Ngày 22/06/431, tại thành phố Êphêsô (Thổ Nhĩ Kỳ), vào lúc nửa đêm, người ta chứng kiến một cuộc rước đuốc hào hùng với những lời vang dội tung hô: “Vạn vạn tuế, Theotokos! Theotokos!” Theotokos nghĩa là gì vậy, kính thưa cộng đoàn? Theo tiếng Hy lạp, Theotokos có nghĩa là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là ai vậy? Thưa, đó chính là Đức Maria, Đấng đã cưu mang và hạ sinh Hài Nhi Giêsu, Con Thiên Chúa.
Đức Maria chỉ là một thụ tạo, một người mẹ như bao người mẹ khác ở quê làng Nazareth, sao lại có thể là Mẹ Thiên Chúa được? Đây chính là điều mà Nestorio đã trực tiếp phủ nhận khi khi khẳng định: nơi Đức Kitô có hai ngôi vị (Thiên Chúa và con người) kết hợp với hai bản tính (Thiên tính và nhân tính). Theo Nestorio, Đức Maria chỉ là mẹ của con người Giêsu mà thôi, chứ không thể là Mẹ Thiên Chúa được. Vì thế, Công đồng đã được triệu tập do thánh Cyrillô chủ tọa, đại diện Đức Giáo Hoàng Cêlestinô I, kết án lạc thuyết Nestorius, đồng thời xác nhận và công bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa” thật, vì Đức Maria sinh ra Đức Kitô, Đấng kết hợp hai bản tính trong một Ngôi Vị duy nhất (Ngôi Hai Thiên Chúa), là Thiên Chúa thật, thế nên Đức Maria thật là Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu như Sách thánh đề cập, nhưng phải mất nhiều thế kỷ Giáo hội mới làm sáng tỏ được con người, vai trò và sứ mạng của Chúa Giêsu. Song song với sự phát triển này còn có sự hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò làm mẹ của Đức Maria. Không có đề cập nào đến Đức Maria trong công đồng đại kết đầu tiên của Giáo hội. Công đồng Constantinople I phần lớn quan tâm đến Chúa Thánh Thần, và tuyên bố rằng Chúa Con nhập thể “từ Chúa Thánh Thần và Đức Trinh Nữ Maria”. Chỉ có một hạn từ “ek - từ” này trong văn bản tiếng Hy lạp, vì vậy chúng ta được khuyến khích coi Chúa Thánh Thần và Đức Maria là hai nguyên lý của Nhập thể. Maria được mô tả là “Đức Trinh Nữ”. Trong công đồng này, chúng ta có một cách diễn đạt rõ ràng về tình mẫu tử của Đức Maria đối với Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa.
Công đồng tiếp theo, Epheso (431) đối diện với một vấn đề khác. Khi cố gắng nắm bắt ý nghĩa của Kinh thánh và Kinh Tin kính Nicea, hai quan điểm đã xuất hiện: quan điểm khẳng định tính hợp pháp của danh hiệu Theotokos, trong khi quan điểm kia không đồng ý. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề về Thánh mẫu học mà là về Kitô học. Câu hỏi cơ bản có thể được trình bày theo cách này: Liệu mọi điều về Chúa Kitô trong Kinh thánh có thể được khẳng định về một người không? Một thực thể hay hai? Nếu chỉ có một thực thể duy nhất là thần linh và con người, thì Maria có thể được gọi là “Người cưu mang Thiên Chúa” hay “Theotokos”, không phải theo nghĩa Đức Maria là mẹ của thần thánh mà vì là mẹ của một người thực sự là Thiên Chúa. Nestorio phủ nhận sự phù hợp của danh hiệu Theotokos và muốn gọi Maria là “người cưu mang Chúa Kitô” chứ không phải “người cưu mang Thiên Chúa”. Ông đã bị kết án, và tước hiệu Theotokos đã đi vào thần học và phụng vụ Kitô giáo một cách vững chắc.
Chống lại Nhất thể thuyết, Công đồng thứ tư Chalcedon (451) khẳng định: hai bản tính riêng biệt nơi một Ngôi vị Chúa Con, là Thiên Chúa trọn vẹn và con người trọn vẹn. Thiên Chúa thật và con người thật [...], được sinh ra bởi Chúa Cha trước muôn đời trong thiên tính, được sinh ra trong thời gian vì chúng ta và để cứu rỗi của chúng ta từ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Năm 1931, để kỷ niệm tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đức GH Piô XI lập lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, ấn định vào ngày 01/01 hằng năm, để hướng mọi người về Đức Maria khi bước vào năm mới. Và Đức GH Phaolô VI, năm 1968, lại giành ngày 01 tháng giêng này để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Lời Chúa phụng vụ hôm nay dẫn chúng ta tới việc tuyện nhận điều chúng ta cử hành khi:
1. Tới hang đá để chiêm bái một người con đã ban tặng cho ta
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở lại hang đá Bethlem để tìm câu trả lời. Nơi đó, chúng ta được chiêm ngắm hình ảnh Đức Maria, Thánh Giuse và các mục đồng cùng quỳ gối thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Và chúng ta được mạc khải cho biết, “trẻ thơ bọc tã và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,13), chính là Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô - Đức Chúa, Đấng mà sứ thần đã báo tin cho các mục đồng (Lc 2,10).
“Một Trẻ thơ đã ban tặng cho chúng ta” mà Is (9,1-6) trong lễ Đêm Giáng sinh chúng ta nghe đọc đó là lời loan báo về Hài Nhi Giêsu. Con Trẻ đó cũng chính là Con Đấng Tối Cao, Đấng Thánh và là Con Thiên Chúa như lời sứ thần Gabriel đã cho Đức Mẹ biết trong ngày truyền tin (Lc 1,32-35). Người chính là Con Thiên Chúa, Người Con Một duy nhất mà khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa vô cùng nhân hậu và khôn ngoan, đã sai xuống thế làm người, sinh bởi người trinh nữ là Đức Maria, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử (Gl 4-5; LG 52). Hang đá, lời gọi mời chúng ta đến chiêm bái Hài Nhi – Thiên Chúa Cứu độ - Emmanuel.
2. Chân nhận Đấng là Emmanuel con của Thân Mẫu Maria
Trong tông huấn Marilis cultus, Đức Phaolô VI dạy: “Mùa Giáng Sinh là một tưởng niệm kéo dài về vai trò làm mẹ thần linh, trinh nguyên và cứu độ của Mẹ là vị ‘có đức trinh nguyên đã đưa Chúa Cứu Thế vào thế gian’. Thật vậy, vào Lễ Trọng Chúa Kitô Giáng Sinh, Giáo Hội vừa tôn thờ Đấng Cứu Thế vừa tôn kính Người Mẹ vinh hiển của Người. Vào Lễ Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, Giáo Hội hết sức tôn kính suy niệm về đời sống thánh đức trong nhà Nazarét của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và Con Người, Mẹ Maria là Mẹ của Người và Thánh Giuse là người công chính (cf. Mt 1:19). Vào Lễ Hiển Linh, khi Giáo Hội cử hành ơn gọi cứu độ phổ quát, Giáo Hội chiêm ngưỡng Đức Trinh Nữ Maria, Ngai Tòa Khôn Ngoan đích thực và là Mẹ thật của Đức Vua, người mẹ đã tỏ cho những Nhà Hiền Triết Đấng Cứu Chuộc của muôn dân (cf. Mt 2,11) để tôn thờ.
“Việc cử hành này cũng có ý tôn dương phẩm vị chuyên biệt do mầu nhiệm này mang lại cho “Người Mẹ thánh… vị chúng ta cảm thấy xứng đáng lãnh nhận Tác Giả sự sống”. Cũng thế, nó là một cơ hội thích hợp để lập lại việc tôn thờ Vị Hoàng Tử Hòa Bình mới sinh, để một lần nữa lắng nghe tin mừng của các vị thiên thần (cf. Lc 2:14), cũng như để nài xin Thiên Chúa, nhờ vị Nữ Vương Hòa Bình, tặng ân hòa bình cao cả. Chính vì lý do này mà, trong biến cố Tuần Bát Nhật Giáng Sinh và ngày đầu năm xẩy ra trùng với nhau một cách thuận lợi, chúng tôi đã thiết lập Ngày Hòa Bình Thế Giới, một cơ hội đang càng ngày càng được ủng hộ và đã mang lại hoa trái hòa bình trong lòng nhiều người” (MC 5).
3. Nhờ quả phúc lòng Mẹ, chúng ta được ơn làm nghĩa tử
Chính Đức Maria, nhờ sự cưu mang và sinh hạ của mình, đã ban cho chúng ta Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng mà nhờ mầu nhiệm tự huy: Nhập Thể - Tử Nạn và Phục Sinh để tái sinh tất cả chúng ta thành con cái Thiên Chúa, làm cho chúng ta có thể kêu lênt trong Thánh Thần: “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,7). Chúng ta là con Thiên Chúa, thực sự đúng như thế. Thánh Gioan đã rất đỗi vui mừng khi nói với chúng ta: “anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta đến dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa-mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3,1).
Chúng ta không phải là những mảnh vụn của vũ trụ, cũng chẳng phải là sản phẩm tình cờ của một thứ tiến hóa phi nhân. Không! Tất cả chúng ta đều là hình ảnh Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, Thiên Chúa là Cha chúng ta, và Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng chính là Mẹ của chúng ta (LG 61). Đây chính là phẩm vị cao cả nhất của chúng ta. Đây cũng chính là hạnh phúc đích thực và niềm vui lớn lao nhất của mỗi người chúng ta, niềm vui hoàn toàn mới mẻ và vượt trên mọi sự hiểu biết của con người; chính niềm vui này đã khiến dân thành Êphêsô và toàn thể Giáo Hội không ngớt tung hô qua muôn ngàn thế hệ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con...”.
Kính thưa cộng đoàn! Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta thật sự cảm nếm được niềm vui lớn lao khi được làm con Chúa, được thừa hưởng phúc lành và sự bình an của Thiên Chúa trong danh thánh Giêsu Kitô. Là những con trai con gái của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi kiến tạo hòa bình cho anh chị em, cho quê hương đất nước và cho toàn thế giới. Thánh Lêô cả Giáo Hoàng cũng nhắc bảo chúng ta: “Tất cả những ai được Thiên Chúa nhận làm con, hãy cùng nhau tìm đến với Vị Trưởng Tử của tạo thành mới... Những người được Chúa Cha cho thừa hưởng ân huệ làm con không phải là những người bất hòa, chia rẽ, nhưng là những người có cùng một tâm tình, có cùng một tình yêu.” (Bđ 2, Kinh Sách ngày 31/12). Ước mong tất cả chúng ta mau mắn đáp lại lời mời gọi đó, và thực sự trở nên khí cụ bình an trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.
Lm. Hoa Thập Tự