(Is 6,1-2a.3-8; Tv 70; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta về với thực tại ơn gọi: Ơn gọi của Isaia, vị ngôn sứ vĩ đại trong Cựu ước; Ơn gọi của Phêrô và các Tông đồ đầu tiên và ơn gọi của Vị Tông đồ Dân ngoại, người tự xưng mình là đứa con sinh non trong Tông đồ đoàn. Chúng ta nhân ra: Ơn gọi - thực thi ý Chúa, niềm vui sung mãn và chân nhận chính mình.
1. Tìm kiếm và thực thi ý Chúa, niềm vui sung mãn
Ơn gọi không gì khác hơn là tìm kế hoạch của Thiên Chúa đối với mỗi chúng ta. Bài đọc thứ nhất trình thuật ơn gọi của Isaia. Trong thị kiến, vị ngôn sứ đã lắng nghe tiếng Chúa gọi mời và ông đã đáp trả: “Này con đây, xin sai con đi”. Đặc biệt, bài Tin mừng, với việc Chúa Giêsu chọn những môn đệ đầu tiên, trong đó, tác giả tập chú vào Simon Phêrô. Chúng ta thấy tác giả dẫn chúng ta đi theo một trình tự rất hấp dẫn. Tính logic và kinh nghiêm của con người nhường chỗ cho việc thực thi ý Chúa
Trong bối cảnh mà Chúa Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng trên chiếc thuyền của Simon, và sau đó Người mời gọi ông đưa thuyền ra chỗ nước sâu để tha lưới bắt cá. Thật nực cười khi làm theo lời của một người không quen việc chài lưới, trong khi kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của mình cho biết họ sẽ đem lại thành quả nào nếu thả lưới ở thời điểm ấy. Tuy nhiên, gác lại những kinh nghiệm cá nhân và tính hợp lý trong đời thường, Simon và các bạn chài của ông đã làm theo lời của Tôn sư Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, chúng tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Tác giả Tin mừng viết tiếp: “Họ đã làm như vậy, và bắt được nhiều cá” (Lc 5,6).
Hãy nhường đi những tính toán hợp lý của đời thường để ưu tiên cho việc tìm kiếm và thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Có thể trong đời sống ơn gọi của tôi, tôi đã không ít lần toan tính với Chúa. Chúng ta đã so đo, đã vạch đường đi nước bước cho mình hơn là tìm và thi hành ý Chúa. Khi làm như thế, chúng ta không hành động theo sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa mà của người đời, với những mánh lới của thế sự.
Bước theo Đức Kitô là bước theo con đường tự hủy, chấp nhận nhường chỗ cho việc tìm kiếm và thi hành ý Chúa phải là ưu tiên của toàn bộ hiện hữu chúng ta. Bởi lẽ, “Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi. Đó là niềm hoan lạc của lòng con. Con hướng lòng quyết thực thi thánh chỉ, mãi mãi cho đến cùng” (Tv 118,111). Khi chúng ta thực thi ý Chúa, chúng ta thu lượm được hoa trái, chúng ta có niềm vui là “mẻ cá lớn”. Hoa trái của việc thực thi ý Chúa lớn hơn những cái mà kinh nghiệm của loài người có được, vượt trên những toan tính của logic phàm nhân.
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai nói lên niềm vui sứ vụ, niềm vui được trở nên Tông đồ, sứ giả của Tin mừng Chúa Giêsu Kitô, được thực hiện kế hoạch nhiệm mầu của thiên ý, để loan truyền những kì công của Thiên Chúa.
2. Thực thi ý Chúa, chân nhận chính mình
Niềm vui lớn nhất có lẽ không phải là mẻ cá lớn cho bằng việc chân nhận quyền năng Thiên Chúa và nhận biết chính mình, thân phận tội lỗi.
Đứng trước điều kì diệu, mẻ cá lạ, Phêrô nhận ra mình là người tội lỗi: “Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Đó là lời chân nhận về chính bản thân trước quyền năng của Thiên Chúa, trước điều diệu kì mà Đức Giêsu đã làm. Quyền năng Thiên Chúa biến đổi con người, làm xoay chuyển mọi suy nghĩ mang tính hợp lý, theo kinh nghiệm của người phàm. Quyền năng không chỉ nằm ở mẻ cá, nhưng quan trọng hơn là làm cho người ta nhận ra mình là tội nhân, và Đức Giêsu đã biến đổi Simon từ ngư phụ thành kẻ buông lưới người.
Như vậy, nơi trái tim Phêrô, việc hoán cải và sứ mạng được nối kết với nhau hết sức sâu xa. Chúa gọi chúng ta ngay khi chúng ta là những tội nhân. Người chấp nhận thức tế con người chúng ta. Người muốn biến đổi chúng ta thành con người mới, và điều cần thiết là chúng ta phải thú tội chính mình. Phần Người luôn bênh đỡ chúng ta: “Đừng sợ từ nay anh sẽ bắt lưới người như lưới cá” (Lc 5,10). Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, từ giây phút của tình đầu ấy, Simon dường như không bao giờ tách chiều kích này khỏi đời mình: ông luôn nhận mình là tội nhân (pécheur) và ngư phụ (prêcheur).
Còn chúng ta, chúng ta có chân nhận chính mình không một khi được gặp Chúa trong các biến cố của đời mình: ngày xưng tội lần đầu/khởi đầu hành trình môn đệ/cam kết hôn nhân hay đời sống thánh hiến? Phải chăng cuộc sống ơn gọi và sứ mạng của chúng ta chưa có chiều kích sám hối hay là chỉ là sám hối nữa vời! Vậy nên, ơn gọi chúng ta chưa triển nở, chưa có khả năng lưới người. Sám hối phải là chiều kích căn bản của người môn đệ Đức Kitô: “Phần anh, Chúa nói với Phêrô, một khi anh trở lại, hãy làm cho những anh em khác vững tin” (Lc 22,32).
Isaia cũng đã nói lên thực tại con người của mình khi thị kiến vinh quang Thiên Chúa các đạo binh: “Vô Phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn…” (Is 6,6). và Isaia đã được thanh tẩy miệng lưỡi của ông, để trở nên ngôn sứ của Người. Cũng Thể, Phaolô đã xưng thú tội lỗi của mình: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tôn đồ, vì tôi bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa”, những “chính ân sủng của Thiên Chúa” đã làm cho ông trở nên tông đồ của Chúa, “trở nên mọi sự cho người người” vì Tin mừng Đức Kitô.
Lm. Hoa Thập Tự