Suy Niệm Tin Mừng Lễ Giáng Sinh

Mon,23/12/2019
Lượt xem: 2352

 LỄ GIÁNG SINH (LỄ ĐÊM) Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14

Trong đêm mừng Con Chúa giáng sinh, chúng ta suy niệm về tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa chúng ta. Triết gia người Đan Mạch Soren Kierkegaard kể câu chuyện tình như sau: Có một vị vua trong một chuyến vi hành, bỗng dưng đem lòng yêu thương một cô thôn nữ nghèo. Ông nghĩ rằng mình có thể dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ. Nhưng ông lại sợ rằng cô lấy ông chỉ vì nể phục chứ không phải vì yêu. Như thế, hôn nhân của hai người không được trọn vẹn. Nhưng làm sao để cô ấy có thể yêu mình, bởi vì khoảng cách giữa vua và cô thôn nữ là quá lớn, tập tục hoàng gia lại không cho phép vì không “ngôn đăng hộ đối.” Sau một thời gian suy nghĩ, ông quyết định rời bỏ ngai vàng và vương quyền, trở thành một người nông dân nghèo, sống một cuộc sống bình dị, để tìm cách gần gũi và bày tỏ tình yêu với cô. Ông biết rằng, khi làm như thế, ông cũng có thể bị cô từ chối, nhưng ông vẫn làm, vì ông quá yêu cô và muốn xây dựng một cuộc hôn phối thực sự dựa trên tình yêu và tự do đến với nhau. Cuối cùng, ông đã thành công, cô đã nhận lời cầu hôn lấy ông làm chồng. Và họ đã cưới nhau, rồi vua đưa cô ấy về hoàng cung để sống với mình.

Câu chuyện tình rất cảm động trên đây giúp chúng ta hiểu biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người mà chúng ta đang cử hành đêm nay.
Quả thế, biến cố nhập thể là biến cố mà Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người với loài người một cách tuyệt hảo nhất. Thiên Chúa yêu thương loài người và Người bày tỏ tình yêu đó qua nhiều cách thế khác nhau: Cách thức đầu tiên đó là Thiên Chúa tạo dựng nên con người và chia sẻ vinh quang và hạnh phúc của mình với con người qua công trình tạo thành (St 1,1-10tt).

Thứ đến, sau khi con người sa ngã vì nguyên tổ Ađam và Evà đã phạm tội chống lại Thiên Chúa và vâng theo ma quỷ cám dỗ, nhưng Thiên Chúa vẫn không từ bỏ con người. Người tiếp tục yêu thương và chuẩn bị cứu độ họ bằng các giao ước qua các tổ phụ và các ngôn sứ trong Cựu Ước.

Đến thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con Một của Người, xuống thế, nhập thể, làm người và ở giữa chúng ta. Biến cố này được thánh Luca trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta vừa nghe. Khi thánh Giuse đưa Đức Maria từ Nadarét lên thành vua Đavít, miền Giuđêa, để khai hộ khẩu, thì Đức Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai khoa. Khi hai người đang ở Bêlem, Đức Maria sinh Chúa Giêsu tại một chuồng bò, và đặt Hài Nhi nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trọ (x. Lc 2,1-14).

Với biến cố này, lời tiên báo của Isaia trong bài đọc I đã được ứng nghiệm: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng… Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta… Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.


Thánh Gioan khi chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa đã thốt lên rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Giống như vị vua đang ở chốn cung điện cao sang, nhưng vì yêu thương cô thôn nữ, nên ông đã từ bỏ mọi sự, sống một cuộc sống đơn hèn để có thể yêu và cưới cô, cũng thế, Con Thiên Chúa vì yêu loài người và muốn cứu độ loài người, đã từ bỏ địa vị, vinh quang và uy quyền Thiên Chúa, trở nên một người phàm, sống một kiếp sống nghèo hèn, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời: Người sinh ra ở ngoài đồng, sống bên đường và chết trên đồi. Tất cả vì yêu thương và để cứu độ chúng ta. Ôi tình yêu Chúa thật là lớn lao!

Khi suy ngắm về tình yêu Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu đó?

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này… Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta trở thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,11-14).
Mỗi độ Giáng Sinh về là thời gian để chúng ta hoán cải đời sống mình, bằng cách từ bỏ nếp sống cũ, nếp sống tội lỗi và sống một cuộc sống mới theo mẫu gương của Chúa Kitô, Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó vì yêu chúng ta và muốn cứu độ chúng ta.

Vì thế, Giáng Sinh là dịp đặc biệt để chúng ta nhớ đến những người nghèo, những người đau khổ và cô thế cô thân. Chúng ta cùng nhau mang niềm vui Giáng Sinh đến cho họ bằng sự viếng thăm, an ủi và giúp đỡ. Vì họ là hiện thân của Chúa Giêsu.
Giáng Sinh cũng là cơ hội để bày tỏ và chia sẻ niềm vui, tình yêu và tình thương mến với nhau. Đó là cách thức để chia sẻ món quà mà Hài Nhi Giêsu mang đến cho chúng ta đêm nay. Chúng ta hãy nhớ tới những người thân yêu trong gia đình, và hãy chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

Mừng đại lễ Con Chúa làm người, tôi trân trọng cầu chúc tất cả anh chị em một Mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức và tràn đầy phúc lộc của Thiên Chúa. Amen!

 

LỄ GIÁNG SINH (LỄ NGÀY)

Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18

Trong ngày mừng đại lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, chúng ta cùng nhau tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi: “Hài Nhi Giêsu là ai?”

Bài Tin Mừng trong đại lễ Giáng Sinh được trích từ Lời Tựa của Tin Mừng Gioan. So với phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ đêm và lễ rạng đông, chúng ta thấy sự khác biệt rõ rệt từ bài Tin Mừng của ngày lễ này. Trong khi các bài Tin Mừng của các thánh lễ trước tường thuật về biến cố Chúa Giêsu giáng sinh xảy ra như thế nào, thì ở đây, trong Tin Mừng Gioan, chúng ta được tiếp cận một suy tư sâu sắc về ý nghĩa của biến cố giáng sinh này. Vì thế, trong Tin Mừng Gioan, chúng ta không tìm thấy một tường thuật nào về việc Chúa giáng sinh, nhưng Gioan cung cấp cho chúng ta một cái nhìn chiêm niệm sâu sắc về biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa, để từ bản văn này giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi như là trọng tâm của ngày Lễ Giáng Sinh: Chúa Giêsu là ai? Hài Nhi vừa mới sinh là ai? Và tại sao chúng ta phải cử hành sinh nhật Người?

Chúng ta tìm thấy câu trả lời rất rõ ràng ngay tại những dòng đầu tiên của Tin Mừng Gioan: Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, là Ngôi Lời (Logos) hằng hữu. Người hiện hữu với Thiên Chúa trước khi tạo thành thế giới. Người ở với Thiên Chúa và Người chính là Thiên Chúa. Đó là câu trả lời về nguồn gốc tiền hữu của Hài Nhi Giêsu.

Điều này đòi hỏi chúng ta có cặp mắt đức tin để có thể nhìn thấy trong Hài Nhi nhỏ bé này chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời hằng hữu, Người hiện hữu từ trước khi tạo thành thế giới.

Trong bài đọc II, tác giả thư Do Thái quả quyết: Người chính là Lời của Thiên Chúa, Đấng đã hoạt động trong tiến trình sáng tạo. Nhờ Người mọi sự được tạo thành. Chúa Cha đã tạo dựng mọi sự và mọi loài nhờ Ngôi Lời. Ngôi Lời cũng chia sẻ vinh quang, vinh dự và quyền năng với Chúa Cha. Người là ánh sáng cho muôn dân. Người là ánh sáng bởi ánh sáng (x. Hr 1,1-6). Đó là điều chúng ta tin và tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicêa: “Người là ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha.” Nguồn gốc của Chúa Giêsu được nói ở đây bắt nguồn từ Lời Tựa của Tin Mừng Gioan.

Như thế, câu hỏi Chúa Giêsu là ai được thánh Gioan và tác giả thư Do Thái trả lời cho chúng ta hôm nay: Người là Ngôi Lời Thiên Chúa; Người là ánh sáng của Chúa Cha; Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng mà duy trì vạn vật. Nhờ Người, chúng ta hiện hữu, sống và tồn tại. Nếu không có Người, không có gì được tạo dựng; Người chính là Lời sáng tạo của Chúa Cha.

Một phần mầu nhiệm Con Thiên Chúa mà chúng ta đang cử hành là Ngôi Lời hằng hữu này, Đấng mà nhờ Người chúng ta hiện hữu và sống động, Ngôi Lời đó được sai đến, làm người và ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy hình dung: Đấng Tạo Hóa nay đã trở thành một thụ tạo, chia sẻ mọi hoàn cảnh thụ tạo mà Người đã tạo dựng! Thật khó tin quá! Chúng ta hãy dành nhiều thời gian trong ngày này để suy nghĩ về điều đó. Hình ảnh của Đấng Sáng Tạo quyền năng nay trở thành một em bé, nghèo hèn, đơn sơ, nhỏ bé, như chúng ta. Đấng mà nếu không có Người, chúng ta không hiện hữu được, nay lại trở thành một thụ tạo mỏng giòn như chúng ta; Đấng Sáng Tạo ra khỏi tình yêu, tự do để vâng lời Chúa Cha đã xuống thế, cắm lều ở giữa chúng ta. Người thực sự trở thành một người như chúng ta. Người vui với niềm vui chúng ta. Người buồn với nỗi buồn chúng ta. Người cũng chịu đói khát, bị cám dỗ như chúng ta; Người cũng trải qua mọi kinh nghiệm thường nhật của kiếp người, ngoại trừ tội lỗi. Người thực sự “cắm lều” ở giữa chúng ta. Người thực sự đã hội nhập, sống chết với điều kiện con người. Ôi, đây thật là một vinh dự lớn lao! Thật hạnh phúc vì chúng ta cũng thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa thuộc về chúng ta.

Chúng ta hãy hình dung, nếu có một ai đó cao trọng đến viếng thăm gia đình chúng ta, chẳng hạn như Đức Giám mục viếng thăm một gia đình giáo dân nghèo, chúng ta thường nghe họ nói: Lạy Chúa tôi, nhà con không đáng để Đức Cha đến viếng thăm! Chúng con bất xứng để được Đức Cha viếng thăm…” Đây cũng là âm hưởng của lời mà viên đại đội trưởng trong Tin Mừng khi ông gặp Chúa Giêsu và chúng ta tuyên xưng trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con.” Đó là cách thức Thiên Chúa đến với chúng ta, khi Người trở thành một người bé mọn, để chúng ta có thể tới gần Người và yêu mến Người. Người trút bỏ mọi thứ vinh quang, địa vị của Thiên Chúa, để trở thành một người như chúng ta; Người quả thật là Thiên Chúa ở với loài người. Nhờ đó, chúng ta có thể đến gần, đụng chạm Người và yêu mến Người.

Nhưng có một thực tế thật đáng buồn vì con người đã và đang khước từ Con Thiên Chúa. Sự hiện diện của Ngôi Lời Thiên Chúa trong cách thức nhân loại đòi hỏi chúng ta có sự đáp trả, nhưng thay vì đáp trả, nhiều người khước từ Người. Đoạn Tin Mừng hôm nay đã không dấu diếm thực tại đáng buồn này: “Người đến với gia nhân của mình. Nhưng gia nhân Người không tiếp nhận Người” (Ga 1,11). Chúa Giêsu có thể bị từ chối bởi chúng ta. Con người không nhìn thấy nơi Người ánh sáng Thiên Chúa, ánh rạng ngời Chúa Cha, họ không nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa nơi Người. Nên họ không thấy và không đón nhận Người. Sự thật này có thể vẫn còn xảy ra hôm nay, cả trong ngày lễ Giáng Sinh: chúng ta đón nhận điều gì? Chúng ta đón nhận quà tặng, thích nhận phần thưởng và lời mời đi dự tiệc… Chúng ta đón nhận rất nhiều món quà Giáng Sinh, cả những ân sủng và phúc lành nữa, nhưng có thể chúng ta không đón nhận chính Chúa Giêsu, là nhân vật chính của ngày lễ, là ánh sáng của Chúa Cha. Thật là một niềm vui lớn lao khi biết rằng Chúa Giêsu đến với chúng ta vì một mục đích như Tin Mừng Gioan nói: Người đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta để Người cho chúng ta quyền trở nên con Thiên Chúa (x. Ga 1,12). Người đến để chia sẻ với chúng ta quyền làm con của Người. Người đến để dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, vì Người là đường dẫn tới Thiên Chúa. Người đến để thần hóa chúng ta và làm cho chúng ta nên giống Chúa.

Như thế, lễ Giáng Sinh không phải là dịp để chúng ta nhận nhiều quà cáp; cũng không phải là ngày lễ hội để chúng ta vui chơi, ăn uống linh đình v.v… Nhưng là ngày để đón nhận ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Hài Nhi Giêsu. Ngôi Lời làm người để làm cho chúng ta được trở thành con Thiên Chúa. Đây chính là hồng ân lớn nhất mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta. Chúng ta hãy biết hồng ân này khi đến chiêm ngắm và thờ lạy Hài Nhi Giêsu nơi hang đá. Người là Ngôi Lời hằng hữu, là Thiên Chúa, nay làm người để cứu độ chúng ta.

Kính chúc anh chị em một Mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức và tràn đầy ân lộc của Chúa Hài Đồng Giêsu. Amen!

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

Nguồn tin: nguoinguphu