(Gr 31,7-9; Tv 125; Hr 5,1-6; Mc 10,46-52)
“Chúng tôi không thể không nói về những điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (Cv 4,20) là chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Hội thánh suy tư và sống sứ mạng làm nên sự tồn hữu của Giáo hội Chúa Kitô – thông truyền kinh nghiệm về Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Đó là kinh nghiệm – Kerygma mà các tông đồ loan báo và thánh Gioan xác tín:
“Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến,đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1Ga 1,1-2).
Thông truyền đức tin kitô giáo là đem lại ánh sáng, ý nghĩa giải phóng cho người khác. Đó là việc dẫn đưa con người, nhất những người ở ngoài vùng ngoại vi của cuộc sống đi vào trong ánh sáng đích thực: ánh sáng về Thiên Chúa, về tha nhân và về chính mình. Ánh sáng Tin mừng đem lại sự giải phóng, ý nghĩa sống còn cho con người. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta tới niềm hy vọng giải phóng được khai mở bởi Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế được Chúa Cha tấn phong. Đó là niềm vui được chiêm ngưỡng ánh vinh quang Thiên Chúa, niềm vui đức tin qua câu chuyện chữa lành anh mù Batime ở Giêricô.
1. Viễn tưởng đầy hy vọng cho số sót của Israel
Bài đọc thứ nhất (Gr 31,7-9) diễn tả dân Chúa trong cảnh tha hương tại Babylon, thời kỳ đen tối nhất của dân tộc Do thái, và Giêrêmia, ngôn sứ của Chúa, vẫn tin tưởng vào Đấng cứu độ của Israel, ông loan báo cho dân biết Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Người, rằng: Thiên Chúa sẽ đưa dân Người hồi hương; Giêrêmia hát lên bài ca hy vọng; họ ra đi trong nước mắt sẽ hân hoan trở về quê cha đất tổ, dưới bàn tay nhân từ của Thiên Chúa: “Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất Bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất, trong số họ sẽ có kẻ đùi mù, què quặt…” (c.8). Đó là việc Thiên Chúa sẽ quy tập một dân từ số sót Israel, những người mong đợi niềm hy vọng Messia, những Anawim của Đức Chúa.
Niềm hy vọng giải thoát đến từ Thiên Chúa cứu độ, Đấng an ủi dân riêng, mở mắt cho người mù, cho người điếc được nghe, miệng lưỡi người cấm reo hò, kẻ què được nhảy nhót như nai (x. Is 34,5-6). Niềm vui hân hoan mà vịnh gia 125 đã đặt lên môi miệng của đoàn dân trong cảnh hồi hương. Bài ca ngợi lòng nhân hậu của Thiên Chúa, “Đấng đã đối xử đại lượng với dân Người, nên lòng họ mừng rỡ hân hoan” (c.3).
Truyền giáo không phải là việc truyền thanh một sứ điệp với những ngôn từ chải chuốt hay với những quảng bá hấp dẫn của thời kỹ nghệ mà là truyền thông niềm hy vọng cứu độ đến từ Thiên Chúa. Niềm hy vọng được thực hiện với sự hiện điện của một Con người – Đức Giêsu Kitô.
2. Niềm hy vọng vươn lên bên lề đường cuộc nhân sinh
Lời tiên báo giải phóng của Giêrêmia đã được ứng nghiệm khi dân Chúa hồi hương năm 539 Tcn. Tuy nhiên, thực tại mà lời tiên báo ấy thực sự nhắm tới được bày tỏ cách viên mãn nơi Đức Giêsu Kitô, và hôm nay cụ thể qua việc mở mắt cho người mù Giêricô.
Câu chuyện chữa lành bên vệ đường hôm nay cho ta thấy một nghịch lý: nghịch lý giữa đám đông đang chen lấn đi theo Đức Giêsu, nhưng lại mù tối về Người: họ không biết Người và cũng không muốn cho người khác tới gần Người; họ quát nạt anh mù “im đi” khi anh kêu lên Danh xưng Messia. Trái lại, kẻ hành khất mù lòa, vô danh bên vệ đường nhân sinh, lại xuất hiện với vẻ độc đáo: anh được nhắc tới tên Batime; không chỉ tên anh mà còn cả tên cha anh nữa. Không thấy Đức Giêsu bằng đôi mắt thế lý, và không thể bước theo Người với đôi chân của mình, những anh nhận ra Người là Tôn Sư, Đấng Chữa lành.
Bên vệ đường hành khất, anh ngồi đó, nhưng lòng anh chuyển động, chuyển động để nghe tiếng đời, tiếng thì thầm về cuộc nhân sinh, và nhất là nghe về chuyện tình Giêsu. Nói được rằng, dù đôi mắt mù lòa, nhưng lòng anh bừng sáng, tim anh nghe được tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. Dù bị cản trở bởi khiếm khuyết thế chất và cả sự phản đối của đám đông, anh vẫn có thể thốt lên tiếng gọi từ khát vọng thẳm sâu nhân tâm, lời nài van, tuyên xưng về Đấng cứu độ - xót thương: “Lạy Con Vua David, xin thương xót tôi”. Đó là tiếng kêu, là khả thể mà nhiều người xung quanh đã bị chôn vui và không thể thốt lên lời tuyên xưng Thiên Chúa cứu độ.
Chính trong khổ lụy nhân sinh, chính trong sự mù lòa của cuộc sống, khi chúng ta chỉ biết tựa nương vào lòng thương xót, chúng ta sẽ nghe được tiếng yêu thương của Thiên Chúa đang đến bên ta, để ôm ấp, để chữa lành ta. “Kìa Người đang gọi anh”. Không phải chúng ta kiếm tìm Chúa trước, mà Chúa đi tìm chúng ta, gọi chúng ta, đánh thức chúng ta tìm đến với Người. Chúng ta chỉ có thể thực hiện sứ mạng căn bản của mình trong Giáo hội khi chúng ta có kinh nghiệm về Thiên Chúa và kinh nghiệm về con người. Đức tin vào Chúa Giêsu cho chúng ta kinh nghiệm căn bản và sống còn này.
3. Đức tin, cánh cửa dẫn tới của ánh sáng đích thực
Mù lòa là sự khốn cùng của con người. Hình ảnh anh mù Giêricô vừa nói lên hiện trạng mù thể lý, nhưng quan trọng hơn là sự mù tối tâm linh, thảm trạng của con người mọi thời, nhất là trong xã hội hôm nay. Sự mù lòa này chỉ có thể được chữa lành nhờ đức tin dẫn đường tới gặp gỡ Đức Giêsu, Ánh sáng thật (x. Ga 1,5; 8.13), Đấng làm sáng tỏ mầu nhiệm con người (x. GS 22).
Trong câu chuyên hôm nay, chính đức tin đã đưa Batime vươn ra khỏi sự trì trệ của kẻ ngồi lê bên vệ đường để nại tới lòng xót thương của những kẻ đi đường. Chính đức tin đã giúp anh băng mình ta khỏi tình trạng mù lòa bên vệ đường hành khất để tới gặp Đức Giêsu.
Điều quan trọng và mang tính quyết định trong cuộc gặp gỡ này là tiếng gọi yêu thương của Con Thiên Chúa, Đấng thâu suốt mọi khát vọng của con người, Đấng khởi dậy nơi con người, nhất là người đau khổ, bất hạnh niềm vui ơn cứu độ - sự giải phóng. Chúng ta hãy hình dung hình ảnh Batime “liệng áo choàng, đứng dậy, đến với Đức Giêsu”. Hình ảnh này nói lên tất cả. Đức Giêsu gọi, anh đứng dậy, một sự chỗi dậy hoàn toàn, không cần sự trợ giúp của chiếc gẫy hay người khác. Anh chỗi dậy nhờ tiếng gọi của Đấng tác thành, một sự trỗi dậy mạnh mẽ giám vứt bỏ chiếc áo choàng, vứt bỏ quá khá đau thương, vứt bỏ tấm áo che chỡ, ủ ấp, và là mái nhà của cuộc sống cũ để tiến bước trong ánh sáng của ngày cứu độ. “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”. Đức tin chữa lành, và “đức tin bảo đảm cho những gì chúng ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy” (Dt 1,1). Nói khác đi, chính việc gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng là “khởi điểm và sự kiện toàn của đức tin”, đã vực đời anh và nâng bước chân anh đăng trình.
Marcô trình bày Bartimê như là đại diện của con người mọi thời, đang mù lòa trên con đường cứu độ mà Thiên Chúa đem tới. Nhân loại chúng ta cũng đang dẫn bước trong mù lòa về Thiên Chúa và về cùng đích của mình. Con người đang lần bước trong bóng tối của thế tục, cần tới áng sáng cứu độ từ Thiên Chúa khai mở nhân tâm hôm nay, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phủ đen bởi những áng mây mù của nền kinh tế loại trừ, giết người, của chủ trương tôn phong chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thế tục.
“Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu Chúa kì diệu khắp nơi.
Con mù lòa bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài”.
Lm. Hoa Thập Tự