cấu thành bởi những yếu tố hay đúng hơn, bởi những “thì” cốt yếu và khác nhau nên ta phải biết nhìn cách bao quát trong một chuyển động duy nhất. Cũng vậy, thần học Kitô giáo tuy có nhiều ngành khác nhau nhưng luôn có tính liên kết chặt chẽ, phân biệt nhưng không tách biệt. Giữa chúng chỉ có sự phân chia mang tính tương đối mà thôi. Và cũng nên nhớ rằng, dù cố gắng đến mấy hay sử dụng nhiều phương pháp đi nữa thì thần học cũng chỉ như “năm thầy bói xem voi”, không thể hiểu biết cách trọn vẹn Thiên Chúa trong nội tại lẫn chương trình tình thương của Người dành cho mọi thụ tạo.

Tóm lại, chỉ có một Tin mừng nhưng có bốn cuốn Phúc Âm hay chỉ có một nguồn mạch mạc khải và chung mục đích nhưng lại có nhiều cách lưu truyền khác nhau. Thần học cũng phân chia nhiều chuyên ngành khác nhau hầu có thể mở ra, tiếp cận với tất cả thực tại cách đa diện nhất trong đức tin của mình, qua đó, giúp Giáo hội góp phần vào sứ mệnh cứu độ mà chính Đức Kitô giao phó.

 Tác giả: 

Ant. Ochoa

 

Trích từ: "Tập San Đức Tin và Văn Hóa" số 6

[i]x. Gerald O’Colins, n. d. Nguyễn Đức Thông, Thần học căn bản,(Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), 35.

[ii] Joseph Ratzinger, n. d. Nguyễn Quốc Lâm, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay(Hà Nội: Tôn giáo, 2009), 53.

[iii] x. Dei Verbum 2-6, trong Thánh Công Đồng Va-ti-ca-no II, b. t. Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng Học Viện Thánh Pio X(Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng Học Viện Thánh Pio X, 1972),487-492

[iv] x. Gaudium et Spes 34, trong Thánh Công Đồng Va-ti-ca-no II, b. t. Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng Học Viện Thánh Pio X(Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo hoàng Học Viện Thánh Pio X, 1972), 772

[v] x. Nguyễn Văn Viên, “Thần Học và Khoa Học Xã Hội “, Đức Tin và Văn Hóa 3(tháng 5 năm 2014):19

[vi] x. Paul VI, “Evangelii Nuntiandi 18 “, 1975, xuanbichvietnam. wordpress. com. truy cập ngày 12 tháng 01 năm 2015

[vii] x. Gaudium et Spe 1, 727

[viii] Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, 105

[ix] Lưu Văn Lộc, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), 51

 
Nguồn tin: