Suy Niệm Lễ Hiển Linh

Tue,31/12/2024
Lượt xem: 420

Thiên Chúa Tỏ Mình Qua Chúa Con

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Hôm nay, chúng ta cử hành Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, hay Lễ Ba Vua. Từ cổ xưa, Giáo Hội gọi lễ này là ‘Lễ Ánh Sáng’ để nói rằng Con Thiên Chúa ra đời là Ánh Sáng cho muôn dân. Ngày nay, phụng vụ gọi lễ này là lễ Chúa Hiển Linh. Từ ‘hiển linh’ được dịch từ tiếng Hy Lạp là Epiphania, có nghĩa là sự tỏ mình ra, sự bày tỏ vinh quang.

Quả thật, việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra với nhân loại. Người bày tỏ tình yêu, ơn cứu độ và vinh quang Thiên Chúa cho muôn dân qua Ba Vua. Bởi thế, Lời Chúa hôm nay nói về việc Hài Nhi Giêsu tỏ mình cho Ba Vua và mời gọi chúng ta cũng lên đường như Ba Vua để thờ lạy Người.

1. Đấng Cứu Độ của muôn dân

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại qua nhiều cách khác nhau. Như thánh Phaolô nói:

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Hr 1,1).

Quả thế, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ mình cho loài người qua công trình sáng tạo và qua các trung gian con người. Thiên Chúa ban Lề Luật cho con người qua Môsê. Thiên Chúa ký kết giao ước với loài người qua tổ phụ Ápraham. Thiên Chúa ban Lời Chúa và giáo huấn của Người qua các tiên tri.

Đến thời Tân Ước, thời kỳ viên mãn, Thiên Chúa mạc khải mình qua Chúa Con, Ngôi Lời nhập thể và được sinh ra bởi Đức Maria. Người là Thiên Chúa thật và là người thật. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện một cách hữu hình và trực tiếp với nhân loại. Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của nhân loại. Đúng như lời ngôn sứ tiên báo:

“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm
đã nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng,
những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4,16).

Bởi thế, ai thấy Chúa Giêsu Kitô là nhìn thấy Chúa Cha. Ai tin vào Chúa Giêsu thì sẽ được ơn cứu độ.

Thời xưa, người Do Thái quan niệm rằng chỉ có dân riêng mới được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng qua biến cố Hiển Linh này, Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Ơn cứu độ Chúa Kitô mang lại là phổ quát, cho hết mọi người không loại trừ một ai.

2. Theo ánh sao chỉ đường

Khi nhận ra “ngôi sao lạ” xuất hiện, Ba Vua từ Phương Đông đã lên đường tìm đến Bêlem để triều bái Người (x. Mt 2,7). Hành trình đức tin của họ chắc chắn gặp nhiều khó khăn và thử thách. Như ngạn ngữ nói:

“Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi,
nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Dù đường đi khó vì ngăn sông cách núi, nhưng Ba Vua đã không ngại núi e sông, không nản chí sờn lòng. Dưới sự hướng dẫn của ngôi sao chỉ đường, họ đã vượt qua tất cả để đến gặp Đấng Cứu Thế.

Khi gặp Chúa Hài Đồng, họ dâng lên Chúa vàng, nhũ hương, mộc dược. Các Giáo Phụ giải thích rằng những tặng phẩm này mang nhiều ý nghĩa:

“Dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận Người là Vua, và dâng mộc dược để loan báo Người sẽ chết” (thánh Phêrô Kim Ngôn).

Tuy nhiên, ngày nay ba tặng phẩm này được giải thích theo nghĩa khác: vàng tượng trưng cho đức tin vào thiên tính của Đấng Thiên Sai; nhũ hương tượng trưng cho đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; mộc dược tượng trưng cho đức mến là sự hy sinh và sự từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa.

Một chi tiết đáng quan tâm được thánh Mátthêu ghi lại: Sau khi đã gặp Đấng Cứu Thế, họ không trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nhưng đã đi lối khác mà về xứ mình (x. Mt 2,12). Chi tiết này mang ý nghĩa biểu tượng. Nghĩa là sau khi họ đã gặp Chúa Giêsu, họ đã thay đổi hướng đi, thay đổi suy nghĩ, từ bỏ con đường cũ, và bước vào con đường mới; họ có tầm nhìn mới, suy nghĩ mới và cuộc sống mới. Những ai gặp Chúa đều có sự biến đổi tận căn như thế.

3. Những ánh sao cho con người hôm nay

Bài học trước hết mà chúng ta học được từ mẫu gương của Ba Vua đó là lòng khát khao, hy sinh và dấn thân trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Nếu không có khát khao và dấn thân tìm Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ gặp Chúa.

Cũng như Ba Vua đã nhìn thấy ngôi sao lạ và họ đã lên đường tìm vị Cứu Tinh, chúng ta có Lời Chúa như là ánh sao dẫn đường chúng ta đi gặp gỡ Thiên Chúa.

Cũng như Ba Vua, chúng ta hãy dâng cho Chúa Hài Đồng những lễ vật: vàng là lòng mến của chúng ta; trầm hương là lời cầu nguyện sốt sắng, lòng biết ơn dâng lên Chúa để tạ ơn Người; và mộc dược chính là sự hy sinh, cố gắng phục vụ của chúng ta cho Người.

Cũng như Ba Vua, sau khi gặp Chúa, họ thay đổi đời sống, chúng ta cũng được mời gọi thay đổi lối sống cũ, mặc lấy con người mới và sống theo giá trị Tin Mừng.

Ngày hôm nay, nhiều người vẫn còn đang sống trong bóng tối lầm lạc, chưa nhận biết và tôn thờ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ. Chúng ta được mời gọi trở thành những “ánh sao dẫn đường” đưa họ đến với Chúa như Lời Chúa dạy:

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14);

“Giữa một thế hệ sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

Lạy Chúa, Chúa đã tỏ mình ra cho Ba Vua nhận biết và đến thờ lạy Chúa qua ánh sao lạ dẫn đường, xin cho chúng con luôn tin nhận và tôn thờ Chúa là Đấng Cứu Độ của muôn dân. Đồng thời, xin biến đổi chúng con thành những ánh sao dẫn đường cho người khác đến gặp và tôn thờ Chúa như Chúa đáng được tôn thờ. Amen

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

               PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê


 

Vầng Hồng Trời Cao Chiếu Soi Nhân Trần

(Is 60,1-6; Tv 71; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

Lễ Hiển Linh diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng sinh – Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Người cho muôn dân và khắp cõi trần hoàn.

“Kìa Sao Mai xuất đầu lộ diện,

Báo tin vui xuất hiện Vầng Hồng,

Đêm tàn đỏ ửng trời đông,

Bình minh soi chiếu cõi lòng nhân gian”

(Thánh thi Kinh sáng thứ 6 tuần III).

Đức Kitô, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Vầng đông từ chốn cao vời chiếu soi nhân tâm và vũ hoàn. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta tới chiêm bái Ánh sáng để được chiếu sáng và toả rạng.

1. Ánh sáng thành hình

Thiên Chúa là Ánh sáng, nơi Người không có chút tối tăm nào” (1Ga 1,5). Người là Ánh sáng tinh tuyền, toả rạng nhân loại và cả vũ hoàn. Ánh sáng của Người chính là sự thánh thiện và tình yêu. Đó là Ánh sáng cứu độ: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa” (Tv 26,1). Thiên Chúa là Ánh sáng siêu phàm chiếu soi mọi người và vượt trên mọi người. Tuy nhiên, Ánh sáng vô thuỷ vô chung, siêu việt, vô hình vô tượng ấy đã thành hình, thành xác thể và ở giữa chúng ta.

Thiên Chúa làm người. Ánh sáng nhập thể thành nhân, nhưng Người ẩn thân trong sự đơn nghèo, khiêm hạ. Người chiếu tỏa ánh sáng thần linh trong công trình tạo dựng, từ trên cao, trong sự thánh thiện chí thánh của Người. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Người muốn chiếu tỏa con người và vũ trụ từ dưới, từ trong thân phận con người. Đó là chân lý mà thánh Gioan minh định trong lời tựa Tin mừng:

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng (Ga 1,1-5)

Bài Tin mừng trường thuật câu chuyện các nhà chiêm tinh dõi theo ánh sao trời, khởi đi từ ánh sao lòng – nỗi khát khao siêu việt, đến chiêm bái, chiêm bái Ánh sáng nhập thể, thành nhân: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông và chúng tôi đến triều bái Người” (c.2). Thánh Gioan sau khi nói khởi nguyên của Ngôi Lời, Ánh sáng là sự sống đến thế gian, đã khẳng định chân lý căn bản: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Người là Ánh áng bởi Ánh sáng, Thiên Chuá thật bởi Thiên Chúa thật, là “khuôn mặt Thiên Chúa hữu hình” (x. Ga 1.14.18). Người vượt trên mợi người, ở trong mọi người và chiếu sáng nhân trần trong thân phận loài người chúng ta.

2. “Ánh sáng muôn dân”

Thiên Chúa là Ánh sáng. Ánh sáng siêu phàm nay thành hình nơi Hài nhi bé nhỏ trong xóm trọ tại làng Bethlehem. Ánh sáng từ trời cao, từ Thiên Nhan toả rạng vũ hoàn, nay chiếu soi mọi người từ dưới, từ huyền nhiêm nhân sinh, để tỏ rạng ý nghĩa của ơn gọi nhân linh và vũ trụ. Isaia trong bài đọc thứ nhất nói tới viễn tượng muôn dân thiên hạ sẽ tuôn đến với Nguồn sáng tỏa rạng nơi Thành đô của Đức Chúa: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3). Cùng ý hướng ấy, Vịnh gia 71 trong bài đáp ca diễn tả thời của Tân Vương rạng ngời ánh sáng công lý và thái bình, thời quy hướng mọi vua chúa, quân vương và muôn dân trên mặt đất đến phủ phục tôn thờ. Đó là ý nghĩa căn bản của Lễ Hiển Linh, Thiên Chúa biểu tỏ vinh quang của Người để muôn dân nhận biết, tôn kính và thờ lạy.

Mầu nhiệm Giáng sinh, mầu nhiệm Ánh sáng với điểm quy chiếu và toả rạng là Đức Giêsu Kitô đơn nghèo. Đó là Ánh sáng ẩn dấu nhưng nung nấu và thắp sáng cõi tâm. Ánh sáng toả rạng cho những ai kiếm tìm ánh tôn nhan rạng ngời Đấng tối cao. Đức Maria, thánh Giuse, các mục đồng, ông Simeon, bà Anna … là những người nhận ra và chiêm ngưỡng Ánh Sáng thành nhân. Được mời gọi tiến về Ánh Sáng, các ngài đã nhận thấy, ngạc nhiên và chiêm bái Đấng là Ánh Sáng, là Sao Mai và tuyên xưng: “Đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, là ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người” (Lc 2,31-33).

Câu chuyện Giáng sinh với các ánh sao đưa nhân loại tập chú vào Hài nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người, Người là Sao Mai đích thực rọi chiếu trong đêm linh thánh và chiếu sáng hừng đông cho nhân loại. Nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, vinh quang của Đức Chúa đã bao trùm Giêrusalem và toàn thể nhân loại, xua tan bóng đêm đang bao phủ địa cầu: “Giêrusalem hỡi, vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên ngươi..”. “Muôn dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi” (Is 10,2), để bái thờ Đấng là Ánh quang đích thực. Thánh Gioan chứng thực chân lý này: “Ngôi Lời là Ánh thật. Ánh sáng đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), và “Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người. Vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người” (Ga 1,14). Chính Đức Giêsu khẳng định về chân tính và sứ mạng của Người: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Ánh sáng đến để chiếu soi, để giãi sáng, để cứu độ, giúp con người bước đi trong tự do của con cái sự sáng.

3. Ánh sáng toả rạng

Ánh sáng đã toả rạng và chiếu soi mọi người còn ngồi trong bóng tối tử thần. Ánh sáng được thắp lên để dẫn lỗi mọi người tiến bước trên chính lộ và toả sáng cho người khác. Đó là ánh sáng đức tin được thắp sáng bằng tình mến và kiên vững trong niềm hy vọng. Là con cái của ánh sáng, chúng ta được mời gọi để cho ánh sáng Thiên Chúa chiếu toả để:

Phân định - Chúa Giêsu nói với Nicodemo: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,19-21). Thánh Gioan tông đồ dạy: “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Người không có chút bóng tối nào. Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật” (1Ga 1,5-6);

Hoán cải - Các hiền sĩ sau khi tìm thấy và chiêm bái Ánh sáng, đã theo lối khác để về lại nhà mình (x. Mt 2,12). Họ đi theo lối của ánh sáng thật soi dẫn, ánh sáng dẫn tới sự sống, không đi theo sự chỉ dẫn của thế gian, của bóng tối đưa tới sự diệt vong. Đó là việc metanoia, sự nhận biết đích thực dẫn tới sự thay đổi hướng đi, cuộc sống và cả hữu thể. Những ai gặp Chúa, gặp được Ánh sáng sẽ bước đi trên con đường của ánh sáng. Thánh Phaolô gọi đó là việc nhận biết kế hoạch ân sủng - biết mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, mầu nhiệm được mạc khải cho những người bé mọn, đơn thành, không chỉ người Do thái mà dân ngoại cũng được thừa kế gia nghiệp lời hứa của Thiên Chúa (x. Ep 3,2-3a.5-6).

Toả rạng - Được chiếu sáng, tìm được lối đi cho hiện hữu nhằm đạt tới cùng đích, phải tiến bước và chiếu tỏa ánh sáng: “Anh em là ánh sáng thế gian… sự sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16). Thánh Phaolô khuyên răn các tín hữu sống phẩm cách con cái của ban ngày, con cái của ánh sáng:

Anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Ai ngủ, thì ngủ ban đêm; ai say sưa, thì say sưa ban đêm. Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ (1Tx 5,5-9).

Cuộc nhân sinh với những biến thiên của nó là những dấu chỉ, những ánh sao soi dẫn chúng ta tới Thiên Chúa. Cách đặc biệt, Hang đá Bethlehem năm xưa, và “những hang đá” của cuộc nhân sinh hôm nay, chỉ cho chúng ta một lối khác với con đường mà tâm thức trần gian hoạch định, đó là con đường hạ mình của Thiên Chúa, trong đó vinh quang của Người được dấu ẩn trong máng cỏ đơn nghèo, nơi thập giá trên đồi Calvario, nơi các anh chị em đau khổ. Quả thực, vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn trên thập giá (x. Ga 8,28), khi mầu nhiệm Nhập thể - tự hủy của Đức Giêsu đạt tới chóp đỉnh.  

Lạy Chúa, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

 

 

 

 

 

Nguồn tin:
Tags :