Linh mục và sứ vụ đào tạo linh mục tương lai

Thu,13/05/2021
Lượt xem: 1534

Linh mục Phêrô Huỳnh Thế Vinh

Anh em linh mục chúng ta không phải là những người đầu tiên, cũng không phải là những người cuối cùng nhận lãnh chức linh mục. Cuộc dấn thân cho Tin mừng đã diễn ra suốt hơn 20 thế kỷ qua. Mỗi người vào thời đại của mình: Thánh Phaolô, thánh Augustinô, thánh Inhaxiô, cha sở họ Ars,... và hiện nay là mỗi người chúng ta, tất cả đều phục vụ cho cùng một Tin mừng và trong cùng một sứ vụ. Sứ vụ linh mục được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.[1]

Khi chịu chức, ân huệ thiêng liêng mà người linh mục đã nhận lãnh không chỉ để phục vụ cho một sứ mệnh giới hạn và thu hẹp, nhưng là cho một sứ mệnh cứu rỗi vô cùng rộng lớn “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), và qua muôn thế hệ. Thật vậy, “khi thiết lập Giáo hội, Chúa Giêsu đã muốn đoàn dân mà Người đã tuyển chọn và cứu chuộc bằng máu mình, phải luôn có các mục tử chăm sóc cho đến tận thế”.[2] Thế nên, sứ vụ đào tạo linh mục tương lai cho Giáo hội gắn liền với chính bản chất của chức vụ linh mục.[3]

Trong bài suy niệm tĩnh tâm này, chúng ta cùng nhìn lại tầm quan trọng và khó khăn của sứ vụ đào tạo linh mục tương lai, cũng như làm tươi mới sứ vụ này qua những hướng dẫn của Giáo hội.

1. Tầm quan trọng của việc đào tạo thế hệ tương lai

Bài học lịch sử cho thấy: sự bền vững hay suy vong, hùng mạnh hay yếu kém của một quốc gia tùy thuộc vào việc đào tạo cho thế hệ tương lai. Các vua lập quốc thì ai cũng tài giỏi, anh hùng xuất chúng, nhưng đến thời các vua thế hệ con cháu thì không còn xuất sắc nữa, lúc mất nước thì các vua này thường “tài không có, mà đức cũng không”.[4] Tỷ phú tự thân thì người nào cũng giỏi, nhưng nhiều trường hợp khi gia sản rơi vào tay con cháu thì lại tiêu tán, lý do có lẽ vì các tỷ phú này mãi lo kiếm tiền mà quên mất việc dành thời gian giáo dục cho con cháu.[5]

Ngày nay, vấn đề “truyền thụ”[6] từ thế hệ này sang thế hệ khác lại càng quan trọng hơn. Trước đây, các thế hệ tái hiện y như nhau vì không có nhiều yếu tố mới tác động giữa các thế hệ; vẫn là “con trâu đi trước, cái cày theo sau”“con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”... Đến thời hiện đại, các cuộc cách mạng công nghiệp[7] đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất, phương thức truyền thông và các yếu tố xã hội. Từ đó, làm biến đổi đời sống con người ở mọi khía cạnh: văn hóa, giáo dục, lối sống, kể cả trong đời sống tôn giáo. Những sức mạnh này trở thành những yếu tố tác động mạnh trên “những người mới đến trong thế giới”[8]... Vấn đề truyền thụ được đặt ra: làm sao các thành viên mới tiếp nối được những giá trị truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước? Làm sao thế hệ trước cập nhật được những điều hay của các thành viên mới? Đâu là điểm quy chiếu để dung hòa?... Nếu vấn đề truyền thụ không được quan tâm đủ mức, thì những trì trệ, lệch lạc và đỗ vỡ sẽ xảy ra.[9]

Điều này được minh họa qua câu nói nổi tiếng của tổng thống Nelson Mandela trong chuyến thăm trường đại học Nam Phi vào năm 1990:

"Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.

- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.

- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.

- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.

- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.

- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.

- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia".[10]

Nhìn lại Giáo hội, chúng ta tự hỏi: Liệu sự sụp đổ trong việc đào tạo các linh mục tương lai có làm cho Nước Chúa sụp đổ không? Có lẽ là không, vì Nước Chúa được xây trên đá tảng Phêrô và được chính Chúa gìn giữ (x. Mt 16,18), nhưng chắc chắn một điều là nếu hạ thấp chất lượng giáo dục cho các linh mục tương lai thì Nước Chúa sẽ bị thiệt hại rất nhiều, đàn chiên sẽ bị tổn thương, tản mác và bị giết vì những kẻ trộm, những mục tử giả (x. Ga 10,1-18).

Khi phân tích những nguyên nhân khiến Giáo hội rơi vào khủng hoảng vào cuối thế kỷ 19, chân phước Antonio Rosmini đã viết quyển sách “Năm vết thương của Giáo hội[11]. Năm vết thương này chính là năm nguyên nhân đã làm cho Giáo hội đau đớn, thiếu sức sống, và… “bại liệt”. Trong đó, vết thương bên tay phải của Giáo hội chính là sự đào tạo yếu kém hàng giáo sĩ.

80 năm sau, khi xem xét về vai trò của việc đào tạo linh mục, các nghị phụ Công đồng Vatican II (1962-1965) đã xác định: “Việc canh tân toàn thể Hội thánh tùy thuộc phần lớn vào thừa tác vụ linh mục[12]…; vì thế, Thánh Công đồng khẳng định tính cách vô cùng quan trọng của việc đào tạo linh mục".[13]

Đến năm 1992, trong Tông huấn về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay - Pastores Dabo Vobis, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xem việc làm cho mọi thành phần trong Giáo hội, không trừ một ai, ý thức trách nhiệm và cộng tác vào việc chăm lo cho các ơn gọi là “điều bức bách hơn bao giờ hết”.[14]

Đến nay, sau gần 30 năm kể từ ngày Đức Gioan Phaolô II ra lời kêu gọi bức bách này, thì vấn đề đào tạo linh mục vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Cơn khủng hoảng về gương xấu của các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục ở khắp nơi, vẫn đang đè nặng trong tâm trí của mọi tín hữu. Thống kê hàng năm của Giáo hội cho thấy sự giảm sút nghiêm trọng trong ơn gọi linh mục và đời sống dâng hiến.

Trong vòng 53 năm qua, số nữ tu tại Mỹ giảm sút 75% và hy vọng về sự thay đổi trong chiều ngược lại, hầu như không có. Trong 25% còn lại thì số tu sĩ trên 70 tuổi chiếm 77%. Trong số 420 dòng nữ tại Mỹ, thì hiện nay có trên 300 dòng nữ chuẩn bị cáo chung trong một vài thập niên tới đây, vì không có ơn gọi mới và số nữ tu còn lại ngày càng cao tuổi.[15]

Đọc số liệu thống kê của Giáo hội về số lượng ơn gọi qua từng năm thì thấy có sự giảm sút toàn diện trên mọi khía cạnh của cả nam lẫn nữ.[16] Sự giảm sút này không chỉ là hiện tượng nhất thời của một vài năm, nhưng là hiện tượng kéo dài qua mấy thập kỷ.[17] Một ví dụ rõ ràng nhất là tại Giáo hội Pháp trong năm 2018: hơn 60% giáo phận tại Pháp (58/96 giáo phận) không có người được phong chức linh mục.[18]

Tuy các thống kê trên mang tính đặc trưng ở các Giáo hội Âu Mỹ, nhưng vì đây là khuynh hướng toàn cầu, nên thực trạng đó cũng đang và sẽ xảy ra đối với Giáo hội Việt Nam, nếu chúng ta không quan tâm đủ mức đến việc chăm sóc các ơn gọi.

Việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này sẽ giúp chúng ta trong sứ vụ đào tạo linh mục tương lai.

2. Nguyên nhân giảm sút ơn gọi

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm sút ơn gọi hiện nay như sau:

- Thứ nhất là do bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay đề cao nền văn hóa phân mảnh, lối sống tạm thời, và chủ nghĩa tương đối. Chúng khiến cho nhiều người trẻ không còn nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống giản dị, thánh thiện và khổ hạnh. Chúng xóa bỏ hoặc coi thường các giá trị Tin mừng và đời sống luân lý, thay vào đó là sự dễ dãi trong sinh hoạt tính dục và cuộc sống hưởng thụ.

- Thứ hai là do chủ nghĩa thế tục và vật chất. Có rất nhiều người trẻ là nạn nhân của chủ nghĩa thế tục và vật chất, họ tìm kiếm thành công trong tiền bạc, vật chất bằng bất cứ cách nào, họ thích cách sống dễ kiếm tiền và dễ hưởng thụ.

- Thứ ba là do những vấn đề đến từ chính cộng đoàn thánh hiến. Bên cạnh vẻ đẹp thánh thiện của đời sống thánh hiến, vẫn còn những cảnh tiêu cực làm cho người thánh hiến cảm thấy khó khăn trong việc trung thành với ơn gọi của mình. Những hoàn cảnh này bao gồm sự nhàm chán của việc lặp đi lặp lại các công việc thường ngày, gánh nặng của cơ chế quản lý, sự chia rẽ nội bộ, tìm kiếm quyền bính. Những yếu đuối này của đời sống thánh hiến là những cản trở cho những người mới vào và những người muốn gia nhập. Họ không còn nhìn thấy sự hấp dẫn của ơn gọi khi phải chứng kiến những cảnh tượng trên.[19] “Cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7,18).

Nhìn vào thực tế, những nguyên nhân trên không quá xa lạ với tình hình tại Việt Nam:

- Một xã hội hướng về thú vui tính dục[20] đang dần hình thành tại Việt Nam. Nhiều cách suy nghĩ thịnh hành tại các môi trường bên Âu Mỹ đã bắt đầu thấm nhập vào Việt Nam, theo đó, tự do sinh hoạt tính dục là một ưu tiên. Không ít ứng sinh linh mục và tu sĩ mang theo những luồng tư tưởng này khi vào chủng viện hay nhà dòng. Giới răn, luật lệ bị bỏ ngoài tai, coi như không hợp thời, các cha giáo nói đến những luật lệ sẽ bị coi là lạc hậu. Việc huấn luyện không thể dựa trên luật lệ chế tài, nhưng phải có khả năng đi vào chiều sâu của não trạng và khai sáng các tư tưởng lệch lạc.[21]

- Kế đến là lối sống vì tiền. Làm giàu luôn là lý tưởng của người trẻ. Lý tưởng này dần dần trở thành một sức mạnh mãnh liệt đến độ biến thành giá trị nền tảng, tiêu chuẩn cho mọi quyết định và lựa chọn.[22]

- Còn về gương xấu của linh mục, tu sĩ như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói ở trên thì không phải không có ở Việt Nam.

Quả thật, khi nhìn vào những nguyên nhân làm giảm sút ơn gọi, chúng ta thấy sứ vụ đào tạo linh mục tương lai ngày càng khó khăn và cấp thiết hơn.

3. Linh mục và sứ vụ đào tạo linh mục tương lai

Việc đào tạo linh mục tương lai là việc vô cùng quan trọng[23] nên tất cả mọi thành phần trong Giáo hội, không loại trừ một ai, đều nhận được ân sủng và đều mang lấy trách nhiệm chăm lo cho các ơn gọi.[24] Trong đó, “vị đại diện đầu tiên của Đức Kitô trong việc đào tạo linh mục, chính là giám mục”[25], và ngài “được mời gọi đích thân đảm nhận trách nhiệm ấy, ngay cả khi ngài có thể và phải kêu gọi nhiều người cộng tác với mình”.[26] Những người mà giám mục có thể cậy dựa và mời gọi cộng tác, trên tất cả, đó là linh mục đoàn.

Mọi linh mục trong linh mục đoàn đều liên đới với nhau và đồng trách nhiệm với nhau trong việc mưu cầu và thăng tiến các ơn gọi linh mục.[27] Và đó là “một bổn phận bắt nguồn từ chính sứ vụ linh mục”.[28]

a. Trong chức vụ ngôn sứ

Linh mục thi hành sứ vụ đào tạo linh mục tương lai bằng cách rao giảng về sự cao quý và cần thiết của chức linh mục cho dân Chúa. Công đồng Vatican II nói rõ: “Trong các bài giảng, trong giờ giáo lý, hay trong sách báo, các linh mục cần phải nêu rõ những nhu cầu của Giáo hội địa phương cũng như của Giáo hội toàn cầu, phải trình bày cách sống động ý nghĩa và sự cao quý của tác vụ linh mục, một tác vụ với những trọng trách nặng nề nhưng đồng thời cũng tràn đầy niềm vui, và hơn nữa, như các giáo phụ dạy, đó là tác vụ nói lên bằng chứng cao cả nhất về tình yêu đối với Đức Kitô”.[29]

Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi các linh mục: “Hãy can đảm đề cập đến đời sống linh mục như là một giá trị vô song và như là một hình thức sống đời sống Kitô hữu rạng rỡ và ưu việt. Đừng ngần ngại đề xuất một cách minh bạch và mạnh mẽ ơn gọi linh mục cho những người trẻ có tài năng và có đức tính xứng hợp. Làm như vậy không có nghĩa là hạn chế tự do của họ, ngược lại, đó là một sự đề xuất chính xác, được thực hiện đúng lúc, có thể có giá trị định đoạt, để rồi khơi dậy nơi những trẻ một sự đáp trả tự do và chính hiệu”.[30]

Có thể nói như thánh Phaolô, “hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ kinh nghiệm: có khi ngài đề nghị với các bạn trẻ bước theo ơn gọi linh mục, và họ hóm hỉnh trả lời: “Không, chắc là con sẽ không theo con đường ấy đâu!”. Thế mà, mấy năm sau, có vài người trong số họ lại vào chủng viện.[31]

b. Trong chức vụ vương đế

Linh mục thi hành sứ vụ đào tạo linh mục tương lai bằng chính chứng tá đời sống đức tin của mình. Thật vậy, Bộ Giáo sĩ trong Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục đã viết: “Chính ý thức sâu xa về căn tính của mình, sự nhất quán trong đời sống, niềm vui trong sáng và nhiệt tình truyền giáo của các linh mục tạo nên bao yếu tố hết sức cần thiết trong việc mục vụ ơn gọi,… biểu hiện vui tươi gắn bó với mầu nhiệm Chúa Kitô, thái độ cầu nguyện, sự chu đáo và sốt sắng của linh mục khi cử hành bí tích thánh thể và các bí tích, sẽ tỏa chiếu ánh sáng và thu hút giới trẻ”.[32]

Thánh tử đạo Phêrô Hoàng Khanh (1780-1842) là tấm gương sáng ngời về việc nuôi trồng ơn gọi linh mục. Gương chứng tá của ngài được lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi lại như sau:

“Cha Khanh sau khi đã lãnh sứ vụ linh mục, nhìn thấy rõ hơn cánh đồng Việt Nam bát ngát còn thiếu thợ gặt, biết bao tín hữu cần người săn sóc rao giảng Tin mừng cứu độ. Cha thấy rõ số thừa sai và linh mục bạn nằm xuống trong cuộc bách hại, việc truyền giáo cần những bàn tay kế thừa và phát triển. Do đó, tuy bận rộn với việc mục vụ, cha vẫn đầu tư mọi khả năng của mình vào việc đào tạo linh mục tương lại.

Theo sự điều động của giáo phận, cha phục vụ tại nhiều nơi… Nhưng bất cứ ở nhiệm sở nào, bất cứ lúc nào, nhà xứ cha ở cũng là một tiểu chủng viện thu hẹp. Cha nuôi một số thiếu niên, dạy giáo lý, hướng dẫn và gợi lên trong các em nhiệt tâm tông đồ. Với tình yêu của người cha, với sự thận trọng tinh tế của một nghệ sĩ, cha chú tâm vào việc đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai trong Giáo hội.

Bên cạnh những bài học và lời giáo huấn, chính đời sống cha là một gương sống động cho họ, khi cha dâng lễ, mọi người như gặp gỡ được Thiên Chúa. Khi cha giảng, mọi người đều thấy sốt sắng thêm lên. Không bao giờ cha ngại ngùng với bất cứ điều gì vì ích lợi các linh hồn, cha vui vẻ chu toàn các công tác không một lời ta thán. Giữa đêm khuya, nếu có ai gọi đi giúp bệnh nhân, sẽ thấy cha nhanh nhẹn đến mức nào.

Trong một giai đoạn lịch sử khó khăn, việc đào tạo phải thực hiện cách lén lút và riêng tư từng người một, thì con số 40 chủng sinh, 8 linh mục mà cha đào tạo được, quả là con số đáng kể so với 22 năm cuộc đời linh mục của cha, quả là bó lúa vàng nặng trĩu mà cha đóng góp cho Giáo hội Việt Nam”.[33]

Quả thật, đời sống các linh mục: lòng tận tụy tuyệt đối của các ngài dành cho dân Thiên Chúa; việc các ngài làm chứng bằng cách phục vụ Chúa và Giáo hội trong tình yêu; sự hoà hợp huynh đệ giữa các ngài; và nhiệt tâm của các ngài trong việc rao giảng Tin mừng cho thế giới, đó là những yếu tố có tính thuyết phục nhất cho ơn gọi linh mục.[34]

Đặc biệt, “các linh mục cao niên và đau yếu là một chứng tá sống động cho cộng đoàn tín hữu và linh mục đoàn, đồng thời là một dấu chỉ hữu hiệu và hùng hồn của một cuộc đời dâng hiến cho Chúa”.[35]

c. Trong chức vụ tư tế

Linh mục cần cầu nguyện và tâm niệm mỗi ngày lời mời gọi bức bách và khẩn thiết của Chúa Giêsu, “Anh em hãy xin với Chủ mùa gặt để Người sai thợ đến gặt lúa về” (Mt 9,38). Ơn gọi linh mục không chỉ là nỗ lực của con người, mà còn là ân ban của Thiên Chúa (x. Gr 3,15).[36] Ý thức được thân phận và khả năng hèn kém của mình: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), người linh mục cần cầu nguyện và cậy dựa vào Chúa. “Chính cầu nguyện ‘tạo ra’ vị linh mục, đặc biệt là mục tử. Và đồng thời, mỗi linh mục ‘tự tạo ra’ chính mình nhờ vào cầu nguyện”.[37] Do đó, trong sứ vụ đào tạo linh mục tương lai, đời sống cầu nguyện chính là yếu tố cốt yếu để tạo ra sức thuyết phục của lời loan báo và sức cuốn hút của đời sống chứng tá.

Trong thực hành, ý thức được sức mạnh của lời cầu nguyện, linh mục cần kêu gọi mọi người, cùng với mình, cầu nguyện cho ơn gọi. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Chẳng những từng người, nhưng là toàn thể các cộng đoàn Giáo hội cần phải thực hành việc cầu nguyện vì đó là điểm tựa, là giá nâng đỡ của mọi nền mục vụ các ơn gọi”.[38]

Quả thật, sứ vụ đào tạo linh mục tương lai là sứ vụ quan trọng. Hơn bao giờ hết, sứ vụ này đang gặp phải rất nhiều khó khăn và đang giảm sút. Thế nhưng, chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng vì niềm tin chúng ta đặt nơi Chúa – Đấng đã tuyển chọn và sai chúng ta đi, hãy vâng lời Người mà “thả lưới” và “lưới sẽ đầy” (x. Lc 5,5).[39]

4. Vấn tâm

“Mỗi linh mục phải tìm thấy và chuẩn bị nơi mình một người kế vị".[40] Đó là truyền thống tốt đẹp và cũng là lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Piô XII trong Tông huấn Menti Nostrae vào năm 1950. Và gần đây, trong cuốn “Chỉ nam hướng dẫn thừa tác vụ và đời sống linh mục năm 2013” của Bộ Giáo sĩ cũng viết: “Mỗi linh mục, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, phải lo khơi dậy ít nữa là một ơn gọi linh mục, nhằm có thể tiếp nối tác vụ của mình để phục vụ Thiên Chúa và mưu ích cho nhân loại”.[41] Chúng ta có ý thức, sống chứng tá, và nhiệt tâm đủ trong việc tìm kiếm và đào tạo ơn gọi linh mục cho Giáo hội?

- Tông huấn về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay (Pastores Dabo Vobis) viết: “Việc cầu nguyện cho ơn gọi linh mục phải càng ngày càng trở thành một tập quán trường kỳ[42] và rộng khắp của toàn thể cộng đoàn kitô hữu và toàn thể Giáo hội”.[43] Chúng ta có cầu nguyện và quan tâm tổ chức để việc cầu nguyện cho ơn gọi trở thành một tập quán trường kỳ và rộng khắp trong cộng đoàn và giáo xứ chúng ta coi sóc không?

- Thánh Giuse là người bảo vệ Chúa Giêsu và Giáo hội, ngài cũng là người bảo vệ các ơn gọi. Sách Tin mừng cho chúng ta biết “thánh Giuse đã trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14); điều này cho thấy thánh Giuse không lãng phí thời gian để lăn tăn về những điều ngài không thể kiểm soát, nhưng đã dành toàn bộ sự quan tâm cho những người được giao phó cho ngài. Sự quan tâm chu đáo ấy là dấu chỉ của một ơn gọi đích thực, là chứng từ của một đời sống được đánh động bởi tình yêu Thiên Chúa.[44] Chúng ta có dành toàn bộ sự quan tâm để bảo vệ những người được giao phó cho chúng ta trước những đợt tấn công ngày đêm của ma quỷ và các trào lưu thế tục hóa hiện nay không?

Bài suy niệm tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường tháng 5/2021

 



[1] x. Đức Hồng y Francois Marty, Bài giảng lễ Phong chức linh mục tại nhà thờ Notre Dame de Paris, ngày 24/6/1978

[2] Công đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Chức Vụ Và Ðời Sống Các Linh Mục - Presbyterorum Ordinis, số 10-11

[3] x. Sđd, số 11

[4] Lịch sử Nhà Tần (Trung Hoa) là một ví dụ. Tần Thủy Hoàng tài giỏi tiêu diệt các nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa, trở thành vị hoàng đế đầu tiên. Nhưng Tần Thủy Hoàng đã có những bước đi sai lầm trong việc giáo dục trong nước, cũng như giáo dục con cái. Ông đã thực hiện chủ trương “đốt sách chôn nho”, tiêu diệt giới trí thức. Đến thời con của ông là Tần Nhị Thế cai trị thì đất nước dần dần suy yếu. Và đến thời cháu của ông là Tần Tử Anh cai trị được 46 ngày thì mất nước. Triều đại nhà Tần chỉ kéo dài được 13 năm. Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/tanthuyhoang và https://vi.wikipedia.org/wiki/NhaTantruy cập ngày 27.4.2021

[5] Bảo Anh, Con trai đại gia: Trộm 250 lượng vàng, cá độ và dính vào lao lý, tại https://dantri.com.vn/kinh-doanh/con-trai-dai-gia-trom-250-luong-vang-ca-do-va-dinh-vao-lao-ly-20210110065241210.htmtruy cập ngày 27.4.2021

[6] Từ gốc là “Transmission”

[8] Theo lối nói của triết gia Hannah Arendt (1906-1975)

[9] x. Giáo sư Jacques Arènes, Phân khoa: Khoa học xã hội và kinh tế, Đại học Công giáo Paris, Bài thuyết trình: “Vấn đề truyền thụ ngày nay”, Hội thảo các nhà đào tạo linh mục năm 2018, chuyển ngữ: Linh mục Phêrô Trần Ngọc Anh.

[10] The Collapse of education is the collapse of nation, tại https://steemit.com/nelsonmandela/@deepti/the-collapse-of-education-is-the-collapse-of-nation-356f2e272ad73truy cập ngày 27.4.2021

[11] Chân phước Antonio Rosmini nêu ra năm vết thương của Giáo hội; ngài nêu ra những vấn đề rất nóng bỏng phản ánh Giáo hội trong thời của ngài vào cuối thế kỷ 19. Vết thương thứ nhất nơi tay trái là hố ngăn cách giữa giáo dân và giáo sĩ trong việc cử hành phụng thờ chung; vết thương thứ hai nơi tay phải là sự đào tạo yếu kém của hàng giáo sĩ; vết thương thứ ba nơi cạnh sườn là sự chia rẽ giữa các giám mục; vết thương thứ tư nơi chân phải là việc bổ nhiệm giám mục nằm trong tay chính quyền dân sự; vết thương thứ năm nơi chân trái là sự hạn chế việc sử dụng tài sản của Giáo hội. Xem tại  https://rosminipublications.com/wp-content/uploads/2018/10/The-Five-Wounds-of-Holy-Church.pdftruy cập ngày 27.4.2021

[12] Chính Chúa Kitô đã muốn cho việc thi hành tác vụ linh mục gắn liền với việc phát triển đoàn dân Chúa. Điều này thấy rõ trong lời Chúa phán khi đặt các tông đồ cũng như những người kế vị và cộng tác với các ngài, làm sứ giả Tin mừng, làm thủ lãnh đoàn dân ưu tuyển mới được thành lập, và làm quản lý phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa. Hơn nữa những ngôn từ của các giáo phụ, các thánh, và những tài liệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của các Đức Giáo hoàng đều xác quyết như thế; x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đào tạo linh mục - Optatam Totius.

[13] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đào tạo linh mục - Optatam Totius, phần mở đầu.

[14] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 65

[15] Trần Đức Anh, OP, Nhiều dòng nữ ở Mỹ chuẩn bị cáo chung, tại https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2018-10/nhieu-dong-nu-o-my-chuan-bi-cao-chung.htmltruy cập ngày 27.4.2021

[16] Vatican statistics show decline in number of consecrated men and women, https://www.globalsistersreport.org/news/religious-life/vatican-statistics-show-decline-number-consecrated-men-womentruy cập ngày 27.4.2021

[17] Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, Việc huấn luyện chủng sinh tại Việt Nam trước hiện tượng tục hóa, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/viec-huan-luyen-chung-sinh-tai-viet-nam-truoc-hien-tuong-tuc-hoa-40425truy cập ngày 29.4.2021

[18] Gauthier Vaillant and Julien Tranié, France: Fewer priests ordained in 2018, tại https://international.la-croix.com/news/religion/france-fewer-priests-ordained-in-2018/7970truy cập ngày 29.4.2021

[19] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn cho Bộ Đời sống Thánh hiến, ngày 28/01/2017, tại https://press.vatican.vatruy cập ngày 29.4.2021, được dịch bởi Sr. Mary Bernadette, đăng tại http://gpbuichu.org/news/DONG-TU-50/nguyen-nhan-cua-suj-giam-sut-on-goi-9845.htmltruy cập ngày 29.4.2021

[20] Sexually oriented society

[21] x. Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, Việc huấn luyện chủng sinh tại Việt Nam trước hiện tượng tục hóa, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/viec-huan-luyen-chung-sinh-tai-viet-nam-truoc-hien-tuong-tuc-hoa-40425truy cập ngày 29.4.2021

[22] x. Sđd.

[23] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đào tạo linh mục - Optatam Totius, phần mở đầu.

[24] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay - Pastores Dabo Vobis, số 41

[25] Sđd, số 65

[26] Sđd, số 41

[27] Sđd, số 41

[28] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục - Presbyterorum ordinis, số 11

[29] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục - Presbyterorum ordinis, số 11

[30] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay - Pastores Dabo Vobis, số 39

[31] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 275

[32] Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013, số 43.

[33] Linh mục Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu, Uống nước nhớ nguồn – 117 thánh tử đạo Việt Nam, thánh Phêrô Khanh, xem tại https://hddmvn.net/tusach/tusach/117tdvn/khanh-lm.htmtruy cập ngày 29.4.2021

[34] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 41

[35] Bộ Giáo sĩ, Chỉ nam cho việc đào tạo linh mục năm 2016 – Hồng ân ơn gọi linh mục, số 85

[36] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 38

[37] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn kỷ niệm 30 năm sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, ngày 27 tháng 10 năm 1995, số 5, trích trong Thierry Marie Courau, Đào tạo các linh mục tương lai để tái rao giảng Tin mừng trong bối cảnh “thế tục hóa” tại Việt Nam.

[38] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 38

[39] x. Đức Giáo hoàng, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 274

[40] Đức Giáo hoàng Piô XII, Tông huấn “Nghĩ về hàng giáo sĩ trên thế giới - Menti Nostrae”, ngày 23/9/1950, số 76

[41] Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam hướng dẫn thừa tác vụ và đời sống linh mục năm 2013, số 43

[42] Truyền thống thường dùng ngày thứ Năm hàng tuần để cầu nguyện cho ơn gọi.

[43] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 38

[44] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm 2021, tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/su-diep-dtc-phanxico-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi.html, truy cập ngày 29.4.2021

Nguồn tin: hdgmvietnam.com
Tags :