Tình Yêu - Bình An ( Suy Niệm Chúa Nhật 6 Phục Sinh C)

Wed,21/05/2025
Lượt xem: 1325

   

Tình Yêu - Bình An 

(Cv 15,1-2.22-29; Tv 66; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29)

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người thực thi đức mến để sở đắc được bình an đích thực. Chúng ta cùng suy niệm về điều cốt yếu của con người bình an – tình yêu:

1. Đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa

Trước câu hỏi của Giuđa nhiệt thành: “Tại sao Thầy tỏ mình cho các môn đệ mà không cho thế gian” (Ga 14,22), Chúa Giêsu cho thấy điều kiện để đến với Chúa Cha và cùng hiện diện giữa cộng đoàn môn đệ là yêu mến Chúa Con và giữ giới răn của Người” (Ga 14,23). Đối với Gioan, điều răn duy nhất là “tin vào Chúa Giêsu và yêu thương nhau (1Ga 3,23; x. 3,16; 6,25; 17,3; 20,30). Yêu thương biểu lộ qua việc trung thành tuân giữ các điều răn. Có ba lần, Tin mừng khẳng định các điều răn và tình yêu được liên hệ với nhau, và các câu 15.21.23 của chương 14 hứa ban sự hiện diện của Thiên Chúa: 

-  Các câu 15-17: Thần Khí sẽ đến giữa các môn đệ;

-  Các câu 18-21: Chúa Giêsu sẽ tỏ mình cho;

-  Các câu 23-25: Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ đến.

Có thể nói, yêu thương làm nên căn tính của người môn đệ, là dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, “đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”. Nói cách khác, để thấy sự hiện của của Thiên Chúa, cộng đoàn môn đệ phải sống lời trăng trối của Chúa Giêsu, thực hành đức yêu thương (Ga 13,34; 15,12). Ở đây ta hiểu được vì sao tác giả Tin mừng thứ tư tách biệt các tín hữu với mọi người khác: tình yêu dấu chỉ thuộc về cộng đoàn những người tin vào Đức Giêsu (x. Ga 13,35). 

Chúng ta, những môn đệ của Chúa, những người được gọi để trở nên nghĩa thiết với Con Thiên Chúa (Ga 15,15) nhờ sống giới luật yêu thương. Chúng ta được gọi mời để nhập thể tình yêu của Thiên Chúa, cho sự hiện diện yêu thương của Người giữa cộng đoàn, giữa những môi trường mà chúng ta được mời gọi sống. 

2. Bình an, tặng phẩm thần linh 

Chúa Giêsu, sau khi trăng trối cho các môn đệ giới luật yêu thương như là căn cốt của họ, Người cũng ban cho họ lời trấn an trước thách đố của biến cố thập giá: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”, “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Bình an được để lại, được ban tặng bởi tình yêu tự hiến của Đức Kitô Giêsu.

Bình an ở đây chính là Chúa, là sự hiện diện của Người. Thập giá làm cho các môn đệ phân mảnh, tan rã, sợ hãi, nhưng sự hiện diện của Người trong mầu nhiệm phục sinh sẽ là nguồn bình an cho họ: “Bình an cho anh em” (x. Ga 20,19.21.26). Bình an đích thực chỉ có nơi Đức Giêsu, chỉ Người mới ban tặng được mà thôi. Thánh Phaolô khẳng định với giáo đoàn Êphêsô: “Đức Kitô là bình an của anh em”. Quả vậy, có Đức Kitô là có tất cả, trước hết là ơn cứu độ, và vì thế, không có gì phải sợ; bình an đó là niềm vui của người môn đệ, bình an không ai lấy mất được.

Bình an ở đây là Thánh Thần, tặng phẩm thần linh của Đấng Phục Sinh. Người là Đấng Bảo Trợ từ nơi Cha (x. Ga 14,16; 15,26; 16,7; 8,12), Thần Khí sự thật sẽ dẫn các môn đệ vào sự thật toàn vẹn (x. Ga 14,6), sự thật về mầu nhiệm tình yêu của Đức Giêsu. Chính Thần Khí sự thật sẽ giải thoát họ khỏi sợ hãi, dẫn đưa Giáo hội đi vào mầu nhiệm của tình yêu, giúp người khác sống chân lý tình yêu như chúng ta thấy trong bài đọc thứ nhất: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác…” (Cv 15,29), nhờ đó, họ tiến bước trong việc loan báo mầu nhiệm Chúa Kitô với “niềm vui hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

3. Bình an, hoa trái của Tình yêu

“Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”. Bình an này không phải là kiểu chào chúc xã giao mà “thế gian ban tặng” cho nhau, thường chỉ là đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thỏa hiệp; đó cũng không phải là hòa bình, tình trạng không có chiến tranh, cũng không phải là tâm trạng của con người không còn bị căng thẳng về mặt tâm lý. Song, theo ngôn ngữ của Gioan, bình an, sự thật, ánh sáng, sự sống, niềm vui… diễn tả những khía cạnh khác của ân huệ lớn lao xuất phát từ ơn cứu độ nhân loại, từ tình yêu tự hiến của Đức Kitô, và từ tình yêu mến của các môn đệ của Người. Bởi vậy, để sở đắc bình an của Đức Kitô phải dựa trên căn bản là lòng yêu mến. Đó là việc tuân giữ luật yêu thương và ở lại trong tình thân hữu, nghĩa thiết với Chúa. Đó là sự bình tâm của người môn đệ.

Sự bình tâm hay bình an đích thực nhờ ở lại trong Chúa sẽ giúp người môn đệ, mỗi chúng ta đứng vững trước những phân mảnh, xâu xé của cuộc đời, của thế sự… Đó là thứ bình an đã làm cho các Tông đồ kiên cường trong niềm vui phục vụ Tin mừng dẫu giữa bao nguy nan của bách hại.

Bình an của Chúa mang đến đòi hỏi phải chiến đấu - cuộc chiến thiêng liêng, chấp nhận mất mát, có khi hy sinh cả mạng sống mình nữa. Bình an ấy chỉ có khi chúng ta nói như thánh Phaolô “lương tâm không trách cứ tôi điều gì” (1Cr 4,4). 

Là môn đệ dưới mái trường Giêsu, chúng ta phải là người của niềm vui, niềm vui an bình bởi có Chúa, nghĩa là niềm vui phát sinh và trào tràn từ việc gặp gỡ Nguồn Bình An đích thực. Chúng ta có thể mang lại bình an cho anh chị em khác, cho nhân loại hôm nay, vốn đang bị giằng co. Xâu xé bởi bao mối bận tâm, bất an.

Đức Phanxicô nhắn gửi chúng ta: “sự thanh đạm” hay gọi là bình tâm, bình an, “không có nơi những khuôn mặt của Mùa chay, kiểu khuôn mặt ‘ăn ớt’”. “Không có sự thánh thiện, tức là an bình, trong sự buồn thảm. Nếu một chủng sinh hoặc một tập sinh có cái nhìn buồn bã thì có điều gì đó không ổn với họ”. Ngài nói với các nữ đan sĩ Clara: “Đời sống chiêm niệm phải dẫn tới niềm vui, tới con người, tới nụ cười, nhưng không phải là nụ cười của tiếp viên, mà là nụ cười phát xuất từ nội tâm của mình”. Đó là nụ cười của bình an, của hoan lạc từ trong thâm tâm, chứ không phải nụ cười của người tiếp thị.

Một lần được phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêsa trực diện với một kẻ hỏi cắc cớ: “Bà yêu thương người nghèo điều đó rất tốt. Nhưng còn biết bao nhiêu người giàu có của Vatican và Giáo hội thì sao?” Mẹ nhìn thẳng vào người phỏng vấn và nói: “Thưa ông, ông không phải là người hạnh phúc. Có những điều đang xâu xé ông. Ông không có một chút bình an trong lòng”.

Lời đó làm ông xụ mặt, và Mẹ tiếp tục khiến ông thêm quặn đau: “Ông nên có niềm tin tưởng”.

-  Làm thế nào tôi có được niềm tin?

-  Ông nên cầu nguyện.

-  Nhưng tôi không thể cầu nguyện.

- Tôi sẽ giúp ông. Nhưng phần ông, ông nên cho những người xung quanh nụ cười. Một nụ cười làm ông gần những người khác. Nó mang sự thật về Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta. 

Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Kitô điều khiển toàn bộ đời sống chúng ta. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin:
Tags :