Nước Mắt Phêrô

Sun,12/04/2020
Lượt xem: 3734

 Trong bảo tàng El Greco ở Toledo- Tây Ban Nha trưng bày một bức tranh vẽ đôi mắt long lanh với những giọt lệ tuôn trào. Đó là bức “Những giọt nước mắt của Thánh Phêrô” của hoạ sỹ tài danh El Greco. Hoạ phẩm này đã lột tả cách chân thực sự hối hận và đau buồn tột cùng của Phêrô sau khi chối Chúa. Với những giọt lệ rơi, ngài đang ngước mắt lên trời và tìm kiếm sự dung thứ.

Lần giở lại những trang Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng, khi Đức Giêsu bị bắt và bị kết án, Phêrô đã công khai chối thầy mình đến ba lần trước mặt Người (x. Lc 22, 54-60), dù trước đó Đức Giêsu đã báo trước cho Phêrô biết về sự phản bội của ông: “Trước khi gà gáy ngươi đã chối Ta ba lần” (Mt 26, 75; Mc 14, 72). Nhận ra sự bội phản của mình, Phêrô đã “ra ngoài và khóc lóc thảm thiết” (Mt 26, 75). Phêrô đã khóc, nước mắt ông tuôn rơi vì đã chối Đức Giêsu. 

Nước mắt là biểu hiện của niềm vui và nỗi buồn. Bởi lẽ, khi vui người ta cũng khóc mà lúc buồn cũng có lệ rơi. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã ví von rằng: “Nước mắt của đau khổ tự nó là một ngôn ngữ. Một thứ ngôn ngữ không có văn phạm. Vì nước mắt là ngôn ngữ không có văn phạm nên ai cũng có thể đọc được.”  Khi chứng kiến sự nhẫn tâm phản bội của Phêrô đối với mình, Đức Giêsu đã “quay lại nhìn ông” (Lc 22, 61). Phêrô đã chẳng nói gì khi Chúa nhìn, nhưng chỉ khóc. Ông không nói gì nhưng nước mắt đã nói lên tất cả. Trong nước mắt của Phêrô, ta đọc được điều gì?

1. Lòng thống hối

Nơi Phêrô, có giọt lệ thống hối. Nước mắt là những lời giải thích về đau khổ. Có thứ đau khổ tuyệt vọng, có kiểu đau khổ ăn năn. Đức Giáo hoàng Bênêđictô nhận định rằng: “Sám hối mà không hy vọng, nhưng chỉ nhìn thấy bóng tối của mình mà thôi, là thứ sám hối phá hoại và không đúng. Sám hối đích thực luôn đi kèm với hy vọng.”  Nơi Phêrô ta thấy có thứ sám hối tràn trề hy vọng. Một Phêrô dường như đã bị gục ngã, nhưng chính con người đó lại vực dậy cách kiên trung và mạnh mẽ. 

Ông đã trở thành nhà truyền giáo ưu tú đúng như lời Chúa đã nói: “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5, 10). Ông được giới thiệu như là gương mẫu của các chủ chăn, một gương mẫu mà quyền hành được đặt nền tảng trên tình yêu của ngài cho Đức Kitô và bổn phận trước tiên là chăn dắt đoàn chiên (x. Ga 21, 15-19). Mặc dù Phêrô có yếu đuối, nhưng trong cái nhìn của Hồng y Roger Etchegaray, Phêrô có “bộ mặt đặc biệt của một môn đệ, một kẻ tin, một chứng nhân, một vị tử đạo.”  Yếu đuối có thể gây thương tích trong lòng ông, nhưng vết thương đó đã được xoa dịu và chữa lành bằng nước mắt ăn năn. Nếu Phêrô không khóc, không xót xa phận mình mà hối cải thì chẳng bao giờ mời gọi hạnh phúc đã đánh mất trở về. Giọt lệ ấy theo cách nói của Linh mục Nguyễn Tầm Thường là “một bình minh rửa tội quá khứ xót xa.”  

Lệ sầu ăn năn nhưng chất chứa hy vọng đó của Phêrô có được là nhờ đâu? Phêrô đã khóc vì ông nhận được cái nhìn đầy dung thứ của Đức Giêsu (x. Lc 22, 61). Khi biết Phêrô chối mình, Đức Giêsu đã chẳng nói gì, chỉ lặng yên và nhìn Phêrô. Trong ánh mắt của Thầy mình, Phêrô đọc được sự cảm thông tha thứ. Một ánh mắt mời gọi ông đứng lên, chứ không phải cái nhìn của sự kết án, ruồng bỏ. Cái nhìn đầy xót thương đã tạo nên dòng lệ thống hối. Đó là sức mạnh giúp Phêrô tỉnh ngộ và hoán cải. Phêrô có trượt chân, có vấp ngã nhưng không bị gục xuống. Vươn lên cách mạnh mẽ sau cú trượt, Phêrô nhặt lại những gì đã đánh rơi. Cái nhìn bao dung của Đức Giêsu đã đánh thức tình yêu trong tâm hồn Phêrô trỗi dậy. Do đó, dòng lệ nơi mắt Phêrô là suối lệ tình yêu tuôn chảy trào tràn.

2. Tình yêu sắt son 

Quả thật, vì Phêrô yêu mến Chúa nên đã khóc lóc ăn năn về sự bội phản của mình. Chắc hẳn Phêrô thương Thầy mình. Sau khi Chúa bị bắt, các môn đệ khác đều đã bỏ chạy. Phêrô cũng thế, nhưng ông không chạy xa. Không biết thầy mình ra sao nên ông đã trở lại, lẻn vào dinh Thượng tế để nghe ngóng tình hình. Rất ít người có đủ can đảm để vào sân thầy cả thượng phẩm như Phêrô. Chính tình yêu khiến ông có đủ can đảm để bước vào đó. Vì ông thương Chúa nên đã quay lại, và kết cục là nhận lấy giọt lệ vương bờ môi. Sự phản bội lại trở nên yêu thương sâu đậm và thể hiện lòng trung thành, gắn bó thiết tha. 

Bởi lẽ, trung thành là cố gắng gìn giữ mối giây liên hệ. Nhưng nếu lỡ làm đứt mà nối lại thì mới chứng tỏ ý nghĩa sâu xa của trung thành. Nếu không gặp thử thách thì sao đánh giá được lòng trung thành và tình yêu mà Phêrô dành cho Chúa. Phêrô có vấp ngã, có lỗi phạm nhưng ông đã cố gắng níu kéo tình yêu trở lại bằng những giọt nước mắt. Như thế, chiều sâu phía bên kia lỗi phạm của Phêrô vẫn có tình thương. Trong yếu đuối, con tim Phêrô vẫn rung những nhịp đập ấm tình thầy trò.

 Chúa đã không bỏ Phêrô vì trong yếu đuối của người môn đệ này có một tâm hồn chất chứa tình yêu. Chúa trao cho Phêrô chữ thương, và ông đã đáp lại bằng chữ yêu. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu. Trước cái chết Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường thoái thác. Nhưng trước yếu đuối ấy Phêrô lại đã khóc. Nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở. Giọt lệ trào trên gò má, thấm ướt bờ môi. Giờ đây Phêrô không phải nếm vị đắng của sự phản bội nhưng cảm nhận được vị ngọt của tình yêu. Người ta có thể đong được bao nhiêu giọt nước mắt rơi từ khoé mắt Phêrô, nhưng chắc chắn không thể nào đếm được lượng tình yêu chất chứa trong những giọt lệ. 

Quả thực, trong trái tim của Phêrô, Chúa có một chỗ rất đặc biệt. Dưới nhãn quan của William Barclay thì: “Ấn tượng của câu chuyện này không phải là sự hèn nhát của Phêrô, nhưng là tình yêu của ông.”  Nhìn những giọt lệ của Phêrô, Chúa Giêsu chẳng còn cách nào khác là yêu thương bằng một tình yêu rộng lớn hơn. Bởi lẽ, “tình yêu nào khi nghe nước mắt sám hối nhớ thương mời gọi mà không trở về thì đấy không còn là tình yêu nữa.”  Những giọt lệ níu kéo tình yêu, và nhờ tình yêu mà giữ bước chân kẻ chung tình ở lại. Người môn đệ giờ đây cảm nếm được vị ngọt của lòng bao dung, lòng vị tha. Trong khoảnh khắc giao thoa của bội phản và dung thứ, có giọt nước mắt kết tụ niềm thương và tình mến. Đức Giêsu đã chẳng nói gì, chỉ lặng yên nhìn Phêrô với ánh mắt cảm thông đầy trìu mến. Từ cái nhìn đó của Đức Giêsu, Phêrô có thêm can đảm.

3. Lòng can đảm và sự trung thực
Trong nước mắt của Phêrô chúng ta thấy được một con người thực sự can đảm. Phêrô bị tranh chấp giữa hai tình cảm, một nỗi lo sợ trong lòng khiến ông muốn bỏ chạy, nhưng tình yêu trong lòng đã giữ ông lại đó. Ông bị nhận diện đến ba lần, mỗi lần một gay cấn hơn. Những cái chỉ trỏ, lời tố cáo cứ tăng cấp độ căng thẳng lên và đẩy Phêrô vào thế chân tường. Sỡ hãi và nao núng, nhưng ông đã không chạy. Thay vì tìm cách thoát thân, ông đã can đảm ở lại. Một mình ông đã theo Chúa cho đến cùng để xem việc gì xảy ra. Ông là người dũng cảm duy nhất. 

Điều đáng nói về Phêrô không phải là sự thất bại, nhưng chính là lòng can đảm đã giữ ông lại gần Chúa Giêsu khi những người khác đã tránh mặt. Theo cách nói của William Barclay thì sự thất bại của Phêrô lại là một điều phi thường, bởi lẽ sự thất bại này chỉ có thể đến cho một người vô cùng dũng cảm.  Quả thật, Phêrô đã thất bại, nhưng ông đã thất bại trong hoàn cảnh mà không có môn đệ nào khác dám đương đầu. Ông đã thất bại không phải vì hèn nhát, nhưng vì lòng dũng cảm. Can đảm để tìm đường về khi đi sai lối. Can đảm đứng thẳng lên sau khi vấp ngã. Can đảm thể hiện tình yêu trong nghịch cảnh. Như thế, trước khi kết án Phêrô, chúng ta phải nhớ rằng rất ít người có được sự can đảm như ông.
 
Lòng can đảm tăng thêm nghị lực để Phêrô dám nhìn thẳng vào mình, dám chấp nhận mình, từ đó cho ta thấy một con người thành thực và thẳng thắn. Quả vậy, không ai đọc đoạn Phúc Âm kể về sự phản bội của Phêrô mà không xúc động bởi sự trung thực vô cùng kinh ngạc của Tân Ước. Nếu có sự kiện nào cần giữ kín thì chính là biến cố này, thế nhưng ở đây lại được tường thuật với tất cả sự nhục nhã. Chúng ta biết rằng Matthêu theo rất sát tường thuật Maccô và trong phúc âm Maccô thì câu chuyện này đã được thuật lại cách chi tiết, sống động hơn (x. Mc 14, 66-72). Phúc âm Maccô chính là tài liệu ghi chép lại những lời giảng dạy của Phêrô. Vì vậy, chúng ta lấy làm ngạc nhiên khi thấy câu chuyện Phêrô chối Chúa ở đây, bởi vì chính Phêrô đã thuật chuyện đó cho những người khác.  Thay vì dìm câu chuyện đó đi, Phêrô đã biến nó thành một phần quan trọng trong sách Phúc Âm. 

Sự trung thực còn thể hiện trong chính cách ông đối diện với sự thật về con người yếu đuối và bất toàn của mình. Ông đã khóc cho sự vấp ngã của mình. Ông không lãng tránh nước mắt. Ông đón nhận những dòng lệ ngấn dài trên gò má. Phêrô đón nhận nước mắt chính là chấp nhận sự thật phũ phàng về thân phận mỏng dòn của kiếp người. Trong nước mắt của Phêrô có cái đắng cay, chua chát hoà lẫn vị ngọt của tin yêu chân thành. Nước mắt Phêrô không bị vẩn đục bởi sự hèn nhát nhưng rất trong và rất sáng vì sự trung thực của ông. Thật đáng cảm phục cho thái độ thành thực của Phêrô. 

Thay lời kết

Khóc là một ân huệ. Bởi lẽ, những trái tim bằng gỗ đá không thể khóc. Những tâm hồn lạnh lùng không thể rung cảm. Con người của Phêrô ngập tràn tình thương và lòng mến. Do đó, nước mắt của Phêrô là những giọt lệ của ân sủng và tình yêu. Nước mắt của Phêrô là sự thống hối ăn năn đúng nghĩa. Sự thống hối xuất phát từ trái tim chất chứa tin yêu. Một sự ăn năn trong hy vọng và can đảm nhìn vào con người của mình. 

Nhìn vào cách Phêrô ăn năn, ngẫm nghĩ về thái độ thống hối của ông, chúng ta được mời gọi học lấy nơi con người này một cách thức sám hối đúng nghĩa. Sống trong thân phận mỏng dòn và đầy yếu đuối, không ai có thể tránh khỏi một lần té ngã trên đường đời. Có vấp váp, có trượt chân là lẽ tất yếu. Điều quan trọng là phải biết đứng dậy, biết sửa đổi, hoán cải với tinh thần mạnh mẽ chất chứa niềm tin và căng tràn hy vọng như Phêrô. Nước mắt sám hối của Phêrô gợi cho mỗi người chúng ta về giá trị của sự ăn năn, hối lỗi. Nước mắt ăn năn có giá trị thực sự khi nó xuất phát từ chính lòng khiêm nhường nhìn nhận về thân phận thực sự của mình. 

Những giọt lệ thống hối đưa tới niềm vui và hạnh phúc khi đặt nó trên nền tảng tình yêu. Không phải sợ hãi nhưng vì yêu nên hối cải. Không phải bị áp chế bởi một ngoại lực nhưng vì lòng mến nên đổi mới. Đó là cách thống hối đúng đắn và hợp với tinh thần Tin Mừng. Chúa đã nhìn Phêrô. Cái nhìn đó đã tăng thêm nghị lực giúp ông đứng lên. Tinh thần hoán cải cần đến sự trợ lực của Chúa. Thống hối đúng cách là biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Ăn năn đúng nghĩa là tựa vào lòng Chúa thay vì cậy sức riêng mình. Khi chúng ta ý thức được chiều sâu của nước mắt ăn năn, biết thống hối đúng cách như thế thì chính lúc đó “nước mắt là hồng ân.”  

Antoine Nguyễn
 

 

Nguồn tin: