Giáo Hội như người anh cả

Thu,06/12/2018
Lượt xem: 2726

                                                                          Giáo Hội như người anh cả

                                                                                   

                                                         Nhập đề

Lịch sử cứu độ là câu chuyện tình trong đó Thiên Chúa không ngừng dong duỗi tìm kiếm con người vì Người muốn cho “mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Đức Giê-su Ki-tô, khi đến trần gian, đã mặc khải cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa không chỉ là Chúa nhưng còn là người Cha yêu thương, và toàn thể nhân loại là một gia đình. Với ‘biến cố Đức Ki-tô’, lịch sử cứu độ bước vào khúc rẽ mới. Trong sứ mệnh của mình nơi dương thế, Đức Giê-su Ki-tô đã kêu gọi nhóm Mười Hai và thiết lập Giáo Hội, để thực thể này tiếp tục sự hiện diện và sứ mạng của Người ở trần gian cho tới khi Người lại đến trong vinh quang (Mt 25,31). Trong gia đình nhân loại, Giáo Hội được Thiên Chúa thiết lập và giao phó sứ mệnh dẫn dắt con người về với Thiên Chúa – Đấng là Anpha và Ômêga (Kh 1,8). Dưới lăng kính của văn hóa Á Đông, Giáo Hội, bởi thế, cũng có thể được tiếp cận như là người anh cả trong gia đình đó.

Với lòng khiêm tốn và yêu mến Giáo Hội, qua bài suy tư này, người viết muốn trình bày hình ảnh “Giáo Hội như người anh cả” trong ý hướng tiếp cận một mô hình Giáo Hội mới phù hợp nhãn quan văn hóa Á Đông. Với mục đích đó, bài viết sẽ được trình bày với những điểm chính sau: [1] Hình ảnh người anh cả trong văn hóa gia đình Á Đông; [2] Giáo Hội như người anh cả; và [3] những suy tư thay lời kết.

1. Hình ảnh người anh cả trong văn hóa gia đình Á Đông

Điều được tiếp cận và triển khai ở đây là một trong những nét văn hóa của truyền thống gia đình Á Đông. Đối với văn hóa Tây Phương, hình ảnh người anh cả xem ra không thực sự quan trọng và đáng lưu tâm nhiều. Trong khi đó, đối với văn hóa Á Đông như Việt Nam, Trung Hoa… người anh cả có vị trí, vai trò, và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng trong gia đình.

Trong văn hóa Á Đông, đặc biệt là ở Việt Nam, tình gia đình, nghĩa anh em luôn được coi trọng. Anh em cốt lấy tinh thần tương thân tương ái làm đầu, lá lành đùm lá rách, bênh vực giúp đỡ nhau. “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.” Trong gia đình, người anh cả hay người con trưởng là người anh lớn nhất của các em trai và em gái cùng cha mẹ.[1]

Theo truyền thống, người anh cả có quyền và có bổn phận nhiều hơn cả các người em trong gia đình. Khi cha mẹ mất, người anh cả phải trèo lên mái nhà, tay cầm chiếc áo của người quá cố mà la lên, thông báo cho mọi người. Người con trai cả cũng phải đảm trách hay chịu phần nặng trong việc ma chay, giỗ tết, hay cúng tế cha mẹ và tổ tiên khi các ngài qua đời.[2]

Khi cha mẹ mất rồi thì người anh cả là người thay mặt cho cha mẹ mà trông nom, dạy dỗ các em. Em còn thơ bé thì anh phải nuôi nấng, rồi khi chúng lớn lên phải lo dựng vợ gả chồng cho các em nữa. Văn hóa Á Đông gọi đó là “quyền huynh thế phụ.” Gia sản cha mẹ để lại, người anh cả được quyền thừa kế phần hơn, dù có khi con út cũng được cha mẹ để cho phần gia tài lợi hơn, nhất là khi các anh chị trước đã yên bề gia thất.[3]

Như thế, trong văn hóa gia đình truyền thống Á Đông, người anh cả có vai trò và vị trí rất quan trọng. Hình ảnh người anh cả cách nào đó là hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô hôm nay, đặc biệt trong môi trường văn hóa tôn giáo tại Á Đông.

2. Giáo Hội như người anh cả

2.1. Căn tính và đời sống

Căn tính “Giáo Hội như người anh cả” được tiếp cận trên nền tảng hữu thể học. Muôn loài trên trời dưới đất, hữu hình và vô hình đều do Thiên Chúa dựng nên. Đức Ki-tô là con đầu lòng của Thiên Chúa như lời Thánh Phao-lô xác quyết: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15-16). Trong thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô, Ngài là Đầu, và Giáo Hội là chi thể (x. Cl 1,18). Bởi vì, Giáo Hội không thể tách khỏi Đức Ki-tô, cũng như thân thể không thể tách khỏi đầu, cho nên, nếu Đức Ki-tô đã là Trưởng Tử thì Giáo Hội là chi thể trong thân thể duy nhất ấy (x. Ep 4,16) cũng được thông phần vào chức vị của Người.

Xét trong bối cảnh văn hóa, tôn giáo ở Á Đông và Việt Nam, dưới chiều kích lịch sử xem ra Giáo Hội Chúa Kitô “sinh sau đẻ muộn.” Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo khẳng quyết: Giáo Hội được cưu mang trong ý định từ thuở đời đời của Thiên Chúa. Không phải đến thời Tân Ước, thực thể Giáo Hội mới được thai nghén, nhưng từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tiên báo về Giáo Hội qua các hình ảnh và được chuẩn bị kỳ diệu ngang qua lịch sử dân Is-ra-en. Các giáo phụ táo bạo hơn khi quan niệm rằng Giáo Hội có trước cuộc tạo dựng vì đã hiện hữu nơi Thiên Chúa ngay cả trước khi có tín hữu đầu tiên. Trưng dẫn EP 1,4-5, Origiene đã mạnh dạn giải thích rằng: “Không phải từ khi thế gian được tạo dựng, mà ngay cả trước khi tạo thành thế gian, Giáo Hội đã có, bởi vì Đức Ki-tô yêu thương Giáo Hội… Làm sao Ngài có thể yêu thương Giáo Hội nếu Giáo Hội không hiện hữu? Vậy, nếu Ngài đã yêu thương Giáo Hội thì chính là vì Giáo Hội đã có.”[4] Như thế, xét về mặt hữu thể cũng như về mặt ‘sử tính’, chúng ta có lý do để tiếp cận mô hình Giáo Hội là người anh cả.

Là người anh cả, Giáo Hội được chọn để nhận lời chúc phúc và thừa kế phần gia nghiệp là ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban qua và trong Đức Giê-su Ki-tô. Chính Đức Giê-su đã hứa: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34). Thánh Phao-lô khi khai triển quyền thừa tự của Giáo Hội đã xác tín rằng: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! "Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4,4-7).

Được tuyển chọn và thánh hiến, Giáo Hội trở nên mô mẫu cho một đời sống thấm đẫm những giá trị Tin Mừng. Các tôn giáo khác, vì không được ‘sinh ra’ từ thập giá của Đức Ki-tô và không được nuôi dưỡng bằng các bí tích nên không thể là mô mẫu chân thực dẫn con người tới chân lý vẹn toàn là Thiên Chúa. Bởi thế, xét như là người anh cả, Giáo Hội kế thừa việc tuyên xưng Đức Ki-tô chịu chết và sống lại cho đến tận cùng bờ cõi trái đất (Cv 1,8); và cho đến khi Người lại đến trong vinh quang (1Cr 11,2). Qua Lời Chúa và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Giáo Hội đón nhận nguồn sống dồi dào là ân sủng phát xuất từ Thiên Chúa. Người anh cả Giáo Hội có Đầu là Đức Ki-tô trở nên thánh thiện nhờ thông phần với Đức Ki-tô và phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên thân thể người anh cả Giáo Hội vẫn có những cơ phận bị thương tổn, đó là bởi Giáo Hội luôn cưu mang những người tội lỗi. Giáo Hội là người anh cả chưa hoàn hảo một khi còn lữ hành ở trần gian.[5]

2.2. Sứ mạng của người anh cả Giáo Hội

Giáo Hội là người anh cả, trước hết có sứ mạng hướng dẫn đàn em đông đúc trong gia đình nhân loại. Vì Giáo Hội là “sự sung mãn của Đức Ki-tô” (Ep 1,23), nên trong Giáo Hội, tiềm ẩn mọi “kho tàng khôn ngoan và hiểu biết về Thiên Chúa,” điều mà các thực thể khác của phàm nhân không thể thủ đắc được. Sự khôn ngoan này được ban cho Giáo Hội để trong vai trò là anh cả, Giáo Hội đồng thời là thầy dạy cho muôn dân như lời Chúa Giê-su đã căn dặn: “Anh em hãy đi dạy dỗ cho muôn dân” (Mc 16,15). Sứ mạng này cũng được thánh Phao-lô nhấn mạnh: “hãy dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô”(Cl 1,27-28). Cùng đích sự hướng dẫn của người anh cả Giáo Hội không gì khác hơn là dẫn dắt nhân loại, đặc biệt là những ai chưa nhận biết Thiên Chúa về với nguồn ơn cứu độ, như xưa, ông An-rê đã giới thiệu Chúa Giê-su cho em là Phê-rô (Ga 1,40-41).

Trong gia đình nhân loại, là người anh cả, Giáo Hội có sứ mạng phục vụ. Sự hiện diện của Giáo Hội giữa nhân loại là để phục vụ cho ơn cứu độ hoàn vũ của Thiên Chúa được Đức Giê-su Ki-tô thực hiện.[6] Giáo Hội không ngừng quan tâm đến tất cả chiều kích của đời sống con người. Giáo Hội luôn được định hướng ra đi phục vụ để thăng tiến nhân loại cách toàn diện. Tinh thần phục vụ của người anh cả Giáo Hội phản chiếu tinh thần phục vụ của Đức Ki-tô. Dựa trên giáo huấn của Người, Giáo Hội hăng say phục vụ nhân loại để đem lại sự sống sung mãn cho tất cả mọi người (cf. Ga 1,4), không chỉ dành cho những ai thuộc dòng tộc Áp-ra-ham theo huyết thống, mà là tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.[7]

Giáo Hội với tư cách là người anh cả phải là sợi dây liên kết, và kiến tạo mối hiệp thông giữa các phần tử khác trong gia đình nhân loại. Người anh cả Giáo Hội phải đặc biệt chú tâm đến những người em bị bỏ rơi bên lề xã hội, những người em nghèo đói cơm bánh và nhu cầu tâm linh, những nạn nhân của sự chà đạp nhân phẩm. Giáo Hội phải bảo vệ những người em;[8] phải lên tiếng trước những thảm trạng và bất công, những lạm dụng nảy sinh do những nhận thức phản diện về con người. Người anh cả Giáo Hội sống và hành xử với lòng thương xót, biết mang lấy những nỗi khắc khoải, những âm vang trong lương tâm của nhân loại.[9]

Giáo Hội được Thiên Chúa cho thừa kế gia sản đức tin, và như người anh cả, Giáo Hội có sứ mạng bảo vệ gia sản đó trong gia đình nhân loại. Giáo Hội là kho tích chứa chân lý. Giáo Hội sở hữu trọn vẹn các phương tiện để đón nhận ơn cứu độ. Không một tôn giáo, hay một thực thể nào ngoài Giáo Hội Chúa Kitô được chính Thiên Chúa trao phó cách minh thị và trọn vẹn kho tàng đức tin, mặc dù không phủ nhận những giá trị, những “mầm Chân Lý” có trong các tôn giáo hay các nền văn hóa khác.[10] Chỉ có người anh cả Giáo Hội được Đức Giê-su thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ mới được ân phúc đó. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông hiến Kho tàng Đức tin (Fidei depositum) đã khẳng định: “Kho tàng đức tin được Thiên Chúa trao ban cho Giáo Hội của Ngài gìn giữ và Giáo Hội vẫn không ngừng chu toàn nhiệm vụ đó.”

Người anh cả có nhiệm vụ coi sóc việc cúng tế, hương khói cho cha mẹ, ông bà khi các ngài đã qua đời. Giáo Hội cũng có bổn phận thay thế cho toàn thể tạo thành dâng lên Thiên Chúa là Cha hy tế thờ phượng, tạ ơn và cầu xin. Có nhiều cách thức để con cái nhân loại thờ phượng Thiên Chúa là Cha, nhưng thờ phượng qua phụng vụ trong Giáo Hội là cách thức xứng hợp và đẹp lòng Thiên Chúa nhất vì được thực hiện do nhiệm thể Chúa Ki-tô là Đầu và các chi thể của Người.[11] Giáo Hội hơn hai ngàn năm nay luôn xác tín rằng: Thánh lễ là nguồn mạch và là chóp đỉnh của tất cả đời sống phụng vụ Ki-tô giáo,[12] là hành vi thờ phượng cao cả nhất mà Thiên Chúa muốn nơi con người. Hành vi thờ phượng này chỉ có trong Giáo Hội Chúa Ki-tô. Chính bởi thế, như người anh cả trong gia đình nhân loại, Giáo Hội mỗi ngày thay cho đàn em đông đúc, dâng lên Thiên Chúa hy tế tạ ơn. Trong Đức Ki-tô là Đầu, Giáo Hội là trưởng nghi của hy tế phụng thờ.

3. Vài suy tư thay lời kết

“Anh cả” không phải là hạn từ mang tính tích cực tốt đẹp nhiều trong những trang Kinh Thánh. Độc giả Kinh Thánh phần đa chỉ gặp thấy hình ảnh những người anh cả không có nhiều ý nghĩa, vị thế, và vai trò trong gia đình. Chẳng hạn, Ca-in là anh đã giết em mình là A-bel (St 4,1-16); E-sau là anh đã bán chức trưởng nam cho em là Gia-cóp (St 25,29-34); người anh cả ích kỷ trong dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lc 15,11-31)… Cho nên, ta thường ngần ngại quy chiếu hình ảnh Giáo Hội với người anh cả. Tuy nhiên, trong văn hóa gia đình Á Đông, hình ảnh người anh cả lại rất có ý nghĩa. Chính vì vậy, mặc dù còn nhiều hạn chế trong khi triển khai, song việc tiếp cận mô hình “Giáo Hội như người anh cả” tại những nền văn hóa này phần nào đó giúp Giáo Hội định hình được sứ mệnh và chu toàn bổn phận của mình giữa gia đình nhân loại.

Đối diện với những tôn giáo khác, những thực thể xã hội khác ở Á Châu, quả là một sự liều lĩnh không hơn không kém khi ví “Giáo Hội như người anh cả.” Song, cản ngại ấy không cho phép Giáo Hội ngừng lớn lên và thăng tiến để thực sự trở nên là người anh cả trong vai trò hướng dẫn nhân loại về với Thiên Chúa là Cha đích thực. Không phủ nhận những giá trị, những mầm chân lý trong các tôn giáo khác, những nền văn hóa khác, nhưng con đường tiến về chân lý cùng đích sẽ dễ dàng và sáng tỏ hơn nếu Giáo Hội là người anh cả đi tiên phong dẫn dắt nhân loại.

Chúa Giêsu mời gọi Giáo Hội hòa đồng giữa thế gian như là men, là muối, song Người cũng muốn Giáo Hội là người anh cả phải trổi vượt, phải là ánh sáng, là đèn đặt trên thùng để soi chiếu thế gian. Giáo Hội là anh cả phải nỗ lực dấn thân hơn nữa vì “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.”[13]

Việc khai triển mô hình “Giáo Hội như người anh” cả chỉ mang tính tượng trưng và loại suy dựa trên những điểm tương đồng. Đây là một mô hình còn mới mẻ nhưng có tính cần thiết và ý nghĩa vì thế đáng được coi trọng, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa tôn giáo Á Đông cũng như tại Việt Nam. Đã đến lúc, Giáo Hội cần phải tiếp nhận mình dưới mô hình ấy để ý thức hơn căn tính của mình và từ đó chu toàn sứ mạng được Thiên Chúa giao phó. Triết gia Emmanuel Monier đã từng nói: “Nếu một hòn đá được đặt đúng vị trí trọng tâm, nó có thể làm chuyển hướng một dòng sông.” Giáo Hội cũng thế, nếu được đặt đúng vị trí của mình, Giáo Hội sẽ làm thay đổi gia đình nhân loại, để tất cả được nên một trên hành trình gặp gỡ Đấng Vĩnh Cửu là Cha tình yêu của mình. Con tim của người anh cả Giáo Hội sẽ không an nghỉ cho tới khi nhân loại được an nghỉ trong bình an của Đức Ki-tô phục sinh.[14]

GB. Lê Quốc Hưng, K13

 

 


[1]Cf. Viện Ngôn ngữ Việt Nam, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2014, 14.

[2]Cf. Peter Phan Đình Cho, “Đức Giêsu như là người anh cả và là ông tổ”, (Thế Hanh, OP., chuyển ngữ) đăng trên http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/duc-giesu-nhu-la-nguoi-anh-ca-va-la-mot-ong-to, truy cập ngày 20/5/2018.

[3]Cf. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2013, 12-13.

[4] Cf. Felipe Gomez, SJ., Giáo Hội học 1, Antôn & Đuốc Sáng, 54.

[5] Cf. Matthêu Kelley, (ĐCV Bùi Chu dịch), Tái khám phá Đạo Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2015, 75.

[6] Cf. Nguyễn Văn Viên, Một số Mô hình Giáo Hội, ĐCV Vinh Thanh, 2017, 100.

[7]Cf. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 1980, số 4

[8]Cf. Bộ Giáo lý Đức Tin, (HĐGMVN dịch), Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, số 2245.

[9] Cf. W. Kasper, (Nguyễn Khương Duy et alii dịch), Lòng Thương Xót, op.cit., 180.

[10] Cf. Bộ Giáo lý và Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus, (2000), số 16.

[11] Cf. Lm. Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo trình Thần học Luân lý chuyên biệt, ĐCV Vinh Thanh, 2014, 7.

[12] Cf. Công đồng Vaticanô II, (Học Viện Giáo Hoàng Piô X dịch), Hiến chế Lumen Gentium, số 11.

[13] Công đồng Vaticanô II, (Học Viện Giáo Hoàng Piô X dịch), Hiến chế Gaudium et Spes, số 1.

[14] Cf. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclecsia in Asia, số 10.

Nguồn tin: