Cơn Đói Và Sự Khỏa Lấp

Fri,23/07/2021
Lượt xem: 1623

CƠN ĐÓI VÀ SỰ KHỎA LẤP

(Gợi ý giảng lễ Chúa nhật 17 thường niên B)

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

1.   Đói.

Theo từ điển Tiếng Việt, đói là có cảm giác cồn cào, khó chịu khi đang thấy cần ăn mà chưa được ăn hoặc chưa được ăn đủ. Đói là lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Đói cũng có nghĩa là thiếu nhiều, do một đòi hỏi tự nhiên và đang rất cần. Tuy nhiên, tình trạng đói không chỉ dừng lại ở đói ăn, đói uống, đói vật chất, nhưng tồn tại cái đói trầm trọng và đáng quan ngại là đói tinh thần, đói sự thật, đói tình yêu, đói tình người, đói sự chung thủy trong đời sống vợ chồng, đói tình liên đới, đói sự hiệp nhất, đói sự tha thứ, đói sự dấn thân, đói sự quảng đại, đói sự bao dung, đói nụ cười, đói sự cảm thông, đói sự chia sẻ nhưng chất chứa sự chia rẽ, đói sự vị tha,… Trước những cơn đói dữ dằn này, con người dường như rất khó khăn để giải quyết, nhưng chỉ thực sự được khoả lấp nơi Đức Giê-su Ki-tô mà thôi.

2.   Khoả lấp từ Chúa Giê-su.

Đứng trước cái đói của con người, chính Thiên Chúa đã thi thố quyền năng của Ngài ngang qua các ngôn sứ cũng như các trung gian để con người được khoá lấp cơn đói. Một Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo trời đất với biển khơi, Một Thiên Chúa đã giải thoát dân Is-ra-en thoát khỏi Ai cập, chẳng lẽ nào lại không làm cho dân đói được no nê hay sao?.

Quả thật, nơi bài đọc I, đứng trước cái đói của dân, ngôn sứ Ê-li-sa đã bảo tiểu đồng phát cho họ ăn mặc dù chỉ vỏn vẹn có hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Nhưng tin tưởng vào uy quyền của Đức Chúa, ngôn sứ Ê-li-sa đã mạnh dạn phân phát cho dân: họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán. (x.2 V 4, 42-44). Nơi bài Tin Mừng (Ga 6, 1-15) mà Thánh Gioan trình thuật, trước cái đói của dân chúng đông đúc, Đức Giê-su đã hoá bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá để cho hơn năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ em đã ăn no nê mà còn dư mười hai thúng. Một phép lạ biểu lộ quyền năng của Đức Giê-su trước dân người. Một sự khoả lấp đầy lòng nhân ái và tình thương của vị Thiên Chúa hữu hình đối với con người ngang qua Đức Giê-su Ki-tô. Một hình ảnh báo trước về bí tích Thánh Thể mà sau này Đức Giê-su sẽ tặng ban cho con người chính Máu và Thịt của Ngài. Thật vậy, tuy chỉ có một tấm bánh, là Mình Thánh Chúa, nhưng muôn người ở khắp mọi nơi trong mọi thời đã luôn được đón nhận và không bao giờ chấm dứt. Sự dư tràn hồng ân dịu ngọt từ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô sẽ khoả lấp mọi khát vọng cho con người, nhất là khát vọng sự sống đời đời.

Quả thật, khi đói về thể xác, con người tìm đến của ăn để thoả mãn cơn đói. Khi đói về tinh thần, đói về linh hồn, đói về tâm linh, con người chúng ta chỉ thực được khoả lấp và no thoả khi chúng ta biết tìm gặp Đức Giê-si Ki-tô, là hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu ở cùng chúng ta. Có thể nói ngay rằng có nhiều sự khoả lấp để con người tìm cách giải quyết cho những khúc mắc cuộc đời, nhưng sự khỏa lấp đích thực và đỉnh cao là ở nơi Chúa, nơi Đức Giêsu. Nơi Ngài, con người được sống và sống dồi dào. Nơi Ngài, chúng ta sẽ được no thỏa. Nơi Ngài, muôn người sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Nơi Ngài, con người sẽ được dẫn đến đồng cỏ xanh tươi và tắm ở dòng suối mát. Nơi Ngài, con người được vỗ về và chăm sóc cẩn thận và kỹ càng. Nơi Ngài, con người được kín múc nguồn sức mạnh từ Lời và từ Mình Máu Thánh Ngài. Nơi Ngài, con người không còn lo sợ và cô đơn. Nơi Ngài, con người sẽ được chan chứa niềm vui và sự bình an. Nơi Ngài, con người sẽ đón gặp sự gần gũi, thân thiện và thương yêu. Nơi Ngài, con người cảm nhận được lòng thương xót vô bờ vô bến của Một Vị Thiên Chúa Tình Yêu. Nơi Ngài, con người sẽ được sống đời đời. Tuy nhiên, được đón nhận ân lộc từ Chúa, được khoả lấp cơn đói – cơn khát từ Chúa, mỗi chúng ta cũng được mời gọi biết trao ban và khoả lấp cho anh chị em chung quanh.

3.   Khoả lấp cho tha nhân, bổn phận của ki-tô hữu:

Thật vậy, chúng ta đang sống chung với mọi người trong hành trình dương thế, chúng ta được nhắc nhở thế này: chúng ta đã đón nhận nhưng không thì cũng phải cho nhưng không (x.Mt 10,8); “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7); “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35); “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3,17-18); cũng như câu ca dao “Anh em như thể tay chân - Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.” hoặc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Trong bối cảnh cả và nhân loại, nhất là tại các tỉnh miền nam Việt Nam hiện nay đang phải quằn quại và mệt mỏi vì đại dịch Covid. Họ không những đói về mặt nhu yếu phẩm, nhưng cái quan trọng là tinh thần hoang mang, lo sợ và mất bình an vì sự ‘thăm viếng’ của ‘nàng Cô-vy’. Lúc này đây, hơn bao giờ hết, họ đang cần tình liên đới, sự nối kết và lòng cảm thông của mọi người. Lúc này đây, trong cơn đại dịch, chúng ta mới biết rằng tình người cần biết bao. Lúc này đây, tiền bạc và của cải giàu sang không phải là thứ quyết định cho những ai bị nhiễm bệnh Covid Vũ Hán. Lúc này đây, bệnh viện dã chiến cũng hết chỗ bởi số người nhiễm bệnh quá lớn. Cho nên, họ không những đau buồn vì bị nhiễm bệnh, nhưng còn đau buồn hơn là không được đi tới bệnh viện để được cách ly và được chữa trị. Lúc này đây, nhiều gia đình đã phải ‘phân ly cách biệt’ những người thân. Do đó, tất cả những ai đang phải đối diện với những gian nan và khổ đau này đều đang sống trong tình trạng ‘đói’. Họ cần sự tương trợ, họ cần sự giúp đỡ và tình liên đới của mỗi chúng ta. Trước nguy cơ này, Thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta nơi bài đọc II: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.”(Ep 4, 2-3). Lúc này đây, sống sự nối kết và tình tương thân tương ái là lời mời gọi hết sức khẩn thiết đối với mỗi chúng ta. Là anh em với nhau trong mái nhà chung là nhân loại, chúng ta hãy sống yêu thương hơn là ích kỷ, sống bao dung hơn là loại trừ, sống quan tâm chăm sóc anh chị em hơn là vô tâm và dửng dưng. Là con cái của Chúa, chúng ta không thể không sống chiều kích yêu thương như Chúa. Chính khi thực thi bác ái yêu thương bằng hành động là chúng ta đang trở nên ‘khí cụ khoả lấp’ những ‘cơn đói, cơn khát’ của con người thời đại, nhất là những con người khổ đau, bệnh hoạn tật nguyền và nghèo đói.

Tóm lại, con người ngày nay đang phải đối diện với những cơn đói trong cuộc sống: đói cơm áo gạo tiền, đói tình thương và lòng bao dung. Cơn đói lớn nhất là cơn đói về mặt tinh thần hay về mặt linh hồn. Cơn đói này chỉ thực sự được khoả lấp khi con người biết tìm kiếm và tựa nương vào Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô. Chỉ nơi Lời Ngài và Mình Máu Thánh của Ngài, con người mới thực sự được no thoả viên mãn. Chỉ nơi Danh Ngài, con người mói thực sự được cứu độ và giải thoát. Tuy nhiên, mỗi chúng ta, là những ki-tô hữu, cũng đóng một vai trò hết sức cần thiết trong việc khoả lấp những khát vọng và những cơn đói của anh chị em đồng loại. Là những Chúa Giê-su khác, những người đang sống cùng, sống với anh chị em, chúng ta được đòi hỏi phải thực hành giới răn yêu thương liên lỉ để cùng dẫn dắt anh chị, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật và những người bất hạnh tìm đến sự bình an, niềm vui và hạnh phúc trong Chúa Ki-tô. 

Nguồn tin: