(Cv 13,14.43-45; Tv 99; Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay phác họa cho chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa như Mục tử tốt lành. Đó là dung nhan của Thiên Chúa xót thương đối với con dân của Người. Các ngôn sứ loan báo về việc Thiên Chúa sẽ ban cho dân Người “Một Mục tử như lòng mong ước” (Gr 23,5-6; Ed 34,23-24), và Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người chính là vị Mục tử mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại, như chính Người khẳng định: “Ta là “Mục tử nhân lành” (Ga 10,11.14). Bài Tin mừng trình bày cho chúng ta chân tính của Mục tử và đoàn chiên là gì.
1. “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa”
Chúa dẫn dắt dân Người như Mục tử chăn giữ đoàn chiên. Người chăn giữ bằng tình thương xót của tình từ mẫu như Isaia đã diễn tả: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,12-13). Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta Thiên Chúa là Đấng chăn dắt đoàn chiên của Người.
Là Mục tử, Chúa biết chiên của Chúa. Mục tử, trước hết phải là người “biết” chiên của mình. Không phải là biết chung chung, biết về số lượng mà biết từng con một, biết từng hoàn cảnh của mỗi con chiên. Con đau ốm Mục tử lo chăm sóc, con bị thường được băng bó, con bị lạc mất, Mục tử rong ruổi kiếm tìm. Đó không phải là sự hiểu biết trên cơ sở thống kê mà là sự chăm sóc ân cần của tình yêu thương xót. Chính việc Người biết chiên, nên Người giữ cho chiên của Người trong đường đoan chính, khỏi nanh vuốt của ác thần.
“Tôi biết chúng” - Chúa biết rõ mỗi chúng ta, cuộc đời chúng ta ở trong tay Người. Vịnh gia 139 đã diễn tả thực tại này: “Chúa dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa… Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy…” (cc. 1-6.15-16). Vâng Chúa biết rõ mỗi một chúng ta, biết sự khốn cùng của chúng ta, biết chúng ta cần tới Người để hiện hữu, để được an toàn, triển nở và thành toàn.
Là Mục tử, Người trao ban sự sống cho đoàn chiên. Đối với Đức Giêsu, biết chiên nghĩa là yêu mến đoàn chiên, là trao ban sự sống cho họ: “Chính tôi là Mục tử nhân lành, tôi biết các chiên tôi… và tôi hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10.15). Chính “Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một của Người để ai tin vào Người Con ấy thì được sống” (Ga 3,16), và Đức Giêsu trao ban mạng sống cho đoàn chiên để cho họ “được sống và sống dồi dào” (c.10). Thánh vịnh 22 diễn tả sự trao ban của Mục tử nhân lành đối với đoàn chiên:
- Là Mục tử, Chúa dẫn chiên tới “đồng có xanh tươi”, bên “suối nước trong” để họ được bổ sức, được sống, và Người dẫn dắt họ “trên đường ngay nẻo chính.” “Côn trượng Chúa bảo vệ họ được an toàn khỏi những chông gai hiểm nguy.
- Là Mục tử, Chúa dẫn đưa đoàn chiên của Người vào hoan tiệc tình yêu: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc… Đầu con Chúa xức dầu thơm, li rượu con đầy tràn chan chứa”. Đó là hoan tiệc tình yêu. Tiệc Thánh Thể, tiệc của Chiên Con, tiệc của “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt của cả đời”.
2. “Ta là dân tộc, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt”
Thánh vịnh 99 mà chúng ta hát lên trong bài đáp ca diễn tả niềm vui của con dân được bước đi dưới canh tay che chở của Chúa. Song để là dân tộc là đoàn chiên đích thực của Chúa, chúng ta phải làm gì?
“Chiên của Tôi thì NGHE tiếng Tôi” (Ga 10,27). Là con dân, là đoàn chiên của Chúa, chúng ta phải nghe tiếng Người, đó là điều kiện tiên quyết để thuộc về đoàn chiên của Chúa. Chiên phải nghe được tiếng mục tử của mình, mục tử gọi và họ bước theo. Chỉ khi chiên ở trong một mối tương quan bền chặt với mục tử, họ mới nhận ra tiếng mục tử, phân biệt được tiếng mục tử và tiếng của kẻ chăn thuê, của sói rừng; phân biệt được tiếng của đường ngay nẻo chính và tiếng mê hoặc của ác thần.
“… chúng THEO Tôi”. Nghe được tiếng mục tử như là điều kiện tiên quyết để thuộc về đoàn chiên Chúa, nhưng nghe thôi chưa đủ mà còn phải bước theo Mục tử. Nghe và bước theo mới thuộc trọn về đoàn chiên Chúa; nghe và bước theo, đoàn chiên mới tới được đồng cỏ xanh tươi, suối mát trong; nghe và bước theo, đoàn chiên mới được an toàn, mới có thể bước đi trong chính lộ, mới tới được bàn tiệc Chúa dọn sẵn: “Này ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng ta và mở cửa thì ta sẽ vào nhà người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với ta” (Kh 3,20). Minh giải về bài Tin Mừng Ga 10, Thánh Grêgôriô Cả, Giáo hoàng đã viết:
Tôi biết nghĩa là tôi yêu mến chiên của tôi, vì chiên của tôi biết tôi. Chúa Giêsu như muốn nói rõ rằng: Ai yêu mến tôi thì vâng lời tôi, vì ai không yêu mến sự thật, kẻ đó chưa biết gì về sự thật […]. Hãy xem mình có phải là con chiên của Chúa không, có biết Chúa không, có biết ánh sáng chân lý không? Tôi nói “biết” không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. Tôi nói “biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm. Quả thật, chính thánh Gioan tác giả bài Tin mừng đã nói về điều này và làm chứng ở nơi khác: Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối.[1]
Bởi vậy, Chúa Giêsu dạy: “Ai nghe và giữ lời Ta nói đây mà đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Xin cho chúng con là mục tử “mang mùi chiên” và những con biết biết “mùi” của mục tử mình.
Lm. Hoa Thập Tự