Tình Yêu Khỏa Lấp Mọi Lỗi Lầm

Thu,14/01/2021
Lượt xem: 3721

TÌNH YÊU KHỎA LẤP MỌI LỖI LẦM

Bài Giảng Lễ Tạ Ơn, ngày 11 tháng 01 năm 2021

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

 Kính thưa anh chị em

Hôm nay là ngày vui đặc biệt của giáo họ Tân Phong chúng ta, bởi lẽ Cha An-phong Trần Đình chung là linh mục tiên khởi của giáo họ. Ngược lên 30 năm về trước, những người đã từng biết vùng đất này, không ai dám chắc là sẽ có một linh mục xuất thân từ giáo họ này, và không ai nghĩ sẽ có một dịp lễ long trọng quy tụ nhiều thành phần như hôm nay. Phải chăng là ngọn gió mới của Chúa Thánh Thần đã mang đến điều kì diệu nơi đây? Điều không thể hồ nghi là Chúa đã ban xuống cho họ nhà chúng ta hồng ân cao cả. Trong tâm tình hân hoan vui mừng tạ ơn Chúa, tôi muốn anh chị em đón nhận niềm vui đặc biệt này trong thánh ý Chúa và trong truyền thống của Hội Thánh. Để làm công việc này, chúng ta dựa vào câu châm ngôn của cha tân chức được ghi trang trọng nơi thiệp mời đã được gửi tới quý vị: “Tình yêu khoả lấp mọi lỗi lầm” (Cn 10,12).

Trước hết, tình yêu Thiên Chúa khoả lấp mọi lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta được sinh ra, được sống, được hoạt động là nhờ tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed 3,11).

Cũng một lẽ ấy, Chúa thổ lộ tâm tình qua ngôn sứ Hô-sê: “Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,8.9).

Thánh vương Đa-vít, người đã trải nghiệm cuộc sống phúc đức xen lẫn tội lỗi đã thốt lên:
“CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, 
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, 
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,…
CHÚA là Ðấng từ bi nhân hậu, 
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn, 
không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử, 
không trả báo ta xứng với lỗi lầm…
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, 
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103,3-12).

Mặc cho sự bất trung truyền kiếp của dân riêng, lòng nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa luôn được thực hiện, đã trở nên sống động và cụ thể  nơi con người Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giáo hoàng Biển Đức 16 viết: “Thiên Chúa đã trở nên hữu hình nơi Con Một Ngài xuống thế làm người, chịu chết và đã sống lại; Thiên Chúa đã trở nên hữu hình trong Lời Chúa, trong các bí tích, trong Giáo Hội và cả trong người lân cận nghèo hèn”.

Chúa Ki-tô là dung mạo thương xót của Thiên Chúa, Ngài khẳng định: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi” (Mc 2,17).

Tình yêu đó trở nên mãnh liệt hơn khi Chúa chịu đóng đinh trên thập giá. Thật ngạc nhiên khi Chúa hứa ngay tức khắc nước thiên đàng cho một kẻ tử tội cùng chịu đóng đinh: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta" (Lc 23,42). 

Ơn tha thứ bất ngờ và nghịch lý này đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lý giải trong Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu như sau: “Tình yêu nhiệt thành của Chúa dành cho dân Người – cho nhân loại – đồng thời là một tình yêu thứ tha. Tình yêu ấy lớn lao đến độ làm Thiên Chúa quay ra đối nghịch lại với chính Ngài, tình yêu của Ngài nghịch lại với công lý của Ngài. Tình yêu ấy (được thực hiện trọn vẹn) nơi mầu nhiệm Thánh Giá” (s 9).

Đối với ơn gọi của thánh Phê-rô, phúc âm theo thánh Gio-an kể: “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-17). 

Không chỉ một lần, mà là ba lần Chúa lặp lại cách hỏi như thế. Thánh Phê-rô chắc chắn còn đau buồn và xấu hổ vì 3 lần chối Thầy, nay được hỏi: “anh có yêu mến Thầy không?”, ông rất ái ngại và dè dặt trả lời. Ông nhấn mạnh chữ “Thầy biết”. Nghĩa là: chỉ có thầy biết là con chối thầy vì sợ hãi, nhưng con vẫn yêu mến Thầy. Còn những người đứng xung quanh đây, không ai nghĩ là con yêu mến Thầy đâu, vì con đã chối Thầy. Chúa đã trao quyền lãnh đạo cho ông, vì ‘tình yêu thương khoả lấp mọi lỗi lầm’.

Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện của tiên tri Gio-na trong thời Cựu ước. Ông đã chống lệnh Chúa, thay vì đi Ni-ni-vê rao giảng cho dân hối cải như Chúa truyền, thì ông lại xuống tàu trốn đi miền khác. Khi ông bị người ta vứt xuống biển, Ngài không để ông chết chìm mà lại cứu vớt và tiếp tục sai ông đi rao giảng.

Có lẽ tất cả chúng ta đã có kinh nghiệm như thánh Phê-rô, phục lạy trước Chúa mà kêu lên: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”  (Lc 5,8). Nếu chúng ta có điều gì đáng kể về ơn gọi cao quý của mình, hẳn đó phải là lời mà Đức Phan-xi-cô đã nói: “Tôi là kẻ tội lỗi được Chúa đoái nhìn”.

Kính thưa anh chị em
Nói về lòng thương xót thứ tha Chúa dành cho chúng ta thì vô tận, còn về phía con người chúng ta thì sao? Thưa tình yêu thương cũng góp phần khoả lấp mọi lỗi lầm của mình và của tha nhân nữa. 

Khi “có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên”. Chủ nhà thấy thế lấy làm khó chịu và nghi ngờ, Ngài giải thích cho ông: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” ( x Lc 7,36-47).

Sách Đức Huấn Ca cũng nói lên công dụng lớn lao của tình yêu mến: “ Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái. Khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,3-6).

Tình yêu thương trở thành vị trạng sư trong ngày phán xét như thánh Giacôbê dạy: “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2,13).

Còn thánh Gio-an tông đồ thì quả quyết: “Tình yêu của Thiên Chúa đã trọn vẹn đối với chúng ta, để chúng ta tin tưởng trong ngày phán xét... Nơi tình thương không có sự sợ hãi, nhưng tình thương trọn lành thì loại bỏ sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi mang theo hình phạt, và người nào sợ hãi thì không hoàn hảo trong tình thương (1 Ga 4, 17.18).

Khi chọn châm ngôn này, vị tân chức của chúng ta ắt hẳn đã ý thức mình yếu hèn tội lỗi. Điều quan trọng là ngài sẽ làm gì với lựa chọn ấy ? Nếu ngài nhận thấy chỉ là do lòng Chúa xót thương khoả lấp mọi lỗi lầm mà mình được cất nhắc, thì chắc chắn đến lượt mình, ngài phải cư xử  nhân hậu đối với những kẻ được giao phó cho mình coi sóc và với mọi người. Ngài cũng cần nhập tâm lời thư gửi tín hữu Do-thái: “Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy” (Dt 5,1-3).

Nếu luôn ý thức như thế, chắc chắn ngài không thể áp đặt lên giáo dân  những điều phi lý, không quá đòi hỏi nơi họ, không nôn nóng muốn thấy được thành quả mục vụ, kể cả những điều mà ngài cho là quan trọng. Ngài sẽ khoan dung với những yếu hèn của người dân và kiên nhẫn vì những điều chậm tiến của họ.
Cũng cần nói thêm rằng, nhờ tình yêu chân chính của cha, tín hữu có thể khoả lấp mọi lỗi lầm cho cha; và cũng nhờ tình yêu chân thành của mọi tín hữu, chính họ cũng sẵn sàng bỏ qua các lỗi lầm cho cha, bảo vệ và gìn giữ cha. Luôn tâm niệm những điều này, hẳn cha sẽ luôn kính trọng, tin tưởng và yêu thương những người mà cha phục vụ.

Kính thưa anh chị em
Chuyện nói về cha An-phong đây, cũng nói với tất cả chúng ta. Chúng ta là những kẻ tội lỗi, nhưng được tình yêu Chúa khoả lấp cho mình. Chúng ta cũng phải sống tình yêu của mình để Chúa tiếp tục khoả lấp lỗi lầm hơn nữa. Chúng ta được lại mời gọi dùng tình yêu của mình khoả lấp lỗi lầm cho những người thuộc về mình và cho tha nhân nói chung nữa. Nếu chúng ta trung thành thực hành như thế, chúng ta không phải quá bận tâm về phần rỗi của mình. Nhưng nếu chúng làm ngược lại chúng ta sẽ giống như kẻ bất nhân trong câu chuyện Phúc âm, hắn ta mắc nợ vua những mười ngàn nén vàng. Vậy mà nhà vua đã tha cho vì lời van xin của hắn. Ngược lại, khi được tha về, hắn lại hoạnh hoẹ và làm khổ người bạn chỉ mắc nợ hắn có một trăm bạc thôi. Điều này khiến mọi người bất bình và nhà vua nổi giận, ông tuyên bố: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (Mt 18, 32-34).

Có lẽ mỗi người chúng ta dễ dàng nhận ra rằng mọi sự cốt bởi tình yêu, và chúng ta, dù là linh  mục, tu sĩ hay giáo dân, nếu chúng ta sống trong yêu thương, chúng ta chắc chắn được Chúa tha tội và được ơn cứu độ. Điều này hiển nhiên, vì như giáo lý của thánh Gio-an tông đồ, Thiên Chúa là tình yêu, ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa, như thế họ thuộc về Thiên Chúa, và kết thúc hành trình dương thế, chắc chắn họ trở về với cội nguồn là Thiên Chúa. Tuy  nhiên, đừng để từ ngữ đánh lừa, yêu là yêu như thế nào ?

Theo nhận định của Đức Thánh cha Biển Đức XVI trong thông điệp nói trên,  ngài dùng “văn kiện mạnh mẽ” nhằm chống lại việc sử dụng danh thánh Thiên Chúa cách sai lầm và chống lại tính cách mơ hồ của quan niệm về “tình yêu”, được thấy rõ trong thế giới ngày nay. Bởi vì “từ ngữ Tình Yêu” trong thời đại hôm nay đã bị làm hư, bị cạn hết ý nghĩa và bị lạm dụng, đến độ người ta sợ nói đến lời này từ môi miệng mình. Trong thực tế, chúng ta đã thấy quá nhiều cách thế sử dụng chiêu bài tình yêu cho mục tiêu ích kỷ; dùng thuật ngữ yêu thương phục vụ nhằm trục lợi cách đê hèn; nhân danh tình yêu để thoả mãn nhục dục cách vô độ. Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta phải dùng lại từ này, thanh luyện nó và đưa nó về lại với vẽ huy hoàng nguyên thủy của nó, ngõ hầu nó có thể soi sáng cho đời sống chúng ta và đưa đời sống chúng ta vào con đường ngay thẳng.

Cũng chính thánh Gio-an tông đồ chỉ đường cho mọi người biết yêu thương cho đúng mực: Đối với tha nhân: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18). Về phía Thiên Chúa: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta (1 Ga 4:10). 

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI lại chỉ rõ: “Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người cao cả đến mức Ngài đã hóa thành con người để theo đuổi con người đến tận cái chết và qua đó hòa giải công lý và tình yêu” (Sđ d 10). Cha An-phong của chúng ta đã chọn con đường yêu thương, ngài cần ý thức rằng “người mục tử tốt lành phải đâm rễ trong chiêm niệm. Chỉ bằng cách đó, người mục tử mới có thể đặt lên vai mình những nhu cầu của tha nhân và coi đó là nhu cầu của mình” (S đ d, 7). Nhờ đó, ngài có thể sống trọn tình với Thiên Chúa và vẹn nghĩa với anh chị em.

Chung quy lại, chúng ta xác tín tình yêu thương khoả lấp mọi lỗi lầm, nhưng phải yêu như thế nào để đạt hiệu quả lớn lao như vậy? Thưa phải yêu như Chúa đã yêu. Chúa đã yêu như thế nào, điều đó ai cũng có thể biết. Điều quan trọng là chúng ta sống những điều đã biết đó như thế nào ?
 
Nguồn tin: