Ngôn Sứ Thật- Ngôn Sứ Giả

Tue,08/01/2019
Lượt xem: 5548

Từ xa xưa trong đời sống Do thái giáo đã xuất hiện việc phân định thiêng liêng hay biện phân thần khí. Điều này được hiểu như  hành vi mở lòng ra với Thiên Chúa, lắng nghe Ngài, hầu có thể nhận biết và thực thi ý Ngài. Việc làm này càng trở nên cấp thiết vào thời các ngôn sứ khi có nhiều người nhân danh Đức Chúa và nói Lời của Ngài, khiến cho Dân hoang mang vì khó nhận biết đâu là ngôn sứ thật và đâu là ngôn sứ giả.Trong khuôn khổ bài viết này, như một gợi ý cho việc nhận định thiêng liêng trong đời sống đức tin, người viết xin mạn phép trình bày hiện tượng ngôn sứ thật và ngôn sứ giả trong các sách ngôn sứ Isaia, Giêrêmia và Êdêkien.

Do thái giáo chịu ảnh hưởng sâu xa bởi tôn giáo vùng Cận Đông. Từ rất lâu người ta đã tìm thấy nét tương đồng giữa những nền tôn giáo này, mà cụ thể nhất là đặc tính ngôn sứ. Ngay từ thế kỷ thứ VIII (trước Công nguyên), người ta đã tìm thấy nơi thành phố A-mốt, thuộc xứ Ma-ri, những bia đá ghi lại các sinh hoạt ngôn sứ. Khắp vùng Cận Đông hồi ấy, người ta cũng nghe đến các danh xưng như: thầy thị kiến, người thuộc linh… …Chúng được dùng để chỉ những nhân vật mà dân tin là biết và chuyển giao sứ điệp các thần minh. Ngay trong Kinh thánh Do thái giáo cũng thấp thoáng hình bóng của họ (1V 18,19-40 ; 1Sm 10,5 ; Ed 21,26 ; Is 1,10 … …)

Tính cách phổ biến ấy không những giúp giải thích nguồn gốc truyền thống ngôn sứ Israel mà còn làm nổi bật sự khác biệt giữa những ngôn sứ ở trong và các ngôn sứ ngoài truyền thống này.

Hiện tượng nói thay các thần minh trong văn hóa và tôn giáo xứ Canaan đã dẫn đến tình trạng nhiều người trong Israel tự xưng mình là ngôn sứ. Ngôn sứ nào cũng cho mình là thật. Có những ngôn sứ giả biết mình là giả, lại có những ngôn sứ giả nhưng không biết mình là giả. Để hiểu rõ một ngôn sứ là giả hay thật, ta cần trở về với Cựu Ước, đặc biệt là các sách ngôn sứ nêu trên.

Trước hết, các ngôn sứ giả là những người có lối sống lầm lạc. Họ lừa dối kẻ khác bằng những mánh khóe và phán đoán sai lầm:

“Cả bọn này nữa cũng chếnh choáng vì rượu, lảo đảo vì men: tư tế và ngôn sứ đều choáng vì men …, chếnh choáng trong thị kiến, loạng quạng khi xét xử.” (Is 28,7)

Nơi họ còn biểu hiện sự lẫn lộn giữa những hứng khởi, ham muốn riêng tư và ý muốn chân thật của Thiên Chúa:

“Chúng kể cho nhau nghe những giấc chiêm bao có ý làm cho dân Ta quên bẵng danh Ta, giống như cha ông chúng đã quên danh ta mà nhớ Ba-al.” (Gr 23,27)

“Chúng kể lại những giấc chiêm bao và làm cho dân Ta lầm lạc… … Chính Ta, Ta đã không phái chúng đi, cũng chẳng truyền lệnh cho chúng.”  (Gr 23,32)

Ngược lại, những ngôn sứ thật có đời sống ngay thẳng, một lòng phụng sự Thiên Chúa qua sứ mạng được trao phó (Is 61,1; Xp 2,3). Họ là những ngôn sứ thuộc truyền thống mà tiêu biểu là Mô-sê (Đnl 18,9-21).

Tuy nhiên, với quan điểm Cựu Ước hoạt động ngôn sứ giả cách nào đó lại là phương thế Gia-vê thử luyện dân Ngài (Gr 4,10 ; 1V 22,19-23)

Ngôn sứ giả luôn loan báo theo ý riêng, chứ không theo ý muốn Thiên Chúa. Chốn cung đình, họ tìm nói những điều hợp ý vua quan, không can đảm công bố điều Thiên Chúa truyền dạy. Điều này được miêu tả rõ nét trong cuộc tranh luận giữa Khanania và ngôn sứ Giêrêmia (Gr 28). Đứng trước nguy cơ Israel bị Babylon thôn tính, Khanania, mệnh danh là ngôn sứ, xem ra bình thản và có những lời vuốt ve tình cảm yêu nước. Trong khi đó, Giêrêmia lại khuyên nhà vua thần phục Babylon (Gr 27,8). Thực ra, quan điểm trái nghịch của ông không nhằm khẳng định rằng ngôn sứ loan báo bình an thì không đáng tin, và ngôn sứ tuyên sấm tai họa thì khả tín. Nhưng điều làm nên ý nghĩa ở đây là lời sấm của Giêrêmia được đặt trong truyền thống ngôn sứ Israel, nơi đó ý muốn Thiên Chúa được thể hiện:

“Nhưng xin ông lưu ý những điều tôi sắp nói đây: Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về nhiều xứ sở, vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh tai ương và ôn dịch. Còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm, ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ Đức Chúa sai đến thật” (Gr 28,7-9)

Hơn nữa, trong viễn tượng đức tin, Giêrêmia còn cho biết Babylon sẽ nên “roi vọt” Thiên Chúa dùng để sửa phạt dân vì họ phản bội Ngài và phá vỡ Giao ước (Gr 44,3). Và sự thật đã xảy ra như vậy.

Điều tương tự cũng diễn ra khi Êdêkiel phi bác nhũng lời sấm của những ngôn sứ giả về sự bình an giả tạo (Ed 13,10). Đó chỉ là lời hứa hão huyền nhằm ru ngủ dân. Bình an đích thực không đơn giản hệ tại ở những an toàn bên ngoài, nhưng còn là sự trao hiến hạnh phúc cho đồng loại nhờ mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và tha nhân:

“Chúng bô bô Bình an vô sự, để xoa dịu những thương tích của dân ta, trong khi chẳng có bình an chi cả. Việc chúng làm thật kinh tởm biết bao, lẽ ra chúng phải xấu hổ, nhưng chúng nào có xấu hổ gì đâu……” (Gr 6,14.15)

Sở dĩ các ngôn sứ loan báo cách lầm lạc như vậy cốt để tìm tư lợi:

“Các ngươi xúc phạm đến Ta nơi dân Ta chỉ vì những nắm lúa mạch, những mẫu bánh …” (Ed 13,19)

Ngoài ra, còn có một đặc tính quan trọng góp phần làm nên phong cách cao đẹp của vị ngôn sứ thật: kinh nghiệm thâm sâu về Lời Thiên Chúa. Chính Lời chạm đến nơi sâu thẳm tâm hồn các ngài, tạo nên rung động và hòa nhịp. Từ đó các ngài đáp trả cách mạnh mẽ, can đảm chịu mọi thử thách và dám sống chết cho Lời:

“Nhưng Lời ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được.” (Gr 20,9)

Trước những đau khổ, các ngài vẫn cậy trông vào Chúa:

“Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.” (Gr 20,11)

Nói tóm lại, từ việc phân tích trên, chúng ta có thể rút ra nguyên tắc nhận biết ngôn sứ giả hay thật. Ngôn sứ thật là người mà trọn đời sống và lời loan báo của họ giúp dân yêu mến Thiên Chúa và thực thi lề luật của Ngài. Trái lại, ngôn sứ giả là kẻ, qua cách sống và sấm ngôn lầm lạc, chỉ dẫn dân rời xa Thiên Chúa:

“Nếu ở giữa anh em xuất hiện một ngôn sứ… …, và nó bảo chúng ta hãy theo và phụng thờ các thần khác, những thần mà anh em không biết, thì anh em đừng nghe những lời của ngôn sứ hay những kẻ chuyên nghề chiêm bao ấy, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không. Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải theo; chính Người là Đấng anh em phải kính sợ; anh em phải giữ các mệnh lệnh của Người, phải nghe tiếng Người; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em phải gắn bó với người” (Đnl 13, 2-5)

Từ việc tìm hiểu hiện tượng ngôn sứ thật, ngôn sứ giả trên đây, chúng ta có thể rút ra nguyên tắc nhận định thiêng liêng cho đời sống đức tin hôm nay: Điều nào giúp tôi kết hợp với Chúa thì khởi đi từ Ngài; điều nào khiến tôi xa Ngài thì xuất phát từ quyền lực tăm tối, thế gian. Ước mong việc tìm hiểu này góp phần giúp ích cho người tín hữu lắng nghe, nhận biết, yêu mến và thực thi ý Chúa như giá trị duy nhất và chân thật đem lại sự sống cho chính mình, giữa biết bao những giá trị khác vốn đã và đang được cổ súy mạnh mẽ bởi những trào lưu sống khác nhau./.

Lm. Anrê Phạm Hòa Lạc

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 01 

Nguồn tin: