“Con Người”, một tước hiệu đặc biệt của Đức Giêsu

Thu,22/11/2018
Lượt xem: 4830

Có thể nói rằng, diễn từ đức tin của người Kitô hữu là phải cố gắng trả lời câu hỏi căn bản: “Đức Giêsu là ai?”, và do đó đưa tới một sự “quy áp” các tước hiệu cho Người, như một nỗ lực “mô tả” theo lối loại suy. Chúng ta đã quen thuộc với nhiều tước hiệu của Đức Giêsu mà mỗi tước hiệu như đã nói lên một phẩm-thuộc tính, một khía cạnh… nào đó của Người, chứ không thể diễn đạt cách trọn vẹn về Người. Trong bài này, người viết xin được tìm hiểu ý nghĩa của một tước hiệu đặc biệt của Đức Giêsu vốn không được coi là tước hiệu trong thời của Người và cũng không được Kitô học của các tác giả Tân Ước xây dựng, nhưng lại được chính Đức Giêsu thường xuyên sử dụng để chỉ về mình. Đó là tước hiệu “Con Người”.


1. Tước hiệu Con Người trong Tân Ước

“Con Người” là một kiểu nói bí ẩn nhưng Đức Giêsu đã dùng rất thường xuyên để chỉ về mình: 30 lần trong Tin mừng Matthêu, 14 lần trong Marcô, 25 lần trong Luca và 13 lần trong Gioan. Mặc dầu kiểu nói này xuất hiện thường xuyên như thế nhưng nó chỉ xuất hiện trên môi miệng Đức Giêsu, chỉ trừ một lần do Têphanô nói khi chịu tử đạo (Cv 7,56) nhưng ông cũng chỉ nhắc lại lời của Đức Giêsu ở Mc 14,62 mà thôi.[1]

Trong Tin mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu ám chỉ mình như “Con Người” trong ba bối cảnh, mỗi bối cảnh với những phạm vi ý nghĩa khá đặc trưng. Người sử dụng việc tự đặt tên này để nói về (1) công việc trần thế của Người và điều kiện (luôn luôn) khiêm tốn của công việc ấy (x. Mc 2,10-28; Mt 11,19; 8,20; Lc7,34; 9,58); (2) về những đau khổ, cái chết và sự phục sinh sẽ xảy đến của Người (x. Mc 8,31; 9,9-12.31; 10,33-34; 14,21-41); và (3) về việc Người sẽ đến trong vinh quang thiên quốc với quyền năng để thực hiện cuộc phán xét sau cùng (x. Mc 8,38; 13,26-27; Mt 24-27;25,31-32; Lc 17,24; Ga 5,27). Những phân loại này cho thấy danh hiệu “Con Người” đã phục vụ như cách diễn tả tầm quan trọng và ngay cả vị trí phổ quát của Đức Giêsu ra sao. “Con Người” được sử dụng để diễn tả Đức Giêsu đã làm gì hơn là Đức Giêsu là gì.[2]

Trong thời của Đức Giêsu, thuật ngữ “Con Người” không được xem là tước hiệu, nhưng có nét phác thảo nơi thị kiến lịch sử thế giới trong sách Đanien. Kitô học của các tác giả Tân Ước cũng không xây dựng trên tước hiệu “Con Người” nhưng dựa trên những tước hiệu đã được sử dụng ngay khi Đức Giêsu còn sống như Đức Kitô, Đức Chúa, Con Thiên Chúa… Đức Giêsu sử dụng thuật ngữ “Con Người” để che giấu mầu nhiệm của mình và dần dần giúp người ta hiểu mầu nhiệm này mới mẻ và gây kinh ngạc. Đó không phải là tước hiệu phổ biến của hy vọng messias nhưng lại thích hợp với cách rao giảng của Đức Giêsu vì Người nói bằng những lời bí ẩn và các dụ ngôn, dần dần tìm cách để dẫn vào điều ẩn kín mà chỉ có thể hiểu khi bước theo Người. Cũng như các tước hiệu khác khi chỉ về Đức Giêsu, tước hiệu “Con Người” cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa, mà trước hết, ta biết được, thuật ngữ “Con Người” trong tiếng Hipri cũng như Aram (Bar Enasha) có nghĩa đơn sơ là “người”.[3]

2. Con Người – con người hoàn hảo, mẫu mực

Trong cách diễn tả bí ẩn về Con Người, chúng ta gặp diện mạo nguyên thuỷ của Đức Giêsu, sứ vụ và sự hiện hữu của Người. Người đến từ Thiên Chúa và Người chính là Thiên Chúa. Nhưng chính vì thế – khi đón nhận nhân tính – Người mang đến nhân tính đích thực. Ngôi Lời đón nhận một thân thể, đến từ Thiên Chúa; và trong địa vị là một con người, Người lôi kéo bản tính nhân loại trọn vẹn đến với mình, chuyển tất cả vào Lời của Thiên Chúa. Người đến từ Thiên Chúa và xây dựng nhân tính đích thực.[4]

Về phương diện hữu thể học, trong khi mỗi cá thể người trong chúng ta chỉ “dự phần” vào nhân tính hay chỉ “chiếm hữu” một phần nhân tính trong mức độ hoàn bị mình, thì Đức Giêsu đã “múc trọn” nhân tính để là con người trọn vẹn, hoàn hảo. Vì thế, cái chết và sự phục sinh của Người hay nói khác hơn là ơn cứu chuộc Người thực hiện tác động đến toàn thể nhân loại. Công đồng Chalcedoine (năm 451) cũng dạy rằng, ‘Đức Giêsu không thiếu một yếu tố nào trong những gì cấu thành con người, “Người giống chúng ta trong mọi sự, trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Tội lỗi không phải là yếu tố cấu thành nhân tính, không phải là yếu tố trong nhân tính; trái lại, đó là “khuyết tật” của nhân tính; do vậy, con người không có tội là con người hoàn hảo’.[5]

Vậy, con người hoàn hảo, mẫu mực là như thế nào để rồi ta có thể quy áp được cho Đức Giêsu? Thần học gia Teilhard de Chardin nói rằng: Con người – hiểu như một đơn tử – “chỉ hoàn toàn là người khi không còn hiện hữu đơn độc”. Quả vậy, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27) nên tự sâu thẳm hữu thể, con người là kẻ hướng đến Thiên Chúa, một Đấng khác với mình. Con người càng là mình khi càng ở bên Đấng hoàn toàn khác ấy. Vì thế, con người càng là mình khi không còn bám vào bản thân, không còn khép kín nơi mình, không còn khẳng định mình, mà ngược lại, hoàn toàn khai mở ra với Thiên Chúa. Bên cạnh đó, càng gần tha nhân bao nhiêu, con người cũng càng gần mình bấy nhiêu. Chỉ khi ra khỏi chính mình, con người mới tìm lại được bản thân; chỉ qua tha nhân, qua hiện diện bên tha nhân, con người mới tìm lại được mình; nói khác đi, chính khi vượt ra khỏi bản thân, con người tìm lại được mình đích thực. Đức Giêsu chính là Đấng đã hoàn toàn siêu vượt bản thân, và vì thế, Người đích thực là người tìm lại được chính mình, con người hoàn hảo, mẫu mực, khuôn mẫu.[6]

Đức tin Kitô Giáo tin nhận Đức Giêsu là con người mẫu mực. Có lẽ đây là cách giải thích sát với khái niệm “Adam cuối cùng” của thánh Phaolô.[7] Điều này sẽ được sáng tỏ hơn trong ý nghĩa tiếp sau đây của tước hiệu “Con Người”.

3. Con Người – con người phổ quát, liên đới với toàn thể nhân loại, con người tương lai

Chúng ta có thể nói rằng, chính nhờ siêu vượt giới hạn đặc thù của hữu thể như đã nói trên đây mà nhân tính và thần tính hiệp nhất với nhau nơi Đức Giêsu. Tuy nhiên, điều đó thực ra cũng đã bao hàm một khía cạnh khác, vượt ra ngoài khía cạnh mẫu mực. Nếu Đức Giêsu là Con Người mẫu mực, nơi Người, khuôn mặt đích thực của con người – như ý Thiên Chúa muốn – được hoàn toàn tỏ lộ, thì rõ ràng không thể hiểu về Đức Giêsu như thể một trường hợp tuyệt đối ngoại thường hay như một chuyện kỳ lạ mà qua đó, Thiên Chúa muốn tỏ cho chúng ta thấy mọi sự đều có thể. Ngược lại, hiện hữu của Người quả thực liên hệ đến tất cả nhân loại chúng ta. Tân ước làm sáng tỏ điều này khi gọi Người là “Adam”. Trong Kinh Thánh, từ này diễn tả sự duy nhất của tất cả nhân loại, đến nỗi ta có thể nói đó là ý tưởng Kinh Thánh về một “thể nhân”. Việc Đức Giêsu được gọi là “Adam” chứng tỏ Người có sứ mạng thâu họp tất cả “adam” lại nơi Người. Và như thế cũng có nghĩa là, điều mà thánh Phaolô gọi “Thân Thể Đức Kitô” thực sự là một chiều kích căn yếu nơi hiện hữu của Đức Kitô. Nói cách khác, hiện hữu của Người không chỉ có ý nghĩa như một trường hợp hoàn toàn cá biệt, trái lại, mang sứ mạng thâu hợp tất cả nhân loại nơi mình (x. Ga 12,32).[8]

Điều này không những được thể hiện cụ thể khi Con Người đồng hoá mình với những người bất hạnh, khổ đau, bé nhỏ…(x. Mt 25,31-46) mà còn ở nơi bối cảnh thứ hai của tước hiệu “Con Người” như đã nói trên đây, khi Đức Giêsu loan báo về đau khổ, cái chết và sự phục sinh sẽ xảy đến của Người. Ở đây, Con Người đã đồng hoá mình với Người Tôi Tớ Đau Khổ mà Is 53 nói tới. Người trở thành Đấng giải thoát và Đấng cứu độ cho “nhiều người”, cho cả nhân loại. Nhờ cái chết cho “nhiều người”, Người vượt qua ranh giới của không gian và thời gian, chu toàn sứ vụ phổ quát của mình.[9]

Tin mừng Gioan diễn tả ý nghĩa này thật sinh động. Trên thập giá, Chúa Giêsu giang tay ra để ôm lấy con người, hầu đưa nhân loại đạt tới cùng đích hợp nhất của mình: “Một khi được cất cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Như thế, Đức Giêsu không còn sống cho riêng mình mà là trọn vẹn cho kẻ khác, và tột đỉnh của việc “sống cho” ấy chính là việc “chết cho”. Đối với Gioan, hình ảnh cạnh sườn bị đâm thâu không chỉ là chóp đỉnh của con đường thập giá mà là của tất cả cuộc đời Đức Giêsu. Giờ đây, sau lưỡi đòng kết liễu đời sống trần thế, hiện hữu của Người hoàn toàn rộng mở; giờ đây, Người hoàn toàn “sống cho”; giờ đây, Người không còn là một cá thể đơn lẻ, nhưng là “Adam”, và chính từ cạnh sườn Adam đó mà một Eva mới, tức là một nhân loại mới được tạo thành.[10]

Bên cạnh đó, dưới cái nhìn đức tin, Đức Giêsu cũng chính là mẫu người tương lai, mẫu người – nói theo mô hình sinh học của thần học gia Teilard de Chardin – thoát ra khỏi mọi giới hạn của nhân sinh và ra khỏi tình trạng đơn tử của mình. Đó là con người có được tính cá vị cao nhất, đồng thời cũng có được sự hợp nhất cao nhất. Đó là mẫu người mà qua đó, nhân loại chạm được tương lai và chạm được chính mình ở mức độ cao nhất, bởi vì, qua mẫu người đó mà nhân loại chạm được chính Thiên Chúa, được chung phần với Người và như vậy, đạt tới được khả thể sâu xa nhất của con người. Từ đó, đức tin nhận ra nơi Đức Kitô là khởi điểm cho một chuyển động dẫn đưa nhân loại bị phân xé vào trong một Adam duy nhất, trong một “thân thể” duy nhất, trong Con Người tương lai.[11]

Như thánh Phaolô nói, trong liên hệ với con người thứ nhất thuộc về đất, Đức Giêsu là con người thứ hai, con người dứt khoát (cuối cùng) đến “từ Trời”, là Thần Khí ban sự sống (1Cr 15,45-49). Người đến và đồng thời Người chính là vương quốc mới mẻ. Không những Người duy nhất nhưng làm cho chúng ta kết hợp với Người “trở thành duy nhất” (Gl 3,28), trở thành một nhân loại mới. Đó là cách thức “bước theo” mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta: Người cho chúng ta bước vào nhân tính mới mẻ của Người, qua đó bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.[12]

4. Con Người – Đấng từ Trời mà đến, Con của Người, Con của Thiên Chúa

Tương quan với sấm ngôn của Đanien tạo nên một nội dung thần học phong phú và quan trọng hơn nữa cho tước hiệu “Con Người”. Qua tước hiệu này, Đức Giêsu tự giới thiệu mình là người thực hiện một lời tiên báo của Kinh Thánh mà nói như thánh Phaolô: “Đức Giêsu là tiếng vâng cho tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa” (2Cr 1,20). Trong Đn 7,27, Con Người tượng trưng cho dân thánh của Thiên Chúa. Vậy, Đức Giêsu chính là Đấng thiết lập vương quốc của Thiên Chúa, một dân tộc mới. Khác với tước hiệu “Con vua Đavit” vốn giới hạn sứ mạng trong một dân tộc, tước hiệu “Con Người” biểu lộ sứ mạng liên hệ đến toàn thể nhân loại.

Cũng như trong Đanien, Con Người ngự giá mây trời mà đến, đứng bên cạnh Vị Bô Lão và được trao quyền thống trị, vinh quang và vương vị, thì Con Người trong diễn từ của Đức Giêsu chủ yếu nhắm vào việc trở lại của Người trong tương lai, đến để phán xét và để quy tụ các người công  chính, “những người được tuyển chọn”.

Như vậy, tước hiệu “Con Người” diễn tả ý thức của Đức Giêsu về sứ mạng của mình, đồng thời cũng gợi ý (một cách kín đáo) về nguồn gốc thần linh của Người. Trong sấm ngôn của Đanien, Con Người đến ngồi bên cạnh Thiên Chúa (Vị Bô Lão) như người Con. Trong mạch ý này, Con Người được hiểu chính là Con của Người, tức là Con của Thiên Chúa. Ý tưởng đó cũng xuất hiện rất rõ trong câu trả lời của Đức Giêsu cho thượng tế Caipha khi ông hỏi: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc14,62).[13]

Nguồn gốc thần linh ấy cũng được chính Đức Giêsu khẳng định khi tự nhận là Con Người và thi hành quyền bính Thiên Chúa trong thực tại nhân loại: quyền xét xử (Mt 25), quyền làm chủ ngày Sabat (Mc 2,28), quyền tha tội (Mc 2,10; 9,6; Lc 5,24), quyền ban sự sống (Ga 3,14-15; 5,26-27)… Vậy, khi gán thẩm quyền và quyền lực cho “Con Người”, Đức Giêsu đã “đòi buộc” cho mình một phẩm giá ngang hàng với phẩm giá Thiên Chúa và quyền hoạt động với thẩm quyền này.[14]

Như thế, ý nghĩa này còn cho ta thêm một chi tiết của cánh chung. Phạm vi rộng lớn về ý nghĩa mà tước hiệu “Con Người” có được, một mặt từ bất cứ ai tới mặt khác là vị Thẩm Phán vinh quang của Thiên Chúa, giúp ta hiểu được tiêu chuẩn của cuộc phán xét cuối cùng. Con Người trong vinh quang của Người mặc khải rằng, Người đã là một người thiếu thốn, là bất cứ ai và mọi người, như những người đói khát, trần truồng, bệnh tật hoặc tù tội ta gặp trên những con đường trong cuộc hành trình trần thế;[15] đồng thời, cho thấy một sự hợp nhất giữa thập giá và vinh quang, giữa sự hiện diện khiêm hạ nơi trần gian với vinh quang tương lai để xét xử vũ trụ.[16]

Kết luận

Như ta đã chân nhận ngày từ đầu, chúng ta có được phần nào đáp án cho câu hỏi nền tảng vốn luôn chất vấn đức tin người Kitô hữu “Đức Giêsu là ai?” nhờ các tước hiệu khác nhau được quy áp cho Đức Giêsu. Tính đa dạng này cho thấy rằng, không một tước hiệu nào có thể diễn tả cách thích đáng và cùng kiệt về Đức Giêsu; đồng thời, nó cũng cho thấy không một tước hiệu nào dám chắc là không cần đến các tước hiệu khác.[17] Tước hiệu “Con Người” dù được xuất phát từ chính môi miệng Đức Giêsu để chỉ về mình cũng vậy, dẫu hàm chứa nhiều ý nghĩa mà những suy tư, góp nhặt trên đây chắc chắn chưa diễn tả hết được. Chỉ mong nó giúp ta thêm hiểu biết về Người trong nỗ lực dùng cái hữu hạn để mô tả, để thăm dò, để tiệm cận… cái Vô Hạn mà thôi. Hơn nữa, ý nghĩa của tước hiệu này hàm chứa nhiều bài học, nhiều ý nghĩa nhân sinh, nhiều lời mời gọi thiết thực cho đời sống. “Trong thuật ngữ “Con Người”, con người thấy được mình phải hiện hữu như thế nào”.[18]

PM. Lê Hùng
ĐCV Vinh Thanh - K.XII 

[1] Norberto Nguyễn Văn Khanh, Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, (lưu hành nội bộ, 2012), 72
[2] Gerard O’Collins, Kitô Học – Một Cái Nhìn Hệ Thống Lịch Sử Và Thánh kinh Về Chúa Giêsu, nd.Nguyễn Đức Thông, (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo,2012), 102
[3] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, nd Nguyễn văn Trinh, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011), 427-431
[4] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, 441-442
[5] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo Trình Kitô Học, ĐCV Vinh Thanh – 2015, 220
[6] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, nd. Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009), 248-251.
[7] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, 441-442.
[8] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, 250.
[9] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, 439.
[10] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, 254-255.
[11] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, 253-254.
[12] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, 441-442.
[13] Norberto Nguyễn Văn Khanh, Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, 75-76
[14] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, 438.
[15] Roch A. Kereszty, Đức Giêsu Kitô, nd.Nguyễn Đức Thông (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2013), 241-242
[16] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, 434
[17] Lm JB. Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Kitô Học, ĐCV Vinh Thanh – 2015, 124
[18] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu Thành Nazareth, 430
Nguồn tin:
Tags :