Giáo Hội Như Là Gia Đình Thiên Chúa (P1)

Wed,28/11/2018
Lượt xem: 3090

Dẫn Nhập

Mặc khải Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng, từ nguyên thủy, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài, đồng thời, sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, để họ được chia sẻ sự sống và tình yêu của Người. Tuy nhiên, bản tính và phẩm giá con người trên bình diện cá nhân cũng như gia đình đã bị hư tổn vì tội lỗi. Để thực hiện chương trình phục hồi và cứu độ con người, Thiên Chúa bắt đầu bằng việc chọn Dân Do Thái làm Dân Riêng của Người, đồng thời, Người cho họ biết, Người là Cha của họ và là Cội Nguồn của muôn vật muôn loài. Từ Dân Riêng của Người, Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa đã đến với gia đình nhân loại, qua gia đình Na-da-rét.
 
Trong sứ mệnh của mình ở trần gian, Đức Giê-su mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha của Người Con Duy Nhất là chính Người, đồng thời, Người cũng mặc khải về Chúa Thánh Thần. Đức Giê-su còn mặc khải về sự duy nhất của Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Người trong chương trình cứu độ nhân loại. Cùng với Chúa Cha, Người gửi Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ Người để tiếp tục chương trình của Thiên Chúa. Như vậy, theo mặc khải của Đức Giê-su, Thiên Chúa vừa là Một, vừa là Ba Ngôi, vừa là Duy Nhất, vừa là Gia Đình và sự hiện diện của Đức Giê-su ở trần gian chính là sự hiện diện của Gia Đình Thiên Chúa. Các giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại trong lịch sử diễn ra trong bối cảnh gia đình (gia đình A-đam, gia đình Nô-ê, gia đình Áp-ra-ham, gia đình Mô-sê, gia đình Đa-vít) là những hình ảnh báo trước giao ước mới giữa Gia Đình Thiên Chúa và gia đình nhân loại được thực hiện bởi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Trong sứ mệnh dương thế của mình, Đức Giê-su Ki-tô đã thiết lập Giáo Hội, để Giáo Hội tiếp tục sự hiện diện của Người ở trần gian.
 
Chủ đề bài viết ‘Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa’ là chủ đề rộng lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau từ thần học đến nhân loại học, từ xã hội học đến đạo đức học. Chúng ta giới hạn việc tìm hiểu chủ đề thông qua những điểm chính yếu thuộc nội dung đức tin Ki-tô Giáo, đồng thời, khai triển hình ảnh Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa và sứ mệnh của Gia Đình Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Nội dung bài viết theo thứ tự như sau: (1) Khái niệm gia đình, (2) Gia Đình Thiên Chúa theo mặc khải Kinh Thánh, (3) Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa, (4) Gia Đình Giáo Hội loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa, (5) Gia Đình Giáo Hội phục vụ gia đình nhân loại và (6) Ưu điểm trong việc hiểu Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa.
1. Khái niệm gia đình
 
Là con người, ai cũng có kinh nghiệm về gia đình, tuy nhiên, sẽ không bao giờ có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi ‘gia đình là gì?’, bởi vì, khái niệm này diễn tả thực thể (hay những thực thể) vừa tĩnh, vừa động, vừa cụ thể, vừa trừu tượng, vừa thuộc phạm trù văn hóa xã hội, vừa thuộc phạm trù kinh tế chính trị, vừa thuộc phạm trù triết học, vừa thuộc phạm trù thần học. Dạng thức chính yếu của gia đình, gia đình cơ bản, gia đình theo nghĩa thuần túy, gia đình như là tế bào của xã hội (cell of society) hay gia đình hạt nhân (nuclear family) là gia đình bao gồm một vợ một chồng (monogamous model) và con cái của họ chưa đến tuổi thành hôn. Đây là môi trường, nơi các đặc tính của con người như ngôi vị, tương quan, xã hội, văn hóa, truyền thống được đón nhận, sống và chuyển tải.
 
Gia đình mở rộng bao gồm gia đình cơ bản cùng với những người liên quan khác theo huyết tộc, chẳng hạn, ông, bà, cháu, chắt. Gia đình mở rộng cũng bao gồm những người họ hàng khác nữa, chẳng hạn, chú, bác, cậu, dì. Gia đình mở rộng còn có nghĩa là gia đình của những người thuộc cùng chủng tộc, bộ tộc hay thị tộc. Ngoài gia đình cơ bản, gia đình mở rộng còn có gia đình hỗn hợp. Đây là hình thức gia đình mà vợ hoặc chồng hoặc cả hai có những hôn nhân mới cùng với con cái và các thành phần trong gia đình chung sống với nhau. Một số dân tộc trên thế giới còn duy trì hình thức gia đình đa thê (polygynous family), là gia đình trong đó người chồng cùng lúc có nhiều người vợ hay đa phu (polyandrous family), là gia đình trong đó người vợ cùng lúc có nhiều người chồng.[1]
 
Trong những thập kỷ gần đây, nghĩa gia đình cơ bản truyền thống bị biến dạng, người ta hiểu và sống bầu khí gia đình theo cảm nhận tự do của mình. Ở một số nơi, pháp luật dân sự cho phép họ thực hiện điều đó nhân danh tự do, nhân phẩm và dân quyền. Theo nghĩa này, gia đình không nhất thiết bao gồm cha mẹ và con cái chưa kết hôn mà còn bất cứ hình thức nào, có thể là gia đình của những người đồng ý sống với nhau và lìa bỏ nhau bất cứ lúc nào hay những người sống với nhau theo lối ‘hợp đồng’. Khi ly thân, họ có thể sống một mình hoặc nếu có con, họ trở thành cha đơn thân nuôi con (single daddy) hay mẹ đơn thân nuôi con (single mom). Xem ra, xã hội hiện đại dễ dàng cổ xúy cho các hình thức gia đình này.
 
Ngoài gia đình liên quan đến vợ chồng, con cái, người ta còn dùng khái niệm gia đình để chỉ những thực thể khác trong môi trường nhân loại. Chẳng hạn, gia đình gắn liền yếu tố địa lý, như gia đình của những người trong một thôn, một xã, một huyện, một tỉnh, một quốc gia, một châu lục, toàn thế giới (gia đình nhân loại). Người ta cũng thường dùng khái niệm gia đình để chỉ các hội đoàn, tổ chức, tôn giáo, chẳng hạn, gia đình những người trong giáo họ, giáo xứ, giáo phận, gia đình đại chủng viện, gia đình dòng tu. Mỗi hình thức gia đình này lại bao gồm nhiều ‘lớp gia đình’ khác nữa, chẳng hạn, gia đình các tu sĩ chiêm niệm, gia đình các tu sĩ ẩn tu, gia đình các tu sĩ lo việc bác ái tông đồ.[2]
 
Gia đình không chỉ mang tính sinh học, văn hóa, xã hội mà còn mang tính tâm linh và tôn giáo sâu sắc. Nhiều người, nhiều dân tộc trên thế giới xem mình là ‘hậu duệ của các thần minh’ và họ có tương quan mật thiết với các thần minh. Đời sống của họ mang đậm âm hưởng của các thần minh. Họ đón nhận, sống và chuyển tải những giá trị niềm tin, truyền thống và thực hành liên quan đến thần minh qua các thế hệ. Hình thức gia đình này có thể bao gồm những người cùng hay không cùng huyết tộc, bởi vì, sự liên kết giữa họ không dựa vào những gì thuộc thế giới khả giác mà thuộc thế giới thần minh. Những yếu tố thần minh này quan trọng hơn là những yếu tố huyết tộc hay bất cứ yếu tố nào trong thế giới khả giác.
 
 Đối với họ, những người trong gia đình qua đời không đi vào cõi tiêu diệt, nhưng được vinh thăng cùng thế giới thần minh, thế giới đáng trân trọng và đáng sống hơn thế giới khả giác. Việc tưởng nhớ ông bà tổ tiên không phải là quay về với kỷ niệm xa xưa mà là hiện thực hóa sự liên kết giữa người sống và người qua đời trong cùng gia đình. Các thành phần của gia đình có thể xa tận thủy tổ và kéo dài mãi trong dòng lịch sử. Chẳng hạn, việc tưởng nhớ ông bà tổ tiên của nhiều dân tộc Châu Á là dịp để mọi người tỏ lòng tri ân, báo hiếu thế hệ trước, đồng thời, xin sự bầu cử của thế hệ trước cho mình và các thế hệ mai sau. Sự suy vong hay phồn thịnh của thế hệ sau được xem là hệ quả của thế hệ trước hay sự bất xứng của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Theo họ, gia đình hữu hình là tạm thời, còn gia vô hình luôn bền vững.
 
Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng gia đình là thể chế đầu tiên, ngay từ buổi đầu sáng tạo và là thể chế căn bản nhất của nhân loại. Gia đình là hình thức tập thể, hình thức cộng đoàn bền vững hơn bất cứ hình thức tập thể, hình thức cộng đoàn nào khác trong nhân loại. Gia đình được thiết lập, hiện diện, hoạt động và tiếp tục trong dòng lịch sử cho đến tận thế. Chúng ta có thể nói rằng ‘cũ như gia đình’ và cũng có thế nói rằng ‘mới như gia đình’. Gia đình cũ vì ‘tuổi của gia đình’ nhiều hơn tuổi của bất cứ thể chế nào. Tương tự như thế, gia đình luôn mới, vì tương lai của gia đình dài hơn bất cứ tương lai của thể chế nào. Khi gia đình suy vong cũng là khi nhân loại không còn tồn tại.
 
Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng gia đình được thiết lập để đón nhận, sống và chuyển tải mặc khải của Thiên Chúa. Mọi người trong gia đình bình đẳng với nhau về phẩm giá và được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo cũng như chăm sóc thế giới thụ tạo. Mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và toàn thể thụ tạo được diễn tả qua hình ảnh gia đình.
 
Con người không thể hiện diện mà không có gia đình. Con người không thể là mình đúng nghĩa nếu không có kinh nghiệm về gia đình. Con người không thể là thành phần của xã hội đúng nghĩa bao lâu chưa ý thức rằng mình thuộc về gia đình và có trách nhiệm đối với gia đình. Theo Công Đồng Vatican II, “gia đình là một trường học phát triển nhân tính.”[3] Từ gia đình, nền tảng cấu trúc xã hội (social foundation), mỗi người được nuôi dưỡng, được học hành, được làm quen với chuẩn mực xã hội và được định hình về nhân cách cũng như những kinh nghiệm quí giá cho cuộc sống trong xã hội.[4] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng “chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.”[5] Gia đình là nơi con người nhận ra căn tính của mình như là thực tại có khả năng thể hiện tình yêu và cảm nhận tình yêu từ những người khác cách đúng nghĩa nhất.
 
Không nghi ngờ gì nữa, lịch sử gia đình nhân loại có được sự chuyển biến tích cực nhờ mặc khải Ki-tô Giáo. Quả thật, Kinh Thánh Ki-tô Giáo đặt nền tảng cho những khám phá, suy tư và thực hành đời sống gia đình cách đúng nghĩa nhất. Hơn ai hết, Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải về Gia Đình Thiên Chúa và đặt nền tảng vững chắc cho gia đình cơ bản cũng như các hình thức gia đình khác trên thế giới. Người thiết lập Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian là Giáo Hội để phục vụ tất cả mọi người. Trong bối cảnh thế giới khủng hoảng về gia đình hay không có ý thức đủ về tầm quan trọng của gia đình, việc tìm hiểu nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho phép chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của các hình thức gia đình trong hành trình dương thế.
 
2. Gia Đình Thiên Chúa theo mặc khải Kinh Thánh
a.  Gia đình Thiên Chúa trong Cựu Ước
 
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, trong buổi đầu sáng tạo, Thiên Chúa không nói rằng “ta hãy làm ra con người theo hình ta, giống như ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”, nhưng nói rằng “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Ở đoạn khác trong Sách Sáng Thế cũng tương tự như vậy, Thiên Chúa nói rằng “này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác” (St 3,22). Chủ từ của hành động ‘nói’ là Thiên Chúa ở số nhiều (chúng ta). Các nhà chú giải tranh luận sôi nổi về những câu Kinh Thánh trong đó Thiên Chúa diễn tả chính mình ở số nhiều, ngôi thứ nhất. Những người muốn bảo vệ niềm tin độc thần cách nghiêm ngặt cho rằng Thiên Chúa nói như vậy với các thiên thần trong tâm trí hoặc cho rằng tác giả Sách Sáng Thế, cách nào đó, còn ảnh hưởng não trạng đa thần. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem đây như là ‘những mặc khải sơ khởi’ về Gia Đình Thiên Chúa. Mặc khải này dần được biểu lộ trong các sách khác của Kinh Thánh Cựu Ước và rõ ràng hơn trong Biến Cố Đức Ki-tô của Tân Ước.
 
Chúng ta biết rằng từ ‘gia đình’ theo cách hiểu hiện đại không được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước, tuy nhiên, nghĩa ‘gia đình’ lại rất phổ biến, ngay từ những trang đầu của Sách Sáng Thế.[1] ‘Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa’ được xem là mặc khải tột đỉnh về căn tính và phẩm giá con người theo Kinh Thánh Cựu Ước. Con người không phải là Thiên Chúa, nhưng cũng không xa lạ với Thiên Chúa. Con người là thụ tạo của Thiên Chúa, nhưng trổi vượt trên tất cả thụ tạo khác. Tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên rằng ‘Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy’ (Tv 8,6). Chúng ta có thể giải thích ‘hình ảnh Thiên Chúa’ ở đây không chỉ nói về những con người đơn lẻ, những cá nhân, những ngôi vị riêng biệt, mà còn là hình ảnh ‘con người tập thể’, ‘con người cộng đoàn’, con người trong tương quan, hiệp nhất, yêu thương, nói cách khác ‘con người gia đình’. Theo nghĩa này, chúng ta có thể suy luận rằng ‘Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa’, đồng thời, Người cũng ‘sáng tạo gia đình con người theo hình ảnh Gia Đình Thiên Chúa’.
 
Cả hai trình thuật sáng thế (St 1,1-2,4 và St 2,5-25) đều diễn tả gia đình đầu tiên, trong đó, trình thuật thứ nhất nói đến người nam và người nữ rằng “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27), còn trình thuật thứ hai nói đến ‘con người’ và ‘vợ mình’ rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (St 2,22). Trình thuật thứ nhất nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa nam và nữ, đồng thời, đề cao sự kết hợp của nam và nữ trong việc sinh hoa kết trái để làm cho gia đình nhân loại ngày càng phát triển. Trình thuật thứ hai nhấn mạnh đến sự bổ trợ cần thiết giữa nam và nữ vì ‘con người ở một mình thì không tốt’ (St 2,18). Người nam cần người nữ và ngược lại, người nữ cần người nam và họ trở nên ‘một xương một thịt’ nhằm làm cho đời sống của họ được phong phú và cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình của Người.[2]
 
Trong khi chúng ta có ít kinh nghiệm về Gia Đình Thiên Chúa, chúng ta lại có nhiều kinh nghiệm về gia đình con người, bởi vì, tất cả chúng ta ai cũng là ‘con người của gia đình’. Sách Sáng Thế không dùng từ ‘gia đình’, tuy nhiên, nghĩa của gia đình thực sự đã được diễn tả cách cụ thể rằng “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Họ được mời gọi để tạo nên gia đình và “sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất… làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Cấu trúc cơ bản của gia đình bao gồm cha mẹ và con cái đã được Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc ngay từ buổi đầu sáng tạo và cấu trúc này tiếp tục trong hành trình lịch sử nhân loại cho đến tận thế.
 
Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, muôn vật muôn loài không được tạo dựng như là những thực tại riêng lẻ, nhưng là những thực tại liên đới, lệ thuộc lẫn nhau và hiệp thông với nhau. Đối với con người, sự hiệp thông và phụ thuộc lẫn nhau được diễn tả qua bối cảnh gia đình của A-đam và E-và, gia đình đầu tiên của nhân loại. Gia đình này vừa là hình ảnh của gia đình cơ bản, gia đình hạt nhân, tế bào xã hội, vừa là hình ảnh của gia đình nhân loại rộng lớn. Nói cách khác, A-đam và E-và trở thành thủy tổ của nhân loại và những gì thuộc về A-đam và E-và cũng thuộc về toàn thể nhân loại trên bình diện cá nhân cũng như tập thể.
 
Câu chuyện A-đam và E-và, câu chuyện của gia đình đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị đối với các hình thức gia đình trong nhân loại. Sự yếu đuối, tự do, phẩm giá và trách nhiệm của A-đam và E-và vẫn còn đó trong tâm tính của tất cả mọi người qua muôn thế hệ. Như A-đam và E-và, con người có thể chọn lựa giữa trung tín và bất tín, giữa tình yêu chân thực của Thiên Chúa và cám dỗ của ma quỉ, thế gian, xác thịt: Cám dỗ để khám phá, cám dỗ để khẳng định mình, cảm dỗ để được tự lực tự cường, tự quyết định số mệnh của mình, cám dỗ để không còn bị ràng buộc nào, cảm dỗ để thoát khỏi các tương quan lành mạnh.
 
Câu hỏi đặt ra ‘đâu là hình ảnh Thiên Chúa điển hình nhất trong nhân loại’? Thưa đó chính là tình yêu. Người nam và người nữ yêu thương nhau, bổ túc cho nhau. Tình yêu của họ trổ sinh bông hạt là con cái diễn tả rõ nét nhất tình yêu của Thiên Chúa. Cấu trúc gia đình bền vững và được Thiên Chúa đặt ở bậc ‘giao ước’ chứ không phải ở bậc ‘liên kết’, ‘hợp đồng’, ‘tương quan tạm thời’ hay bất cứ thứ bậc nào trong xã hội loài người. Mục đích của ‘giao ước’ là để người nam và người nữ trọn đời hiệp nhất yêu thương nhau, đồng thời, trở thành chỗ dựa vững chắc cho con cái. Như thế, hình ảnh người nam, người nữ và con cái họ được xem là hình ảnh rõ nhất cho phép chúng ta suy niệm và tiếp cận Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng ‘con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa’ chứ không nói rằng ‘người nam (hay người nữ) được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa’.
 
Phần đầu Sách Sáng Thế (St 1-11) trình bày việc sáng tạo muôn loài cũng như con người với những nhân vật như A-đam và E-và, Ca-in và A-ben, Nô-ê và con cháu ông cùng những người xây tháp Ba-ben mang nghĩa tiên trưng và ẩn dụ.[3] Phần kế tiếp của Sách Sáng Thế trình bày lịch sử của dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn với người đại diện là Áp-ra-ham, trong đó Thiên Chúa diễn tả mình như người Cha, còn Áp-ra-ham và con cháu ông là Dân Người (St 12-50). Tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người là tương quan gia đình. Đây là điều mới mẻ của mặc khải Do Thái Giáo so với các tôn giáo tồn tại trong lịch sử nhân loại trước đó hay cùng thời. Đối với đa số các tôn giáo quanh vùng Địa Trung Hải lúc bấy giờ, Hữu Thể Tối Cao, Thượng Đế, Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt hoặc là quá xa xôi đối với con người hoặc mang những đặc tính như con người vậy, nghĩa là, có giận hờn, ghen ghét, tranh giành ảnh hưởng trong thế giới thụ tạo. Thiên Chúa của Dân Do Thái là Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa của tương quan lành thánh, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và ‘nhà Ít-ra-en’ là ‘nơi Thiên Chúa ngự’.
 
Kinh Thánh Cựu Ước còn cho chúng ta biết về Áp-ra-ham và vai trò của ông trong lịch sử của Thiên Chúa đối với Dân Do Thái. Hình ảnh Áp-ra-ham không phải là hình ảnh của một hoàng đế hay vua chúa. Hình ảnh của Áp-ra-ham cũng không phải là hình ảnh của người chỉ huy hay người lãnh đạo, không phải hình ảnh một tư tế hay ngôn sứ. Trước hết, hình ảnh Áp-ra-ham là hình ảnh của người cha trong gia đình. Hơn thế nữa, Áp-ra-ham không chỉ là hình ảnh của người cha trong một gia đình đơn lẻ, gia đình cơ bản, mà còn là người cha chung của muôn người (St 12,3).
 
Thiên Chúa bày tỏ mục đích của Người đối với Áp-ra-ham rằng “Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của Đức Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực” (St 18,19). Thiên Chúa yêu thương, kêu gọi và làm cho Áp-ra-ham trở thành cha của Dân Người, cha của tất cả những kẻ tin.[4]Như thế, chương trình của Thiên Chúa đối với Áp-ra-ham, đối với Dân Do Thái là chương trình gia đình trước bất cứ chương trình nào khác. Đến lượt mình, Áp-ra-ham ý thức điều đó, đồng thời, ông luôn vâng lệnh Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, ngay cả việc sát tế đứa con duy nhất nối dõi tông đường, để duy trì sự tồn tại và phát triển của gia đình, ông vẫn không chối từ.
 
Điều đáng chúng ta quan tâm là gia đình Do Thái trong Cựu Ước được hiểu theo nghĩa gia đình mở rộng hơn là gia đình cơ bản, chẳng hạn, Thiên Chúa nói với Mô-sê rằng “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,6). Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp không trực tiếp sinh ra Mô-sê, tuy nhiên, họ là cha của Mô-sê cũng như cha của toàn thể con cái Ít-ra-en cho dù khoảng cách giữa những con người này là hàng trăm năm lịch sử. Áp-ra-ham luôn được hiểu là tổ phụ của Dân Do Thái theo huyết thống và là tổ phụ của tất cả mọi người tin vào Thiên Chúa mà Áp-ra-ham và con cháu ông tin, nhờ Áp-ra-ham muôn dân được phúc lành của Thiên Chúa.[5]
 
Khi đề cập đến các giới răn trong Cựu Ước, đặc biệt đối với Mô-sê, chúng ta thấy rằng lời của Mô-sê với Dân Do Thái được đặt trong bối cảnh gia đình mở rộng. Chẳng hạn, đối với giới răn quan trọng nhất, giới răn mến Chúa, Mô-sê nói rằng “nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Dnl 6,4-7). Mô-sê luôn quan tâm đến hiệu lực của giới răn Thiên Chúa trong đời sống của gia đình Dân Do Thái. Mô-sê hiểu rằng giới răn luôn đồng hành cùng gia đình Dân Do Thái trong khi các cá nhân lần lượt ra đi.
 
Kinh Thánh Cựu Ước còn dùng hình ảnh hôn nhân gia đình để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái. Hôn nhân giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái bền vững về phía Thiên Chúa, nhưng lại dễ bị tổn thương về phía Dân Do Thái. Người chồng yêu thương người vợ diễn tả Thiên Chúa yêu thương Dân Do Thái. Sự trung tín vợ chồng diễn tả sự trung tín của Dân Do Thái đối với Thiên Chúa. Tương tự như vậy, sự bất tín vợ chồng diễn tả sự bất tín của Dân Do Thái đối với Thiên Chúa. Trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa sống tinh thần giao ước còn Dân Do Thái sống tinh thần hợp đồng. Thiên Chúa đề cao những giá trị vĩnh cửu, Dân Do Thái đề cao những giá trị tạm thời và chạy theo bóng dáng của những gì vinh hoa thế tục hão huyền. Trong Sách Tiên Tri Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa nói rằng “người đàn bà thất trung với bạn mình làm sao, thì, hỡi nhà Ít-ra-en, các ngươi cũng thất trung với Ta như vậy” (Gr 3,20). Tuy nhiên, lịch sử Cựu Ước cho chúng ta thấy rằng sự bất tín của Dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung không thể phá vỡ chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới thụ tạo. Gia đình nhân loại bị méo mó, băng hoại, tuy nhiên, không bị triệt tiêu, trái lại, được khôi phục nhờ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tình yêu vượt thắng tội lỗi nhân loại.
 
Dân Do Thái nhận thức rằng Thiên Chúa là Cha của dân tộc họ. Do đó, Thiên Chúa luôn yêu thương họ cho dù họ lắm phen ngỗ nghịch, bất xứng. Đối với họ, sự trở về với Thiên Chúa, sự trở về với Cha mình luôn là điều cần thiết để đón nhận sự tha thứ và phúc lành của Người, bởi vì, càng xa rời Thiên Chúa bao nhiêu, họ càng lâm cảnh lầm than cơ cực bấy nhiều. Hơn thế nữa, càng xa rời Thiên Chúa, họ càng dễ rơi vào tay của những thế lực ngoại bang và gần hơn với sự hủy diệt. Kinh nghiệm lịch sử dạy cho họ rằng Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với họ và giữ lời hứa với cha ông họ qua muôn ngàn thế hệ.
 
b.  Gia đình Thiên Chúa trong Tân Ước
 
Như đã được đề cập ở trên, trong Cựu Ước, Thiên Chúa mặc khải là Cha của Dân Do Thái và là nguồn gốc của muôn vật muôn loài.[6] Những người thuộc Do Thái Giáo và Ki-tô Giáo đều tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, nhưng ý niệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chưa hề tồn tại trong Do Thái Giáo. Hơn thế nữa, khi nói Thiên Chúa là gia đình và Đức Giê-su Ki-tô từ Gia Đình Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại để thiết lập Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian thì lại càng xa lạ đối với những người Do Thái Giáo. Thực ra, việc nhận thức Thiên Chúa là Gia Đình và Thiên Chúa thiết lập Gia Đình của Người trong môi trường nhân loại không phát xuất từ suy tư của con người, nhưng từ mặc khải căn bản của Tân Ước.
 
Chúng ta biết rằng tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái trong bối cảnh gia đình đạt tới đỉnh điểm trong Biến Cố Đức Ki-tô, khi thời gian tới hồi viên mãn. Với Biến Cố này, Thiên Chúa thiết lập gia đình Người ở trần gian để gia đình Người lớn mạnh và lan rộng khắp nơi. Gia Đình Thiên Chúa đã được tiên báo ngay từ buổi đầu sáng tạo (St 3,15), hiện diện trong lịch sử nhân loại, đặc biệt, lịch sử gia đình Dân Do Thái. Với Biến Cố Đức Ki-tô, Thiên Chúa mặc khải rằng Người không chỉ là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và con cháu của họ, mà còn là Thiên Chúa của muôn dân muôn nước.
 
Với Gia Đình Thiên Chúa hiện diện ở trần gian, Thiên Chúa ‘không liên lạc với nhân loại từ xa’ như Người đã thực hiện qua những người lãnh đạo Do Thái hay các tiên tri trong Cựu Ước, nhưng qua Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã trở thành Em-ma-nu-en, Thiên Chúa trở thành Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Người hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại để thông phần bấp bênh, bất hòa hợp và đau khổ của gia đình nhân loại trong hành trình tiến về Gia Đình Thiên Chúa sung mãn. Đức Giê-su Ki-tô mặc khải cho nhân loại biết rằng gia đình nhân loại được hình thành, hiện diện và tiếp tục trong dòng lịch sử là nhờ Gia Đình Thiên Chúa.
 
Đức Giê-su cũng tỏ cho nhân loại thấy rằng Người là Con Thiên Chúa, Đấng là nguyên ủy và cứu cánh của mọi người cùng toàn thể thế giới thụ tạo. Hơn thế nữa, Đức Giê-su còn mặc khải về Chúa Thánh Thần. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16) và rằng “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa Cha và từ Đức Giê-su Ki-tô. Karl Rahner (1904-1984), nhà thần học xuất chúng thế kỷ XX, thuộc Dòng Tên, nói rằng “Chúa Ba Ngôi cứu độ chính là Chúa Ba Ngôi nội tại và ngược lại.”[7] Theo cách hiểu của Karl Rahner và với ngôn ngữ gia đình, chúng ta có thể nói rằng ‘Gia Đình Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu độ cũng chính là Gia Đình Chúa Ba Ngôi nội tại’. Như vậy, nhờ Đức Giê-su Ki-tô và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại những điều mà với khả năng tự nhiên, nhân loại không thể nhận thức được. Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, Thiên Chúa là một và là cộng đoàn các Ngôi Vị, Thiên Chúa là gia đình.
 
Từ muôn thuở, Đức Giê-su thuộc Gia Đình Thiên Chúa. Với Biến Cố Nhập Thể, Người cũng thuộc gia đình nhân loại và trở thành thành phần trong gia đình nhân loại.[8] Vốn dĩ thuộc về môi trường Thiên Chúa, Đức Giê-su mặc khải cho nhân loại về môi trường này, đồng thời, Người làm cho toàn thể mọi người trong gia đình nhân loại được nối kết với Gia Đình Thiên Chúa. Khi thuộc về môi trường gia đình nhân loại, Đức Giê-su đã học cho biết môi trường này. Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái nói rằng “dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Với Người, gia đình nhân loại không còn phải bước đi trong cảnh mù tối của thế gian, của sự dữ, nhưng được bước đi trong ánh sáng ban sự sống của Người. Đồng thời, Đức Giê-su còn mở ra cho nhân loại hừng đông mới về Gia Đình Thiên Chúa viên mãn.
 
Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong gia đình Na-da-rét. Dưới nhãn quan những người đương thời, Người có bố làm nghề thợ mộc, tên là Giu-se, mẹ là Ma-ri-a, anh chị em họ hàng của Người là Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn, Giu-đa (Mt 13,55). Đức Giê-su lịch sử hiện diện ở trần gian 33 năm thì 30 năm sống với gia đình.[9] Người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh tôn giáo và văn hóa Do Thái. Người được giáo dục để tuân giữ và thực hành các tập tục Do Thái. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a thi hành đầy đủ các bổn phận của những người Do Thái đối với bản thân mình cũng như đối với Đức Giê-su. Khi trưởng thành, Đức Giê-su vào đền thờ trong những ngày Sa-bát. Người tuân giữ và khuyến khích người khác tuân giữ luật Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Đức Giê-su chỉ cho mọi người biết đâu là điểm căn bản trong việc tuân giữ lề luật Thiên Chúa (Mt 5,17-48).
 
Đức Giê-su cho chúng ta biết sự liên kết giữa Người và Chúa Cha sâu thẳm đến nỗi Người với Chúa Cha là một (Ga 10,30; Ga 17,22). Người cũng muốn rằng tất cả nhân loại, cùng với Người, trở nên một trong Chúa Cha. Sự liên kết này bền vững và sâu nhiệm hơn bất cứ sự liên kết gia đình nào mà chúng ta có thể cảm nhận được. Đó là lý do tại sao Người nói “anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9). Chúng ta đạt được sự liên kết này khi chúng ta thực thi giới răn mới của Người (Ga 13,34-35; Ga 15,15). Người dạy các môn đệ cũng như những ai theo Người qua muôn thế hệ cầu nguyện với câu mở đầu thân thương rằng ‘lạy Cha chúng con ở trên trời’. Câu mở đầu này gợi lên hai điểm chính: (1) Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và (2) mọi người là anh chị em của nhau. Như thế, mỗi người trong nhân loại vừa là con cái của một gia đình cá biệt nào đó hay thuộc về những hình thức gia đình mở rộng nào đó, vừa là con cái của Gia Đình Thiên Chúa.
 
Tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa là tương quan Cha con, tương quan gia đình chứ không là tương quan của những người trong một hội đoàn hay tổ chức văn hóa xã hội nào đó, cũng không phải là tương quan giữa vua chúa với thần dân, cũng không phải tương quan giữa những người lãnh đạo và thuộc cấp của mình. Do đó, khi nói sự yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại cần được hiểu là sự yêu thương được diễn tả qua hình ảnh của người cha hay người mẹ đối với con cái chứ không phải là sự yêu thương theo một hình thức nào khác. Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại cũng vậy, cần được hiểu qua hình ảnh sự tha thứ của người cha hay người mẹ đối với con cái mình, chứ không phải là sự tha thứ nào khác.
 
Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15,11-32) kể về sự bất xứng ‘hết thuốc chữa’ của người con và lòng nhân từ ‘không thể hơn nữa’ của người cha. Người con nhận ra sự bất xứng của mình đến nỗi không dám nhận mình là con của người cha. Trong khi đó, tâm trí người cha không bao giờ vắng bóng người con, hình ảnh người con vẫn còn đó cho dù người con bất tuân và ngỗ nghịch tột độ. Người con đánh mất phẩm giá của mình vì sự tự do ích kỷ, còn người cha hồi phục phẩm giá cho người con theo cách mà người con không bao giờ nghĩ tới.
 
Dụ ngôn này cho phép chúng ta suy tư về A-đam, người con hoang đàng trong buổi đầu sáng tạo, về Dân Do Thái và toàn thể nhân loại trong dòng lịch sử, hiện tại cũng như tương lai. Thiên Chúa chính là người Cha nhân hậu luôn kiên nhẫn chờ đợi sự trở về của những người con, những người con xa lánh người Cha vì Tội Nguyên Tổ, tội cá nhân, tội tập thể. Gia đình của người cha còn trống trải, còn giá lạnh bao lâu những người con hoang đàng chưa trở về sum họp. Hình ảnh người con hoang đàng là hình ảnh của tất cả chúng ta, bởi vì, không ai trong chúng ta lại miễn nhiễm tính cách của người con hoang đàng trong dụ ngôn Đức Giê-su trình bày.
 
Với dụ ngôn này, Đức Giê-su cho chúng ta thấy rằng Tình yêu Thiên Chúa đối với con người không phải là thứ tình yêu trừu tượng, tình yêu xa lạ, nhưng là tình yêu mà con người có thể cảm nghiệm được, bởi vì, ai cũng có kinh nghiệm về tình yêu của những người trong gia đình, đặc biệt, tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Trong bối cảnh văn hóa Do Thái, Đức Giê-su dùng hình ảnh tình yêu giữa người cha đối với người con để diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Điều này không ngăn cản chúng ta hiểu cách tương tự rằng tình yêu giữa người mẹ và người con cũng là hình ảnh diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Với dụ ngôn này cùng nhiều hình ảnh hay biểu tượng khác, Đức Giê-su mở ra cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người, tình yêu tha thứ vô điều kiện.
 
Tân Ước mặc khải rằng Thiên Chúa đã cho thế gian chính Con của Người để mọi người có thể trở thành con Thiên Chúa. Khi Đức Giê-su ở tuổi mười hai, lần đầu tiên lên Giê-ru-sa-lem, Người mặc khải chính mình là Con Thiên Chúa (Lc 2,41-52) trước sự ngỡ ngàng của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Đức Giê-su đã nói với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se rằng “sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,49-50). Chúng ta thấy rằng trong khi Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se chỉ để tâm đến Đức Giê-su là con của mình mà chưa ý thức đủ rằng, trước hết, Người là Con Thiên Chúa và cần thi hành bổn phận Gia Đình Thiên Chúa, còn bổn phận gia đình Na-da-rét là hiệu quả của bổn phận Gia Đình Thiên Chúa.
 
Thánh Mác-cô kể lại rằng, khi đám đông đang ngồi chung quanh Đức Giê-su thì có mẹ và anh em của Người đứng ở ngoài báo tin về sự hiện diện của họ, Đức Giê-su đã đặt câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3,33). Sau đó, Người nói với những người chung quanh rằng “ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35). Chúng ta thấy rằng trong khi Đức Giê-su không hề xem nhẹ gia đình tự nhiên, Người không hề nói rằng Đức Ma-ri-a không phải là mẹ mình hoặc rằng người mẹ tự nhiên không quan trọng bằng người mẹ siêu nhiên. Thực ra, Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta biết rằng ngoài gia đình tự nhiên, còn có gia đình siêu nhiên. Trong khi gia đình tự nhiên bị giới hạn bởi không gian, thời gian, huyết tộc và nhiều yếu tố khác nữa, thì gia đình siêu nhiên là gia đình không biên giới, gia đình siêu vượt không gian thời gian, gia đình bao gồm người sống, kẻ chết, người thánh thiện, kẻ bất lương, gia đình mà không một chuẩn mực nào trong thế giới thụ tạo có thể đo lường được. Dù vậy, theo một nghĩa nào đó, Tân Ước cho chúng ta thấy rằng dường như có sự ‘căng thẳng’ giữa gia đình theo nghĩa chặt, gia đình tự nhiên và gia đình theo nghĩa rộng, gia đình siêu nhiên mà Đức Giê-su mời gọi mọi người.
 
Trong sứ mệnh của mình, Đức Giê-su quan tâm đặc biệt tới những nạn nhân của gia đình đổ vỡ, những người ‘bên lề’ của gia đình chính thống hay những người bị loại bỏ, khinh chê. Chẳng hạn, Đức Giê-su thăm nhà ông Gia-kêu, ở lại ăn uống với mọi người trong gia đình ông. Người quan tâm đến những người đầu đường xó chợ, những người lang thang phiêu bạt, những người nghèo khổ không có nhà đúng nghĩa. Cuộc sống của Đức Giê-su trong thời gian rao giảng cũng là ‘cuộc sống không nhà’. Chính Người nói rằng “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Đức Giê-su đã trải qua kinh nghiệm cuộc sống không nhà để để dạy cho mọi người ngôi nhà đúng nghĩa nhất, Nhà Thiên Chúa, đồng thời, Người dạy các môn đệ của mình xưa kia cũng như tất cả mọi người trong dòng lịch sử biết mở rộng tâm hồn đón nhận gia đình của Người.
Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên khi họ đang thi hành công việc gia đình mình (Mc 1,16-20; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11). Người ở với họ để dạy dỗ, hướng dẫn và trao ban sứ mệnh tiếp tục chương trình của Người ở trần gian. Đức Giê-su cũng quan tâm đặc biệt tới gia đình của họ, chẳng hạn, Người đến thăm gia đình mẹ vợ Phê-rô (Mt 8,14-15). Người yêu mến mọi người trong gia đình Ma-ri-a, Mác-ta và La-da-rô (Ga 11,1-44). Chúng ta nhận thức rằng tương quan gia đình trong cộng đoàn của Đức Giê-su là tương quan chiếm ưu thế so với các tương quan khác, chẳng hạn, tương quan giữa thầy và trò, tương quan giữa người đứng đầu và những người còn lại trong cộng đoàn. Đây được xem là giai đoạn khởi đầu của việc Đức Giê-su thiết lập Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian. Đối với Đức Giê-su, Gia Đình Thiên Chúa siêu vượt các biên giới và rào cản của gia đình nhân loại: Biên giới huyết tộc, bộ tộc, dân tộc, quốc gia, châu lục, phái tính, đẳng cấp trong xã hội loài người. Các thành phần của Gia Đình Thiên Chúa cần mở rộng tâm hồn đối với gia đình này, đồng thời, trung tín với gia đình này trong cuộc sống và ơn gọi của họ.
 
Theo tường thuật của thánh Gio-an, thì dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su thực hiện trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Người đó là dấu lạ xảy ra trong bối cảnh gia đình, dấu lạ làm cho nước trở nên rượu tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-12). Chính Đức Ma-ri-a là người nhận ra sự khó xử của gia chủ tổ chức đám cưới đối với khách tới dự và nhờ Đức Ma-ri-a, dấu lạ nước trở nên rượu được thực hiện và đem lại niềm vui cho cả gia chủ lẫn thực khách. Kinh nghiệm dấu lạ này là động lực thúc đẩy mọi người tham dự tiệc cưới Ca-na xưa kia cũng như tất cả chúng ta hôm nay quan tâm hơn đến những khó khăn trong đời sống gia đình và sự cần thiết nâng đỡ nhau để có thể vượt qua những khó khăn này. Cũng trong tiệc cưới Ca-na, Đức Giê-su gọi Đức Ma-ri-a là ‘bà’. Người muốn mặc khải rằng gia đình của Người siêu vượt gia đình huyết thống hay các hình thức gia đình mở rộng theo nghĩa nhân học.
 
Chúng ta tìm được khá nhiều trình thuật trong Kinh Thánh Cựu Ước rằng tất cả mọi người đều được kêu mời trở thành con cái trong Gia Đình Thiên Chúa. Chẳng hạn, Đức Giê-su nói rằng “phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Thánh Gio-an Tông Đồ thì nói rằng “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người [Đức Giê-su], thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Thánh nhân cũng nói với các tín hữu rằng “anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Thánh Phao-lô chỉ ra rằng “nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 3,26). Thánh nhân cũng đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc làm cho các môn đệ của Đức Giê-su trở thành con cái của Thiên Chúa rằng “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14) hay “chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Những trích đoạn này giúp chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương toàn thể mọi người. Vấn đề còn lại là sự đáp trả của mỗi người đối với tình yêu của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Đức Giê-su là để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Như vậy, khi so sánh mặc khải Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta thấy rằng mặc khải con người là ‘con Thiên Chúa’, ‘em Đức Giê-su Ki-tô’, ‘bạn Đức Giê-su Ki-tô’ của Tân Ước trổi vượt hơn mặc khải ‘con người là hình ảnh của Thiên Chúa’ trong Cựu Ước.[10]
 
Bữa Tiệc Ly của Đức Giê-su và các môn đệ Người chính là bữa ăn gia đình xét trên bình diện tự nhiên cũng như siêu nhiên. Trên bình diện tự nhiên, đây cũng tương tự như bao bữa ăn khác trong các gia đình. Trên bình diện siêu nhiên, đây là bữa ăn trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc khổ nạn, bữa ăn này không chỉ ‘ăn để nuôi sống thể xác’ mà còn ‘ăn để nuôi sống tâm hồn’. Hơn nữa, Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ rằng ‘hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy’. Đây chính là bữa ăn tưởng nhớ Biến Cố Đức Ki-tô, bữa ăn quá khứ, bữa ăn hiện tại, bữa ăn tương lai, bữa ăn cánh chung. Đức Giê-su nói với các môn đệ Người rằng trong khi họ ăn nhiều thứ trong cuộc sống, họ cần ‘ăn chính Người’ để được sống đời đời.[11] Bữa ăn này nối kết trời với đất, nối kết tất cả mọi người với nhau trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời, định dạng căn tính, đời sống và sứ mệnh của những người ăn trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Bữa ăn này diễn tả sứ mệnh của Đức Giê-su Ki-tô là “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
 
Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái diễn tả Đức Giê-su Ki-tô là ‘con đầu của nhà Thiên Chúa’ (Dt 3,6). Ở nơi khác, Đức Giê-su Ki-tô được giới thiệu là ‘tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa’(Dt 10,21). Thánh Phao-lô nói về tương quan giữa Đức Giê-su Ki-tô và các tín hữu rằng “những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Thánh nhân còn diễn tả cách rõ ràng hơn về Gia Đình Giáo Hội, cộng đoàn được Đức Giê-su Ki-tô thiết lập rằng “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). Trong bất cứ hoàn cảnh nào Đức Giê-su cũng là người của gia đình, Gia Đình Thiên Chúa vĩnh cửu và Gia Đình Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại là chính Giáo Hội để qua Giáo Hội, Người tiếp tục chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho đến tận thế. (Còn tiếp)
 
+ GM. Pet. Nguyễn Văn Viên

[1] Ở một số nước Hồi Giáo, đặc biệt ở Trung Đông, gia đình đa thê không chỉ thuộc văn hóa, truyền thống mà còn được pháp luật cho phép và bảo vệ.
[2] Xa hơn nữa, người ta cũng dùng từ ‘gia đình’ để chỉ thế giới động, thực vật (gia đình sư tử, gia đình gấu, gia đình khỉ, gia đình cây dương xỉ, gia đình cây tùng) hay gia đình thế giới thụ tạo.
[3] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes 52 (1965).
[4] Xêm thêm Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Thông Điệp Laudato Si’ 213 (2015).
[5] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1657.
[6] Trong Kinh Thánh Cựu Ước, thay vì dùng từ gia đình (family) theo nghĩa hiện đại, người ta thường dùng từ như nhà cha (father’s house) hay những người sống chung dưới mái nhà hay trong một nơi nào đó với người chủ là nam giới (household). Gia đình được hiểu theo nghĩa rộng nhiều hơn, chẳng hạn, những người cùng dân tộc, bộ tộc, thị tộc.
[7] Xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 372; 1642.
[8] Nô-ê được mô tả là “người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời và ông đi với Thiên Chúa” (St 6,9).
[9] Xem thêm Rm 4,11-12.16-17.
[10] Xem thêm Cv 3,25; Rm 9,6; Gl 3,29.
[11] Xem thêm Ep 3,14-15.
[12] Karl Rahner, in God as Trinity, ed. by Ted Peters (Louisville: John Knox Press, 1973), 22 (the economic Trinity is the immanent Trinity, and vice-versa).
[13] Đức Giê-su hiện diện giữa nhân loại, tuy nhiên, Người vẫn luôn thuộc về Gia Đình Thiên Chúa. Với việc Nhập Thể, Đức Giê-su vừa thuộc về Gia Đình Thiên Chúa, vừa thuộc về gia đình nhân loại.
[14] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio 86 (1981).
[15] Xem thêm Rm 8,14; 1 Ga 3,2; Gl 3,26 và St 1,26-27; St 9,6.
[16] Xem thêm Ga 6,47-51.
Nguồn tin: