GIÁO HỘI Như Là Câu Chuyện Tình

Tue,25/05/2021
Lượt xem: 1683

Trong các nền văn hóa lớn, đặc biệt là Hy Lạp và Trung Hoa, thậm chí cả Việt Nam, thường chứa đựng những câu chuyện tình giữa người với thần linh. Ví dụ chàng Hécquin là con của thần Zeus và nàng Acmane, chuyện chàng Ngưu Lang và nàng Chúc Nữ, nàng Âu Cơ và chàng Lạc Long Quân… Hậu quả của những câu chuyện này là những kết cục bi ai, hay giải thích một hiện tượng tự nhiên: Thần tiên bị giáng xuống phàm trần, bị các thần thánh khác ghen tương và gây tai họa… Các câu chuyện này chỉ là những câu chuyện thêu dệt và thường nằm ngoài lịch sử. Đó chỉ là những giải thích hoặc chỉ là khát vọng của con người. Kitô giáo là một tôn giáo nhập thế vì trung thành với sứ mạng trong lịch sử. Ta biết được điều này vì Hội Thánh được mạc khải bởi chính Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, bởi quyền năng bên trên chứ không phải mang tính trần tục. Không chỉ được mạc khải, nhưng nhìn vào lịch sử, mà tiền thân là dân tộc Israel, Giáo hội biết rằng mình được yêu bởi Đấng là Tình Yêu. Do đó, Giáo hội cần phải đáp trả lại Tình Yêu Tuyệt Đối đó. Hơn nữa, Giáo hội cũng cần cho mọi người biết được sự cao cả này, đó chính là câu chuyện tình của Giáo hội. Đây là một chủ đề bao trùm hiện sinh của Giáo hội và của mỗi con người trên thế giới. Trong khả năng hạn hẹp của bài viết, tôi xin trình bày [1] tại sao Giáo hội được gọi như là câu chuyện tình, [2] nền tảng Kinh Thánh, [3] một số giải thích của Huấn quyền, [4] viễn tượng của mô hình và [5] một số ưu điểm của cách nhìn này – sứ vụ của Giáo hội.

1. Giáo hội như là câu chuyện tình của Thiên Chúa và với Thiên Chúa

Không chỉ Giáo hội, nhưng cả loài người, được Thiên Chúa yêu từ khi tạo dựng cho đến ngày cánh chung. Tuy nhiên, chỉ có Giáo hội là trung thành nhất đi theo, đáp lại lời mời gọi tình yêu ấy của Thiên Chúa bằng sự nỗ lực từng ngày. Ngay từ khởi đầu, con người được dựng nên vì được Thiên Chúa thông chia tình yêu của Người: "Chúng Ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh Chúng Ta" (St 1,26). Con người được dựng nên trong tình trạng nguyên tuyền tốt đẹp, nhưng đáp lại, con người lại phản bội, giơ tay hái trái cấm, phá vỡ tình trạng tốt đẹp ban đầu (x. St 3,1-23). Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Người hứa ban Đấng Cứu Độ để cứu vãn tình trạng giao hảo nguyên sơ. Người đã chọn Abraham làm tổ phụ dân Israel để khởi đầu công trình cứu độ. Được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập và được huấn luyện lòng tín trung trong sa mạc, dân Israel vẫn "phản bội và ngoại tình." Mặc dù Thiên Chúa luôn rộng mở cánh tay đón về như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh, nhưng dân Israel vẫn như con điếm đi hoang (x. sách Hôsê). Cuộc lưu đày ở Babylon như là điều tất yếu mà Thiên Chúa muốn dùng để cảnh tỉnh Israel. Người đã dùng các ngôn sứ và tiên tri để an ủi, vỗ về, cùng tiên báo về viễn tượng Đấng Cứu Độ sẽ đến. Tuy nhiên, khi Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đến, thì Israel lại không đón nhận Người (x. Ga 8,31-59). Đức Giêsu Kitô đã đến để khai mở Vương Quốc của Người trên trần gian, theo như các ngôn sứ đã tiên báo, nhưng dân Israel vẫn khước từ. Đức Giêsu đã thiết lập nên Giáo hội bằng Máu và Nước từ cạnh sườn Người chảy ra.[1] Không chỉ trả lại tình trạng tốt đẹp ban đầu, Đức Kitô còn biểu lộ tình yêu vô bờ của Thiên Chúa cho con người và mong muốn con người đáp trả. Đó là thực hiện sứ vụ loan báo Tình Yêu Thiên Chúa cho muôn dân, mọi thời.

Kể từ lúc được thành lập cho đến nay, Giáo hội luôn ý thức rằng mình được yêu bởi chính Thiên Chúa, đồng thời nỗ lực đáp trả lại Tình Yêu ấy phần nào qua cuộc sống của mình. Hơn nữa, từ cố gắng đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa, Giáo hội hằng ra sức thanh luyện mình cũng như loan báo tình yêu này cho muôn dân. Đó là căn tính, đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.

2. Nền tảng Kinh Thánh

Giáo hội ý thức điều này vì được đặt trên nền tảng Lời của Thầy, Chúa và Hôn Phu của mình.

2.1. Thiên Chúa yêu con người trước

Giáo hội luôn ý thức rằng mình được yêu bởi Thiên Chúa và tình yêu đó được khởi đi từ chính Thiên Chúa: "không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu chúng ta" (1Ga 4,10). Có được điều này bởi "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4,8.16). Chúng ta biết rằng Giáo hội phát sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi.[2] Chính sự hiệp thông nội tại yêu thương trong Ba Ngôi được trao ban cho con người: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình" (Ga 3,16). Không phải chỉ để "cứu thế gian" nhưng còn để cho chúng ta biết rằng "Người yêu ta dường nào" (Ga 3,16-18). Con người đã phản bội, đi hoang, phá vỡ giao ước với Thiên Chúa. Tuy nhiên, bằng tình yêu của Thánh Thần, bằng Máu và Nước của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã chứng tỏ cho muôn dân, mà trực tiếp là Giáo hội thấy rằng: "Thiên Chúa đã yêu cho đến cùng" (Ga 13,1). Tình yêu này được bắt nguồn từ sáng kiến của Chúa Cha: "Không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16,17). Sáng kiến này được thực hiện bằng sự khôn ngoan và Nhập Thể của Chúa Con (x. Rm 5,5-11). Từ Chúa Con, chúng ta biết được trọn vẹn về tình yêu nhưng không và khởi đi từ Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô chính là mạc khải trọn vẹn về tình yêu Thiên Chúa vì chính Người là khuôn mặt yêu thương của Chúa Cha: "ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14,8).[3] Không chỉ ban giới răn mới, là dấu chỉ của thành phần Giáo hội (Ga 13,34-35), nhưng Người còn cho biết rằng Thiên Chúa đã yêu con người đến đỉnh điểm: "không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người  hy sinh vì bạn hữu của mình" (Ga 13,15). Tình yêu này được đo bằng chính tình yêu của Chúa Cha: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy" (Ga 15,9); "Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con" (Ga 17,23). Đức Giêsu là đường dẫn tình yêu Thiên Chúa đến, là sự thật của tình yêu Thiên Chúa và là sự sống của tình yêu Thiên Chúa trao ban cho con người (Ga 14,6). "Sự thật toàn vẹn" (Ga 16,13) này được soi sáng bởi tình yêu của Chúa Thánh Thần: "Nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta, Thiên Chúa đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta" (Rm 5,5). Tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho Giáo hội (Con cầu nguyện cho họ; con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì họ thuộc về Cha (x. Ga 17,9)) chính là khuôn mẫu cho tất cả tình yêu của thụ tạo (x. Ep 5, 21-32). Tình yêu của Thiên Chúa không phải dừng lại ở việc Chết và Lên Trời của Đức Giêsu, nhưng còn bằng việc trao ban Thánh Thần của Người cho Hội Thánh. Thiên Chúa vẫn tiếp tục tuôn đổ tình yêu của Người qua các bí tích; ân sủng của Người cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,19).

1.2. Giáo hội được nhận lãnh và đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa

Được vị Hôn Phu của mình kêu gọi, Giáo hội, là Hiền Thê của Người,[4] đang nỗ lực hoàn thiện để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và thực thi tình yêu đó nơi anh em đồng loại, theo lời dạy của Người: "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em… Anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy" (Ga 15,12.14). Điều Chúa yêu cầu chúng ta, trước hết là chia sẻ tâm tư của Người: giữ các điều răn của Người, đặc biệt là điều răn mới (x. Ga 13,34-35). Như thế, chúng ta trở thành bạn hữu của Người, hiểu biết Người như một Đấng yêu mến và hành động nơi chúng ta. Rồi sau đó, chúng ta sẽ sinh hoa trái đích thực của tình yêu; trên cây nho duy nhất là Đức Kitô.[5] Điều này, "người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến" tái khẳng định: "yêu thương là sống các điều răn của Thiên Chúa" (2Ga 1,4-5). Khi đã cư ngụ trong các địa hạt của tình yêu, tức là sống, nghĩ và làm, thì ta đáp ứng được sự mời gọi hai chiều: "Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy" (1Ga 4,16). Từ cảm nhận và đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi yêu thương nhau: "Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau" (1Ga 4,11). Điều này đã được chính Chúa Giêsu khẳng định: "giới răn thứ hai cũng không kém quan trọng, đó là anh em hãy yêu tha nhân như chính mình" (Mc 12,31). Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô,[6] Toàn Thân được yêu mến và ban sức  sống tràn trề bởi Đầu và Toàn Thân cũng yêu mến lại Đầu của mình, cũng như một sự yêu thương, tôn trọng nhau giữa các chi thể (x. 1 Cr 12-13). Cũng phải nói thêm rằng, Giáo hội được xem là câu chuyện tình với Thiên Chúa vì đã được giới thiệu như là Tân Nương đang điểm trang để đón Tân Lang của mình trong sách Khải Huyền. Chúa Kitô đến mạc khải cho ta mầu nhiệm cao cả này.

Mầu nhiệm tình yêu này đang được Giáo hội sống và cố gắng hoàn thiện mỗi ngày. Đây là chủ đề lớn mà các giáo phụ, các nghị phụ công đồng, các thần học gia đào sâu.

3. Một số chứng từ truyền thống và Huấn Quyền.

Từ thời Giáo hội sơ khai cho đến nay, các giáo phụ, các thần học gia và việc cử hành của Giáo hội luôn xoay quanh và bảo vệ mầu nhiềm tình yêu hai chiều giữa Thiên Chúa và Dân Người. Các giáo phụ, qua việc cử hành, tranh luận và hộ giáo đã bảo vệ cũng như minh chứng về Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích Tình Yêu.[7] Trong việc rao giảng Lời Chúa và tổ chức bữa ăn huynh đệ, Giáo hội đã biểu trưng, dạy cho con cái mình biết rằng Thiên Chúa yêu con người, đặc biệt là những người cùng khổ, thấp cổ bé miệng, người kém may mắn và bị gạt ra bên lề xã hội… Nổi bật nhất trong thời kỳ này là thánh Âugustinô. Có thể nói được rằng tất cả các tác phẩm của thánh nhân đều nhằm chứng minh tình yêu thương là trọng tâm của Kitô giáo, thậm chí là cả vũ trụ. Lý do là tại vì Tân Ước gọi Thiên Chúa là Tình Yêu: "tất cả mọi vật hiện hữu là bởi tình yêu Ngài tạo dựng."[8] Đối với thánh nhân, tình yêu là cốt tủy của mọi giới răn và nhân đức. Như thế, không chỉ tình yêu đến từ Thiên Chúa nhưng việc Giáo hội đáp trả lại các lề luật cũng như thực hành nhân đức, chính là việc thực hành yêu Chúa. Tiếp nối với tư tưởng này, các nhà tu đức và các công đồng đã minh chứng rằng Thiên Chúa yêu con người. Công đồng Vaticanô II đã tái khẳng định và dạy rằng: "Chúa Kitô yêu mến Giáo hội là Hội Thánh của Người;"[9] Giáo hội phát sinh từ tình yêu của Chúa Cha muôn đời;[10] tình yêu Thiên Chúa đổ tràn lòng chúng ta nhờ Thánh Thần, Đấng từ bên trong thôi thúc chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng[11] và làm cho mọi Kitô hữu có khả năng chu toàn luật mới của tình yêu.[12] Đáp lại, Hội Thánh vâng phục Đức Kitô với tình yêu và lòng trung thành,[13]đặc biệt nơi Bí tích Tình Yêu. Công đồng cũng tái xác tín rằng, giới răn trọng nhất trong lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu mến tha nhân như chính mình. Hơn nữa, tương quan giữa Hội Thánh, Hội Thánh trong mỗi người, với tình yêu của Thiên Chúa không thể tách rời với tình yêu đối với anh em.[14] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bằng tấm lòng hiền phụ, những chuyến tông du và viếng thăm, luôn minh chứng rằng Thiên Chúa yêu Giáo hội và Giáo hội cũng yêu Thiên Chúa, đồng thời muốn mọi người được chia sẻ hạnh phúc này. Tiếp nối, Đức Bênêđíctô XVI đã viết: "Thiên Chúa yêu chúng ta trước và tiếp tục yêu chúng ta."[15] Đồng thời, "Thánh Thần là một sức mạnh chuyển đổi trái tim cộng đoàn Giáo hội, để cộng đoàn trở thành chứng nhân cho tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Con của Người. Mọi hành động của Hội Thánh đều là sự biểu lộ một tình yêu muốn tìm sự thiện toàn vẹn cho con người."[16] Đặc biệt, Đức Thánh cha Phanxicô, qua các hoạt động, giáo huấn và cổ võ đời sống, cho con người biết Thiên Chúa là Người Cha vô cùng thương xót đối với Giáo hội và con người. Giáo hội cũng phải biết hoán cải và thể hiện lòng thương xót đối với Thiên Chúa qua tha nhân.[17]

Như thế, giống như lúc khởi đầu, tương lai của Giáo hội cũng luôn diễn tả sứ mạng của mình, đó là được Thiên Chúa yêu thương. Giáo hội đáp lại lời mời gọi ấy bằng một sự hoán cải và canh tân không ngừng.

4. Viễn tượng của việc xem Giáo hội như là câu chuyện tình

Vì chuyện tình của Hội Thánh là được yêu và yêu nên đó không chỉ là ân huệ của Thiên Chúa nhưng còn là nỗ lực của Hội Thánh. Hai yếu tố này tác động lên việc thực hành tình yêu của Giáo hội. Do đó, Giáo hội không ngừng thanh luyện mình và cầu nguyện liên lỉ.

Trước hết, việc thanh luyện mình không chỉ trên bình diện cá nhân nhưng còn trên toàn Giáo hội nữa. Việc thanh luyện này đòi hỏi một sự hoán cải liên tục và trở về nguồn là lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, mà suối nguồn là sự viên mãn của Tình Yêu. Giáo hội không ngừng thanh luyện để có thể xuất hiện trước Tân Lang của mình cách lộng lẫy, không tì vết, không nhăn nheo (x. Ep 5,27).

Thêm vào đó, để việc thanh luyện được diễn ra theo đúng thánh ý Thiên Chúa, Giáo hội cũng không ngừng cầu nguyện qua đời sống phụng vụ và các việc đạo đức bình dân. Việc thực hành cầu nguyện này không chỉ diễn ra trên toàn thể Hội Thánh, song còn tại các Giáo hội địa phương, các cộng đoàn và từng cá nhân. Muốn được như thế, Giáo hội và mỗi người phải luôn biết trở về với nội tâm để chống lại những hình thức lòe loẹt bên ngoài, thanh la phèng phèng… Giáo hội phải luôn biết cầu xin và tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa để đối lại với sức riêng và sự chia rẽ, cũng như dùng chính đời sống bác ái chống ích kỷ… Viễn tượng này không mới mẻ, nhưng nó luôn được nhắc nhở và kêu mời cho con cái qua muôn thế hệ: "hãy nhắc cho chúng rằng: chúng đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu" (Kh 2,4).

4. Lợi ích của việc nhìn nhận Giáo hội là câu chuyện tình

Từ viễn tượng trên, Giáo hội được yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, Giáo hội kêu mời con cái mình tái khám phá, cảm nhận đời sống và sứ vụ này.

4.1. Giáo hội thánh thiện và thánh hóa thế gian

Hạnh phúc vì được yêu và được sáng lập bởi Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện, Giáo hội có nơi chính mình sự thánh thiện và cố gắng trở nên thánh thiện hơn. Nhờ đó, Giáo hội trở nên men, muối, ánh sáng cho trần gian để ướp mặn và dẫn đưa con người trở về nguồn đích thật là tình yêu của Thiên Chúa vô cùng thánh thiện.

4.2. Con người sống hoàn thiện và gắn bó mật thiết với Thiên Chúa

Từ cảm nhận và kêu mời của Giáo hội, mỗi chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô trở nên những chi thể tốt để xây dựng và liên kết chặt chẽ hơn. Hơn nữa, ý thức không chỉ được liên kết với Đầu nhưng còn với các chi thể khác, mỗi chi thể trong Thân biết vươn lên và sống bác ái trong đời sống cầu nguyện, thanh luyện mỗi ngày. Qua đó, trong cuộc sống, gia đình chúng ta biểu trưng rõ nét hơn khuôn mẫu tuyệt hảo là Đức Kitô yêu thương Hội Thánh (Ep 5,23-31). Muốn được thế, mỗi người theo ơn gọi bậc sống của mình để nên thánh[18].

4.3. Truyền giáo cho tha nhân

Ý thức mình được yêu, Giáo hội và mỗi người phải biết chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân cùng mọi người. Muốn được thế, bác ái là linh hồn của việc truyền giáo.[19] Hội Thánh cảm nhận được yêu, thì làm sao có thể ngồi yên khi hàng tỷ người chưa biết Người, không để ý gì đến Đấng đã chết vì họ (2 Cr 5,14-15). Cũng phải nhấn mạnh rằng việc truyền giáo là việc rập theo khuôn mẫu: "yêu như Thầy đã yêu" (Ga 15,9), tức là xả thân minh chứng cho điều đó. Tắt một lời, "Thập giá chính là logic của việc truyền giáo."[20]

4.4. Yêu mến và noi gương Đức Mẹ

Khi đề cập đến lợi ích, ta cũng không thể bỏ qua việc yêu mến và noi gương Đức Mẹ. Bởi vì được tuyển chọn cách đặc biệt, được cưu mang, được yêu mến và được trao phó Khuôn Mẫu Chí Thánh là Con Thiên Chúa, Đức Maria là khuôn mẫu tuyệt hảo cho Hội Thánh cùng mỗi người noi gương, bắt chước. Đức Maria, Trinh Nữ và là Mẹ chỉ cho ta thấy tình yêu là gì và nguồn gốc tình yêu phát xuất từ đâu mà sứ vụ của nó luôn mới mẻ.[21] Do đó, Giáo hội luôn tôn kính và yêu mến Mẹ Maria cách đặc biệt.[22]

Kết luận

Tóm lại, "giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người" (Ga 13,31); giờ đây, chính là giờ của Thập giá. Thập giá là sự biểu lộ tình yêu như điên dại của Thiên Chúa, một tình yêu đến độ tự hiến để cứu độ con người. Tình yêu này cũng được Giáo hội tái diễn hằng ngày trên bàn thờ. Lúc con người sống đức ái, không chỉ thực hiện lệnh truyền của Đấng Phu Quân, nhưng còn là nỗ lực để yêu mến Người. Giáo hội không những cảm nhận mình được yêu, nhưng còn nỗ lực không ngừng để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.Hơn nữa, Giáo hội vì trung thành với sứ mệnh và muốn cho nhân loại biết rằng họ cũng được Thiên Chúa yêu dường nào. Đó chính là chiều kích cánh chung và sứ vụ của Giáo hội.

Antôn Nguyễn Văn Trí, K.12

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 11


[1]X. Công đồng Vatican II, Sacramentum Concillium, số 5b.

[2] X. Lumen Gentium, số 1-5.

[3] ĐGH. Phanxicô, Misericordiae Vultus, số 2.

[4]X. Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, số 5.

[5] X. Nhóm Các giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Trọn Bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2006, 1855.

[6] X. Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, số 7, 17.

[7] X. Công đồng Vatican II, Sacramentum Concillium, số 47.

[8] Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập 2, 622.

[9] X. Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, 6-7.

[10] X. Ibid, 2.

[11] X. Ibid, 40.

[12] X. Ibid, 22.

[13] X. Ibid, 16.

[14] X. Ibid, 24.

[15] ĐGH. Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, số 17.

[16] ĐGH. Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, số 19.

[17] X. ĐGH. Phanxicô, Misericordiae Vultus.

[18] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Dòng Tu, số 6.

[19] Lumen Gentium, số 33.

[20] Felipe Gomez, Kitô học, tập 1, (Tủ sách Giáo Khoa Thần Học), 429.

[21] ĐGH. Bênêđictô VXI, thông điệp Deus Caritas Est, số 42.

[22] Công đồng Vatican II, Lumen Gentium số 66.

Nguồn tin: