Kinh Thánh Có Được Hiểu Theo Nghĩa Đen Không?

Tue,28/12/2021
Lượt xem: 1319

300 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO

Câu 15: Kinh Thánh Có Được Hiểu Theo Nghĩa Đen Không?

Hình: Internet

Khi bạn lấy một cuốn danh bạ điện thoại và đọc nó, người tạo ra nó muốn bạn hiểu nó theo nghĩa đen. Điều đó hàm ý là chỉ có một ý nghĩa duy nhất cho mỗi từ hoặc một cụm từ. Tên và số điện thoại chỉ có một ý nghĩa và nếu bạn sai chỉ một con số, bạn sẽ quay lộn số và bạn không gặp được đúng người.

Những cuốn sách và các loại văn chương khác không thuộc loại tiểu thuyết giả tưởng (chỉ viết về những điều được xem là chân thực), có nghĩa đen, nhưng chúng cũng có thể có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen được hiểu trực tiếp theo bản văn mà mỗi từ ngữ có ý nghĩa. Khi bạn thấy từ “muối” trong Kinh Thánh, bạn biết đó là một danh từ vốn nhắc đến một hợp chất hóa học gồm chất Natri và Clorua. Đó là nghĩa đen của từ “muối.” Nếu bạn đọc Kinh Thánh bằng tiếng Đức, bạn hẳn phải biết rằng từ “muối” là “salz,” hoặc “sale” trong tiếng Ý; “sal” trong tiếng Latin; “melah” trong tiếng Hipri; và “halas” trong tiếng Hy Lạp. Nếu bạn không thể đọc bảng chữ cái Hy Lạp hoặc Hipri, bạn không thể nhận ra nghĩa đen của từ ngữ.

Biết đánh vần những mẫu tự và biết những từ ngữ có ý nghĩa gì là biết theo nghĩa đen. Kinh Thánh và mọi cuốn sách được viết ra phụ thuộc vào điều ấy; những cuốn sách ấy sẽ hoàn toàn vô ích nếu không ai có thể đọc và hiểu chúng. Việc diễn giải theo nghĩa đen thì trái ngược với việc diễn giải theo nghĩa bóng hoặc biểu tượng. Trong Matthêu 5,13 Chúa Giêsu nói: “Anh em là muối cho trần gian.” Nghĩa đen là nghĩa mà từ “muối” nói đến là một hợp chất hóa học tên là clorua natri. Vậy, phải chăng Chúa Giêsu và các tác giả thánh muốn một sự giải thích theo nghĩa đen trong bản văn này? Nếu như thế, điều đó có nghĩa rằng bạn và tôi là muối ăn. Nếu Kinh Thánh phải được diễn giải theo nghĩa đen, thì chỉ có một cách duy nhất để hiểu bản văn. Mặt khác, nếu Chúa Giêsu và các tác giả Tin Mừng (trong trường hợp này là thánh Mathêu) muốn một lối diễn giải theo nghĩa bóng, thì chúng ta gọi cách giải thích ấy là lối ẩn dụ.

Chúa Giêsu nói một cách ẩn dụ khi Ngài nói: “Anh em là muối cho trần gian,” bởi vì Ngài không đòi hỏi chúng ta đặt chính bản thân mình vào trong những bình muối rồi đặt trên những cái bàn trong bếp. Ngài muốn chúng ta sử dụng phẩm chất của muối như một chất bảo quản và như một gia vị. Tương tự như thế, khi Chúa Giêsu nói “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5), trước hết bạn phải đọc và hiểu từ “cây nho” và “những cành nho” theo nghĩa đen. Tuy nhiên, giải thích theo nghĩa đen làm chúng ta thành cây cối, trái lại giải thích theo nghĩa bóng hay ẩn dụ là chúng ta phải được liên kết với Chúa Giêsu giống như những cành nho là một với thân nho.

Đôi khi chính bản văn không nói với bạn cách minh nhiên hoặc chỉ rõ cho biết liệu có hay không cụm từ phải được hiểu theo nghĩa đen. Vì thế, điều tối quan trọng là phải biết khi nào giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng. Trong Macco 9,47 nói rằng: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi.” Mathêu 5,30 nói “Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi.” Tại sao không có người Kitô hữu chính danh nào bắt những tội nhân đã lấy cắp thứ gì đó phải chặt đứt tay của họ? Nếu con mắt của bạn nhìn phải những hình ảnh khiếm nhã thì sẽ ra sao? Thật may mắn, không ai giải thích những đoạn trích này theo nghĩa đen.

Kitô hữu của Công giáo Rôma và Chính Thống giáo Đông Phương diễn giải theo nghĩa đen đoạn Gioan 6,52-56 và Maccô 14,22, khi Đức Giêsu nói về việc ăn thịt và uống máu Người. Trong Bữa Tiệc Ly, Ngài nói vào chiếc bánh  “Đây là mình Ta,” và nói vào chén rượu “Đây là máu Ta.” Nhiều tín hữu Tin Lành diễn giải những đoạn trích ấy theo nghĩa bóng chứ không theo nghĩa đen. Công giáo và Chính Thống giáo dựa vào những nguyên tắc của việc diễn giải theo văn cảnh [nghĩa là suy xét đến] của những gì trước và sau đoạn trích ấy, và tin tưởng vào quyền giáo huấn của Giáo Hội (Giáo Hội được gọi là Magisterium- từ tiếng Latin “magister,” nghĩa là thầy dạy).

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 24-25.

Nguồn tin: sjjs.edu.vn