Như Các Trinh Nữ Đi Đón Chúa

Fri,06/11/2020
Lượt xem: 2016

 CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN

Kn 6,12-16; 1 Tx 4,13-18; Mt 25,1-13
 
NHƯ CÁC TRINH NỮ ĐI ĐÓN CHÚA
 
Trong những Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về những diễn từ cánh chung được trình bày trong Tin Mừng Mátthêu (chương 24-25). Đây là năm diễn từ cuối cùng về cánh chung. Mỗi Chúa Nhật là một dụ ngôn: Chúa Nhật hôm nay bắt đầu dụ ngôn mười trinh nữ, Chúa Nhật tới là dụ ngôn những nén bạc, Chúa Nhật cuối cùng là phán xét chung.
 
Để chú giải dụ ngôn “mười cô trinh nữ đi đón chàng rể,” chúng ta cần chú ý đến điểm giống nhau và khác nhau của những cô trinh nữ. Hai yếu tố này làm nên sự hấp dẫn và ý nghĩa của dụ ngôn. 
 
1. Những điểm giống nhau giữa các trinh nữ
 
Quả thế, trong dụ ngôn các trinh nữ có những điểm tương đồng đó là: Họ đều đi đón chàng rể, họ đều mang đèn đi (x. Mt 25, 1-5). Điều này cho phép chúng ta suy tư về một khía cạnh chính yếu của đời sống Kitô hữu – đó là chiều kích cánh chung, nghĩa là cuộc sống Kitô hữu là một hành trình đón chờ Chúa và chúng ta hy vọng sẽ gặp Người. Điều này giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi muôn thủa: Chúng ta là ai và chúng ta sẽ đi về đâu? 
 
Kinh Thánh nói rằng chúng ta chỉ là những người lữ hành khi sống trên trần gian này. Thánh Phêrô trong thư I nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em là khách lạ và lữ hành” (x. 1 Pr 2,11), khi “sống cuộc đời lữ hành này” (x. 1 Pr 1,17). Quả thế, trần gian là quán trọ, là chốn lưu đày, là đò qua sông, hay là nơi tạm trú như được diễn tả: 
“Con chim ở trọ cành tre, 
con cá ở trọ trong khe suối nguồn. 
Tôi nay ở trọ trần gian, 
trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (Trịnh Công Sơn). 
 
Đời sống của người Kitô hữu trên trần gian là một cuộc đời lữ hành tiến về nhà Cha trên trời. Chúng ta không có một nơi nào cố định ở trần gian, nhưng là hướng về tương lai vĩnh cửu là Nước Trời (x. Hr 13,14). Vì thế, các Kitô hữu ở “trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian” (x. Ga 17,11.16). Quê hương đích thực và vĩnh cửu của con người là ở trên trời, chúng ta chờ đợi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ sẽ đến (x. Pl 3,20).
 
Theo lịch sử cho biết các Kitô hữu đầu tiên nghĩ rằng Chúa Giêsu sắp trở lại với họ lần thứ hai, nên họ chỉ tập trung vào việc đón chờ Chúa đến. Từ thế kỷ II, cùng với quan niệm rằng: “Tự bản chất, con người là một lữ khách trên trần gian” (thư gửi cho Diogenes), người ta còn quan niệm thế gian là thế giới của tội lỗi, và vì thế, họ không đòi hỏi phải dấn thân xây dựng thế giới này qua các bổn phận trần thế như trong hôn nhân gia đình, trong công việc làm ăn, trong đất nước họ sống. Vì họ cho rằng những điều đó không có gì thuộc về Kitô giáo. Thời đó, người tín hữu quan niệm rằng: “Kết hôn như mọi người chỉ để sinh con cái, chứ chúng không có ích lợi gì cả.” Cách hiểu về “thân phận lữ hành” mang ý nghĩa cánh chung, chứ không theo ý nghĩa hữu thể học. Nghĩa là người Kitô hữu nhận mình là kẻ lữ hành từ ơn gọi, chứ không phải từ bản tính. Dầu họ được tiền định để sống cho một thế giới khác và thế giới đó là nơi họ xuất phát. Ý thức Kitô giáo về kiếp lữ hành dựa trên nền tảng sự phục sinh của Chúa Kitô: 
“Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). 
 
Đó là lý do tại sao người Kitô hữu không bác bỏ sự sáng tạo trong sự thiện hảo nền tảng của nó.
 
Thời gian sau này, việc tái khám phá vai trò và sự dấn thân của người Kitô hữu trong thế giới đã giảm nhẹ ý nghĩa cánh chung, và dường như người ta lại im lặng không nói nhiều về những sự sau: đó là chết, phán xét, hỏa ngục và thiên đàng. Tuy nhiên, sự chờ đợi Chúa trở lại đượm chất Tin Mừng hơn. Theo đó, khi hướng về thiên đàng không cho phép sao nhãng bổn phận dấn thân cho tha nhân, hơn thế, còn thánh hóa bổn phận này. Các Kitô hữu được dạy rằng phải “biết phán xét với sự khôn ngoan những điều tốt lành ở trần gian, khi chúng ta hướng về những điều tốt lành trên trời.” Thánh Phaolô, sau khi nhắc nhở các tín hữu rằng “thời giờ vắn vỏi,” kết luận: 
“Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,10).
 
2. Những điểm khác biệt giữa các trinh nữ
 
Với tiến trình nhận thức trên, giờ đây, chúng ta chuyển sang những điểm khác biệt giữa các cô trinh nữ trong dụ ngôn: Quả thế, năm cô được gọi là khôn ngoan, thì đem đèn và đem dầu theo, khi chàng rể đến muộn, họ tỉnh dậy và sẵn sàng để ra đón chàng rể. Còn năm cô được gọi là khờ dại, vì họ mang đèn mà không mang dầu theo, khi chàng rể đến, họ phải đi mua dầu, khi trở về, thì không thể vào dự tiệc cưới. Dầu là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa họ (x. Mt 25,1-13). 
 
Thánh Augustinô giải thích: những cô khờ dại là biểu tượng con người tự nhiên, chưa được ân sủng biến đổi. Còn những cô khôn ngoan biểu tượng của con người đã được ân sủng biến đổi. Chi tiết dụ ngôn về năm cô khôn ngoan không chia sẻ dầu hay giúp đỡ gì cho những cô khờ dại xem ra họ là người ích kỷ và không muốn giúp người khác. Điều này không cho phép chúng ta hiểu như thế. Ở đây, dụ ngôn chỉ muốn diễn tả rằng vào lúc giờ sau hết, người khác không thể thay thế chúng ta lo phần rỗi mình được, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho chính mình, nếu không sẽ bị loại ra ngoài. Đây là những bổn phận không thể thay thế. Không có cơ hội để thay thế. Nên phải luôn sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ.
 
Hình ảnh đèn là biểu tượng của đức tin, còn dầu là biểu tượng của đức ái. Còn tỉnh thức là đức cậy. Nếu đức tin không có đức ái thì như đèn không có dầu và không thể thắp sáng lên được. Nếu có đức tin, đức ái thôi thì chưa đủ mà còn phải có đức cậy nữa. Cũng như các trinh nữ, để đi đón chàng rể, họ phải có đèn, dầu và lòng khao khát gặp gỡ, cũng thế, để đi đón Chúa và để gặp Chúa, người Kitô hữu phải có đức tin, đức cậy và đức mến. Đức tin giúp chúng ta tin vào Chúa, nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Đức cậy là niềm hy vọng, sự khát khao trông chờ của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đó. Và đức ái giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. 
 
Nếu sống cuộc đời lữ hành này mà không có ba nhân đức đối thần, chúng ta giống như những cô trinh nữ khờ dại, đưa đèn đi đón chàng rể mà không mang dầu. Nhưng nếu có ba nhân đức này, chúng ta giống như những cô khôn ngoan, sẽ được gặp Chúa trong ngày sau hết và sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Chúa trên thiên đàng.
 
Như thế, chờ đợi Chúa trở lại không có nghĩa là chúng ta mong cho được chết sớm, nhưng là tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nghĩa là hướng toàn bộ đời sống của chúng ta vào trong cuộc gặp gỡ Chúa Kitô và biến cuộc gặp gỡ này thành trụ cột của mọi sự chú ý và là biển chỉ đường cho cuộc sống. Khi đó, lúc nào Chúa đến không còn quan trọng nữa, bởi lẽ chúng ta đã luôn sẵn sàng và tỉnh thức để gặp gỡ Chúa rồi. Amen!

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Nguồn tin: