Bài viết của tôi là một cố gắng đóng góp nhỏ mọn cho Tập san của Trường mang tên “Lời Cứu Độ”. Liệu tôi có thể trở thành “kẻ phá đám” không, khi cả gan đem vào Tập san trang trọng này một tiêu đề xem ra “ngạo ngược” như thế? Bằng sự hiểu biết ít ỏi của mình cùng với nhiệt tâm cổ vũ sự lan toả Lời Chúa, tôi mời gọi những ai quan tâm đến Lời hãy kiên nhẫn xem qua, trước khi đưa ra lời phán xét nhé.
1. Lời Quyền Năng
Sức mạnh vô song và hiệu quả của Lời trải rộng vô biên, với bài viết ngắn này, tôi chỉ có thể đề cập những điều tối thiểu:
Lời Tạo dựng
Sách Sáng Thế mô tả công trình tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, mỗi lớp thụ tạo được hiện hữu lập tức chỉ sau lời Thiên Chúa phán, chẳng hạn: “Phải có ánh sáng”. Liền có ánh sáng. Các công trình sau đó cũng đều được thành sự bởi mệnh lệnh: “Phải có” từ miệng Thiên Chúa hoặc những mệnh lệnh tương tự (x. St 1,3-26).
Tác giả Thánh vịnh đã mô tả Lời quyền năng tạo dựng trời đất cách thanh thoát ý vị nhưng hiệu quả lại vô song:
“Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.
Chúa dồn đại dương về một chỗ,
Người đem biển cả trữ vào kho.
Cả địa cầu phải kính sợ CHÚA,
mọi thế nhân hãy khiếp oai Người.
Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 32,6-9).
Quyền năng tác tạo vô song của Lời cũng đã được thánh Gioan đúc rút: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).
Lời Quan phòng
Thiên Chúa bày tỏ quyền năng tối thượng trong công trình tạo dựng, nhưng việc tiếp tục quan phòng cho có thứ tự lớp lang cũng không kém phần hiển hách. Ông Môsê đã nhìn thấy sự linh hoạt và quyền lực tuyệt đối của Lời qua dòng lịch sử:
Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra. Bốn mươi năm qua, áo anh (em) mặc đã không rách, chân anh (em) đã không sưng lên… lòng anh (em) đừng kiêu ngạo mà quên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống (Đnl 8,2-15).
Lời Ban sự sống
Khi Chúa Giêsu công bố Người là bánh hằng sống từ trời xuống, các môn đệ phản đối và lần lượt bỏ đi, “Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: ‘Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?’ Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,67-68).
Với quyền năng tuyệt đối vô song như thế thì hiệu quả của Lời là tất nhiên không thể bàn cãi:
“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11).
Nếu Lời quyền năng như thế thì chúng ta sẽ nghĩ gì khi nói về:
2. Hạn Chế Của Lời
Sẽ là phạm thượng nếu như chúng ta cả gan nghĩ ra điều này, nhưng theo cách mô tả của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rủi ro của Lời là không hề nhỏ:
Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe (x. Mt 13,3b-9).
Trong hoàn cảnh này, Lời đánh mất vị thế áp đảo, cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phía tâm hồn của con người được mô tả dưới dạng bốn loại đất có chất lượng khác nhau. Thật là một sự phí phạm và bấp bênh mà Lời phải gánh chịu! Nhưng làm sao lý giải được, dung hoà được uy quyền tuyệt đối của Lời với sự bất lực mà Lời phải chấp nhận, khi đối chiếu với cách mô tả của tác giả thư gửi tín hữu Do thái:
Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ (Dt 4,12-13).
Nếu Lời có một quyền năng tuyệt đối như thế thì làm sao có chuyện bị “chim trời bay đến ăn mất”, hoặc “nên liền khô héo”, thậm chí còn bị “chết nghẹt” vì gai mọc um tùm nữa. Mấu chốt của vấn đề ở chỗ Thiên Chúa đã tạo dựng con người có tự do, họ được toàn quyền tự do hành động theo lương tâm. Cũng vì đó, họ có quyền khước từ Thiên Chúa, khiến Người phải bó tay trước các lựa chọn theo lương tâm của họ. Thiên Chúa đã không ngăn được con người ăn trái cấm (St 3), không ngăn được họ thờ ngẫu tượng, “ngoại tình”, “đĩ điếm” cũng vì cái quyền tự do sống chết này. Tình trạng này kéo dài mang tính gia truyền theo dòng lịch sử. Ngay cả với đám Dân Riêng mà Chúa đã khổ công đưa ra khỏi Ai Cập cũng không phải ngoại lệ, vừa chân ướt chân ráo ra khỏi nhà nô lệ, họ đã vội bỏ đường lối, huấn lệnh và thánh chỉ của Chúa:
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: ‘Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập’. Chúa phán cùng Môsê: ‘Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ’” (Xh 32,7-9).
Thánh Phaolô cũng thấm thía kinh nghiệm đáng buồn này khi thổ lộ: “Nhưng không phải mọi người đều suy phục Tin Mừng cả đâu. Vì Isaia nói rằng: ‘Lạy Chúa, nào có ai tin lời chúng con rao giảng?’” (Rm 10,16). Trong hoàn cảnh đó, các sứ giả Lời cũng trở thành đồ đáng ghét trước mặt thiên hạ:
Mỗi lần nói năng là con phải la lớn,
phải kêu lên: “Bạo tàn! Phá huỷ!”
Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày…
Con nghe biết bao người vu cáo:
“Kìa, lão "Tứ phía kinh hoàng! , hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!”
Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” (Gr 20,8-10).
Tai hại và ngạo ngược hơn nữa, Lời Chúa thậm chí còn bị cấm cản ngay nơi đền thánh của Người:
Bấy giờ Amátgia nói với ông Amốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giuđa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều" (Am 7,12-13).
Một dạng thất bại khác của Lời, đó là có những người không tuân giữ Lời, nhưng lạm dụng, thậm chí đùa giỡn với Lời:
Với kẻ gian ác, Thiên Chúa phán bảo rằng:
“Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở,
mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi?
Nhưng chính ngươi lại ghét điều sửa dạy,
lời Ta truyền, đem vất bỏ sau lưng” (Tv 49,16-17).
Thiên Chúa nhân từ không mệt mỏi ban Lời hằng sống nhưng dân Chúa vẫn một mực khước từ. Đứng trước sự cứng đầu của dân ưu tuyển, Thiên Chúa chỉ còn cách chịu đựng, than trách, thậm chí bị thương tổn trước sự cứng đầu của Dân và hằng liên lỉ kêu lên trong sự tiếc xót, với hy vọng ít ra họ còn biết có một người cha đang ngày đêm kêu gọi họ:
Họ không chịu lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ không nhìn Ta. Từ ngày cha ông họ ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không nghe Ta, không chịu lắng tai nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ! Ngươi có nói cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không nghe ngươi đâu; Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn nhắc đến nữa (x. Gr 7,24-28).
Lời Chúa không những tỏ ra kém hiệu quả, bị phớt lờ, thậm chí còn bị chế nhạo và tỏ ra bất lực trước sức mạnh của cường quyền:
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lêma xabácthani”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Êlia!” Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Êlia có đến cứu hắn không! Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn (Mt 27,45-50).
Có nỗi đau đớn nhục nhã nào bằng cảnh tượng này không? Cảm giác gây đau đớn tột độ cho những người ít ỏi còn tin theo Chúa; làm nên sự câm lặng tập thể và thất vọng hoàn toàn của đám dân vẫn trông chờ ơn giải thoát; cho phép những kẻ thù của Chúa đắc thắng hả dạ hò reo và quân chiếm đóng được dịp khiêu khích chế nhạo. Không có loại từ ngữ nào có thể diễn tả cảnh tượng ê chề, bấp bênh, trớ trêu và ngạo ngược như thế! Trong lúc cảnh vật biết chìm vào trong u buồn sầu thảm thì con người có lý trí và tự do không chút mảy may cảm động, họ càng tỏ ra hung hăng, táo tợn và hiếu chiến. Thiên Chúa đang ở đâu?
Dĩ nhiên những kẻ chống đối Chúa mọi thời không từ thủ đoạn nào để chối bỏ, đả kích và thách thức, không chỉ là bỏ ngoài tai Lời Chúa mà còn phi bác cả sự hiện hữu của Ngài nữa. Ngày 12/04/1961 Yuri Gagarin, phi hành gia người Nga (Liên xô cũ) đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Sau 108 phút bay vòng quanh trái đất trên con tàu vũ trụ Vosto 1 với vận tốc tối đa 301 km, trở về thành công, Gagarin tuyên bố: “Tôi đã đi khắp vũ trụ chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!”[1]. Triết gia vô thần người Đức Nietzsche (1844-1900) nổi tiếng với lời tuyên bố: Thiên Chúa đã chết. Từ đó, trào lưu triết học phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ra sức chứng minh cho luận điểm này.[2]
3. Trách Nhiệm
Mặc dầu với tự do của mình, con người có quyền lực khước từ Thiên Chúa, bỏ ngoài tai mọi lời Người dạy, nhưng họ phải trả giá khủng khiếp cho việc từ chối này. Ông Môsê đã ân cần chỉ bảo cho dân chúng cái được và cái mất kinh khủng từ việc tuân hành hay khước từ Lời Chúa:
Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ. Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu. Nhưng nếu anh (em) trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh (em) biết: chắc chắn anh (em) sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh (em) sắp sang qua sông Giođan để vào chiếm hữu. Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, nghĩa là hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài (Đnl 30, 15-20).
Cũng bởi tôn trọng tự do và phẩm giá của con người, Lời Chúa không mang tính áp đặt, ai mở lòng đón nhận, Lời phát sinh hoa trái, ai khước từ khinh rẻ, Lời nên cớ vấp phạm và tố cáo:
“Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Vì lòng dân này đã ra đần độn. Chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,13-15).
Với góc nhìn của một tội nhân hoán cải và hoàn toàn đổi mới, thánh Augustin thốt lên: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con.” Sự kiên trì khoan giãn của Thiên Chúa là đủ cho mọi người, nhưng cũng sẽ đến lúc chủ nhà đóng cửa lại, người ta sẽ đứng ngoài mà gõ cửa trong vô vọng (Lc 13, 25-27). Cái giá phải trả cho sự khước từ Thiên Chúa không thể đong đếm mức độ, chỉ có thể ước tính bằng sự trầm luân đời đời:
“Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán,
Ta đã nói : Ðây là dân tâm hồn lầm lạc,
chúng nào biết đến đường lối của Ta,
nên Ta mới thịnh nộ thề rằng:
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta" (Tv 94,10-11).
Mặc dầu Thiên Chúa tôn trọng sự tự do lựa chọn của con người, nhưng vì phần rỗi đời đời của họ, Người không ngừng la lớn:
“Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta,
các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ.
Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch,
các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo."
Miệng ĐỨC CHÚA đã phán như vậy (Is 1,19-20).
Vì tầm mức nghiêm trọng của việc thờ ơ với Lời Chúa, Đức Giêsu đã cảnh báo: “Hãy coi chừng điều các người nghe thấy” (Mc 4,24).
Từ muôn thuở, “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung” (Tv 102,8), nhưng đôi khi Người cũng cho thấy dấu chỉ tỏ tường về hậu quả của sự ngông cuồng phạm thượng, tôi chỉ xin trưng dẫn một trong nhiều trường hợp được lưu truyền qua năm tháng: Tháng 3 năm 1966, trả lời phỏng vấn American Magazine, John Lennon nói:
“Thiên Chúa giáo rồi sẽ biến mất. Nó sẽ tan biến hoặc bị lu mờ. Tôi chẳng cần phải tranh luận về điều này. Tôi đúng và sẽ chứng minh chắc chắn là như vậy. Giờ chúng tôi còn nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus. Tôi còn không rõ rằng cái gì sẽ biến mất trước, là Rock ‘n’ roll hay Thiên Chúa giáo…"[3]
14 năm sau khi John Lennon đưa tuyên bố “nổi tiếng hơn Chúa Jesus”, ông đã bị bắn chết bởi 6 phát súng từ một fan cuồng và ban nhạc The Beatles cũng tan rã.
4. “Ngươi Đang Ở Đâu?” (St 3,9)
Trở lại với lời sấm của Isaia chương 55, câu 10 và 11, Lời Chúa như mưa tuyết từ trời rơi xuống, sẽ ngấm xuống đất và phát sinh hiệu quả dồi dào phong phú cho sự sống tự nhiên trước khi quay trở về trời. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy một phần nước bốc hơi, quay trở lại bầu trời trước khi phát sinh bất cứ hiệu quả nào, nhất là hiện tượng nắng lên ngay sau khi trời mưa. Dĩ nhiên lượng nước bốc hơi này chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuyệt đại đa số mưa tuyết từ trời rơi xuống sẽ phát sinh hiệu quả, nhưng hiệu quả đó lại được phân bố không đồng đều. Nước đổ trên đường nhựa, trên mặt bê tông, trên triền đá dốc, chắc chắn sẽ chẳng có hoa trái nào phát sinh ở đó, nhưng nước vẫn không vô dụng, nó sẽ chảy xuống đồng ruộng, sông ngòi, tản đi khắp nơi và cung cấp sự sống dồi dào đa dạng. Cũng vậy, “Lời từ miệng” Chúa phán ra đương nhiên là phát sinh hiệu quả mỹ mãn, đó là Lời Cứu Độ, “Lời đem đến sự sống đời”. Tuy nhiên hiệu quả của Lời có thể phát triển nơi này mà lại bị vô hiệu ở nơi khác; cứu độ tâm hồn này nhưng có thể nên cớ “luận phạt” tâm hồn khác, vì “kẻ không tin, thì bị lên án rồi” (Ga 3,18).
Một cách tương tự, Lời Chúa được ví như những hạt giống được gieo trên đồng ruộng. Thoạt đầu xem ra thất thu, vì bốn loại đất được gieo, chỉ có một loại sinh hoa kết quả, thật là một sự rủi ro lớn lao, một kết quả không đáng mong đợi, chỉ 1 phần sinh hoa kết quả, 3 phần còn lại hư đi. Nhưng nếu tính kỹ hơn một chút, ta sẽ thấy mùa màng bội thu. Gieo 4 hạt lúa, hư đi 3 hạt, chỉ một hạt sinh lợi, nhưng lại sinh lợi lớn. Nếu dùng biện pháp nhân lên, bỏ ra 4 tấn thóc giống, chẳng kể thứ hư đi, chủ trang trại có thể thu về 100 tấn, hoặc ít hơn một chút: 60 tấn, thậm chí bèo bọt lắm cũng thu về 30 tấn, còn hơn cả “một vốn bốn lời”. Lời từ miệng Chúa phán ra, tác động trên vũ trụ và gieo vào tâm hồn con người đương nhiên sinh hoa kết quả với điều kiện là thửa đất tâm hồn phải là đất tốt, được chuẩn bị kỹ lưỡng cho hạt giống trổ sinh. Đường lối của Thiên Chúa là bất di bất dịch, Lời Chúa có sức mạnh vô song, vấn đề là tâm hồn chúng ta thế nào. Chúng ta có là thửa đất tốt để Lời Chúa phát triển hay không? Lấy đâu ra tiêu chuẩn để đánh giá? Lời trong Sách Ngắm thật đáng lưu tâm:
Song le tôi ngắm thân tôi này, thật là đất xấu xa, chẳng hay mọc được cây gì lành, hoa gì thơm, trái gì tốt, ấy là việc lành phúc đức, một lần lữa để cho ngày tháng hư không; dù lỗ tai tôi chẳng thiếu nghe phép Chúa tôi phán dạy lời các thánh giảng truyền, kẻ nhân đức làm gương cho tôi bắt chước; song tôi bấy lâu như kẻ có bệnh, dù xem, thấy của gì ngon cũng như của đắng vậy.
Tình trạng thờ ơ nguội lạnh đã làm tê liệt tâm hồn, mất khả năng phản ứng trước các điều thánh thiêng: “Có khi ép mình mà ăn một hai miếng thì cũng chẳng sinh ra cơ nhục gì, một nguội lạnh lòng liên”. Nó chính “là cội rễ mở đàng tội lỗi mà chớ”. Liệu tôi có đủ tỉnh thức để nhận ra tình trạng thờ ơ nguội lạnh của mình, hiện tượng khó lòng dung nạp Lời Chúa là rất trầm trọng: “Thương ôi, bệnh này nguy lắm, tôi biết liệu làm sao?” (x. Thứ Bốn, Ngắm Rằng).
Vài suy tư trên đây không nhắm tới tình cảm thương hại cho những hạn chế và số phận rủi ro của Lời, nhưng là lời cảnh tỉnh để mỗi người xem lại thửa đất tâm hồn của mình, nhằm kiểm điểm nghiêm túc xem Lời có thật sự bén rễ, cắm sâu và lớn lên trong lòng mình không? Mối nguy của những người sống đời thánh hiến, những người có điều kiện học hành ít nhiều, họ dễ bị mắc bệnh “biết nhiều” hoặc “biết rồi”. Chẳng có gì mới mẻ, không còn sự “ngạc nhiên” nào khi đọc hoặc nghe Lời Chúa, đánh mất sự khao khát đến với Chúa, Căn bệnh này như một thứ đề kháng trong tâm hồn, không cho phép Lời Chúa tác động.
Bệnh của những người đang đi trên đường, đánh mất sự thanh thản nội tâm, mất sức sinh động và táo bạo, và ẩn nấp sau các giấy tờ, trở thành “chiếc máy hồ sơ” chứ không còn là “những người của Thiên Chúa”…. rơi vào cám dỗ muốn đóng kín và lèo lái tự do của Chúa Thánh Linh, Đấng luôn luôn lớn hơn, quảng đại hơn mọi kế hoạch của con người (x. Ga 3,8). Người ta lâm vào căn bệnh này vì “ở lại thoải mái trong các lập trường tĩnh và bất biến của mình thì vẫn là điều dễ dàng và ung dung hơn”.[4]
Những người mắc chứng bệnh này sớm muộn gì cũng trở thành “những người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc” (Mt 9,12) hoặc như “99 người công chính không cần sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Trong tình trạng này, con người trở thành “miễn nhiễm”, đề kháng đối với Lời Chúa. Thiên Chúa đành bất lực, bó tay trước sự cứng lòng của họ, và kết cục là, như Chúa Giêsu cảnh báo: con cái trong nhà bị loại ra ngoài, trong lúc thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (x. Lc 13,28-29).
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh
Giám Đốc ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê
Trích Tập San ĐỨC TIN VÀ VĂN HOÁ, số 18
[1] Lm. Dom. Lê Văn Thế, Dấu Chỉ Thời Đại, http://gpbanmethuat.com, truy cập ngày 15/01/2024.
[2] Giuse Phạm Đình Ngọc. SJ, Thiên Chúa Không Chết, http://www.songtinmungtinhyeu.org, truy cập ngày 15/01/2024.
[3] Ngẫm Radio, Năm Người Nổi Tiếng Thế Giới Phải Trả Quả Báo Khi Nhạo Báng Thiên Chúa, http://conggiao.vn/, truy cập ngày 16/01/2024
[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Linh Hữu chuyển dịch, Giáo Triều Và15 Căn Bệnh, https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-giao-trieu15-can-benh-30308, truy cập ngày 18/01/2024.