Yêu Thương, Dấu Chỉ Loan Báo Tin Mừng

Wed,31/03/2021
Lượt xem: 1447

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Trong nhãn quan đức tin, chúng ta thấy tất cả mọi lời chúng ta nói, mọi việc chúng ta làm hôm nay đều có giá trị cho hậu thế cũng như có giá trị cho phần rỗi linh hồn mỗi người. Trong số đó, lời nói và hành vi yêu thương có thể cho là giá trị cao cả nhất vì yêu thương không chỉ là dấu hiệu người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Giê-su, nhưng là kết quả cho hạnh phúc Nước Trời mai sau. Yêu Thương, là di chúc mà Chúa Giê-su đã để lại cho các môn đệ nói riêng và cho tất cả mọi người nói chung trước khi Ngài về Trời. Trong khuôn khổ của Ngày Thứ 5 Tuần Thánh, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về đề tài yêu thương như là dấu chỉ loan báo Tin Mừng. Nhưng để yêu thương trở thành dấu chỉ Loan báo Tin Mừng, chúng ta cần thể hiện lời nói và hành vi yêu thương như thế nào? Phải chăng yêu thương là phục vụ? Yêu thương là trao ban, là hy sinh, là tự huỷ, là trở nên một trong nhau, là tha thứ…?

Như chúng ta biết, Giê-su hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa ở với nhân loại. (x.Lc 17, 20-25). Ngài đã chấp nhận làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã thể hiện tình yêu qua Lời Ngài chúc phúc, khuyên răn và chữa lành cho tất cả những ai tìm đến với Ngài. Không những thế, Ngài còn làm nhiều phép lạ để thi thố quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Đức Giê-su không đến để lên án hoặc giết chết nhưng để cứu chữa con người và để con người được sống dồi dào. Tình yêu nơi Đức Giê-su không dừng lại ở lý thuyết nhưng bằng cả con người, bằng cả mạng sống của chính Ngài để miễn sao loài người chúng ta đón nhận được ân sủng của Thiên Chúa cũng như sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Cũng vì tình yêu của một người Thầy và muốn tình yêu đó được nối tiếp cho các môn đệ, hôm nay, “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Tình yêu đó được diễn tả cụ thể qua việc Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. (x.Ga 13,5) Một cử chỉ của một vị Thiên Chúa đầy yêu thương ngang qua sự cúi mình, khiếm tốn để phục vụ con người. Như vậy, Yêu thương đòi hỏi phải chấp nhận từ bỏ chính mình để cho người khác được lớn lên và được tôn trọng. Yêu thương gắn liền với hành vi phục vụ và dấn thân cho tha nhân mà không ngại khổ và ngại khó. Yêu thương là cho đi và trao ban cái mình có cho anh chị em mà không so đo hay tính toán một điều gì.

Quả thật, Đức Giê-su không dừng lại ở việc rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ông về việc phục vụ và hy sinh cho nhau, (x.Ga 13,14) mà Ngài còn lập Bí Tích Thánh Thể để ban Mình Máu Thịt của chính Ngài nhằm nuôi sống muôn người. Một tình yêu vượt trên mọi tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô, là chấp nhận tự huỷ chính mình cho người khác. Như thế, yêu thương là trở nên một với người mình yêu. Đức Giê-su vì yêu nên muốn trao ban Thịt và Máu của Ngài để cho con người được trở nên một với Ngài mỗi lần đón nhận Ngài. Vì yêu nên Ngài đã tự nguyện chấp nhận trở thành tấm bánh bẻ ra cho muôn người được hưởng dùng. Chính Đức Giê-su đã khẳng định: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. (Ga 6, 51). Như vậy, Bí tích Thánh Thể là Bí tích Yêu Thương, là Bí Tích Hiệp Thông. Không thể đón nhận Bí tích Yêu Thương hay Hiệp Thông từ Chúa mà ta lại thiếu hiệp thông và yêu thương anh chị em chúng ta.

Chúng ta được đón nhận tình yêu nhưng không từ Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta cũng được mời gọi hãy cho, hãy yêu mọi người xung quanh chúng ta một cách nhưng không như thế. Tuy nhiên, làm sao đời sống yêu thương của chúng ta có thể trở nên dấu chỉ Loan báo Tin Mừng nếu không xuất phát từ nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa? Quả thật, đúng như vậy. Đức Giê-su Ki-tô, hình ảnh Thiên Chúa hữu hình đã để lại cho chúng ta mẫu gương sống ‘Mầu nhiệm Tình Thương’của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Di chúc mà Đức Giê-su muốn dành cho chúng ta trước khi Ngài về với Chúa Cha, đó là giới răn Yêu Thương. Đây cũng là dấu chỉ người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa, như Đức Giê-su đã phán: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Như vậy, để yêu thương trở thành dấu chỉ loan báo Tin Mừng, chúng ta phải thực hành lối sống yêu thương như thế nào?

Quả thật, con người ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Chúng ta không thể nói yêu ai, thương ai mà chúng ta lại không thực hành, không muốn hy sinh, dấn thân hay phục vụ họ. Làm sao chúng ta giới thiệu Đạo Yêu Thương cho người khác, trong khi mình sống hận thù, ghen ghét, ích kỷ, hẹp hòi…? Điều này, chính Thánh Gioan Tông Đồ đã cảnh cáo mọi người: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18). Như vậy, chúng ta phải yêu thương như thế nào để trở thành chứng nhân Loan báo Tin Mừng cho người khác? Phải chăng chúng ta phải yêu thương bằng hành động cụ thể không chỉ bằng lý thuyết suông hay lời nói bâng quơ. Chẳng hạn chúng ta thực hành lời kinh ‘Thương người có 14 mối’, trong đó chúng ta được mời gọi thương xác 7 mối: “là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết” và thương linh hồn bảy mối: “lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Nếu chúng ta thực hành những điều đó cách thường xuyên và đúng đắn, chúng ta đang trở nên hình ảnh thiết thực của Đạo Công Giáo, Đạo yêu thương cho anh chị em đồng loại. Mặt khác, chúng ta sống đời sống yêu thương là biết nhạy bén để nhận ra được hình ảnh Đức Giê-su nơi mọi người, nhất là nơi người nghèo khổ và tật nguyền, nơi người tai nạn bị bỏ rơi, nơi những gia đình đang gặp khó khăn, nơi những người lang thang cơ nhỡ,…Hãy học lấy cung cách giúp đỡ và yêu thương của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu (x. Lc 10, 29-37) để biết quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc những mảnh đời đầy gian nan và khốn khổ. Đừng sống vô tâm, ích kỷ, dửng dưng và loại trừ như thái độ của lão nhà giàu đã đối xử với Lazaro trong Tin Mừng. (x. Lc 16,19-31).

Chúng ta có thể dẫn ra một vài cách thức yêu thương thực tế nơi môi trường sống thường ngày để giúp người khác nhận ra chúng ta là con cái của Đức Giê-su, hiện thân Tình Yêu của Thiên Chúa nơi trần gian. Yêu thương là loan báo Tin Mừng khi mỗi chúng ta biết sống tinh thần hy sinh phục vụ cho những hoàn cảnh khổ đau và bệnh tật mà không kêu ca hay phản kháng. Tại các nhà thuốc nơi vùng miền truyền giáo, các nữ tu hoặc các y bác sĩ cần biết tận tình, dễ thương, dễ mến đối với các bệnh nhân đến với mình. Chúng ta sẵn sàng niềm nở đón tiếp và tạo mối dây thân tình với họ, nhờ đó, phần nào họ được tôn trọng, được an ủi, được chữa lành bệnh tâm lý trước khi chữa bệnh thể xác. Phải chăng qua thái độ đón tiếp và phục vụ tận tình đó, chúng ta đang tự giới thiệu một hình ảnh yêu thương của Đạo chúng ta cho họ. Công việc đó nói lên tất cả mà không cần phải rao giảng hay tuyên truyền bằng lý thuyết. Một ví dụ tiếp theo để giúp người khác được cảm hoá và hiểu về Đạo công giáo, đạo yêu thương, đạo bác ái của chúng ta: Yêu thương qua việc ra đi và thăm viếng các gia đình nghèo khổ, già cả neo đơn, bệnh hoạn tật nguyền,…không chỉ dừng lại ở việc trò chuyện, hỏi han, thăm viếng đầu môi trót lưỡi, nhưng chúng ta có thể sẵn sàng bắt tay ngay vào việc lau chùi vệ sinh, thay đồ áo, giặt giũ, nấu ăn cùng họ, sửa sang hoặc xây nhà cho họ nếu thật sự quá tồi tàn,…Hành vi cử chỉ thiết thực như thế, không chóng thì chầy, sớm muộn người ta cũng tự đặt câu hỏi: tại sao người công giáo lại tốt như thế? Và cứ như vậy, chúng ta cứ yêu thương và cứ phục vụ bằng đời sống thường ngày, chắc chắn nhiều người ở nhiều nơi sẽ được thúc đẩy và sẽ dễ dàng nhận ra được sự quan tâm của Thiên Chúa ngang qua những người công giáo biết sống yêu thương bằng những hành động cụ thể và gần gũi.

Thật vậy, chúng ta chỉ thật sự yêu thương được tha nhân và dấn thân trong đời sống hằng ngày, khi chúng ta luôn biết kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô, nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa. Chúng ta không thể cảm nếm được tình yêu dạt dào của Thiên Chúa mà không trao ban, sớt chia cho tha nhân. Chúng ta được mời gọi một khi đã đón nhận được tình yêu ngọt ngào từ nguồn mạch Lời Chúa, nhất là từ Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta không thể không ra đi để trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người bắng sự quan tâm hơn là vô tâm -vô cảm, bằng đời sống yêu thương hơn là ghen ghét - hận thù, bằng đời sống hy sinh phục vụ hơn là khép mình - ích kỷ, bằng đời sống cho đi hơn là lãnh nhận, bằng cuộc sống vui tươi hơn là buồn phiền, bằng đời sống xây đắp-nối kết hơn là dửng dưng hay loại trừ nhau. Như thế, nhờ đó, đời sống yêu thương của chúng ta mới thật sự là phương thức Loan báo Tin Mừng một cách rõ ràng nhất.

Nguồn tin: