Được Khải Thị Nhờ Ánh Sáng - Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay A

Sat,18/03/2023
Lượt xem: 512

   

Được khải thị nhờ Ánh Sáng

(1Sam 16,1.4.6-7.10-13; Sal 22, Ep 5,8-14; Ga 9,1-41)

Cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu ánh dương? Sẽ tàn lụi. Chúng ta kinh nghiệm sự khốn cùng khi mắt bị bệnh hay khi không có ánh sáng vào ban đêm. Kiếm thị, thậm chí mù lòa, làm cho người ta không nhận ra thực tại, hoặc nắm thực tại trong sự hữu hạn chủ quan của mình. Câu chuyện 5 thầy bói xem voi là thế. Người ta nói “giàu hai con mắt” theo nghĩa này. Chính “con mắt” – cửa sổ tầm hồn dẫn con người tới ánh sáng và được chiếu sáng để chân nhận cuộc sống, đó là ngưỡng cửa của sự phong nhiêu, của chân trời hy vọng, thấu đạt thực tại quanh ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tập trung vào việc Chúa Giêsu mở mắt cho người mù bẩm sinh và tuyên chân Người là Ánh sáng thế gian, là Vầng Đông đem lại ánh sáng cho những người ngồi trong bống tối tử thần, là Mục tử đem lại sự sung mãn cho đoàn chiên.

1. Từ khiếm thị thể lý đến mù lòa con tim

Mù lòa, theo cách hiểu của người Do thái, như là hậu quả của tội lỗi. Vậy nên, các môn đệ mới hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, khiến anh này sinh ra đã mù?” Chúa Giêsu phủ nhận quan niệm này và khẳng định: “Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội, nhưng để công việc Thiên Chúa được thể hiện nơi anh ta” (Ga 9,2.3). Các công trình của Thiên Chúa thể hiện quyền năng thiêng liêng của Người - mở mắt cho những người mù cả về thể chất lẫn tâm linh.

Ngôn sứ Giêrêmia đã tuyên sấm: “Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi” (Gr 31,9). Lời sấm ấy được thành toàn nơi Đức Giêsu, Đấng là Ánh sáng bởi Ánh sáng. Bài đọc thứ nhất trình thuật về việc Samuel xức dầu tấn phong David làm vua chăn dắt Isarel. Chính Đức Giêsu – Con vua David, Đấng được xức dầu Thánh Thần để loan báo thời an bình. Thực tại này chúng ta có thể nhận ra nơi các trình thuật của Nhất Lãm, nhất là nơi Luca: Đấng đầy Thần Khí loan báo Tin mừng tại hội đường Nazareth (cf. Lc 4,16-19), được tuyên xưng là Con Vua David và mở mắt cho người mù Giêricô (Lc 18,35-43). Chính Người là Mục tử đến đem lại cho đoàn chiên sự sung mãn bởi tình yêu cho đến cùng: “Tôi là mục tử nhân lành”, “hy sinh tính mạng” “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10-11; cf. Tv 22).

Từ mù lòa thể lý đến khiếm thị tâm hồn, tức là mù tâm linh. Đó là sự khốn cùng của nhân sinh, khi mọi chân trời bị đóng kín với họ. Nếu như khiếm thị thế lý làm cho người khó khăn, bất tiện trong cuộc sống, thì sự mù lòa tâm linh là sự khốn cùng, địa ngục. Người mù thể lý nhưng có tâm hồn sáng, đời của họ triển nở và tỏa sáng – như cái tâm sáng của người mù hành khất bên vệ đường Giêricô, ngược lại kẻ tỏ tưởng bằng con mắt thể lý lại tối tăm cõi lòng, không có khả năng chân nhận thực tại, thì mọi chân trời đều khép kín với họ. Mù lòa tâm linh chính là sự vô minh, thiếu hiểu biết về Thiên Chúa và con người. Nói cách khác, có sự mù lòa đáng sợ hơn sự mù lòa bởi sự hữu hạn của thọ tạo, đó là sự mù lòa do tội lỗi. Tội lỗi là thứ làm cho con người rơi vào vực thẳm bóng tối, trong đó con người không nhìn thấy Thiên Chúa, từ chối tha nhân và khép kín mình. Đây là bi kịch của những người hàng xóm của anh mù, của cha mẹ anh và của những người Pharisêu. Lòng họ tối tăm vì ích kỷ và sợ hãi, vì vậy họ chối bỏ Chúa Giêsu và công việc của Người, thậm chí chối bỏ con của họ.

Nhân loại hôm nay có nhiều phát kiến, ánh sáng khoa học kỹ thuật làm cho con người sáng tỏ nhiều điều về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Tuy nhiên, cũng chính trong thời đại hậu công nghiệp, con người lại mù tịt về siêu việt tính của chính mình. Khoa học mà không có mặc khải, loại bỏ Thiên Chúa và tính siêu việt nơi con người, cuối cùng sẽ rơi vào sự bế tắc, mịt mù của những người luẩn quẩn trong “hang động”.

Có thể chính chúng ta, những người vẫn đi theo và ca ngợi Chúa, nhưng lại khiếm thị về Người. Chúng ta chỉ quan niệm Thiên Chúa theo cái nhìn chủ quan, khiếm khuyết thị nhãn, mù lòa về Người và hướng đích siêu việt. Có thể chúng ta cất bước theo đám đông mà không có sự chân nhận, thấu đạt thực tại mà chúng ta kiếm tìm. Chúng ta nghĩ rằng mình biết, sở đắc mọi thứ nhưng không biết gì cả. Chúng ta bị mù vì tầm nhìn của chúng ta bị hạn chế, bị che phủ bởi sự dựng dưng, bởi tội, bởi những thứ bên ngoài, nhất là trong thế giới chuộng hình thức, ưa quảng cáo, như Samuelle, chúng ta chỉ nhìn thấy “bề ngoài” của con người, nhưng “Chúa nhìn thấy trái tim”. Cũng như những người trong bài Tin mừng, chúng ta chối bỏ chính mình, chối bỏ trách nhiệm, phủ nhận sự thật của chính mình, vì chúng ta từ chối chân lý mà Đấng là Chân lý đã đặt để nơi chúng ta. Mùa chay và cả hành trình của mình, chúng ta đi tìm cái Tuyệt đối, là Ánh sáng. Và chỉ nơi Chúa Kitô, Ánh sáng thật, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của đời người.

2.  Chúa Giêsu, Ánh sáng thế gian

“Ánh sáng” là một trong những biểu tượng nguyên thủy của Kinh thánh. Nó loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà ánh sáng được tạo dựng đầu tiên để chấm dứt bóng tối của sự hỗn mang (cf. St 1,3-5). Đó là chân lý mà các hiền nhân đã tuyên nhận: “Chúa là ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ hãi ai?” (c.1), hay “Lạy Chúa, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được thấy ánh sáng” (Tv 36,10).

Thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là ánh sáng và nơi Người không có một chút bóng tối nào” (1Ga 1,5). Và chính Thiên Chúa, qua công trình sáng tạo, đã kêu gọi chúng ta thông phần vào ánh sáng của Người. Đó là ánh sáng chiếu tỏa từ “lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa Cha, vì Người đã “cho Vầng Đông từ trời cao vời thăm viếng ta, soi sáng những ai ngồi trong bóng tối tử thần” (Lc 1,78-79; cf. Ga 1,5).

Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu, là nguyên ủy của mọi thụ tạo. Mọi vật hữu hình và vô hình, đều do Người mà được hiện hữu, được đưa ra ánh sáng. Rằng “… ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”, và “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,4.9). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12,). Ánh sáng xua tan bóng tối, giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi mà bóng tối gây ra, đưa ra phương hướng và cho phép chúng ta nhận ra mục tiêu và con đường. Không có ánh sáng thì không có sự sống. Đức Giêsu là ánh sáng và đường đi, là sự thật mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm của con người.

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, nguồn sáng thật, cuộc đời chúng ta tỏa sáng. Nhờ ánh sáng của Người, như anh mù trong Tin mừng hôm nay, chúng ta nhận biết Thiên Chúa và biết chính mình, và chúng ta tin nhận Thiên Chúa, Đấng đã làm những việc lớn lao cho chúng ta: “Người là Đấng Tự hữu, là Ánh sáng” (c.9), “là một ngôn sứ” (c.17). Anh mù tuyên xưng niềm tin chân thật trước những kẻ chất vấn anh: “Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại người mở mắt cho tôi. Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến thì ông ấy đã chẳng làm được gì” (Ga 9,30-33). Đây là chân lý, là ánh sáng mà người mù thụ nhận và tuyên xưng, còn những kẻ sáng, tinh thông lại không thể: “Tôi biết một điều: trước đây tôi bị mù nay tôi nhìn thấy được” (c.25).

Chúa Giêsu nói với người Do thái và chúng ta hôm nay: “Tôi đến thế gian này là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại trở nên đui mù” (Ga 9,39). Tôi đã được nhìn thấy hay vẫn còn bị mù lòa?

3.  Bước đi trong ánh sáng của ngày cứu độ

Nhờ đức tin, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, ánh sáng thật, là Đấng “khai mở và kiện toàn đức tin” (Dt 12,2). Chúng ta vững tin tiến bước trong ánh sáng cứu độ. Vì thế :

-           Hãy đến với Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng và chúng ta sẽ tìm được đường đến với Thiên Chúa, vì Người là “đèn soi” nước bước, là “ánh sáng chỉ đường” chúng ta đi (Tv 118,105). Vậy nên, chúng ta hãy làm theo lời Người như anh mù hôm nay: “người tên là Giêsu đã lấy chút bùn xức vào mắt tôi và bảo: ‘Anh hãy đến hồ Sôliác mà rửa!’ Tôi đã đi, đã rửa rửa và tôi thấy được” (Ga 9,7);

-         Chúng ta sống căn tính con cái ánh sáng và sinh hoa trái như thánh Phaolô mời gọi trong bài đọc hai: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5.8-9). Đức Phanxicô trong buổi huấn dụ trước kinh Truyền tin ngày 26.03.2017 dạy: “Phép Rửa đòi hỏi một sự chọn lựa để sống như là con cái của ánh sáng và bước đi trong ánh áng, nghĩa là phải bỏ lại những ánh sáng sai lệch (biến dạng): ánh sáng ghẻ lạnh, phù phiếm của định kiến chống lại người khác, bởi vì định kiến bóp méo sự thật và chất lên chúng ta sự ác cảm chống lại người khác”;

-           Chúng ta trở thành ánh sáng để để chiếu sáng cho người khác như Chúa Giêsu kêu mời: “Chính anh em là ánh sáng cho thế gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giải ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16).

Lạy Chúa,

Như người mù bên vệ đường nhân sinh

Xin mở mắt con để con thấy mặt Người,

Như kẻ lòa bởi nhập nhòe thế gian

Xin giải sáng con bởi ánh sáng Thiên Linh,

Để con được tiến bước trong niềm vui đức tin, niềm vui cứu độ.

 Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :