(Is 40,1-59-11; Tv 103;Tt 2,11-14;3,4-7; Lc 3,15-16.21-22)
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa khép lại mùa Giáng Sinh và bắt đầu mùa Thương niên. Nói cách khác, chịu phép rửa đánh dấu bước chuyển đổi từ cuộc đời ẩn dật sang đời công khai của Con Thiên Chúa. Thánh ca Tin mừng Lễ Hiển Linh diễn tả những biến cố liên kết việc sống mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô:
Ba phép lạ điểm tô ngày thánh. Cả cộng đoàn được hân hạnh mừng chung: ngày hôm nay, ngôi sao lạ dẫn dường, các hiền sĩ tới tận nơi máng cỏ; ngày hôm nay, cả sáu chum nước lã, đã biến thành rượu quý tiệc tân hôn; ngày hôm nay, trong dòng nước Giordan, Đức Kitô để Gioan làm phép rửa, hầu đổ xuống trên ta nguồn ơn cứu độ.
Đức Giêsu chịu là phép rửa diễn tả sự khiêm nhường, nghĩa cử điểm tô mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể.
1. Phép rửa, sự khiêm hạ tột cùng của Thiên Chúa làm người
Giordan trong tiếng Do thái “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Giordan phát nguồn từ ngọn núi Hermon ở độ cao 520m. Với chiều dài 220km, dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết, nơi có độ sâu 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.
Khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giordan để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội, chiều sâu hiện sinh của chúng ta. Bước xuống để nhận phép rửa sám hối của Gioan tẩy giả, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Người đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi; Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: ông này đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,1-2).
Trong biến cố Giáng sinh, chúng ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống, thành nhân. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn nhưng chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi, cần được thanh tẩy. Là Thiên Chúa chí thánh, người đã chấp nhận thân phận tội lỗi của chúng ta. Đúng là “tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể…” 1Pr 2,24).
2. Phép rửa, khởi mở thời bình sinh của Nước Thiên Chúa
Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ dân chúng, Chúa Giêsu đã tới dìm mình trong dòng sông Giordan. Để chuẩn bị ra gặp loài người, Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống như một người tội lỗi. Người chịu dìm mình xuống lòng sông Giordan, dường như muốn mượn làn nước dòng sông tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người thực sự là một người anh em của mọi người, chung chia nỗi day dứt của thân phận con người.
Dòng nước sông Giordan có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhường là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi chính mình. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người nói tới phép rửa của cuộc Thương khó của mình: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Người ta thường nói: “Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu”. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta là sự hạ sinh trở nên “một trẻ thơ nghèo nàn, yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới dìm mình trong dòng sông Giordan. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.
Isaia trong bài đọc thứ nhất loan báo về niềm an ủi với đám dân đang tha hương kiếp lưu đày: “Hãy an ủi dân Ta: hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong” (44,1-2). Đó là thời mà niềm an ủi Israel được thực hiện, không chỉ là lời loan báo, mà là thực tại, một Con Người, Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thành nhân, ở bên con người, làm cho con người thoả no ơn phúc tình yêu của Người (Tv 103).
3. Khiêm nhường sám hối để hoan hưởng vinh quang Chúa
Cử chỉ khiêm nhường của Đức Giêsu là lời mời gọi chúng ta: nếu chúng ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa; nếu chúng ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy, đừng ngần ngại thay đổi đời sống, đừng ngần ngại để được thanh tẩy. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người; nếu chúng ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, chúng ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai nhắn gửi chúng ta:
Ân sủng Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem lại ơn cứu độ cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta hãy từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,11-12).
Chúng ta được mời gọi rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung với “tế phẩm dâng tiến là tấm lòng tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò” (Tv 50). Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để chúng ta đón nhận Tin mừng. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo. Khi khiêm nhường trở về, chúng ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng đón đơi mỗi chúng ta. Người sẽ nói về mỗi chúng ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”. Phẩm hạnh con cái Thiên Chúa, những người được cứu độ bởi “lòng từ bi và nhân ái” của Người. Thiên Chúa “cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện”, “Người giải thoát chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân say mê làm việc thiện” (Tt 3,3,4.6; 2,14).
Chúa hạ mình xuống, chịu thanh tẩy để chúng ta được rửa sạch, để mở toang cửa trời cho chúng ta, để chúng ta được chung hưởng vinh quang sự sống đời đời: “Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng, điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không. Chúa ngự giá xe mấy, Ngài lượt bay cành gió” (Tv 103,2-4).
Lm. Hoa Thập Tự