Đức Tin Kiện Toàn Ơn Gọi Làm Người

Mon,11/03/2019
Lượt xem: 3489

 Cuộc sống và cái chết dường như vẫn là những điều bí ẩn đối với con người, hoặc chưa có giải đáp nào thoả mãn tất cả mọi người. Chính vì thế, ngày hôm nay, nhiều người chủ trương sống lạc quan vô tình trước các thắc mắc về ý nghĩa của cuộc sống, khi họ cho rằng “cuộc sống chỉ dễ hiểu đối với những ai không thắc mắc về nó”. Và trong thực tế, có rất nhiều người chọn theo cách sống tự mãn thực tiễn, không cần mất thì giờ băn khoăn thắc mắc, bởi mục đích của họ là làm giàu, chiếm được địa vị cao trong xã hội, có thế lực, được hưởng thụ, và chấm hết ở cái chết. Và dù nếu họ có muốn thế giới này tốt đẹp hơn cũng là để thuận lợi cho việc thoả mãn những mục đích thông thường đó thôi.

Vậy, đâu là giải đáp thực sự cho cuộc sống? Ý nghĩa của cuộc đời được đặt trên nền tảng nào? Con người sẽ đạt được giá trị gì không, khi nỗ lực dấn thân cho cuộc đời này? Và con người sẽ đi về đâu sau cái chết? Vân vân và vân vân.

Trong nỗ lực truy tìm điểm tựa khả dĩ cho những vấn nạn nền tảng của cuộc sống, con người lại phải đối diện với hàng loạt câu hỏi “Tại sao” khác, như: Tại sao con người phải đối diện với Thiên Chúa? Tại sao phải sống đạo làm người? Tại sao phải dấn thân cho thế giới này?... Và những câu hỏi “Tại sao?” đó có thể đã hàm chứa những ý tưởng cho câu trả lời.

1. Con người đối diện với Thiên Chúa

Từ nơi sâu thẳm tâm hồn, con người phải đối diện với Thiên Chúa như là nguyên nhân và cùng đích của đời mình. Chính Thiên Chúa là Đấng đã chủ động và đi bước trước đến với con người, đáp trả những khát vọng sâu xa nhất của lòng người. Được gặp gỡ Thiên Chúa là cơ may để con người đạt tới chính mình, tìm được lý do để sống, nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên, vấn nạn về một Thiên Chúa hiện diện và đến với con người theo những cách thế nào, điều này lại là những thắc mắc quan trọng được đặt ra, khi con người truy tìm về tính xác thực của Đức Tin và cung cách sống Đức Tin của mình.

Ngày hôm nay, những vấn nạn cách quyết liệt: Có Thiên Chúa không? Hay Thiên Chúa đã chết? Thiên Chúa đã lỗi thời?... vẫn là những cám dỗ gắt gao cả trong suy tư lẫn trong thực hành cuộc sống; và chắc chắn, khó có lời giải đáp nào có thể thỏa mãn được tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi con người đặt ra những vấn nạn về Thiên Chúa, thì điều đó cũng phần nào khẳng định, nơi con người mọi thời đại, luôn có một niềm trăn trở sâu xa về một Đấng Khác - Đấng thường được gọi tên là Thượng Đế hay Thiên Chúa hoặc Ông Trời. Chính “mầu nhiệm Thiên Chúa” là “huyền nhiệm” đối với con người, vì, mỗi người dù tin hay không tin hoặc công khai cố gắng chống lại Đức Tin, cũng phải đối diện với một Đấng Siêu Việt trong sâu thẳm lòng mình. Đấng ấy hoàn toàn không nghịch lại phẩm giá con người, trái lại, con người được đặt nền tảng trong Đấng ấy và phẩm giá con người được kiện toàn nơi Đấng ấy.

Quả thật, qua mọi thời, con người chỉ có lý do đích thực để sống khi con người biết chấp nhận gặp gỡ Thiên Chúa, và sự gặp gỡ ấy sẽ mở ra cho con người khả năng đạt được ý nghĩa của kiếp sống và giúp con người nắm chắc được vận mệnh của mình. Nhờ sự gặp gỡ Thiên Chúa mà con người có được điểm tựa chân thực thể hoàn thành thiên chức của mình. Tính xác thực của Đức Tin cũng như hoa trái của Đức Tin ấy phải được thể hiện qua cuộc sống cụ thể của mỗi người. Và sẽ thật may mắn, nếu mỗi người Kitô hữu luôn ý thức được rằng, mình ở trước mặt Chúa luôn và chỉ nhờ Chúa mình mới có thể hoàn thành được mọi chiều kích của ơn gọi làm người.

2. Đức tin mời gọi người tin sống đạo làm người

 Chúng ta sống đạo làm người qua các chiều kích của con người về mặt thể xác, tâm hồn và tình cảm. Nhờ sự hướng dẫn của Đức Tin và trong Thiên Chúa, con người mới có thể khám phá ra cách chân thực những bí ẩn của chính mình. Ơn gọi làm người là sống cho phải đạo làm người. Muốn vậy, mỗi người phải tìm hiểu xem ơn gọi làm người đòi hỏi ta những gì, và muốn sống đúng với ơn gọi đó, ta cần phải tìm hiểu để biết rõ những ước vọng sâu xa nhất của bản chất người. Bởi con người không chỉ đơn giản là một tâm hồn cô độc, và càng không thể là một thân xác riêng biệt, nhưng con người là một tổng thể xác – hồn. Đây chưa hẳn như một lối nhìn siêu hình, nhưng đúng hơn, đây là nhãn quan nhân bản Kitô giáo. Dưới sự hướng dẫn của Đức Tin, con người được kêu gọi để sống trọn cuộc sống này với trọn cả thể xác và tinh thần trong sự dấn thân bằng cả hồn lẫn xác không phân biệt. Và trong sự tôn trọng thể xác đúng mực, mọi người còn được mời gọi dành chỗ cho tinh thần, cho tâm hồn với sự cân bằng cần có của một con người thống nhất. Bởi trong thực tế, tinh thần thường bị hạ thấp vì lối sống thực dụng và tâm hồn thường chai cứng vì tội lỗi và ích kỷ.

Để hiện thực hóa khả năng khám phá và kiện toàn chính mình, con người luôn được mời gọi thức tỉnh những tài nguyên phong phú trong thân xác và tâm hồn, song song với việc dò tìm kế hoạch vốn được Thiên Chúa khắc sâu trong bản thể mình. Muốn sống đúng đạo làm người chúng ta không thể để hoặc bị xén bỏ đi hoặc bị khinh rẻ một trong những thành phần làm nên con người toàn diện. Nói gọn hơn, chúng ta phải trung thành đón nhận mọi chiều kích vốn làm nên bản chất con người. Mọi tiến bộ về vật chất và tinh thần đều phải phục vụ cho ơn gọi làm người đã được Thiên Chúa định sẵn nhân loại, và đó cũng là điều mà Đức Tin Kitô giáo luôn luôn mời gọi.

Những yếu tố của ơn gọi làm người cho thấy việc thực thi ơn gọi này luôn là một công cuộc dang dở, phải luôn phản tỉnh và “bắt đầu lại” để tiến lên. Là thụ tạo cao trọng, vì được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Người, vì thế, con người là một huyền nhiệm đối với người khác và ngay cả đối với chính mình. Đàng khác, những đau khổ, tội lỗi và cái chết vẫn là những huyền nhiệm và tệ hơn, như là những thất bại bi thảm của vận mệnh con người. Tuy nhiên, chỉ nhờ Đức Tin, con người mới có thể nhìn nhận đau khổ như là cơ hội thanh luyện mình, có thể vượt qua tội lỗi nhờ các nhân đức và coi cái chết như là sự hoàn tất đời tạm này để đạt tới cõi trường sinh bất tử. Bởi nếu con người cứ cố gắng giải thích những huyền nhiệm đó bên ngoài Đức Tin thì sẽ gặp phải bế tắc, thậm chí vô phương.

Trong sự khó khăn để đạt tới con người toàn diện theo ơn gọi làm người, Đức Tin có thể trợ giúp cho những ai thiện chí theo đuổi phẩm giá của bản tính con người trước những quan điểm giao động không ngừng trong đời sống.

3. Đức Tin đòi buộc người tin sống liên đới và trách nhiệm dấn thân

Sống trên đời, ai ai cũng được mời gọi thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, vì con người không thể sống khép kín và không ai là một hòn đảo. Hơn thế, ơn gọi làm người còn đưa con người vào trong mối liên hệ với Đấng tạo dựng nên mình, để cùng với việc dấn thân vào trong sự liên đới với thế giới và với tha nhân, mỗi người khẳng định được chỗ đứng của mình trong lịch sử và trong thế giới. Một cách rất thực tế, ơn gọi làm người hối thúc chúng ta tích cực dấn thân vào trong các mối liên hệ đó, dù có thể gặp phải một vài khó khăn thường tình, nhưng những khó khăn đó lại khẳng định rằng, muốn trung thành với ơn gọi làm người, mỗi người cần phải thường xuyên phản tỉnh, đổi mới và dấn thân hơn nữa với sứ mạng và ơn gọi của mình.

Thật vậy, để sống liên đới và dấn thân đòi hỏi phải chấp nhận đời sống cộng đồng và can đảm đón nhận hệ quả của các mối tương giao thường xuyên giữa người với người trong tính cách cộng đồng. Đàng khác, tuy chúng ta dấn thân trong cộng đồng nhưng không ai có thể thay chúng ta để sống cuộc đời riêng mỗi người chúng ta. Vì thế, trong khi sống cuộc đời riêng của mình, mỗi người vẫn không thể tách khỏi cộng đồng, và hơn nữa họ có quyền mong đợi cộng đồng giúp đỡ mình mà vẫn giữ được các giá trị cá nhân của mình.

Trong mối tương quan liên ngã vị, con người liên hệ với Thiên Chúa qua các nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến và đời sống cầu nguyện, và con người có thể tự do chấp nhận Thiên Chúa là cứu cánh, là lẽ sống của mình hoặc từ chối mối tương giao đó. Tuy nhiên, mối liên hệ với Thiên Chúa sẽ quyết định mức độ và tính chất của các mối liên hệ với thế giới và đồng loại. Trong thực tế, không thể có dấn thân thực sự nếu loại bỏ một trong các mối liên hệ đó.

Từ những gì nêu trên, ta có thể dễ dàng chấp nhận rằng, liên đới và dấn thân theo ý nghĩa Kitô giáo không chỉ là định luật cho đời sống mà còn là một trách nhiệm cao quí và là thiên chức của con người. Người có liên đới và dấn thân là người sống trọn vẹn trong hiện tại, có niềm tin vào tương lai và có trách nhiệm với tương lai. Như một khẳng định, bất cứ ai có thái độ sống hời hợt, không có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, sẽ phản lại ý nghĩa của thiên chức làm người, và cũng không thể phù hợp với nền nhân bản Kitô giáo, theo đó cũng không thể là người có Đức Tin và sống niềm tin cách đầy đủ.

4. Đức Tin: lời giải đáp cho số phận con người

Để ơn gọi làm người đạt đến giá trị chính thực của nó, chúng ta phải can đảm đối diện với những cật vấn về đời sống cũng như Đức Tin của mình. Lắm khi vì hiểu một cách nông cạn, nên chính trong khi thực hành đời sống, những hành động của người Kitô hữu lại trở nên những phản chứng đối với chính niềm tin của mình. Là người tin vào Đức Kitô, nhưng không có nghĩa là người Kitô hữu chỉ cộng thêm cái nhãn hiệu Kitô vào mọi việc làm trong đời sống của mình. Một Đức Tin đích thực nói lên một sự tín thác, gắn bó, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, để nhờ đó người tin có một đời sống mới. Ơn gọi của người tin vào Đức Kitô là thiết lập và dấn thân vào những mối liên hệ mới với loài người và với thế giới, để nhờ đó “chất Kitô” được thấm nhập vào trong mọi tương quan của đời sống. Và muốn làm được điều đó, người Kitô hữu phải hoán cải thường xuyên và đổi mới cuộc sống hằng ngày.

Ơn gọi làm người và làm Kitô hữu là để sống trọn đời này theo một cách thức mới, độc đáo và tự do trong tình yêu Chúa ngay giữa lòng thế giới hiện tại. Sống tình liên đới theo gương Đức Kitô là chung vai vác lấy những hèn yếu thiếu sót của cộng đồng, chia sẻ tình huynh đệ một cách đại đồng. Ơn gọi ấy bắt nguồn từ sự khám phá ra rằng, Đức Tin đòi buộc người tin rao giảng về Đức Kitô bằng đời sống đúng với Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Kitô hữu cần biết nhận ra những chứng từ xác thực khẳng định cho tính đúng đắn của việc lựa chọn sống Đức Tin của mình, và việc sống tích cực với lựa chọn đó sẽ mang lại giá trị vĩnh cửu cho cá nhân và cộng đồng. Đức Tin không những sẽ làm phong phú hóa cuộc sống cá nhân và cộng đồng, mà còn là niềm hi vọng chắc chắn cho tất cả những ai muốn tìm kiếm những giá trị nhân sinh cho mình và cộng đồng trong chính cuộc sống này.

Thực hành Đức Tin trong cách thức làm chứng cho Đức Kitô vẫn luôn là một thách đố đối với mọi Kitô hữu trên đường lữ hành. Những yếu đuối, vấp ngã, đau khổ, sự ác... và thậm chí cả những khả năng, thành quả của con người ngày hôm nay đều có thể trở thành nguyên cớ cho trào lưu xét lại hoặc đặt ra tính xác thực và giá trị của Đức Tin, như: Đức Tin có thực sự cần thiết? Đức Tin mang lại lợi ích gì cho cá nhân và xã hội?...

Thực ra, cuộc sống của người tin có gì khác so với những người không tin? Nếu như có một vài điều gì đó khác đã thực sự phản ánh đúng nội dung của Đức Tin chưa? Điều đáng chú ý là, cái khác của người tin chính là nơi họ có một chọn lựa căn bản gắn chặt với con người của họ trong cái gì sâu xa, cốt thiết nhất. Vì thế, tin không phải để làm gì, nhưng là cho tất cả thay đổi tất cả! Nhờ Đức Tin mà người tin không sống một mình trước cuộc sống, bởi vì có Chúa ở cùng. Người tin không phải tin để được thăng chức, cũng không phải tin để thuộc về phe nọ nhóm kia hay để đạt được lợi ích trần thế nào đó mà họ mong đợi. Đức Tin đặt người tin vào trong thực tại với mọi chiều kích của nó, và như thế, Đức Tin trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, về giá trị của ơn gọi làm người và về niềm hi vọng vào một tương lai sung mãn đích thực cho tất cả mọi người. Đức Tin không đặt người tin vào trong một thế giới viễn vông, xa rời cuộc sống, nhưng cho họ can đảm sống trách nhiệm trọn vẹn với hiện tại và tin tưởng vào tương lai. Đức Tin đòi hỏi người tin cố gắng đón nhận tha nhân và thế giới ngay từ bây giờ để hướng tha nhân và thế giới đó về với một con ngưi khác là Đức Kitô phục sinh.

Với Đức Tin, đời mỗi người có Đức Kitô làm trọng tâm. Nhờ Đức Kitô, con người có thể nhận biết mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa; với Đức Kitô, con người được sống trong tương quan với Thiên Chúa; và trong Đức Kitô, con người được tập hợp thành một cộng đồng liên đới và hiệp nhất với nhau trong tình yêu. Rõ ràng, Chúa Giêsu Kitô là sự cứu thoát của con người.

Tạm kết

Đức Tin đề nghị con người đón nhận thực tại trong tính đa diện và sâu xa của nó, qua đó, con người có thể đưa ra những phản kháng quí báu để lịch sử được chân thực và tương lai nhân loại được tốt đẹp hơn. Chính Đức Tin sẽ cho con người thấy trước đích đến của tương lai và sự sung mãn đích thực của kiếp sống nhân sinh: Đức Tin đảm bảo cho những điều ta hi vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). Lời đề nghị của Đức Tin là thực hành yêu thương, sẻ chia và cảm thông giữa người với người trong sự tôn trọng và tin tưởng. Chính Đức Tin kiện toàn thiên chức làm người, và đó cũng là mục tiêu mà nền nhân học Kitô giáo đang nỗ lực theo đuổi.

Và như thế, để sống cho ra Người, nghĩa là muốn đạt được ý nghĩa sống tròn đầy thì con người phải biết đọc cuộc đời mình như một lời mời gọi của Thiên Chúa, biết quan sát xem cuộc sống được Chúa Giêsu đổi mới như thế nào và như một phương pháp có hiệu quả, con người phải tìm hiểu cuộc đời này với một thái độ khiêm tốn rồi từng bước tiến lên. Và Đức Tin sẽ giúp thực hiện điều đó.

 

Mùa Phục Sinh Năm Đức Tin - 2013

 Fx. Nguyễn Hồng Ân, K.10

Trích: Nội San Đức Tin và Văn Hóa, số 2

 

Nguồn tin: