Những Nét Chính Yếu Trong Tư Tưởng Giáo Phụ Irénée Về Thần Học Căn Bản

Mon,14/01/2019
Lượt xem: 6924

 Giáo phụ Irénée, người có tầm ảnh hưởng sâu rộng và được xem như nhà thần học quan trọng thế kỷ thứ II, thế kỷ mà Giáo Hội phải đương đầu với Ảo thân thuyết, Ngộ đạo thuyết (Cứu độ bằng con đường tri thức; Cứu độ chdành cho linh hồn, thân xác tự bản tính là hư hoại; Quan nim nhị nguyên bài vũ trụ; Đấng đã đến ới hình dạng con người, ra vẻ bị đóng đinh). Chính Irénée cương quyết bảo vệ Đức tin của mình bằng những lập trường xác đáng và sẽ xứng danh là 'cha đẻ của tín lý Công giáo'. Dưới đây, người viết xin được trình bày tư tưởng nổi bật của Irénée, qua đó để thấy được những khía cạnh về Thần học căn bản của vị Giáo phụ khả kính này.[i]

Mối bận tâm hàng đầu và sẽ theo suốt cuộc đời Irénée đó là sứ mạng mục tử. Chính sứ mạng này đã thúc đẩy Irénée đem hết tâm trí bênh vực Đức tin và viết các tác phẩm mà hôm nay chúng ta còn hân hạnh được biết đến. Trước tác mang tầm vóc lớn lao về tư tưởng và ảnh hưởng sâu đậm xét về mọi phương diện ấy chính là cuốn "Chống lạc giáo". Từ tác phẩm này, người ta dành tặng Irénée danh hiệu "Nhà hộ giáo" và không ngần ngại gọi tác phẩm ấy là "Tổng luận" chống Ngộ đạo. Không dừng lại ở đó, tác phẩm này về sau ảnh hưởng rất rõ trên các Giáo phụ, thần học gia như Tertullien, Hippolyte thành Roma, hay Athanase.[ii]

Cùng với trước tác đồ sộ đó, Irénée còn để lại cho hậu thế một tác phẩm khác với tên gọi "Chứng minh lời rao giảng Tông đồ". Tác phẩm này có hai phần rõ rệt. Phần đầu là một bản toát yếu về giáo lý chống Ngộ đạo và phần sau chứng minh lời loan báo về Đức Kitô trong Cựu ước.[iii]

Có thể nói không ngoa rằng: trước thách đố của Ngộ đạo thuyết, Ảo thân thuyết, Nhị nguyên thuyết, hai tác phẩm này xứng đáng là những cột trụ của thần học Giáo phụ. Thực vậy, "đây là công trình của sự sáng suốt trong tri thức Đức tin, công trình của sự lành mạnh chống lại thứ thần bí bệnh hoạn của Ngộ đạo, một công trình luôn luôn hiện đại nhờ các viễn tượng thần học của Irénée mang đặc tính hết sức nền tảng".[iv]  

1.      Lịch sử cứu độ duy nhất

Nếu như Ngộ đạo thuyết phủ nhận tương quan mật thiết giữa Tân ước và Cựu ước, cũng như phủ nhận sự mới mẻ của Tân ước, thì ngược lại, Irénée cho thấy kế hoạch cứu độ duy nhất của Thiên Chúa trong lịch sử tạo thành. Kế hoạch ấy đã hình thành ngay từ 'lúc khởi đầu' và được thực hiện tiệm tiến qua từng chặng của lịch sử cứu độ: tạo thành, Cựu ước, Tân ước. Đó là đường lối sư phạm khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài dẫn con người từ những bước mò mẫm chập chững đầu tiên, thậm chí lắm lúc vấp ngã cho tới tình trạng trưởng thành và viên mãn. Trong chiều hướng đó, chúng ta nhận ra tính duy nhất của lịch sử cứu độ, và do vậy chỉ có một Thiên Chúa thực hiện kế hoạch ấy. Bởi vì chỉ có một lịch sử cứu độ, thế nên cũng chỉ có một Thánh Kinh mặc khải về Thiên Chúa duy nhất mà Cựu ước và Tân ước là hai chặng để thực hiện kế hoạch cứu độ chứ không phải là hai thực thể đối lập hay mâu thuẫn nhau.[v]

 

2. Mầu nhiệm Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ

Với Irénée, Thiên Chúa là căn nguyên của lịch sử cứu độ và là Đấng thông ban chính mình cho nhân loại. Khi khẳng định như thế, Irénée cho thấy sai lầm nghiêm trọng của Ngộ đạo thuyết: Thượng Đế cao vời, không quan tâm gì đến nhân loại. Irénée xác tín: Thiên Chúa siêu việt đã đến với nhân loại, để thông ban sự sống cho con người và dẫn con người tới hạnh phúc viên mãn, đó là chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Thiên Chúa ngỏ lời và bày tỏ chính mình cho nhân loại qua công trình tạo dựng. Trong khi Ngộ đạo chủ trương vũ trụ vật chất do một mình Hóa Công mà có, thì Irénée quả quyết: Thiên Chúa đã tác thành vạn vật nhờ Lời và Thần Khí (Con và Thánh Thần). Lời và Thần Khí được ví như đôi cánh tay âu yếm nhào nặn nên con người.[vi]

Ở đây, dù Irénée chưa dùng hạn từ 'Ba Ngôi' để nói về Thiên Chúa duy nhất nhưng qua lịch sử cứu độ, Irénée nhận ra Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Irénée đã quả quyết như một tín biểu mà sau này chúng ta sẽ gặp lại trong bản tuyên tín của công đồng Nicée I (325): chỉ một Thiên Chúa duy nhất là Cha. Người là Đấng Tự Hữu, Vô Hình, dựng nên muôn loài muôn vật, ngoài Người ra không có chúa nào khác. Thiên Chúa là Đấng có Ngôi Lời và Người tạo thành mọi sự nhờ Ngôi Lời. Thiên Chúa cũng là Thần Khí và Người lấy Thần Khí mà điểm tô vạn vật, như lời Thánh vịnh đã chép: "Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú" (Tv 33,6).[vii]

Theo Irénée, chúng ta không thể biết gì về sự hiện hữu từ muôn thuở, nơi hữu thể duy nhất tuyệt đối và bất khả chia cắt của Thiên Chúa. Sở dĩ chúng ta có thể bập bẹ hay nói được đôi chút về mầu nhiệm Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ là nhờ Người đã tỏ bày cho chúng ta: "Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ, tạo dựng từ hư vô, đã tự biểu lộ, tự mặc khải nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần."[viii]

3.    Kitô học và Thánh Mẫu học

Qua khảo luận của mình, Irénée trình bày Kitô học với hai điểm quan trọng. Trước hết, Irénée tích cực bênh vực mầu nhiệm Nhập thể, nghĩa là Ngôi Lời đã thực sự trở thành con người. Đây là khẳng định nhằm chống lại chủ trương Ngộ đạo không chấp nhận Thiên Chúa mang lấy thân xác vật chất. Điểm thứ hai có tính cách tích cực, ưu việt hơn và đáng kể hơn, Đức Kitô là trung tâm của lịch sử cứu độ. Ngài là Ngôi Lời, hiện hữu từ muôn thuở, mô phạm trọn hảo cho mọi tạo vật. Ngôi Lời đã nhập thể, trở thành Đấng Emmanuel-Thiên Chúa ở cùng chúng ta để cứu nhân loại thoát khỏi tội lỗi và thâu hồi vạn vật về một mối (Ep 1,9-10).[ix]

Như thế, Ngôi Lời nhập thể làm người để liên kết và hiệp nhất con người với Thiên Chúa. Quả vậy, điều tối cần thiết là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, vì thân thuộc với mỗi bên, phải làm sao để đôi bên đi đến thiết thân và hòa hợp. Trong ý nghĩa thâm sâu đó, Thiên Chúa mới có thể đón nhận con người và con người mới có thể hiến dâng cho Thiên Chúa. Điều này dẫn đến thâm tín: để chúng ta được nhận làm nghĩa tử, cần thiết phải có Đấng là Con Thiên Chúa. Chính vì lẽ đó, Ngôi Lời nhập thể đã trải nghiệm thân phận con người và đã hiến thân chịu chết. Nhờ Người, nhân loại tội lỗi được thông hiệp với Thiên Chúa.[x]

Có thể nói, ý tưởng trung tâm Kitô học của Irénée đó là việc 'thâu hồi vạn vật' (Ep 1,10). Ngôi Lời, Đấng Tạo Thành đã nhập thể, đảm nhận bản tính nhân loại để cứu độ thế giới và thâu hồi vạn vật, để con người được thông dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi. Quả thật, "làm sao con người có thể đi đến với Thiên Chúa được nếu như Thiên Chúa đã không đến với con người?". [xi]

Khi bàn về vai trò và tầm quan trọng của Đức Kitô trong lịch sử cứu độ, Irénée cũng nhắc đến Đức Maria như mẫu gương tuyệt diệu về khiêm tốn và vâng phục. Theo Irénée, nếu Đức Kitô được gọi là Adam Mới (tư tưởng này dựa theo thánh Phaolô, 1Cr 15, 21-22), thì Đức Maria được gọi là Eva Mới. Eva cũ vì kiêu căng, bất tuân mà nhân loại phải đau khổ và phải chết, thì Đức Maria - Eva mới - nhờ khiêm hạ và vâng phục đã góp phần mang lại ơn cứu độ cho thế giới. Eva đã đồng lõa với Adam để phạm tội; còn Đức Maria đã hợp tác với Đức Kitô trong chương trình cứu độ.[xii]

4.    Nhân loại học

Để phi bác Ngộ đạo thuyết khinh khi thân xác, Irénée nhìn nhận thân xác dựa trên nền tảng chân lý về Thiên Chúa nhập thể và chân lý về thân xác phục sinh. Con người được cứu độ là con người gồm xác và hồn. Hạnh phúc viên mãn và phẩm giá cao quý của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nhìn nhận phẩm giá của con người như thế, phát biểu sau đây của Irénée trở thành bất hủ: "Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống; nhưng sự sống của con người là chiêm ngắm Thiên Chúa" (Gloria enim Dei vivens homo, vita autem hominis visio Dei: AH IV,20,7).[xiii]  Điều đó có nghĩa là vinh quang Thiên Chúa tương hợp với việc con người được 'triển nở' sự sống, nhưng để đạt tới sự 'triển nở' ấy, con người chỉ có thể thành tựu khi thông hiệp với Thiên Chúa hằng sống.[xiv]

Như vậy, nhãn quan nhân học của Irénée là cách thức định vị con người trong các mối tương quan. Con người là hữu thể được Thiên Chúa tạo dựng, một thụ tạo giữa lòng vũ trụ bao la, một thụ tạo mang nhiều tương quan: Thiên Chúa, vũ trụ và chính mình. Theo Irénée, 'con người hoàn hảo' là một hữu thể mang ba chiều kích: thân xác, linh hồn và thần khí. Con người là hữu thể đang trở thành, nghĩa là hữu thể chưa hoàn tất theo 'luật tăng trưởng', một sự 'tiến triển', một 'quá trình trưởng thành' nằm trong thân phận hữu hạn của con người. Dù mang thân phận hữu hạn, nhưng con người lại là hữu thể tự do và trách nhiệm, tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình. Đây là một phương diện của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người: tự do tựa như Thiên Chúa là Đấng tự do.[xv]

5.    Giáo hội học

Ngộ đạo thuyết tự hào và chủ trương rằng: mặc khải cao siêu chỉ được truyền thụ cho những ai gia nhập nhóm của mình. Còn Irénée khẳng định một cách quả quyết: các chân lý mặc khải của Chúa Kitô được trao cho các Tông đồ và được truyền lại cho các giám mục. Truyền thống các thánh Tông đồ được lưu truyền, gìn giữ một cách sống động trong Hội Thánh, nơi mà chúng ta có thể lãnh nhận chân lý. Chân lý Đức tin nơi các tín biểu (Kinh Tin Kính) do Hội Thánh minh định. Duy Hội Thánh mới có thẩm quyền giải thích Thánh Kinh. Điều cần thiết là các tín hữu phải liên kết với Hội Thánh, bởi vì, đâu có Hội Thánh, đó có Thánh Thần (ubi enim Ecclesia, ibi est Spiritus). Đối với Irénée, sự thông hiệp này thể hiện qua việc đón nhận giáo huấn của hàng giám mục, đặc biệt giáo huấn của toà Rôma được hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô gây dựng (AH III,3,2).[xvi]

Irénée khẳng định tính chất Tông truyền và hiệp nhất của Giáo Hội khi viết: "Giáo Hội, mặc dù trải rộng khắp thế giới, vẫn cẩn thận gìn giữ lời rao giảng và Đức tin y như Giáo Hội đã tiếp nhận theo thể thức chúng tôi vừa nói trên đây, như thể Giáo Hội chỉ trong một nhà. Giáo Hội cũng tin các điều đó như thể chỉ có một linh hồn, một trái tim. Giáo Hội đồng thanh rao giảng, dạy dỗ và truyền đạt các điều đó như chỉ có một miệng lưỡi ..."[xvii]

Giáo Hội học, xét theo phương diện Truyền thống, Irénée là nhà thần học đầu tiên sử dụng các thư Phaolô một cách có hệ thống và "Irénée cũng là nhà thần học đầu tiên về "truyền thống" Giáo Hội, truyền thống theo nghĩa là sự thông truyền Đức tin cách trực tiếp, sống động, một Đức tin được sống và được tái khám phá từ thế hệ này qua thế hệ khác."[xviii]

Không phải ngẫu nhiên mà Irénée có kinh nghiệm về truyền thống Giáo Hội như thế. Điều đó được gieo trồng, bén rễ sâu từ một gia đình Kitô giáo mộ đạo. Hơn nữa, Irénée đã sống thuở thiếu thời bên cạnh giám mục Polycarpe (môn đệ Gioan Tông đồ) và các trưởng lão (presbyteri) là những nhân chứng trực tiếp của các Tông đồ.[xix]

Kết luận

Trên đây chỉ là những nét chính trong tư tưởng Thần học nền tảng (căn bản) của Giáo phụ Irénée mà người viết có cơ may đề cập tới. Một Giáo phụ tầm cỡ như Irénée mà chỉ đề cập chừng đó thì chẳng khác gì 'cưỡi ngựa xem hoa'. Tuy nhiên, qua những gì trình bày, người viết xin tạm kết:

Là người có tri thức Đức tin vững vàng và là một mục tử nhiệt thành, Irénée thừa hiểu việc tuyên truyền tích cực và lắm mánh khóe của các giáo phái trong môi trường Kitô giáo. Đồng thời là một thần học gia, Irénée có đủ tinh tế và nhạy cảm trước thách đố khi nền tảng Đức tin bị đặt thành vấn đề bởi Ngộ đạo, chia cắt hủy hoại tai hại: giữa Thiên Chúa Tối Cao và Đấng Sáng Tạo; Công trình tạo dựng và công trình cứu độ; Con người và vũ trụ; Thân xác và linh hồn; Cựu ước và Tân ước... Nó đụng chạm tới bản chất cứu độ: vong thân, tha hóa của con người hệ tại chỗ nào? Phải chăng chỉ có tri thức mới cứu thoát con người? Phải chăng hữu thể nhân linh chỉ là bãi chiến trường của cuộc thanh trừng giữa Thiện và Ác? Phải chăng Đức Kitô, Đấng Cứu độ, từ trời cao đã 'nhảy dù' xuống trần gian này mà chẳng liên lụy gì với thân phận con người? Như thế, mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Vượt qua mất hết ý nghĩa. Ngay cả nguồn mạch của Đức tin cũng ra hư hoại vì nó không còn ở trong Truyền thống sống động của Giáo Hội nữa.[xx]

Bấy nhiêu vấn đề thường xuyên canh cánh bên lòng và khiến Irénée khắc khoải khôn nguôi để tìm kiến giải cho những vấn nạn mà Ngộ đạo đang thách thức. Đúng như người ta vẫn thường nói: "cái khó ló cái khôn". Nhờ những thách đố đó mà chân trời tư tưởng của Irénée có được câu trả lời túc lý để hình thành nhãn quan Đức tin bén rễ sâu trong Thánh Kinh, truyền thống Tông đồ, cách riêng các thư Phaolô. Nhưng đồng thời nhãn quan ấy cũng có những nét rất độc đáo và đặc sắc riêng, độc đáo và đặc sắc mang đậm dấu ấn phong cách Irénée. Chính những biện minh và xác tín ấy đã hình thành nên tư tưởng thần học nền tảng của thần học gia Irénée mà gần như mọi suy tư thần học sau này đều quy chiếu vào.

 

Gb. Lưu Ngọc Hùng, K.11

Trích: Nội San "Đức Tin & Văn Hóa", Số 1, ĐCV


[i] Lược đồ bài viết này, cơ bản, người viết dựa theo ý tưởng của linh mục Phan Tấn Thành, Op trong tác phẩm Về Nguồn, tập 3&4 (Rôma, 1999) từ trang 120-122

[ii] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1 (Đcv Vinh Thanh, 2012), 58

[iii] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1, 58

[iv] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1, 58

[v] Phan Tấn Thành, Op, Về Nguồn, tập 3 & 4 (Rôma, 1999), 120

[vi] Phan Tấn Thành, Op, Về Nguồn, tập 3 & 4, 120

[vii] Georg Kraus, Sáng thế luận qua các tác giả (Đại chủng viện Thánh Giuse, 137), (không rõ người dịch,  năm xuất bản).

[viii] Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Kitô học & thần học về Chúa Ba Ngôi (Đcv Vinh Thanh, 2009), 127

[ix] Phan Tấn Thành, Op, Về Nguồn, tập 3 & 4, 121

[x] Karl-Heinz Ohlig, Kitô học qua các tác giả (Đại chủng viện Thánh Giuse, 136), (không rõ người dịch,  năm xuất bản).

[xi] Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Kitô học & thần học về Chúa Ba Ngôi, 123-124

[xii] Phan Tấn Thành, Op, Về Nguồn, tập 3 & 4, 121

[xiii] Irénée trong Phan Tấn Thành, Op, Về Nguồn, tập 3 & 4, 121

[xiv] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1, 73-75

[xv] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1, 73-75

[xvi] Phan Tấn Thành, Op, Về Nguồn, tập 3 & 4, 122

[xvii] Peter Neuner, Giáo Hội học qua các tác giả (Đại chủng viện Thánh Giuse, 71), (không rõ người dịch, năm xuất bản)

[xviii] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1, 53

[xix] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1, 53

[xx] Simonhoadalat, Lịch sử các Giáo phụ, quyển 1, 65-66

Nguồn tin: