Cơn Khát Suối Nguồn - Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay A

Sat,11/03/2023
Lượt xem: 654

CƠN KHÁT SUỐI NGUỒN

(Es 17,3-7; Sal 94; Rm 5,1-2.5-8; Gv 4,5-42)

Mùa chay, mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng nhằm thanh luyện tâm hồn nhờ việc lắng nghe tiếng Chúa gọi mời và được tưới gội nguồn nước trường sinh là chính Chúa. Hành trình dân Chúa trong sa mạc với cơn khát dày vò, cơm khát nước tự nhiên, nhưng căn bản và sâu thẳm là cơn khát tâm linh, khao khát Chúa – “Linh hồn con khao khát Chúa, ngày từ rạng đông, đã khắc khoải tìm kiếm người”. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay đưa chúng về với thực trạng ấy của dân lữ hành trong sa mạc xưa và của chúng ta hôm nay.

1. Sa mạc và cơn khát của trái tim con người

Bài đọc thứ nhất cho thấy hành trình trong sa mạc là thời gian mà Thiên Chúa dẫn đưa dân Người tiến bước, giáo dục và hướng dẫn họ tới Miền đất hứa. Đó là hành trình được đánh dấu bởi tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn trung tín trong việc bước đi với dân và cũng cho thấy những sự thất tín của dân ưu tuyển. Họ đã sớm quên những việc vĩ đại mà Chúa đã làm cho họ, giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai cập.

Đối diện với những khó khăn và thử thách trong hành trình sa mạc, dân đánh mất sự tín thác vào Thiên Chúa của họ. Họ kêu trách Chúa và Mose: “Dân khát nước đã kêu trách Mose rằng: ‘Ông đưa chúng tôi ra Ai cập để làm gì? Có phải để cho chúng tôi và con cái chúng tôi bị chết khát hay không?” (c.3).

Bài Tin mừng giới thiệu cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari, một người dân ngoại tội lỗi thuộc thành phố Samari, một thành phố đang sống trong sự ly giáo với Giêrusalem – Thánh đô Thiên Chúa, sau biến cố lưu đày ở Babylon, nơi dân Chúa bị phân tán vì bất trung với Chúa.

Người phụ nữ Samari này là biểu tượng của sự phân tán, ly khai: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari cho ông nước uống sao?” (Ga 4,9) Quả thực, người Do thái không có tương quan giao thiệp gì với người Samari (cf. Ga 4,9-10). Trong cuộc đối thoại, người phụ nữ này trả lời Chúa Giêsu: “Tôi không có chồng”; thực ra bà đã có năm đời chồng và người hiện nay đang sống với bà không phải là chồng bà. (cf. Ga 4,17-18). Bà xin Chúa Giêsu thứ nước uống không còn phải khát, bà muốn được giải khát cõi lòng. Bà bởi một Ai đó!

Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn minh chứng lòng thành tín của Người, vì Người là Thiên Chúa duy nhất chân thật”. Người không giữ mãi cơn thịnh nộ nhưng vui lòng biểu lộ tình yêu của Người. Người sẽ lại thương xót dân Người. Vịnh gia 94 trong bài đáp ca tuyên xưng chân lý này: Hãy đến reo hò mừng Chúa, Đấng là Núi đá, là Đấng tạo thành, Người là Thiên Chúa đáng tôn thờ. Chúng ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Thiên Chúa thấy cơn khát nơi con người – niềm khao khát mà Người đã đặt để trong trái tim họ để họ tìm về với chính Đấng là Nguồn Cội, Đấng lấp đầy trái tim và giải cơn khát siêu việt của họ không phải bởi dòng nước Mêriba mà bằng chính tình yêu của Người. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa đã tỏ lộ trọn vẹn tình yêu của Người cho nhân loại.

2.  Suối nguồn tình yêu và Đền thờ Thiên Chúa

Trong sa mạc,  Thiên Chúa đã làm phát sinh nguồn nước vọt lên từ hốc đá để làm thỏa cơn khát của dân lữ hành. Chính Thiên Chúa, Đấng luôn lấp đầy cơn khát của con người bằng tình yêu thương xót của Người.

Và trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với người phụ nữ Samari và cũng là với chúng ta: Người là Nguồn nước sự sống làm thỏa mãn cơn khát cho Israel, cho dân ngoại, cho tất cả nhân loại chúng ta, đồng thời, Người cũng mặc khải chính Người là đền thờ đích thực.

- Người là mạch nước hằng sống: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi sẽ cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13). Vì thế ai đến với Chúa Giêsu sẽ không bao giờ khát. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn cơn khát của người phụ nữ Samari và của cả chúng ta. Sáu trong số những người đàn ông ở với người phụ nữ không phải là chồng của bà, nhưng chỉ có Chúa Giêsu, người đàn ông thứ bảy, là chồng đích thực của bà ấy.

- Người là Đền thờ đích thực, Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Sammari, Chúa Giêsu một lần nữa cho thấy đền thờ đích thực chính là Người khi khẳng định: “Đã đến giờ các ngươi thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem […] Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này – giờ những người thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21.23).

Với mầu nhiệm nhập thể, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, nhờ phép rửa, chúng ta được dẫn vào trong suối nguồn nước sự sống đích thực. Đó là suối nguồn vọt ra từ cạnh sườn được mở toang của Chúa Giêsu trên thập giá: “Ngay lập tức, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,43). Chúa Giêsu hoàn tất thị kiến của Ezechiel về dòng suối chảy từ đền thờ làm cho đất đai phì nhiều và cây cối xum xuê, đầy sức sống (cf. Ed 47, 1-2.8-9.12).

Nguồn suối này cũng là hình ảnh, biêu tượng của Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống, được đổ đầy trong tâm hồn các tín hữu như thánh Phaolo khẳng định: “Vì Thiên Chúa đã đổ đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chính đức tin dẫn chúng ta tới suối nguồn tình yêu của Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như lời Kinh thánh đã nói: từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống (Ga 7,37-37). Vậy nên, đến với Đức Giêsu, tin vào Người, chúng ta không chỉ được thỏa mãn cơn khát của mình mà chúng ta còn có khả năng trở thành máng dẫn người khác tới với mạch suối sự sống.

3. Lời mời gọi hoán cái và niềm vui ơn cứu độ

Chúng ta được kêu gọi tới niềm vui ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên để cảm nếm niềm vui ơn cứu độ, chúng ta cần:

Nhận biết những kì công mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Chúa Giêsu nói với phụ nữ Samari: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: ‘cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị ước hằng sống” (Ga 4,10).

Gặp gỡ Chúa Giêsu và thưa chuyện với Người. Đúng ra, Đức Giêsu chủ động đến gần chúng ta, thưa chuyện với chúng ta như Người đã làm với người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp. Người xin chúng ta cho Người điều gì đó gì đó mà chúng ta đang kiếm, đang tìm, như xin nước uống với người phụ nữ Samari, để được Người dẫn vào thực tại mà chúng ta kiếm tìm và sự thật quan trọng nhất là nhận ra chính mình. Quả thực, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của người phụ nữ này và niềm vui của bà thật lớn lao: niềm vui được gặp Đấng Thiên Sai và được biết chính mình. Ngay lập tức ba chạy về thành và thông báo niềm vui này. “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta. Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? Họ ra khỏi thành và đến gặp Người” (Ga 4,29-30).

Niềm vui là kết quả của sự hoán cải, của sự trở về với Thiên Chú:  “Đây là thời thuận tiện, đây là ngày cứu độ”; và một vì vậy: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Đây là những lời mà tác giả Thánh Vịnh 94 lặp đi lặp lại với chúng ta: “Hôm nay hãy lắng nghe tiếng Chúa, đừng cứng lòng”. Hoán cải là con đường dẫn chúng ta đến niềm vui ơn cứu độ trong Thiên Chúa và chúng ta có thể hát lên những lời của ngôn sứ Isaia: “Các ngươi sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Is 12,3).

 Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :