(Is 50, 5-9a; Tv 114; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35)
Tuyên xưng & tiến bước
Chúa nhật tuần trước, chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu khai mở tai miệng cho một người câm điếc. Việc chữa lành này báo hiệu thời Messia. Và Lời Chúa hôm nay như muốn nối tiếp sứ điệp của tuần trước, đặc biệt trong bài đọc thứ nhất, nói về người Tôi Trung, Đấng đã được Đức Chúa mở tai, luôn sẵn sàng nghe và thực hành ý muốn của Người mà không sợ gian lao khổ lụy. Đó hình ảnh tiên báo về Đức Giêsu Kitô mà bài Tin mừng giới thiệu cho chúng ta. Từ đó, Lời Chúa dẫn chúng ta vào việc: tuyên xưng đức tin vào Người tôi trung và bước theo Người.
1. Tuyên xưng Đức Kitô, căn bản của đức tin
Đức tin Kitô giáo đặt nền tảng trên việc tuyên xưng vào “Đức Giêsu là Đấng Kitô, lời tuyên xưng mà Phêrô, đại diện cho Tông đồ đoàn, cho Giáo hội đã tuyên tín mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng. Lời tuyên xưng này là căn bản của đức tin, là tâm điểm chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Bài giảng đầu tiên trong tư cách Giáo hoàng tại nguyện đường Sixtine, Đức Phanxicô đã nói: “Nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì chẳng có ích gì? Chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ đáng thương, chứ không phải là Giáo hội, không phải là Hiền thê của Chúa. … Khi ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, ta tuyên xưng sự trần tục của ma quỷ”. Bởi vậy, Chúa Giêsu muốn tìm nơi những môn đệ thân tín của mình lời minh xác về Người: “Người ta nói Thầy là ai?” (c.27). Sau khi các ông trả lời “tiếng dân”, Người hỏi “tiếng lòng” của chính các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c.29).
Con người trong thế giới hôm nay tuyên xưng nhiều thứ: thần tài, khoa học, nhất là chủ nghĩa cá nhân… Có những thần tượng mới trổi lên, nhưng không có nền tảng, không đem lại sự giải phóng cho con người. Người ta đạt được nhiều tiến bộ trong thế giới kỹ nghệ, nhưng cũng cho thấy những mảnh vụn trong thế giới toàn cầu. Người ta rơi vào bế tắc và mất chuẩn mực khi không đặt trên nền tảng căn bản, rằng:
“Những tiến bố tích cực trong lãnh vực khoa học, công nghệ, y tế, công nghiệp và phúc lợi, nhất là tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, cùng với những tiến bộ ấn tượng này, thật là to lớn và có giá trị, vẫn tồn tại một sự suy thoái đạo đức ảnh hưởng tới tương tác quốc tế, một tình trạng suy yếu các giá trị tâm linh và trách nhiệm. Điều này góp phần gây ra một cảm giác chán nản, cô độc và thất vọng” (Fratelli tutti, 29).
Bởi vậy, hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay cần tìm lại bản vị của chính mình trên nền tảng được xác lập bởi một Ai khác chứ không phải trên những thành quả hay ý hướng của chính mình. Chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được ý nghĩa đích thực của hiện hữu mình. Chỉ nơi Thiên Chúa, những khám phá và thành quả trong cuộc kiếm tìm của con người mới đạt tới niềm vui đích thực.
2. Bước theo Đức Kitô, người tôi trung đau khổ, thập giá
Tuyên xưng không phải là một lời đáp trả trống rỗng, nhưng là hành động sống, đó là chấp nhận hành trình của đức tin. Quả vậy, chúng ta không tuyên xưng một Giêsu Kitô của chốn hoàng cung, mà là Tôi tớ đau khổ của Giavê như chính Đức Giêsu loan báo cho các tông đồ sau lời tuyên xưng của Phêrô: “Con Người sẽ chịu nhiều đau khổ, bị các kì mục, thượng tế và luật sĩ chối bỏ và giết đi, những sau ba ngày sẽ sống lại” (c31). Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô là tuyên nhận và tiến bước trên con đường cứu độ của Người, con đường tự hủy, con đường thập giá, con đường của hạt giống chấp nhận thối nát để sinh lại hoa trái.
Ai muốn là môn đệ, nghĩa là tuyên xưng đúng cách, phải chân nhận con đường Giêsu: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (c.34). Tuy nhiên không đơn giản tí nào. Tin mừng được tiếp tục với một hoàn cảnh đặc biệt. Cũng chính Phêrô, người đã tuyên xưng với sự khẳng khái, nhưng lại không muốn nói tới thập giá: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến thập giá! Chẳng liên quan gì với nó đâu. Con sẽ theo Thầy trên những nẻo đường khác, mà không có thập giá. Đức Giáo hoàng nói: “Khi chúng ta tiến bước mà không có Thánh giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian”.
Với Thánh giá của Chúa, với con đường của Người tôi tớ, chúng ta tiến bước trong đức tin để xây dựng Hội thánh trên Máu Thánh Chúa được đổ ra trên Thánh giá, và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất là Đức Kitô chịu đóng đinh. Bằng cách này, Giáo hội sẽ tiến lên. Bằng cách này, chúng ta mới tiến bước trên con đường môn đệ của Đấng tự hủy mình ra và thông phần vinh quang phục sinh với Người.
Thế giới văn mình, con người chủ trương sống thụ hưởng. Người ta muốn hạnh phúc, muốn có nhiều bông hạt, nhưng không chấp nhận con đường hy hiến cho tình yêu, không muốn mục nát. Đường thênh thang sẽ dẫn tới ngõ cụt, thất vọng và chết chóc, đường hẹp của Tin mừng sẽ dẫn tới sự sống và niềm vui. Chân lý này chỉ có thể thấu đạt với những ai đặt mình dưới chân Thập giá của Chúa chúng ta, chiêm ngưỡng dung nhan tình yêu tự hủy ra không cho người mình yêu, đã chấp nhận “đưa lưng cho người đánh”, “giơ má cho kẻ giật râu”, “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”.
3. Đức tin hoạt động nhờ đức ái
Làm sao để lời tuyên xưng trở nên hành động sống là điều Chúa đòi hỏi nơi mỗi chúng ta. Đó là giáo huấn là Thánh Giacôbê trong bài đọc thứ hai nhắc nhớ chúng ta: chúng ta tuyên xưng mình có đạo, là người công giáo mà chúng ta không tiến bước theo giáo huấn Tin mừng, đức tin của chúng ta đã chết tận gốc rễ. Đức tin chỉ có thể triển nở nhờ đức ái, nghĩa là hãy biến lời tuyên xưng thành hành động: “Anh có đức tin, con tôi, tôi có việc làm. Anh hãy tỏ cho tôi đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi” (Gc 2,18).
Chúng ta được mời gọi biểu lộ đức tin của mình qua bổn phận, sứ vụ, trong môi trường sống của mình, qua đó người ta nhận ta Chúa và minh chứng chúng ta thực là môn đệ, là con cái của Thiên Chúa.
Bài học cho chúng ta:
Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô phải là nền tảng là trung tâm của toàn bộ đời sống chúng ta;
Tuyên xưng đức tin đòi hỏi bước đi trên con đường của Đức Giêsu Kitô, Đấng tự xưng là đường, là sự thật và là sự sống. Người là con đường đích thực, dẫn tới sự sống. Đó là đường thập giá, đường quả phúc trường sinh, căn nguyên ơn cứu độ của chúng ta;
Đức tin phải được biểu lộ bằng hành động, đức bác ái, mối dây liên kết tuyệt hảo.
Hoa Thập Tự