Mùi Vị Tình Người

Wed,05/05/2021
Lượt xem: 1481

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Câu chuyện: Vì bạn quên mình

Chiều 30.4.2021, khi đang tắm tại bãi biển xã Phú Thuận (H.Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) Phê-rô Khoa Nguyễn Văn Nhã (23 tuổi, sinh viên năm 4, lớp K41C, khoa Công nghệ thông tin trường ĐK Khoa học, ĐH Huế) đã phát hiện 3 bạn nữ bị đuối nước, sóng cuốn xa bờ nên bơi ra ứng cứu. Sau khi cứu được 3 bạn nữ, Nhã đã đuối sức và bị sóng dữ cuốn trôi. Đội cứu hộ tại bãi biển Phú Thuận đã huy động lực lượng, tìm kiếm nạn nhân. Sau hơn 30 phút tìm kiếm, thi thể của Nhã được tìm thấy. Chiều nay 2.5, tại quê nhà Quỳnh Yên (H.Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai, Nghệ An), thuộc giáo họ Đồng Lăng, Giáo xứ Cẩm Trường, Giáo phận Vinh, diễn ra thánh lễ An táng cho linh hồn Phê-rô Khoa Nguyễn Văn Nhã. Cái chết của Nguyễn Văn Nhã, được cộng đồng mạng ghi nhận như một hành động anh hùng giữa đời thường, khi đã quên mình bơi ra giữa sóng dữ cứu sống 3 nạn nữ sinh viên cùng nhóm. Sinh viên Bùi Ngọc Ánh là bạn của Nhã cùng quê Nghệ An ( đang học ở Huế), cho biết, “Mình là bạn học cấp 3 chung với Nhã, vào Huế tuy học khác trường nhưng ở chung khu trọ và sinh hoạt chung trong nhóm sinh viên Công Giáo. Nhã là người hiền lành, hòa đồng, luôn mỉm cười lạc quan và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác trong cuộc sống. Những năm học phổ thông, Nhã còn là lớp trưởng nhiều năm liền. “Tháng 7 này bạn ấy tốt nghiệp Đại học và dự định sẽ đi tu” – Ánh chia sẻ thêm. “Nụ cười của em sẽ sống mãi trong lòng mọi người, trên đời này. Người tốt không thiếu nhưng người vừa tốt vừa có lòng dũng cảm như em lại chẳng mấy người, chàng trai tuyệt vời ạ” – trang page Hà Tĩnh 24h, chia sẻ. Sự ra đi đột ngột của người em trai khiến anh Nguyễn Thành Nhu, anh trai Nhã bàng hoàng. Anh Nhu chia sẻ Nhã tính tình hiền lành, chịu khó và siêng năng. “Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là nó ra trường. Cách đây mấy ngày, nó gọi điện cho em hỏi xin một ít tiền để học cho xong, thế mà…”, anh Nhu nghẹn ngào.

Bao nhiêu huân chương và huy hiệu dành cho Nguyễn Văn Nhã (NVN) trong lúc này không thể diễn tả đủ tình yêu và sự hy sinh mà anh đã dành cho nữ sinh qua cái chết đầy cao thượng. Em thật xứng đáng với tư cách là một công dân nước Việt Nam và xứng đáng là một ki-tô hữu mẫu mực khi biết noi gương Chúa Giê-su để chết thay cho người khác. Như vậy, Em đã yêu như Chúa yêu. Có thể nói rằng Em đã hành động và sống như Chúa Giê-su là yêu và dám hy sinh mạng sống vì người khác.

Chúa nhật VI Phục Sinh hôm nay giới thiệu cho chúng ta về tình yêu diệu kỳ của một vị Thiên Chúa ngang qua Chúa Giê-su: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Quả thật, Đức Giê-su đến trần gian là để cứu độ muôn người bởi cái chết trên cây thập tự. Vì yêu mà Ngài đã sẵn sàng chết. Vì yêu mà Ngài đã chấp nhận trao ban mạng sống của mình. Ngài là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Ngài là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Con người và cuộc sống Đức Giê-su biểu lộ rõ Thiên Chúa là tình yêu nơi bài đọc II. Vì là tình yêu nên Thiên Chúa không phân biệt khi trao ban ân sủng của Ngài, nghĩa là “Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc” được diễn tả rõ ràng nơi bài đọc I. Tiếp theo Chúa nhật V Phục sinh, hôm nay chúng ta đọc tiếp đoạn Tin mừng Ga 15, 9-17 để hiểu rõ về sự yêu mến, ở lại và tuân giữ điều răn Chúa truyền. Đây là 3 động từ mà chúng ta có thể cùng nhau khai triển sau đây.

Quả thật, Chúa Giê-su đã nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15,9-10). Chúa Giê-su khẳng định rằng Chúa Cha yêu Ngài thế nào thì Ngài cũng yêu mến mỗi chúng ta như thế. Chúa Cha đã luôn luôn đồng hành, kề cận, hướng dẫn, thôi thúc và khích lệ Chúa Giê-su khi Ngài chấp nhận làm người để giải thoát con người tội lỗi. Những gì Chúa Giê-su làm là bởi Chúa Cha. Chúa Giê-su đã đồng hoá mình với Chúa Cha. (x.Ga 10,30). Vì Chúa Cha yêu mến Chúa Giê-su nên Chúa Giê-su đã xem lương thực của Ngài là thi hành thánh ý của Chúa Cha. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên Chúa Cha không thể mà không yêu thương Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa. Tuy yêu Chúa Giê-su như vậy, nhưng vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16; 1Ga 4,9).

Vì được yêu mến bởi Chúa Cha, nên Chúa Giê-su cũng yêu mến mỗi chúng ta như vậy. Tình yêu đó được cụ thể hoá bởi lời nói và việc làm của Chúa Giê-su trong những năm rao giảng Tin mừng công khai. Ngài đã chạnh lòng thương tới dân chúng lầm than. Ngài đã gần gũi, thân thiện và sẵn sàng chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyện và những hoàn cảnh khổ đau. Ngài không xua đuổi nhưng nối kết những người thu thuế và phường tội lỗi. Ngài đồng bàn với những người được coi là ô uế và ngoại kiều. Ngài sẵn sàng đồng hành và giãi bày Lời Chúa cho các môn sinh của mình. Vì yêu, Đức Giê-su đã chấp nhận mọi khó khăn và gian nan trên trần gian. Ngài đã cam chịu mà không kêu ca hay phản kháng nhưng chấp nhận bị bắt, bị đánh đập và giết chết để cứu chuộc muôn người. Vì Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, cũng như muốn ở lại với con người cho đến tận thế, nên Ngài đã biến Thân mình làm của ăn, Máu mình thành của uống cho loài người.

Không dừng lại ở tình yêu giữa Chúa Cha và Đức Giê-su, nhưng Ngài mời gọi mỗi chúng ta hãy ở lại trong tình thương của Ngài. Ở lại là nối kết. Ở lại là gắn bó thâm sâu. Ở lại là nên một với Ngài. Ở lại để noi gương và nên giống Ngài. Ngài yêu thế nào thì chúng ta yêu như thế. Ngài sống thế nào thì chúng ta được mời gọi sống như thế. Ở lại là tuân giữ các điều răn của Chúa. Điều kiện để biết được chúng ta yêu mến hay ở lại trong Chúa là chúng ta tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài. Đây là lệnh truyền của Chúa Giê-su: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Như vậy, lời mời gọi của Chúa Giê-su xem ra khó thực hiện đối với sức lực yếu đuối của con người. Chúa yêu thương chúng ta xem ra rất nhẹ nhàng và chủ động, nhưng yêu thương anh chị em lại là điều khó khăn đối với chúng ta. Chính vì thế, Chúa Giê-su mới mời gọi và đòi buộc mỗi người rằng là một khi đã đón nhận tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa, chúng ta không thể không yêu thương anh chị em. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm yêu thương và quan tâm anh chị em đồng loại, nhất là những hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói và bệnh tật. Chúng ta không thể ở lại với Chúa mà không ở lại với anh chị em; không thể hiện diện với Chúa mà không hiện diện với tha nhân; không thể được Thiên Chúa yêu thương mà chúng ta không yêu thương anh chị em mình. Thật vậy, tình yêu của Thiên Chúa sẽ được tuôn đổ trên mỗi chúng ta nếu chúng ta biết lan toả và trao ban tình yêu đó cho anh chị em đồng loại. Tình yêu của chúng ta tuỳ thuộc vào tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta không thể yêu mến tha nhân nếu không xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Thật vậy, phải bắt đầu từ Thiên Chúa để chúng ta ra đi và đến với tha nhân. Phải ở lại và yêu mến Thiên Chúa cách liên lỉ và sâu thẳm để chúng ta có sức mạnh và lòng nhân hậu đối với anh chị em chung quanh. Do đó, mọi tình yêu chân thật, quảng đại và hy sinh nơi con người đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Nói cách khác, chúng ta cố gắng nếm lấy ‘mùi vị tình yêu’ từ Thiên Chúa để có ‘mùi vị tình người’ đối với tha nhân ở mọi nơi và mọi lúc. Ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ có ‘mùi vị tình người’, ‘mùi vị tình thương’, ‘mùi vị Giê-su’ nếu chúng ta không dành thời gian ở lại và gắn kết thân tình với Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể. Khi chúng ta tràn đầy ‘mùi vị tình người’ là chúng ta đang thi hành mệnh lệnh của Đức Giê-su Ki-tô: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15,17).

Tuy nhiên, làm sao có ‘mùi vị tình người’ nếu không có ‘mùi vị Giê-su’. Quả thật, để có ‘mùi vị tình người’, mỗi ki-tô hữu được mời gọi phải yêu mến Chúa Giê-su qua việc ở lại liên lỉ với Ngài như cành nho gắn chặt với cây nho. Nhưng sẽ không có tác dụng gì nếu việc ở lại của chúng ta không sinh hoa kết trái. Vậy, việc ở lại với Chúa chỉ thật sự sinh hoa trái khi chúng ta biết tuân giữ hay thực hành các điều răn của Ngài nơi môi trường sống thường ngày. Việc tuân giữ hay thực hành các điều răn của Chúa nơi đời sống là tiêu chuẩn để biết được chúng ta có thật sự yêu mến hay ở lại với Chúa không? Qua hành động của Em Phê-rô Khoa Nguyễn Văn Nhã vào ngày 30/4/2021, là chấp nhận hi sinh mạng sống của mình để cứu 3 bạn nữ thoát khỏi cái chết như là minh chứng thiết thực của người môn đệ Chúa Giê-su. Em đã yêu và thấm nhuần tình yêu Giê-su và đã thực hành theo lời Chúa Giê-su là: Yêu như Thầy đã yêu. Em đã có ‘mùi vị tình người’ nhờ sở hữu ‘mùi vị Giê-su’. Ước mong mỗi ki-tô hữu biết noi gương Em qua việc yêu mến Chúa, ở lại với Chúa và quyết tâm thực hành bằng đời sống yêu thương hằng ngày, nhờ đó, mọi người chung quanh sẽ nhận ra được hình ảnh Giê-su cũng như đạo công giáo cách thiết thực.

Nguồn tin: