Chúa Là Cây Nho, Con Là Cành Nho

Fri,30/04/2021
Lượt xem: 2790

 CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
 
CHÚA LÀ CÂY NHO, CON LÀ CÀNH NHO

Trích trong Muối Cho Đời - Suy niệm Lời Chúa năm B
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
 
Nếu Chúa Nhật IV vừa rồi, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người mục tử và đoàn chiên để nói lên sự chăm sóc, quan phòng của Chúa đối với chúng ta, thì Chúa Nhật V này, Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh cây nho và cành nho để diễn tả sự kết hợp khăng khít giữa chúng ta với Chúa như là điều kiện thiết yếu để sinh nhiều hoa trái. 
 
Vốn là người Á Châu, Chúa Giêsu thích dùng những hình ảnh cụ thể, những câu chuyện gần gũi để trình bày những chân lý cao sâu và bí nhiệm cho những ai nghe Người giảng. Nhờ đó, chúng ta nắm bắt được sứ điệp mà Người muốn nói. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến mối tương quan này bằng những hình ảnh: 
“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,1-2). 
Ở đây, Chúa Giêsu dùng ba động từ: “Ở lại trong Thầy; cắt tỉa và sinh hoa trái.” Đây là ba động từ rất quan trọng đối với Kinh Thánh. Chúng ta lần lượt khám phá ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay qua những thành ngữ này.
 
1. Ở lại trong Thầy
 
Trên bình diện tự nhiên, chúng ta hãy quan sát một cây nho có rễ và thân nho, cành, lá và hoa trái. Rễ nho hút chất dinh dưỡng từ lòng đất và tạo nên nhựa sống cho toàn cây nho. Sức sống đó đi qua thân nho, rồi chuyển tới cành nho, lá nho và trái nho. Vì thế, cành nho phải gắn liền với thân nho để có nhựa sống và nhờ đó mới sinh hoa trái. 
 
Sự kết hợp này mật thiết hơn cả sự kết hợp giữa người mẹ cưu mang người con trong dạ mình. Người mẹ và đứa con cùng chung một dòng máu; hơi thở và dinh dưỡng của người mẹ chuyển qua người con. Nhưng người con không chết khi nó tách ra khỏi dạ mẹ; đúng hơn phải nói rằng để sống và lớn lên, đến lúc đứa bé phải rời bỏ dạ mẹ; nó sẽ chết nếu nó ở trong bụng mẹ quá thời gian thông thường. Đối với cây nho, ngược lại, nếu cành nho tách lìa khỏi cây nho, thì nó sẽ chết, nếu nó gắn liền và liên kết với thân nho thì nó sẽ sống.
 
Trên bình diện thiêng liêng cũng vậy, chúng ta phải kết hợp với Chúa Kitô để có nhựa sống chính là sự sống thần linh được ban cho chúng ta trong bí tích Rửa Tội, là Chúa Thánh Thần và nguồn ân sủng. “Ở lại trong” là động từ được lặp đi lặp lại 9 lần trong bài Tin Mừng này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết với Chúa, ở lại với Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy.” “Ở lại trong” có nghĩa là nói đến sự bền vững, sự liên tục. Nó diễn tả sự hiệp thông và thân mật, nói lên tình yêu kết hợp nên một như vợ chồng, như sách Diễm Ca diễn tả: 
“Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng” (Dc 2,16). 
Chúa Giêsu thì nói: 
“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).
 
Như thế, “ở lại trong” không chỉ có nghĩa là lưu lại, tạm trú, định cư, nhưng nó còn có nghĩa sâu xa hơn, đó là “sống với, kết hợp nên một.” Khi nói về từ này, chúng ta không thể không nghĩ tới Thánh Thể, bí tích tuyệt hảo của Giao Ước, dưới hình bánh rượu mà chúng ta đón nhận, Chúa Giêsu ở lại trong sâu thẳm nhất của con người chúng ta. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã sử dụng cách chính xác công thức này trong diễn từ nổi tiếng về Bánh Hằng Sống: 
“Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
Nhờ lưu lại trong Chúa, ở lại trong Người, chúng ta có sự sống, nguồn ân sủng và sức mạnh để sống và sống dồi dào. Ra khỏi Chúa, ở ngoài Chúa, chúng ta trở nên khô héo và sẽ chết như cành nho bị tách lìa khỏi cây nho. 
 
2. Để cho Chúa cắt tỉa
 
Việc cắt tỉa nho là một trong những công việc nặng nhọc của người trồng nho. Có lẽ Chúa Giêsu cũng thường làm công việc này, khi Người là một người nông dân ở Nadarét, vùng đất có những cánh đồng trồng nho xanh ngát và trông đẹp mắt. Những ai trồng nho đều biết rằng nếu một cây nho mà không được cắt tỉa trong khoảng hai hoặc ba năm, nó sẽ trở nên rậm rạp, cành lá um tùm, nhưng lại không sinh trái nho. Để sinh hoa trái, nó cần phải được cắt tỉa những cành không cần thiết và già cỗi. Khi người ta cắt tỉa nho, cây nho trổ hoa và kết trái. Khi chưa hiểu nguyên lý này, khi thấy người trồng nho cắt tỉa, chúng ta sẽ dễ có suy nghĩ cho rằng cắt tỉa nho như thế là điên rồ. Nhưng đợi đến mùa nho về, chúng ta sẽ thấy hiệu quả của việc cắt tỉa. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu muốn nói: “Người sẽ cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái.” Việc cắt tỉa là một hình ảnh nói về sự thanh lọc, sự gột bỏ những gì không cần thiết, sự hy sinh và thử thách trong đời sống chúng ta. Chúa Giêsu đề cập đến hai trường hợp: trường hợp thứ nhất tiêu cực: cành nào khô héo, không sinh hoa trái, thì Người sẽ chặt đi và bỏ vào lò lửa. Trường hợp thứ hai tích cực: cành nào khỏe mạnh và sinh nhiều hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Sự tương phản này nói với chúng ta rằng sự cắt tỉa không phải là hành vi độc ác đối với cành nho. Người trồng nho chờ đợi nhiều, ông yêu mến cây nho nên mới cắt tỉa, ông biết làm thế nào để làm cho cây nho sinh nhiều trái, hãy tin tưởng vào ông. 
 
Điều này xảy ra tương tự trên bình diện tâm linh. Để sinh hoa trái nhân đức, chúng ta cần phải cắt tỉa những thói hư tật xấu, loại bỏ những gì cản trở chúng ta nên thánh. Khi Thiên Chúa can thiệp vào trong đời sống chúng ta, Người thanh luyện chúng ta qua những đau khổ và thử thách. Điều này không muốn nói rằng Người thù ghét chúng ta. Trái lại, như Kinh Thánh nói: 
“Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Hr 12,6). 
 
Khi được sửa dạy, chúng ta cảm thấy đau đớn, nhưng sau đó sẽ là niềm vui: 
“Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Hr 12,11). 
 
Người sửa dạy chúng ta, muốn cho chúng ta nên tốt hơn. Vì thế, chúng ta cần có thái độ dễ bảo, để cho Chúa cắt tỉa những thói hư tật xấu, những gì là gồ ghề, rườm rà, lùm xùm nơi con người chúng ta, nhờ đó chúng ta được nên tốt và thánh thiện hơn.
 
3. Sinh nhiều hoa trái
 
“Sinh hoa trái” là thành ngữ cũng được lặp lại nhiều lần (5 lần trong đoạn Tin Mừng này). Chúa Giêsu nói: 
“Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.”
Quả thế, điều mà Chúa Giêsu mong muốn nơi mỗi người chúng ta là sinh nhiều hoa trái. Để sinh hoa trái, chúng ta phải kết hợp với Chúa, cậy nhờ vào ơn Chúa giúp. Bởi lẽ, nếu không có ơn Chúa giúp, chúng ta không thể làm được gì. Như Chúa đã quả quyết: 
“Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5b).
 
Thánh Phaolô trong bài đọc I là một minh chứng hùng hồn cho Lời Chúa nói: Từ một người bắt đạo, Saolô gặp Chúa Phục Sinh, rồi trở lại đạo, trở thành Phaolô, và mạnh dạn rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Phaolô trở thành một vị Tông Đồ vĩ đại, nhờ việc ở lại trong Chúa, để cho Chúa biến đổi và cuộc đời ngài đã sinh biết bao hoa trái. 
 
Trong bài đọc II, thánh Gioan nói về hoa trái của đức tin và lòng yêu mến là những việc làm cụ thể đối với nhau. Đó là những việc làm bác ái mà chúng ta làm cho anh chị em đồng loại, chứ không phải chỉ nói yêu thương trên đầu môi chót lưỡi. 
 
Như thế, để có sự sống và ân sủng Chúa, chúng ta phải ở lại trong Chúa, kết hợp với Chúa mật thiết mỗi ngày qua lời cầu nguyện, tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. Việc ở lại trong Chúa cũng có nghĩa là để cho Chúa uốn nắn và cắt tỉa những thói hư tật xấu trong chúng ta, để chúng ta được nên con người tốt hơn. Đó cũng là điều kiện cần thiết để chúng ta sinh nhiều hoa trái trong đời sống của mình. Amen!
 
Nguồn tin: