Bài Học Đạo Đức

Fri,25/02/2022
Lượt xem: 1009

CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN NĂM C

(Hc 27,4-7 - 1Cor 15,54-58 - Lc 6,39-45)

BÀI HỌC ĐẠO ĐỨC

Lẽ đời người ta thường hay dễ nhận ra những khuyết điểm, thói hư, tật xấu của người khác hơn là nhận ra những khiếm khuyết của bản thân mình. Người ta thường hay tiết kiệm lời khen đối với người khác, nhưng rất dễ dàng chê bai, lên án và nói xấu anh chị em của mình.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách xử thế với người khác sao cho thật đong đầy và ấm áp tình người. Chúng ta cùng lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật hôm nay.

Trước hết, sách Huấn Ca cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của lời nói; nó có thể tiết lộ những ý định trong thâm tâm con người. “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27,6). Và như thế, chỉ những người khôn ngoan mới biết làm chủ lời nói của mình, cũng như biết cách dẫn dắt để người đối diện bày tỏ, và họ có thể phán đoán những ý nghĩ trong thâm tâm của người khác. “Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng” (Hc 27,7).[1]

Thứ đến, ý tưởng này lại tiếp tục được thể hiện trong Tin Mừng theo thánh Luca như là bài học dành cho các môn đệ.

Đầu tiên, Chúa Giêsu nêu ra vấn đề: “Mù mà lại dẫn mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Ở đây, Chúa Giêsu đã chỉ ra cách thức trong việc sửa dạy. Điều quan trọng của người muốn trở nên thầy trong việc sửa dạy hệ tại ở việc nêu gương sáng cho người khác về cách sống, về giá trị đạo đức. Như thế, người muốn làm thầy kẻ khác phải tự biết mình. Biết mình có những trái tính trái nết để tự sửa đổi mình, trước khi muốn sửa dạy một ai. Nếu không biết mình để mà tôi luyện bản thân thì cũng giống như “mù mà lại dắt mù”. Để áp dụng, người muốn trở nên mục tử để lãnh đạo về mặt tinh thần cũng nên có sự khôn ngoan trong lời nói, tinh thông và bén nhạy trong suy nghĩ để có thể dẫn dắt đoàn chiên không lầm đường, lạc lối. Vì những thói giả hình, những lời không thật, ắt sẽ không có giá trị vững bền và sớm muộn có ngày cũng sẽ được tỏ hiện.

Xong vấn đề đó, Chúa Giêsu lại tiếp tục dùng hình ảnh “cái rác” và “cái xà” để dạy cho các môn đệ bài học đạo đức trong việc đoán xét người khác: “Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” (Lc 6, 41).

Đây chính là điều mà người ta thường hay mắc phải. Bởi lẽ, người ta thường dễ thấy “cái rác” trong mắt của người khác hơn là thấy “cái xà” trong mắt mình. Đó là tội xét đoán và hay nghĩ xấu cho người khác. Chúa Giêsu không muốn chúng ta có đôi mắt chỉ biết nhìn vào điểm tối của người khác. Nhưng trước hết, Người muốn chúng ta hãy có đôi mắt sáng và tấm lòng vị tha để nhìn điểm tích cực nơi người khác. Muốn vậy, chúng ta không nên nhìn “cái rác” trong mắt người anh chị em mình, bằng những lời nói chỉ trích hay đoán xét gay gắt; nhưng hãy tập nhìn vào sâu thẳm trong tâm hồn mình trước, hãy lấy đi khỏi những kiêu căng, tự mãn, phô trương, giả hình để tâm mình được sáng, kẻo “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”.[2] Hãy tập nhìn vào chính mình để phản tỉnh về chính mình; hãy trở nên chứng nhân của lòng thương xót như Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót.[3] Từ đó, chúng ta mới có thể nhận ra con người hèn yếu, thiếu sót và đầy tội lỗi của mình, để không bao giờ kết án người khác. Nhờ vậy, chúng ta biết nhìn người khác với tấm lòng bao dung, và luôn biết tha thứ cho những lầm lỗi của anh chị em mình, nhất là chúng ta không còn sống giả hình, phô trương, háo thắng hay nhạo cười người khác.

Từ dụ ngôn “cái rác” và “cái xà”, Chúa Giêsu còn cụ thể hóa trong việc nhận ra giá trị thật của con người:“Không có cây nào tốt mà sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt” (Lc 6,43). Theo thánh Luca, hoa quả của đời sống đạo đức tốt cốt ở việc bác ái trong giao tế xã hội. Thế còn hoa quả của mỗi Kitô hữu và người môn đệ theo Chúa là gì? Thiết nghĩ đó chính là việc suy gẫm và sống Lời Chúa, bằng việc siêng năng lãnh nhận Mình Thánh Chúa và năng chạy đến với Bí Tích Hòa Giải. Vì chỉ khi lòng chất chứa điều lành cùng với đời sống đạo hạnh được nuôi dưỡng bởi ơn Chúa, thì họ mới có thể phát sinh sự thiện hảo và lan tỏa những lời nói mang lại ơn ích và phúc lành cho người khác. Thật vậy, chỉ khi “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45).

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay đã dạy chúng ta một nguyên tắc đạo đức để sửa lỗi người khác: mình phải thật sự trở nên tốt trước khi muốn sửa dạy người khác. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không bao giờ sống phô trương, giả hình, chê bai và nói những lời thiếu bác ái, xúc phạm đến người khác. Hãy tập sống gọt giũa bản thân trước, rồi hãy sửa dạy anh chị em mình trong tình yêu thương, thông cảm và thương xót. Hãy tập nói điều lành với tinh thần bác ái, xây dựng và hãy nhìn người khác bằng suy nghĩ tích cực. Đó là những giá trị đạo đức mà Chúa Giêsu muốn dạy bảo từng người chúng ta.

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta có đôi mắt của Chúa, để chỉ biết nhìn những điều tốt nơi anh chị em mình. Xin cho chúng ta biết nói lời của Chúa, để chúng ta chỉ biết nói những lời hay, ý đẹp, lời đem lại bình an, ân phúc và xoa dịu nỗi đau của anh chị em. Xin cho chúng ta có trái tim của Chúa, để chỉ biết lắng nghe như trái tim thương xót của Chúa vẫn hằng lắng nghe và thấu hiểu tâm can chúng ta.

Ước gì giá trị bài học đạo đức của Lời Chúa hôm nay luôn nằm lòng trong mỗi con người, để chúng ta biết cách đối nhân, xử thế với anh chị em đồng loại sao cho đầy ắp tình Chúa, tình người. Xin Chúa chúc lành và ban ơn phúc cho mỗi người trong chúng ta.

 Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

[1] Thierry Maertens Jean Frisque, Chú giải Lời Chúa các Chúa Nhật quanh năm (Không rõ nơi xuất bản: nhà xuất bản, năm xuất bản), tr. 99.

[2] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Tu viện Mai Khôi, 2011), tr. 107.

[3] X. Daniel J. Harrington và Luke Timothy Johnson, The Gospel of Luke (Minnesota: Liturgical Press,1991), tr. 115.

 

Nguồn tin:
Tags :