Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên C - Đức Giêsu "Nhìn", Ông Dakêu "Sống"

Fri,28/10/2022
Lượt xem: 1026

 

ĐỨC GIÊ-SU “NHÌN”, ÔNG DA-KÊU “SỐNG”

(Suy niệm Chúa Nhật 31 TN C, Lc 19, 1-10)

 

Ngày nay, người ta dễ dàng để nhận biết một sản phẩm và nó đạt chất lượng như thế nào dựa vào các nhãn, mác dán bên ngoài và dựa vào các thiết bị kỹ thuật để kiểm tra. Với sản phẩm, hàng hóa, người ta dễ dàng phân biệt được thật giả. Đối với con người thì không phải vậy, như câu thành ngữ nói với ta “tri nhân tri diện bất tri tâm”. Khi phải nhận xét một ai đó, người ta chỉ có thể nhìn theo vẻ bề ngoài, lời nói, việc làm mà đánh giá. Những đánh giá đó chưa hẳn là đúng với sự thật về con người đó. Sách Giê-rê-mi-a cũng đưa ra “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò cho thấu”? (Gr 17,9) hay “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”. Những cái nhìn của con người đối với đồng loại thường mang tính chủ quan và thường gán cho họ một cái mác. Mỗi khi đã gán mác một người nào đó, ta thường ít cho họ cơ hội thay đổi. Trong ta, người đó dầu đã thay đổi thế nào thì vẫn là con người như ta gán mác. Câu chuyện về ông Da-kêu trong Tin Mừng hôm nay cũng vậy.

Những người Do-thái biết ông Da-kêu là một người thu thuế. Đối với họ, ông là quân tội lỗi vì làm nghề thu thuế và nghề này cùng một phường với bọn gái điểm, “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”(Lc 19,7). Với người Do-thái thời bấy giờ, họ ghét những người thu thuế và làm nghề gái điếm. Họ gắn mác cho ông Da-kêu là người ngoại bang vì giúp quân Rô-ma thu thuế trên dân mình. Ông Da-kêu không có cơ hội để thay đổi khi bị chính dân mình loại trừ ra khỏi dân tộc, ra khỏi xã hội Do-thái.  

Tuy nhiên, Tin Mừng không nói gì về công việc thu thuế của ông như thế nào, nhưng diễn biến của câu chuyện cho ta thấy được tâm tư của ông. Ông nghe về Đức Giê-su và ông muốn gặp Ngài. Ông đã tìm cách để được thấy Ngài. Quyết định của ông là vượt lên trên dư luận, vượt lên trước đám đông và trèo lên cây sung. Với địa vị của một người thu thuế, hẳn ông có danh dự, nhưng hành động của ông cho thấy tìm gặp Chúa còn quan trọng hơn. Chúa đã đáp lại tâm tình, ước muốn của ông. Chính Đức Giê-su đã đến và gặp gỡ ông. Chính cái nhìn của Đức Giê-su đối với ông đã làm thay đổi cục diện. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”(Lc 19,5), Đức Giê-su đã nhìn nhận lại giá trị của ông. Đối với người Do-thái, ông là một người tội lỗi. Còn đối với Đức Giê-su, ông là “con cái Áp-ra-ham” (Lc 19,10). Ông cùng một tổ phụ với người Do-thái và là đồng hương của họ. Là con cái của Áp-ra-ham có nghĩa ông là con cái của sự sống. Đức Giê-su không nhìn ông với mác người thu thuế, nhưng tận sâu xa hơn, Ngài nhìn ông là con cái của Thiên Chúa. Ông cũng có một phẩm giá đáng trân trọng như những người khác. Đức Giê-su nhìn tận nguyên căn sâu thẳm trong ông như lời Thánh vịnh miêu tả “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi.  Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự. (Tv 139, 13-16).

Người Do-thái đã nhìn ông với cái mác người thu thuế và ông không có cơ hội để sửa đổi và thực thi bác ái. Ngược lại, với ánh mắt của Đức Giê-su nhìn ông, Ngài đã mở ra cánh cửa sự sống cho ông “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”(Lc 19, 9). Đức Giê-su đã khơi dậy tấm lòng cao quý của ông và tạo cơ hội cho ông thực thi bác ái. Với tinh thần dân tộc, với lòng xót thương đến người nghèo, với sự công bằng ông đã quyết định thực hiện một việc khiến ta phải ngỡ ngàng “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19, 8).

 

Trong cuộc sống hằng ngày, trong tương giao liên vị giữa con người với nhau, chúng ta dễ dàng gắn mác cho nhau và không cho người khác cơ hội sửa đổi. Giây phút hiện tại không phải là giây phút của quá khứ cũng không phải là giây phút của tương lai. Giây phút hiện tại chính là con người hiện tại, nếu chúng ta cứ gán mác của con người quá khứ, chúng ta đang đóng chặt cánh cửa sự sống, cảnh cửa của sự thay đổi đối với người đó. Chúng ta đã khóa chặt cơ hội và không cho người khác sự thay đổi. Như vậy, một cách nào đó, chúng ta không chân nhận những sự cố gắng của người khác khi họ đã thật sự đã cố gắng để trở nên con người hơn. Hãy tập cho bản thân mình cái nhìn của lòng thương xót, cái nhìn của sự sống như Đức Giê-su đã nhìn ông Da-kêu.

 Thiên Phong

Nguồn tin:
Tags :