Suy Nghĩ Về 10 Điều Kitô Hữu Được Mời Gọi Sống Năm 2020

Tue,07/01/2020
Lượt xem: 1976

Nhân dịp đầu năm mới 2020 này, thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta đều nên có những quyết tâm mới, những cố gắng mới cho riêng mình. Ngày 30-12-2020 vừa qua, trang Truyền thông Công giáo đã liệt kê mười điều Ki-tô hữu được gợi ý sống cho năm 2020

Nhân dịp này, chúng tôi đóng góp vài suy nghĩ và bình luận sau:

 

1- Một Hội thánh nghèo và cho người nghèo

 

Sự khó nghèo theo Tin Mừng Ki-tô giáo có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. ĐTC Phan-xi-cô đã nói nhiều về đức khó nghèo và bản thân ngài cũng làm gương cụ thể và sáng chói về điều này. Có lần ngài nói, “Tôi ước mong một Hội thánh nghèo và cho người nghèo”. Ngài đã từng ngồi ăn với tù nhân, với người nghèo cùng khổ trong xã hội, với những người tỵ nạn vv. Ngài ở giữa họ như Chúa Giê-su ở giữa đám dân nghèo, để nói và làm chứng về Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

 

ĐTC đã đưa ra một định hướng cho vấn đề sống nghèo và phục vụ theo Tin Mừng của Đức Ki-tô.

 

Đây là mấy giáo huấn của ngài.

  

“Khi chúng ta giúp đỡ người nghèo, chúng ta không làm công việc của một tổ chức cứu trợ ‘theo cách của Kitô giáo’. Làm thế là một việc tốt, một việc tử tế, cứu trợ là tốt đẹp và nhân văn, nhưng đây không phải là sự nghèo khó Kitô mà thánh Phaolô giảng dạy và mong muốn cho mỗi người chúng ta. Nghèo khó Kitô là tôi cho đi bản thân mình, chứ không phải những thứ mình dư thừa, tôi trao cho người nghèo cái tôi đang cần cho mình, bởi tôi biết rằng người nghèo đó làm giàu cho tôi. Tại sao người nghèo lại làm giàu cho tôi? Bởi chính Chúa Giêsu nói rằng Ngài ở nơi người nghèo.

 

“Khi người ta không lấy của dư dật, mà lấy một sự của chính mình, để trao cho người nghèo, cho một cộng đoàn nghèo, thì người đó sẽ được làm cho giàu có. Chúa Giêsu hành động trong những người làm việc này, và khi họ làm rồi, thì Chúa Giêsu hành động trong người nghèo, làm giàu có cho người đã trao cho mình chân giá trị.

 

“Đây là thần học nghèo khó. Bởi nghèo khó là tâm điểm của Tin mừng, chứ không phải là một hệ tư tưởng. Chính bởi mầu nhiệm này, mầu nhiệm Chúa Kitô tự hạ mình, Đấng để mình bị bần cùng hóa để phong phú hóa chúng ta. Vậy nên, có thể hiểu được vì sao mối Phúc thật đầu tiên là ‘Phúc thay những ai nghèo khó trong lòng.’ Nghèo khó trong lòng nghĩa là đi trên đường của Chúa, sự nghèo khó của Thiên Chúa, Đấng tự hạ mình đến nỗi trở nên bánh ăn cho chúng ta trong lễ hiến tế. Ngài tiếp tục hạ mình vào lịch sử Giáo hội, vào tưởng niệm cuộc thương khó, và bằng việc tưởng niệm sự sỉ nhục của Ngài, tưởng niệm sự nghèo khó của Ngài, bằng chính bánh này, mà Ngài làm cho chúng ta nên giàu có”.

 

2- Phục vụ mọi người trong khiêm nhường và bác ái

 

Noi gương Đức Ki-tô tự nhận mình là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11, 29), chúng ta cũng phải thường xuyên học tập nhân đức khiêm nhường và phục vụ tha nhân một cách khiêm tốn.

 

Khiêm nhường trong phục vụ không phải là quỵ lụy, yếu đuối, thất thế nhưng là chân thành, nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị. Đức cố HY Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận có lần đã nói đến mười căn bệnh làm băng hoại người Công giáo trong đó ngài nhắc đến “bệnh phô trương”. Chúng ta dễ có khuynh hướng phô trương, khoe khoang, vênh vang tự đắc, kể cả trong chuyện đời lẫn việc đạo. Trong Tin Mừng, Đức Ki-tô đã nhắc nhở chúng ta như sau:

 

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.

 

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6, 1-4).

 

Ngoài ra khi phục vụ, chúng ta cũng phải mang tâm thế của người môn đệ Đức Ki-tô, lấy bác ái làm động cơ và khuôn mẫu, yêu như Chúa yêu, vì Chúa mà ta thương người. Khi ta thực hành đức bác ái trong phục vụ, chúng ta cũng làm việc truyền giáo nữa. ĐTC Phao-lô VI đã nói: “Ngày nay người ta tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy”. Điều đó có nghĩa là Ki-tô hữu không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông, mà còn phải làm chứng tá cho những những điều mình giảng và dạy bằng chính đời sống của mình. Cụ thể là chúng ta phải làm chứng bằng đức ái và sự khiêm tốn. Đây là nét đặc trưng của đời sống Ki-tô hữu.

 

3- Sống gần gũi và chan hòa với mọi người

 

Chúng ta biết rằng nhiều khi tiền của, chức vị, quyền hành làm cho chúng ta xa cách mọi người. Những thứ đó vô tình trở thành rào cản rất lớn ngăn cách chúng ta với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, bị bỏ rơi.

 

Đối với Chúa Giê-su, người địa vị cao thì phải đứng cuối. Người làm lớn thì phải đi sau chót. Đó là sự hạ mình khiêm tốn và cũng là một dấu chỉ về một thái độ chan hòa lòng yêu thương kính trọng tha nhân. Người Ki-tô hữu chúng ta, nhất là các mục tử trong Hội thánh, đôi khi mắc bệnh quan liêu, cửa quyền, hống hách, coi người khác bằng nửa con mắt, khiến cho mối tương quan với tha nhân, với cộng đoàn thay vì gần gũi thân thương thì lại trở nên xa cách lạnh lùng.

 

4- Không bao giờ chối bỏ lòng thương xót của Thiên Chúa

 

Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Êp 2, 4-6).

 

Như vậy, nhờ lòng thương xót bao la của Thiên Chúa mà chúng ta được cứu độ, được tha thứ, được sống và sống dồi dào, được yêu thương như Con Một của Người. Tình yêu của Thiên Chúa ban cho chúng ta là tình yêu nhưng không và trổi vượt trên tất cả kho tàng trên thế gian này. Vì thế, chúng ta hãy mở lòng đón nhận và không ngừng tạ ơn Thiên Chúa.

 

Thực vậy, người Ki-tô hữu phải nuôi dưỡng và thực hành việc tạ ơn suốt cả đời, ở mọi nơi mọi chỗ. Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 5, 16-18). Trong kinh nguyện của Ki-tô hữu luôn bao hàm tâm tình tạ ơn như thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã nói: “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan ” (Sách Tự Truyện).

 

5- Mỗi chúng ta là một Phan-xi-cô thành Assisi

 

Thánh Phan-xi-cô Assisi còn được gọi bằng những tên khác như: Phan-xi-cô Khó Khăn, Phan-xi-cô Khó Nghèo, Phan-xi-cô Năm Dấu, và có người gọi là thánh Phan-Sinh do phiên âm từ chữ San Francesco.

 

Để hiểu cuộc đời của thánh Phan-xi-cô As-si-si, ta có thể tham khảo tóm tắt tài liệu sau:

 

Thánh Phan-xi-cô sinh khoảng năm 1181, tại thành phố As-si-si nước Ý. Là con trai của một thương gia buôn vải giàu có, Phan-xi-cô luôn vận những bộ áo sang trọng nhất và tiêu tiền cách tự do. Phanxicô rất được bạn bè quý chuộng vì ngài năng dành nhiều thời gian và tiền bạc để mở tiệc thết đãi các bạn. Với khuynh hướng thích mạo hiểm và tìm kiếm danh vọng, Phan-xi-cô As-si-si đã xông pha chiến trận khi tuổi đời vừa tròn 20. Rồi Phan-xi-cô bị bắt làm tù binh và bị bệnh rất nặng. Sau một năm, ngài được trả tự do và trở về nhà. Khi sức khỏe bình phục, Phan-xi-cô lại cố gắng tham gia chiến trận với hy vọng sẽ trở thành hiệp sĩ. Nhưng trên đường tới chiến trường, Phan-xi-cô nghe tiếng Chúa nói hãy trở về quê nhà ở As-si-si, nơi đây Phan-xi-cô sẽ được cho biết phải làm gì với cuộc sống của mình.

 

Về lại quê hương, Phan-xi-cô As-si-si mới nhận ra mình đã phung phí quãng thời giờ quý giá. Ngài ý thức được rằng mình phải phục vụ Chúa Giê-su. Phan-xi-cô bắt đầu gia tăng cầu nguyện và làm nhiều việc hy sinh để trưởng thành trong đời sống tâm linh. Thánh nhân thường bố thí tiền bạc cho những người nghèo khổ. Có lần Phan-xi-cô đã đổi bộ áo của mình để lấy bộ áo tơi tả của một người nghèo khó, Phan-xi-cô Assisi muốn thực sự cảm nghiệm cái nghèo cùng cực của người ấy. Phan-xi-cô cũng chăm sóc những người bệnh hủi trong một bệnh viện gần đó. Dẫu vậy, thánh nhân vẫn cảm thấy cần phải làm nhiều việc hơn nữa. (…)

 

Thánh Phan-xi-cô Assisi đã sống Tin Mừng cách hoàn hảo và rất vui sướng. Thánh nhân cố gắng biến đời sống mình thành bản sao sống động giống Đức Giê-su. Như một phần thưởng dành cho tình yêu lớn lao của thánh Phan-xi-cô, Chúa Giê-su đã ban cho thánh nhân được mang năm Dấu Thánh của Chúa trên tay, chân và cạnh sườn ngài. Sự kiện này xảy ra hồi năm 1224, hai năm trước lúc Thánh Phan-xi-cô về trời. (…)

 

Cuộc sống nghèo khó của thánh Phan-xi-cô Assisi là một dấu chỉ cho thấy những của cải vật chất đời này không làm cho chúng ta thỏa mãn và hạnh phúc. Còn niềm vui đích thực thì xuất phát từ lòng yêu mến Thiên Chúa và mô phỏng đời sống mình theo gương Đức Chúa Giê-su. Chúng ta hãy nài xin Thánh Phan-xi-cô Assisi chỉ cho chúng ta cách sống Tin Mừng vui tươi và giản dị.

 

6- Đức tin phải được đề nghị, không bao giờ được áp đặt

 

Chúng ta biết rằng, đức tin là một ân huệ xuất phát từ Thiên Chúa. Do đó chúng ta phải cầu xin để có ơn đức tin. “Lạy Chúa xin ban đức tin cho con”. Đức tin cũng là một điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Ki-tô đã truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16).

 

Tuy nhiên, khi đi rao giảng Tin Mừng, tức là trong việc truyền giáo, chúng ta không thể nôn nóng, không thể vội vàng, không thể đốt giai đoạn, càng không nên áp đặt. Ki-tô hữu có nhiệm vụ giới thiệu Đức Ki-tô để thế giới dân ngoại biết và đón nhận đức tin do lời đề nghị của chúng ta. Hội thánh phát triển là nhờ sự lôi cuốn, hấp dẫn.

 

Như ĐTC Bê-nê-đic-tô XVI đã khẳng định: Giáo hội phát triển nhờ sự lôi cuốn, qua việc làm chứng các công trình của Chúa. Đây không phải là một sự tin chắc, một lý luận, một nhận thức, một áp lực hay một sự ép buộc; đó không phải là một quyết định được đưa ra trên bàn làm việc, hay một hoạt động của một bầu xô gánh hát, nhưng đó là một sự lôi cuốn của tình yêu, một tình yêu đối với Chúa Kitô. Nếu Chúa Giêsu là người thu hút chúng ta, những người khác sẽ chú ý đến điều này, chúng ta không cần phải nỗ lực, không cần phải tỏ ra hoặc phô trương. ĐTC còn khẳng định: “Đây là lý do tại sao sứ mệnh không phải là một dự án của công ty”, cũng không phải “một buổi biểu diễn để đếm xem có bao nhiêu người tham gia”. Trái lại, nó, với kết quả mầu nhiệm ở việc biết rằng nếu không có Chúa Giêsu thì không thể làm được gì. ĐTC giải thích, “Đỉnh cao của tự do tôn giáo là để cho mình được Thánh Thần dẫn dắt, từ bỏ việc tính toán và kiểm soát mọi sự”.

 

7- Giáo Hội chúng ta không phải là một tổ chức phi chính phủ

 

Trước hết, chúng ta tìm hiểu sơ qua thế nào là một tổ chức phi-chính-phủ (TCPCP).

 

Tổ chức phi-chính-phủ, tiếng Anh viết tắt NGO (Non-Governmental Organization), tiếng Pháp viết tắt là ONG (Organisation Non-gouvernementale) là tổ chức không thuộc về bất cứ chính phủ nào. Mặc dù về mặt kỹ thuật, định nghĩa cũng có thể bao hàm các tổ chức phi lợi nhuận, thuật ngữ này thường giới hạn để chỉ các tổ chức xã hội và văn hoá mà mục tiêu chính không phải là thương mại. Một điểm nổi bật nhất của các TCPCP là việc các tổ chức này tạo ra những hệ thống gắn kết và mạng lưới kết nối những cá nhân xuyên quốc gia.

 

Các TCPCP ra đời với nhiều mục đích khác nhau, thông thường nhằm đẩy mạnh các mục tiêu chính trị và/hay xã hội như bảo vệ môi trường thiên nhiên (ví dụ: Greenpeace), khuyến khích việc tôn trọng các quyền con người (ví dụ: Amnesty International), cải thiện mức phúc lợi cho những người bị thiệt thòi, hoặc đại diện cho một nghị trình đoàn thể. Có rất nhiều tổ chức như vậy và mục tiêu của chúng bao trùm nhiều khía cạnh chính trị, xã hội, triết lý và nhân văn.

 

Như vậy, Hội thánh Chúa Ki-tô không thể được coi là một TCPCP được. Trước hết, Hội thánh Chúa Ki-tô không phải là tổ chức trần gian, do con người lập ra (x. Ga 18, 36). Hội thánh là Nước Chúa ở trần gian, quy tụ mọi dân mọi nước làm thành Dân Thiên Chúa. Hội thánh cũng không có chức năng nhiệm vụ cứu trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo vì Chúa đến để ban ơn cứu độ, để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết (x. Lc 19, 10). Hội thánh có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cứu độ mà Đức Ki-tô là người đã thực hiện theo kế hoạch của Cha Trên Trời (x. Mt 28, 18-20 ; Mc 16, 15-16). Hội thánh Chúa Ki-tô không giải quyết các vấn đề nhất thời, trước mắt của con người nhưng là hướng con người đến viễn ảnh cánh chung (x. Ga 5, 24-25), trong tâm trạng vui mừng và hy vọng. 

 

8- Không bao giờ bi quan

 

Đức cố HY Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận có nói đến mười căn bệnh làm băng hoại người Công giáo, trong đó ngài đề cập đến bệnh tiêu cực bi quan, như sau:

 

“Những người mang bệnh này cứ chỉ trích kinh niên. Khi nào cũng có chuyện để chỉ trích. Một người làm cả đám phá. Một chính đảng lên thì các đảng khác xúm nhau phá. Phải đạp nó xuống thì mình mới lên được chứ!

 

“Bệnh chỉ trích phát sinh từ lòng ích kỷ hoặc kiêu căng. Một biểu hiện song hành của bệnh này là người chỉ trích thường hay thiếu tự tin. Người tiêu cực cái gì cũng chỉ trích. Nhưng khi được yêu cầu đưa đề nghị thì “để xem đã”, hoặc có ai đưa ra đề nghị gì thì lại lắc đầu “không làm nổi đâu”!

 

“Người tiêu cực thì bất cứ một cơ hội nào cũng là một tai họa cho mình (for the pessimists every opportunity is a calamity). Trái lại, người lạc quan thì bất cứ tai họa nào cũng là một cơ hội cho mình (for the optimists every calamity is an opportunity).

 

“Người tích cực thì lạc quan. Kẻ tiêu cực bi quan. Tùy theo cách nhìn mà vấn đề nẩy sinh. Người Pháp nói: Đừng trách rằng tối; tối là vì mình không chịu thắp đèn lên thôi ! Đức thánh Gioan Phaolô II kêu gọi: “Đừng sợ”, vì ta tin vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, ta tin con người có thiện chí, ta tin vào mình có Chúa giúp”.

 

Người Ki-tô hữu đích thực, vì có niềm vui Tin Mừng, nên không bao giờ rơi vào trạng thái bi quan tiêu cực được. Người Ki-tô buồn bã là người đáng buồn vậy.

 

9- Loan báo Tin Mừng với tinh thần hài hước và vui tươi

 

Người Ki-tô khi loan báo Tin Mừng thì họ phải trang bị cho mình một niềm vui tươi và tinh thần lạc quan hài hước. Bởi như thế thì mới làm chứng rằng điều họ rao giảng là tin vui đích thực. Bởi như thế thì chúng ta mới chứng tỏ cho thế giới biết rằng chúng ta đã được cứu chuộc và đang được yêu thương. Chúng ta không phải lo lắng gì vì có Chúa luôn đồng hành và che chở chúng ta. 

 

Trong thánh lễ sáng ngày thứ Ba 28-5-2019 tại nhà nguyện Mác-ta, ĐTC Phan-xi-cô đã chia sẻ rằng, buồn bã không phải là thái độ của người Ki-tô hữu. Ngài nói, ngay cả khi cuộc sống không phải là một lễ hội, và dù có rất nhiều khó khăn chăng nữa, chúng ta cũng có thể vượt qua và luôn bước tới. Nhưng chúng ta cần trò chuyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày, Người luôn đồng hành với chúng ta.

  

10- Tầm quan trọng của sự hiệp nhất

 

Trong bài huấn từ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung ngày 25-9-2013 tại quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã chia sẻ về đề tài “Sự hiệp nhất của Giáo hội”, trong đó có đoạn như sau:

 

“Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hiệp nhất, nhưng chúng ta thường nhận ra rằng rất khó để sống sự hiệp nhất nầy. Chúng ta phải tìm kiếm, xây dựng sự hiệp thông, và giáo dục chính chúng ta về sự hiệp thông nầy, để vượt qua những hiểu lầm và chia rẽ, bắt đầu với gia đình, với các thực thể giáo hội, trong đối thoại đại kết. Thế giới của chúng ta đang cần sự hiệp nhất, sự hòa giải, sự hiệp thông và Hội thánh là ngôi nhà của sự hiệp thông.

 

“Thánh Phao-lô đã nói với các Ki-tô hữu của Ê-phê-sô: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Êp 4,1-3).

 

“Sự khiêm tốn, dịu dàng, cao thượng, tình yêu để gìn giữ sự hiệp nhất! Có một thân mình, thân mình của Đức Ki-tô mà chúng ta lãnh nhận trong phép Thánh Thể; một Thần Khí, Chúa Thánh Thần làm sinh động và liên tục tái tạo Hội thánh; một hy vọng, cuộc sống đời đời; một đức tin, một phép rửa, một Chúa, là Cha của chúng ta tất cả (x. 4-6). Sự phong phú của những gì liên kết chúng ta! Hôm nay mỗi người cần hỏi chính mình: Tôi có làm cho sự hiệp nhất tăng triển trong gia đình, giáo xứ, trong cộng đoàn hay tôi là một động lực của chia rẽ, của sự khó khăn? Tôi có sự khiêm tốn để hàn gắn với kiên nhẫn, với hy sinh, những vết thương cho sự hiệp thông không?”

 

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn tin: Conggiao.info