Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng C - Sẵn Sàng Đón Chúa Đến

Thu,28/11/2024
Lượt xem: 447

 

Sẵn Sàng Đón Chúa Đến

 Gr 33,14-16; 1 Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36

Hôm nay, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới với việc cử hành Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố Con Chúa đến lần thứ nhất, qua đó, giúp chúng ta biết đón Chúa đến mỗi ngày; đồng thời cũng là thời gian hướng lòng chúng ta mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang. Vì thế, trong thánh lễ này, chúng ta hãy suy niệm về những lần Chúa đến và thái độ cần thiết để đón Chúa.

1. Chúa đã đến

Trước hết, dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta biết rằng việc Chúa đến với loài người được loan báo qua tiên tri Giêrêmia trong bài đọc I:

“Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính, để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,14-15).

Đây là lời loan báo của Cựu Ước về Đấng Mêsia sẽ đến trong lần thứ nhất. Lời loan báo này được thực hiện trong thời Tân Ước qua biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh bởi Đức Maria. Trong lần giáng trần này, Thiên Chúa đến với con người theo cách thức là một tôi tớ, trong khiêm tốn và âm thầm. Người được sinh ra và được bọc tã đặt nằm trong máng cỏ đơn hèn. Người sống âm thầm trong gia đình Thánh Gia suốt ba mươi năm tại làng Nadarét. Sau đó, Người công khai đi rao giảng Tin Mừng ba năm, rồi chịu tử nạn trên thập giá, được mai táng, đến ngày thứ ba phục sinh vinh hiển để cứu độ loài người.

Như thế, Chúa đã đến và “ở giữa chúng ta” qua việc nhập thể làm người để cứu độ chúng ta. Đây là lần thứ nhất Chúa đến.

2. Chúa sẽ đến

Tuy nhiên, trước khi về trời, Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết rằng, Người sẽ trở lại trong ngày quang lâm (parousia). Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi lại lời loan báo về sự trở lại của Chúa Kitô như sau:

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,25-28).

Đây là những lời tiên báo về việc Chúa Kitô đến lần thứ hai. Nếu lần thứ nhất Chúa đến trong tư cách là một người tôi tớ khiêm hạ, thì lần thứ hai Chúa đến trong tư cách là “Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta xuất hiện trong vinh quang” (Tt 2,13). Người xuất hiện như vị thẩm phán đầy uy quyền và công minh để xét xử nhân loại trong ngày chung thẩm.

Vì thế, trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng:

“Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng.”

Như vậy, trong ngày cánh chung, Đức Giêsu Kitô sẽ từ trời ngự đến. Người sẽ ngự đến trong vinh quang và uy quyền của Thiên Chúa để xét xử mọi loài. Nhưng sự việc này xảy ra lúc nào và khi nào? Điều này không được Chúa Giêsu mạc khải. Vì đây là bí mật mà Chúa Cha nắm giữ. Kinh Thánh chỉ cho biết Chúa đến bất ngờ, vào giờ mà con người không hay. Nên Lời Chúa hôm nay hướng dẫn chúng ta phải có những thái độ cần thiết để đón Chúa.

3. Thái độ cần thiết để đón Chúa đến

Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta:

“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ” (Lc 21,28).

Đứng thẳng và ngẩng cao đầu là tư thế của người sẵn sàng và tin tưởng. Tư thế này có ý nghĩa biểu tượng để nói rằng chúng ta được mời gọi dù sống trên mặt đất nhưng phải luôn biết hướng về trời cao, dù phải vất vả tìm kiếm lương thực hằng ngày, nhưng phải luôn biết hướng về hạnh phúc vĩnh cửu. “Đứng thẳng” cũng có nghĩa là sống đúng với phẩm giá mình, không quỵ ngã hay luồn cúi trước khó khăn, thử thách và cám dỗ của cuộc sống. Ngẩng cao đầu là tư thế của người lạc quan và tin tưởng. Người ngẩng cao đầu là người biết trông cậy và hy vọng vào Thiên Chúa, bất chấp mọi khó khăn và nguy biến có thể xảy ra trong cuộc sống.

Tiếp đến, thái độ thứ hai để đón Chúa đến là:

“Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34).

Thật thế, ăn uống là một nhu cầu căn bản của cuộc sống. Chúng ta cần phải ăn uống. Nhưng mọi cái thái quá đều không tốt, trong đó có cả việc ăn uống và lo lắng sự đời. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải đề phòng và diệt trừ những thói hư tật xấu, đó là “chè chén say sưa và lo lắng sự đời.” Đây là những điều cản trở chúng ta đến với Chúa. Người Kitô hữu phải là người sống quân bình, chừng mực, làm chủ các đam mê của mình, nhất là tính mê ăn uống.

Cuối cùng, Chúa mời gọi chúng ta:

“Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Một cách tiêu cực, tỉnh thức là không ngủ, là tỉnh táo trước những cơn cám dỗ của ba thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Một cách tích cực, tỉnh thức là nhạy bén với ơn Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Còn cầu nguyện là gắn bó, đối thoại và lắng nghe Đấng hằng yêu thương chúng ta (Têrêxa Avila). Nhờ tỉnh thức, chúng ta biết biện phân những nguy cơ tội lỗi và nắm bắt các cơ hội ân sủng. Nhờ cầu nguyện, chúng ta có sức mạnh và năng lực để vượt thắng mọi nguy hiểm trong đời.

Lạy Chúa, Chúa đã đến lần thứ nhất trong sự khó nghèo và đơn hèn để cứu độ chúng con. Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang và quyền uy để xét xử loài người. Xin cho mỗi người chúng con trong Mùa Vọng này, luôn biết sống tỉnh thức và cầu nguyện, để bất kỳ lúc nào Chúa đến, chúng con cũng sẵn sàng ra đón Chúa. Amen!

 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

               PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

Nguồn tin:
Tags :