Tâm Sự Của Một Người MÙ

Tue,25/05/2021
Lượt xem: 1661

Có tật có tài?

Xin ăn là nghề của tôi. Người mù như tôi không có nhiều sự chọn lựa khác hai ngàn năm về trước. Và ngày nay cũng không khác hơn nhiều cho những người bị mù lòa như tôi. Tôi hành nghề từ khi biết ngồi. Tôi ngồi trước cổng thành Giêrikhô, như quý vị đọc thấy trong các sách Tin mừng.[1] Vị trí, nơi ngồi thật quan trọng cho việc xin ăn - cũng giống như một chỗ tốt cho người bán hàng vậy. Cần nơi có nhiều người qua lại, được họ nhìn thấy và nghe tiếng tôi van xin bố thí giúp đỡ. Cổng thành vì thế là một chỗ thật tốt.

Tôi ngồi đó gần như mỗi ngày: xuân, hạ, thu, đông tôi đều có mặt. Trừ lúc quá nóng, quá lạnh hay mưa bão thì chịu, thì phải kiếm chỗ khác trong thành mà trốn. Ngồi ở đó, tôi nghe được thật nhiều chuyện đời. Ghi nhận hằng ngày vô số thông tin, và đủ thứ chuyện buồn vui của những kẻ đi qua lại. Chuyện từ phương xa và chuyện trong thành. Có những chuyện tôi chỉ nghe một lần trong đời, nhưng cũng có thứ nghe lập đi kể lại mãi, với những chi tiết thêm bớt ít nhiều. Hành nghề chuyên nghiệp nên tôi có thể nghe để nhận ra những người quen hay kẻ lạ, dựa vào lối đi và vào những nhịp chân của họ. Thông thường tôi cũng có thể cảm nhận ra được sự thật hay điều không đúng trong những gì được kể, căn cứ vào lối nói, âm điệu lớn nhỏ. Có tật có tài? Không hẳn là như thế. Kẻ mang tật nguyền thì phải phát triển hết tài năng còn lại, để có thể tồn tại trong thế giới này. Không nhìn được nên đôi tai và các ngón tay trở nên rất nhạy cảm. Thêm vào đó: Chờ đợi và chịu đựng là những đức tính được phát triển mạnh trong đời ăn xin của tôi.

“Nghe nói đó là...”

Như đã nói, tôi ghi nhận nhiều chuyện đời dù phải ngồi một chỗ. Có nhiều điều tôi quên đi liền sau khi nghe. Cũng dễ hiểu thôi, nếu không thì chỗ đâu mà chứa cho đủ! Nhưng cũng có những câu chuyện làm tôi ngẫm nghĩ nhiều ngày. Và có những tin tức không thể quên được. Dạo cuối thiên hạ ưa bàn ưa kể về một con người gốc ở Nadarét. Những kẻ qua lại nói rằng người là Đấng Mêssia mà dân tôi đã đợi chờ nhiều thế hệ. Rằng Người có quyền năng trên các thần ô uế, bệnh tật và đã chữa lành nhiều người. Nghe đâu, Người đi khắp đó đây, sống và rao giảng một lối sống khác với những gì truyền thống và Luật dạy. Cho nên những kẻ có quyền có chức trong đạo không ưa Người. Hẳn cũng vì Người đã có lúc không giữ nghiêm ngặt luật lệ của ngày Sabbat - là những điều được dân tôi coi trọng từng chấm từng phẩy.

Nói chung, từ những gì tôi ghi nhận được đã tạo cho tôi một hình ảnh về một ngôn sứ có một sự tự do và sức mạnh nội tâm, chân thật và không sợ hãi, đầy uy thế và có sức lôi cuốn khác thường. Thêm vào đó, người ta nói Người xuất thân từ dòng tộc vua chúa. Thuộc dòng tộc vua Đavít.  

Trong những ngày cuối, tôi có ấn tượng cả thành xôn xao, như đang trong cơn sốt, tạo nên bởi sự ngóng chờ Người đến. Thú thật, tôi cũng bị nhiễm lây bởi sự háo hức trông đợi đó, cũng bị đánh động bởi những gì tôi nghe được, và ước ao có thể nhìn được chớm nở trong tôi, dù nhìn bằng đôi mắt là điều tôi chưa hề từng trải nghiệm bao giờ. Cùng với nỗi khát khao đó, tôi cảm nhận ra một sức mạnh lớn dần trong tôi. Và tôi cũng bắt đầu chờ - như nhiều người khác. Chờ một ngày nào đó đến... Hay phải nói đúng hơn, là: Chờ Người đi ngang qua đời tôi. Tất nhiên là cũng có chút tò mò lộn lẫn trong sự háo hức đợi chờ đó. Tôi hát thầm ca khúc “Cho tôi được một lần...”[2] Nói như thế có nghĩa là tôi đã bắt đầu nuôi một niềm hy vọng. Nho nhỏ thôi, nhưng không thể chối bỏ được. Và hơn thế nữa: tôi còn cảm nhận ra một sự tin tưởng khó mà giải thích. Tin rằng con người xa lạ gốc Nadarét đó sẽ giúp được tôi. Tôi như “thấy” những nỗi niềm đó ngày càng lớn dần rõ ràng trong hồn.

"Anh liền kêu lên…”  

Từ những tin tức nghe được lúc ban đầu, cho đến lúc kêu to lên được: “Lạy ông Giêsu...” là một quá trình biến đổi dài xảy ra trong tôi. Đó là một hành trình nội tâm với những khó khăn riêng. Tôi phải học vượt qua chính mình và những cản trở đến từ bên ngoài. Nhưng những khó khăn lớn nhất mà tôi phải khắc phục thì nằm trong tôi.

Là kẻ ăn xin mù lòa, tôi sống lệ thuộc đã nhiều năm vào lòng thương xót của những người “có mắt” ra vào cổng thành. Họ là đôi mắt của tôi đã từ lâu. Họ nhìn dùm tôi. Họ kể cho tôi. Cả những gì tôi nghe đến tai nhiều khi cũng đã được họ suy tính cho rồi. Được chọn lọc, bình luận và giải thích theo ý họ. Họ quyết định những gì mà họ cho là một người mù cần biết hay không. Sống lệ thuộc vào họ, nên tôi đã học thích nghi rất giỏi. Tôi luôn hạ mình, vui vẻ và luôn cẩn thận đắn đo nhỏ nhẹ trong lời nói, để không mất lòng ai. Ngay từ những ngày đầu của nghề ăn xin, tôi đã học che giấu thật kỹ những gì mình suy mình nghĩ. Và tất nhiên là giấu che luôn cả những gì mình cảm nhận.

Tôi luôn cố gắng hết sức để không tỏ hiện một dấu hiệu không bằng lòng, hay một xúc động không có lợi ra bên ngoài. Luôn tỉnh táo chú ý để đừng nói điều phật ý những kẻ “có mắt.” Vì vậy, có khi cảm nhận ra được rằng người đối diện nói không đúng sự thật, thì tôi hoặc im hoặc chỉ cười ùa theo, chứ không bao giờ cho ý kiến riêng để tránh gây phiền hà. Cần phải khôn ngoan chứ! Chuyện này thường hay xảy ra, vì tôi có nhiều nguồn thông tin hơn họ. Và tôi có thể rút được từ đó cái cốt thật của một câu chuyện, được kể nhiều lần được nghe từ miệng nhiều người. Bởi chỉ nhìn được vào trong, nên tôi hay suy đi nghĩ lại. Vả lại tôi cũng có chút thì giờ...

"Hãy sống giùm tôi....!"

Tôi ý thức được điều nhiều người nghĩ suy, cho rằng kẻ xin ăn thì làm thế nào bằng, hay hơn người bố thí cho mình được. Và mù thì làm sao nhìn thấy rõ, để rồi dám nói khôn hơn kẻ có mắt. Tôi không có quyền biết, quyền hiểu, quyền phát biểu như những người khác. Tôi sống trong cái cơ-chế-xin-cho mà! Sự thật của tôi, vì vậy, tôi để trong bụng. Chỉ cho riêng tôi mà thôi. Tôi cần làm vừa lòng các ông đi qua, các bà đi lại; cần sống làm sao cho vừa lòng mọi người để có thể tồn tại. Muốn sống còn thì phải vậy thôi. Và tôi đã hoàn toàn bằng lòng với lối sống đó, cho đến khi nghe kể về con người từ Nadarét.

Khi đó, một niềm hy vọng đổi đời đã nảy mầm và lớn lên trong tôi, và tôi bắt đầu nghĩ về đời mình một cách sâu sắc hơn xưa. Tôi nhận ra rằng: Nếu cứ tiếp tục cuộc đời như cho đến nay, thì có nghĩa là tôi đã chấp nhập kiếp đời mù của mình mãi mãi thật rồi. Những gì tôi nghe kể lại về con người đó, đã đánh thức trong tôi một tiền cảm, một ý niệm về một cuộc sống khác: một đời sống không còn mù lòa, lệ thuộc.

Suy lại, tôi nhận ra rằng trong thực tế tôi đã để cho thiên hạ sống dùm tôi. Và thiên hạ thích tôi trong vai trò, với lối cư xử “vì họ” của tôi. Họ cho rằng như thế là xứng đáng với một kẻ ăn xin ngồi yên một chỗ, không nhìn thấy gì. Điều đó được xác nhận qua những khoản bố thí to nhỏ. Thiên hạ hài lòng với tôi như vậy, và chính tôi cũng đã thấy hạnh phúc với tình trạng đó. Đến ngay cả mỗi khi cần khấn xin gì với Giavê, thì họ, những con người nhìn thấy và tự đi đến Đền Thờ được, đã chuyển lời khấn cho tôi. Đến với Thiên Chúa mà tôi cũng đã cần người làm trung gian. Tôi không có quyền và không thể đến thẳng trực tiếp.  

"Im đi!"   

Chính vì thế mà họ ngạc nhiên lắm, khi tôi dám mở miệng, không để nài nỉ van xin, mà để kêu tên Đức Giêsu. Tôi đã đẩy họ sang một bên, khi một mình trực tiếp tìm đến với vị ngôn sứ. Nên họ ngạc nhiên là phải. Cũng bởi vì hôm đó tôi kêu to lắm. Tiếng tôi vang to cả một góc trời. Nói thật, đúng là tôi đã dùng hết sức bình sinh của mình để làm chuyện “động trời” đó. Và đó chính là cái sức giúp tôi vượt qua sự chấp nhận số phận, mà tôi đã bằng lòng trong một quãng đời dài. Một đời được tôi và thiên hạ coi như là ý Trời dành cho tôi. Là do số phận an bài. Đó chính là sức lực mà tôi cần đến để vượt qua những sợ hãi, hèn nhát đã giữ tôi mù từ xưa nay. Sức mạnh đủ để vượt qua sự lệ thuộc đã trói buộc tôi một chỗ như một tù nhân.  

Đám đông xưa nay vẫn thương hại tôi, bỗng trở nên thật khó chịu. Họ không chịu chấp nhận một Batimê khác hơn là hình ảnh mà họ vẫn có về tôi. Họ thích một Batimê mù, ăn nói, di chuyển hành động như họ vẫn quen và họ muốn nhìn thấy. Là một Batimê biết thích nghi và dễ thương, để họ nuôi sống. Biết thân biết phận và biết giữ miệng giữ mồm. Không đòi hỏi gì hơn. Không quấy rầy và tham gia vào đời sống của họ. Bởi vậy, khi tôi mở miệng nói cho tôi, khi tự nói lên điều mình cần mình muốn - và đó là quyền căn bản của con người, thì họ không chút xót thương và không còn nhân nhượng. Họ quát mắng và tìm cách bịt miệng tôi. Họ muốn đè bẹp ngay, dập tắt ngay liền việc “đứng dậy” của tôi. Và tôi, khi bị dọa nạt, quát mắng bởi một đám đông mà xưa nay giờ mình lệ thuộc vào, đã muốn vâng theo lời họ. Cám dỗ muốn rút lui, để cho cái nỗi sợ làm cho câm nín và giữ mình mù như xưa nay. Mà lúc đó cũng đáng sợ thật: Hàng trăm người mạnh sức mạnh mồm hơn và có khả năng nhìn thấy chống lại tôi, một người mù ăn mày. 

Quý vị hãy hình dung một lần sức mạnh mà tôi cần, để có thể vượt qua chính mình, và vượt qua sự cản ngăn của đám đông hôm đó! Để nói lên to rõ, nói không sợ hãi điều mình ước ao và điều mình suy mình cần. Phải có sự quyết tâm, và phải dồn hết sức lực. Phải như là một quả bom. Nếu không thì dễ rút lui lại lắm. Thú thật, tôi cũng run khiếp một giây trước phản ứng mà tôi không ngờ trước từ đám đông. Nhưng nhờ đã hun đúc cái điều mình thực sự muốn trong đời với hết tâm trí và hết sức lực từ lâu, nên trong cái phút quyết định đó tôi quyết định một ăn một thua. Lúc đó, tôi cũng như mũi tên khi đã thoát ra khỏi cung, nên không còn có thể quay lại. Người Việt sẽ nói như vậy: đã ngồi lên lưng cọp rồi thì hết leo xuống! Và tôi cũng đã tự hỏi mình, rằng tôi còn gì để mất? Tại sao lại không thử một lần đứng thẳng nhìn Người, nhìn mình và nhìn mọi người? Đúng hơn là để được Người nhìn, vì sự biến đổi đời tôi đến từ đó.

“Đức Giêsu dừng lại...”

Bởi vì Người đã nghe tiếng tôi kêu. Trời đất ơi! Lời tôi kêu van đã được nghe. Giữa ngàn vạn tiếng người lúc đó, những lời tung hô, kêu cầu, bàn tán xôn xao, giữa cái sự ồn ào náo nhiệt của hôm đó, Người đã nghe tiếng tôi kêu! Quý vị phải dừng lại ở đây mà hình dung và ngẫm nghĩ một chút cái cảnh đó và những cảm xúc dâng trào trong tôi. Tôi hồi hộp như muốn ngừng thở luôn. Mà đúng, vì sau đó tim tôi đập theo nhịp khác và được nuôi bằng nguồn khí khác. Không còn khí của cổng thành, mà khí của khắp nơi nơi – khi tôi bước đi theo Người.

Rằng có ai đó ngừng lại vì tôi. Không chỉ vì người ăn xin mù, vì để bỏ cho chút quà bố thí. Lần đầu, tôi được chú ý quan tâm – vì tôi là tôi. Đúng y như vậy: Hôm đó tôi đứng ở trung tâm của mọi sự chú ý, khi được Người gọi ra, được chọn từ đám đông thiên hạ. Cho đến hôm nay, tôi còn cảm nhận rõ ràng được trên thân mình hàng trăm con mắt. Còn cảm thấy được hàng trăm cái miệng há hốc ngạc nhiên. Lúc đó, một sự thinh lặng huyền diệu phủ kín đoạn đường trước cổng thành. Thời gian như ngừng trôi. Không lâu, nhưng dài đủ để đổi thay một đời. Đời tôi. Và tôi tin nhiều đời khác nữa. Tôi ghi nhận trong lòng giây phút đó như là thiên thu. Vì Người đã dừng thời gian lại, dừng tốc độ ào ạt của dòng cuốn đám đông lại – vì tôi, người mù xin ăn thành Giêrikhô. 

“Người gọi anh đấy!”

Cái kinh nghiệm kêu tên Đức Giêsu, làm cho xuyên thủng mọi cản ngăn trong tôi và ngoài tôi. Cho tôi cái cảm giác chưa hề có, rằng: Tôi sống! Tôi không còn cần hát lời ca “Hãy sống dùm tôi, hãy thở dùm tôi” nữa! Cái cảm giác sống động đó, rằng “Tôi là tôi” - một kinh nghiệm tôi chưa hề được quen đến trước đó. Kinh nghiệm mà tôi rất quen từ xưa nay là bị thiên hạ nhìn, mà không nhìn thấy họ được. Đó là một kinh nghiệm tạo nên cảm giác thấp kém, bất lực và không có giá trị. Cảm giác chịu nộp mạng hoàn toàn. Chúng làm tê liệt, đè tôi ngồi bẹp suốt nhiều năm. “Người gọi anh đấy” đánh dấu một bước ngoặt trong đời tôi. Đời tôi được thay đổi hoàn toàn. Và không chỉ một mình tôi được biến đổi, mà cả đám đông cũng vậy. Những kẻ mới quát nạt, đe dọa và cản ngăn tôi đó, bỗng trở thành những người khuyến khích, trấn an, ủng hộ và dìu dắt tôi! Họ nói gần như là ra lệnh vậy: “Cứ yên tâm, đứng dậy...”

Quý vị không ngạc nhiên khi nghe rằng tôi đã vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Vất áo choàng, vì tôi chẳng còn cần che đậy, đóng kịch, chẳng cần ba phải nữa. Vất bỏ lại sau lưng những hàng rào bảo vệ mình và che đậy sự thật đời mình. Hàng rào đó đã giúp tôi tồn tại nhiều năm tháng, nhưng cũng đã cản ngăn mọi gặp gỡ chân thành. Cản ngăn sự sống sung mãn. Người gọi tôi, nên tôi chỉ có thể đến trước như tôi là. Tôi ra sao thì tôi đến, tôi đứng trước Người như vậy. Nên tôi chẳng cần đến áo choàng nữa. Tôi được phép là chính tôi. Chân thật, mà không một chút sợ hãi.  

“Anh muốn..., tôi làm...”

Xưa nay chưa có ai hỏi tôi như vậy cả. Tôi cứ phải thích nghi vào ý muốn của những kẻ nuôi sống tôi. Không ít người cho rằng họ biết điều tôi muốn, vì tôi là một kẻ ăn xin, nên rõ quá rồi. Chờ bố thí chứ còn gì nữa. Cho nên họ cản ngăn tôi, khi tôi đòi hỏi nhiều hơn, là đón chờ Người - như họ. Muốn nhiều hơn là một chút bố thí sống cho qua ngày. Muốn cả tương lai sống tự lập, không lệ thuộc ai cả. Muốn sống tự do! “Anh muốn gì?”, lời này nói với tôi rằng: Quan trọng là điều tôi muốn cho mình. Tôi phải biết tôi muốn điều gì thực sự. Và tôi được tự nói lên điều tôi muốn trước Đức Giêsu, vì không ai có thể sống dùm tôi, sống thay cho tôi. Còn Người thì tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời. Nhưng làm thế nào để biết điều mình thực sự muốn? Tôi đã làm như vậy. Tôi học lắng nghe nhiều năm tháng. Đó là cách “nhìn” của một người mù. Tôi phải nghe, vì không thể trực tiếp nhìn thấy. Nhưng chỉ khi chịu nhận ra rằng mình mù tịt, thì mới sẵn sàng chịu lắng nghe người khác. Có chịu nhìn nhận sự lệ thuộc của mình, thì mới ước ao được sống tự lập. Có nhìn nhận ra cái tù mà mình bị nhốt trong đó, thì mới mơ về tự do. 

Tôi đã lắng nghe thiên hạ kể về họ, về nhau, về thật nhiều điều tầm phào xỏ lá. Cũng nhờ đó mà dần dần biết rõ điều mình muốn, và con người mà mình muốn trở nên. Những gì thiên hạ kể đã đánh thức trong tôi khát khao muốn tận mắt nhìn thấy những gì họ nói họ kể. Để biết sự thật. Để được làm chứng nhân, chứ không chỉ là biết qua việc nghe kể lại mà thôi. Tôi muốn được uống nước tận nơi nguồn, chứ không chỉ uống nước máy hay nước đóng sẵn trong chai trong thùng. Song song với sự hình thành điều tôi muốn, các tin tức tôi nghe cũng được lọc lựa và nhận xét, phán đoán. Để tìm ra trong đó những dấu vết, những chỉ dẫn cho hướng đi đền gần với Con Người - đến cuộc gặp gỡ định mệnh đó. Và tất nhiên là mọi sự xảy ra khá âm thầm trong tôi, không là chuyện kinh thiên động địa - cho đến hôm đó. 

“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”

Lòng tin của tôi chữa tôi. Ở đây quý vị cũng cần đứng lại và thinh lặng ngẫm suy một lát, vì điều được nói ở đây to lớn và khó tin lắm. Nếu lời đó được nói cách khác thì nghe như vậy: “Chính tôi đã chữa lành tôi! Đã mở mắt cho tôi.” Nghĩa là khả năng chữa lành nằm ngay trong tôi! Khả năng đó được khởi động, nguồn năng lực đó được khơi ra khi tôi gặp Người. Hay đúng hơn khi Người gặp tôi. Đối diện với Người, tôi nhận ra sức mạnh trong tôi, của tôi. Nói như thế có nghĩa rằng là: Tin Chúa và tin mình không thể tách rời nhau. Tự tin và tin Chúa đi liền với nhau. Và đó là kinh nghiệm của tôi khi gặp Đức Giêsu Nadarét.

Tin là “trao con tim” (cor-dare, credo, tiếng Latinh). Khi được Người yêu thương và kêu gọi, khi được Người dừng lại, dành thì giờ và sự quan tâm cho tôi, tôi đã tự tin vào tôi. Tôi đã vứt bỏ hết và đứng thẳng dậy. Không còn sợ hãi, tôi đã bỏ lại hết hết những gì đã chắn che đời mình. Chỉ với một lời, Người đã chọc thủng hết mọi bức tường đã che cản khả năng nhìn của tôi xưa nay. Tôi tự tin và vượt qua những cản ngăn của đám đông quanh mình. Đứng thẳng chứ không ngồi co ro như xưa, khi tôi còn là người mù ăn xin trước cổng thành. Tôi có nhân phẩm và nhân quyền như những người “có mắt.” Hơn thế, như đã nói ở trên: Hôm đó, tôi là trung tâm của mọi sự chú ý và quan tâm, ngưỡng mộ và vui mừng. Tôi là “sao” rạng ngời giữa đám đông.

“Chính anh đã trả lại ánh sáng cho anh” hay với lời của Kinh Thánh: “Niềm tin của anh đã chữa lành anh.” Vì tin vào Đức Giêsu, con vua Đavít, từ khi nghe kể về Người, tôi đã học tin tưởng vào chính mình. Bắt đầu khi tôi để cho lớn lên trong tôi một niềm hy vọng, một khát khao và khi tôi học chờ. Chờ đợi cuộc gặp gỡ ấy. Tin theo kinh nghiệm của tôi là như thế: Qua việc nghe kể về Đức Giêsu, thì hạt giống được gieo và lòng, đánh thức những khát vọng sâu xa chân thành trong con người tôi. Tin là để cho lớn lên nhận thức về thân phận của mình, và cho lớn lên sức mạnh vượt qua chính mình để đứng dậy. Để thành nhân trước mặt Thiên Chúa. Chính niềm tin đó đã trả lại cho tôi ánh sáng. Không là hoàn cảnh, không là ý kiến hay ước muốn của thiên hạ. Tự nhận ra giá trị, sự thật của mình và nhận ra niềm khát vọng nằm sâu trong mình tạo nên sức mạnh đó. Và tất nhiên là niềm tin rằng con người sắp đi ngang qua đời mình là Con vua Đavít, là Đấng Messia.

Batimê và Con vua Đavít

Batimê có nghĩa là “Con trai ông Timê.” Không là tên riêng. Người Việt biết lối gọi này, thí dụ khi trả lời cho câu hỏi: “Con nhà ai vậy?” hay “Con nhà đó nhà kia.” Chúng ta định nghĩa một con người qua cha mẹ, qua gia đình của nó. Cái cám dỗ do văn hóa tạo nên, là: Tôi không được coi như một nhân vị độc lập, một ngôi vị riêng. Cho nên cha mẹ, gia đình, người nhà sống dùm tôi. Để có thể nhìn, vượt qua cái mù, tôi cần có tên riêng. Là có căn tính riêng và ý muốn riêng. Đối với Thiên Chúa thì tôi có một cái tên. Chúa biết tôi là ai, vì được “ghi khắc trong lòng bàn tay.”[3] Người, chứ không chỉ là “con nhà ai.” Tôi gọi Người là “Con vua Đavít,” bởi vì Đức Giêsu là Vua. Và Người đã trả lại cho tôi “danh dự vua chúa” của tôi, mà sự mù loà đã làm che khuất mất. Mà đám đông đã che khuất mất.

Khi tin, Người chỉ cho tôi thấy rằng hồn và tinh thần tôi bị chiếm hết bởi những “của lạ” không thuộc về tôi. Là những gì được dồn vào đó từ khi tôi buộc phải học vâng lời người lớn hoàn toàn và phải sống ngoan ngoãn để khỏi bị coi là “con hư.” Nhưng qua đó, tôi bị điều khiển bởi tư tưởng, ý nghĩ, ước muốn của người khác. Như là mình được sống dùm. Tôi bị sống. Chúa muốn sự hiện diện của con người như được Người tác tạo. Chúa muốn trả lại con người đó lại cho tôi. Tin vào Thiên Chúa được Đức Giêsu hiểu là: học suy nghĩ những tư tưởng của mình, cảm nhận những cảm xúc của mình và thực hiện những ý tưởng của mình. Người muốn tôi đi bằng đôi chân của tôi. Là sống đời mình, chứ không sống dùm hay để cho sống dùm.

“Anh nhìn thấy đi!”

Người ta ưa nhắm mắt trước cái gì đó không dễ coi. Nhắm mắt trước bất công, bạo lực, hối lộ, lạm dụng - vì cảm giác bất lực của mình. Cho rằng không thay đổi được gì, mà lại còn mang vạ vào thân. Để tự vệ, thiên hạ và Batimê chịu trở nên “mù”. Và những người muốn mù có nhiều lời lẽ thật hợp tình hợp lý để bào chữa cho quyết định đó. Và khi chấp nhận việc “phải mù” đó như một định mệnh, một số phận, chúng ta sẽ khó chịu nếu có người mù nào đó bỗng dưng cất to tiếng, bởi vì người đó không bằng lòng với tình trạng của mình.

Quát mắng, đàn áp, bịt miệng là phản ứng và biện pháp vẫn được áp dụng. Hay đè bẹp, cô lập bằng sức mạnh của bạo lực. Thiên hạ muốn Batimê ngồi yên ở bậc thang xã hội mà “số phận” đã định cho. Không muốn thay đổi cái trật tự đó. Không muốn nó ở hàng đầu kẻ đứng chờ, và làm mất trật tự và sự mù quáng tập thể với tiếng kêu của nó. Nó nên ở mãi ở yên nơi vị trí của mình: lệ thuộc và luôn cần sự giúp đỡ của họ, ngoan ngoãn van xin năn nỉ, chứ không kêu ca đòi hỏi – vì mù thì chẳng nên có quyền lợi chi cả. Vai trò vị trí của nó là ở đó và nó phải cư xử như vậy. Nghĩa là nó không có quyền, không được phép kêu Danh Giêsu. Và thực tế cũng là: Nó yên thì chúng mình cũng yên.

Nhưng qua đó, những kẻ có mắt che đi tầm nhìn, làm tối đen thêm cuộc đời - của Batimê và của chính họ. Người mù bị tước quyền bình đẳng. Bố thí và chấp nhận sự bố thí là chịu bác bỏ quyền tự lo tự lập của người mù. Khi Batimê ý thức ra rằng kêu tên Đức Giêsu là quyền. Nhìn được thấy được là quyền. Tự suy nghĩ và tự quyết định là quyền. Nói là quyền. Không bằng lòng chờ đợi đám đông ban cho như một của bố thí, thì bước tự cởi bỏ xiềng xích của sự lệ thuộc để trở nên tự do đã gần kề. Những người mù đó cần đến lời kêu mời “Anh nhìn thấy đi!”

 

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD 

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 11


[1] X. Mc 10, 46-52 // Mt 20, 29-34 // Lc 18, 35-43.

[2] Ca khúc “Cho tôi được một lần” của Bảo Thu.

[3] Is 49,16a.

Nguồn tin: