Rên siết để thành hình

Sun,14/11/2021
Lượt xem: 1216

 CHÚA NHẬT 33 TN B

(Đn 12,1-3; Tv 15; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32)

 RÊN SIẾT ĐỂ THÀNH HÌNH

Lm. Hoa Thập Tự

Chúng ta đang tiến bước vào những tuần cuối của Năm phụng vụ. Theo đó, chúng ta đang tiến về ý hướng chung cuộc của lịch sử - Ngày của Con Người. Đó là tiến trình của việc đạt tới sự viên thành trong Đức Kitô – Sự Viên Mãn của toàn bộ lịch sử. Đó là hành trình của hạt lúa trong lòng đất, hành trình kenosis của toàn bộ lịch sử để có thể mang lại hoa trái – vinh quang trong ngày cánh chung. Cánh chung không phải là một thời điểm mà người ta có thể “quan sát được”, và cũng không ai “biết về ngày giờ” mà là một hành trình, trong đó, chúng ta kinh nghiệm về cuộc rên siết và niềm hy vọng lớn lao trong tương lai. Xin gợi lên hai điểm để cùng suy niệm qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay

Thọ sinh trong sự quằn quại rên siết để thành hình

Sáng tạo là cứu độ. Đó là việc Thiên Chúa tốt lành muốn cho mọi thọ sinh tham dự vào đời sống của Người. Tuy nhiên, hành trình đi về cùng với Hóa Công trong sự viên mãn cánh chung, toàn bộ tạo thành, nhất là hữu thể nhân linh cần tiến bước trong sự thanh luyện để có thể đạt tới chức phận làm con Thiên Chúa trong kế đồ yêu thương của Người. Hành trình này càng nhiêu khê và lắm thử thách khi con người và toàn thể vũ trụ đã bị tội lỗi và dục vọng làm sai lệch và níu kéo. Toàn thể vũ hoàn tiến về thời chung tận của mình. Đó là tiến trình mà toàn thể thọ sinh bước vào cuộc tiến hóa thanh luyện.

Thị kiến của Daniel trong bài đọc thứ nhất cho thấy thời của Con người, thời “ngặt nghèo chưa từng có”. Chúa Giêsu trong diễn từ cánh chung cũng cho thấy những “gian nan thử thách lớn lao”, “mặt trời ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các vì sao sa xuống từ trời và các quyền lực từ trên trời bị lay chuyển” (c.24-25). Đó là những diễn tả của thời điểm chung thẩm. Tuy nhiên, đó cũng là kinh nghiệm về thực tại trong mọi thời điểm của hành trình hướng tới chung thẩm. Kinh nghiệm này được thánh Phaolô diễn tả trong thư gởi tín hữu Roma: “Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,22-23).

Kinh nghiệm nhân sinh và toàn thể vũ hoàn là kinh nghiệm của hành trình rên siết, hành trình của việc quằn quại để thành hình trong Đức Kitô, nghĩa là đạt tới phẩm vị mà Thiên Chúa đã hoạch định theo ý muốn thần linh của Người. Rằng: “… thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là qui tụ mọi loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10).

Niềm hy vọng hồng phúc nơi Thiên Chúa

Được tạo tác để được đi vào trong vinh hiển của Thiên Chúa. Đó là cùng đích là niềm hy vọng của toàn thể thọ sinh. Niềm hy vọng này lơn hơn mọi thử thách và những cuộc oằn mình để thành hình: “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở… và cả chúng ta cũng rên siết trong lòng”. Dĩ nhiên, trong cuộc rên siêt ấy, có người không thành hình, không đạt tới niềm hy vọng. Họ bỏ cuộc vì khước từ ơn kêu gọi thành hình trong Thiên Chúa.

Niềm hy vọng luôn có đó cho những ai chấp nhận thành hình, đó là những người “thoát nạn” và được “ghi vào sách hằng sống” để hưởng phúc. Thậm chí Daniel còn diễn tả những người vượt qua chuộc oằn mình, rên siết của hành trình thành hình trong Thiên Chúa như những hiền sĩ “chói lọi như bầu trời rực rỡ”. Những người biết kiến tạo sự công chính, làm cho người khác nên công chính “sẽ chiếu sáng như những vì sao”.

Trong ngày của Con người, ngày mà Người qui tập muôn dân nước, qui tập những kẻ tìm kiếm thánh nhan Chúa Trời từ muôn phương để hoan hưởng niềm vinh phúc của những người đạt tới ơn làm nghĩa tử. Đó là những người mà vịnh gia 15 trong bài đáp ca diễn tả: Những người lấy Chúa làm gia nghiệp, là chén phúc lộc của mình. Thế nên, họ luôn tiến bước trong niềm hân hoan “vì thế tâm hồn con mừng rỡ, lòng dạ hân hoan”, “vui sướng tràn trề, hoan lạc không vơi trước Thánh Nhan Chúa”.

Tiến bước trong niềm hy vọng hồng phúc theo mẫu gương của Đức Giêsu Kitô, Thượng tế đời đời. Người đã hiến tế chính mình để đem lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho muôn người. Người đã “trải qua nhiều đau khổ để học biết thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Và khi chính bản thân Người đạt tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).

Phân định để lan tỏa niềm hy vọng

Thánh Phêrô nhắc nhở các tín hữu kiên vững và luôn sẵn sàng để trả lời cho bất cứ ai đặt vấn đề về niềm hy vọng của chúng ta (x.1Pr 3,15). Niềm hy vọng vươn lên giữa những cơn thử thách lớn lao trong sự trung thành với ơn gọi của hữu thể nhân linh. Dĩ nhiên, để có thể phúc đáp cho con người hôm nay niềm hy vọng sống của chúng ta, mỗi kitô phải phân định để nhận ra dấu chỉ của thời đại. Chúa trong bài Tin mừng đã nhắc nhở các môn đệ qua việc nhận biết sự chuyển vần của đất trời, thời vụ qua cảnh sắc cỏ cây. Cũng vậy, chúng ta cần khôn ngoan “điếm tháng ngày mình sống” trong việc đọc các dấu chỉ của thời đại. Những đổi thay, xáo trộn trong trật tự của đất trời “mắt trời, mặt trăng hết chiếu sáng”, các vì sao sa xuống đất…” và cả những chuyển biến trong mặt văn hóa xã hội, thấm chí cả niềm tin tôn giáo là lời mời gọi chúng ta chân nhận chính mình để chuyển đổi, sám hối– metanoia.

Lữ hành trong cuộc rên siết để thành hình trong Đức Kitô, mỗi kitô chúng ta trở nên những vi sao chiếu sáng niềm hy vọng (x. Mt 5,16; Pl 2,15). Đó là lời mà Giáo hội vẫn luôn tín thác và tuyên xưng vào kế đồ yêu thương quan phòng của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa thương rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc”.

 

Nguồn tin:
Tags :