Góc Nhìn Về Việc Phân Định Ơn Gọi Qua Phỏng Vấn Và Các Trắc Nghiệm Tâm Lý

Mon,22/02/2021
Lượt xem: 2281

GÓC NHÌN VỀ VIỆC PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI QUA PHỎNG VẤN VÀ CÁC TRẮC NGHIỆM TÂM LÝ VỚI CÁC ỨNG SINH CHỦNG SINH GIÁO PHẬN TRONG GIAI ĐOẠN DỰ TU

Lm. Giuse Trần Hoàng Quân

MỤC LỤC

I. KHAI TRIỂN

1. Người làm phân định và ứng sinh trong tương quan tin tưởng, chân thành và cởi mở

2. Lắng nghe “đủ sâu” về câu chuyện cuộc đời ứng sinh và những biến cố “đáng lưu tâm” trên hành trình thăm dò bản thân ứng sinh trước tiếng gọi của Chúa.

3. Những hỗ trợ của các bài kiểm tra tâm lý - công cụ hữu hiệu giúp tiếp cận người ứng sinh trong những tương quan đa dạng và giúp họ hiểu biết chính mình

II. CÁC BÀI KIỂM TRA HIỆU QUẢ ĐI KÈM VỚI PHỎNG VẤN – LƯỢNG GIÁ CÁ TÍNH VÀ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI

1. Bản câu hỏi tự đánh giá MMPI-2

2. Trắc nghiệm phóng chiếu TAT

3. Trắc nghiệm vết mực loang (Test Rorschach)

4. Trắc nghiệm viết tiếp để hoàn thành những câu được gợi ý còn bỏ trống

III. CÁC BÀI KIỂM TRA BỔ TRỢ

1. Trắc nghiệm MBTI

2. Đánh giá trí thông minh cảm xúc (EQ)

3. Trắc nghiệm trí tuệ Raven (IQ):

IV. KẾT LUẬN

 

Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI từng viết: “Ơn gọi là một ân sủng. Tự bản chất nó giả định và đòi hỏi phải có một lời gọi – từ Chúa Cha qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Lời mời gọi tuyệt vời: Hãy đến! Đây là một hồng ân tự nó có sức thu hút, thuyết phục vững chắc. Về cơ bản, nó chỉ là vấn đề của trải nghiệm và sau đó chấp nhận nó một cách rộng mở”[1].

Trong thời Đức thánh cha Phanxicô, ngài đã nhiều lần nêu bật vai trò quan trọng của việc tuyển chọn, giáo dục, huấn luyện và đồng hành với người trẻ, nhất là với những người trẻ trong đời sống ơn gọi thánh hiến. Làm sao để mỗi thành phần trong Giáo hội (bất kể họ là ai) xác tín nơi con người sống đời thánh hiến sức mạnh của ơn Chúa kêu gọi trong lòng thế giới hôm nay khi có những con người “say mê Chúa Giêsu Kitô” – và nếu không có sự say mê ấy chắc chắn sẽ không có tương lai cho đời sống ơn gọi tu trì. Và sự say mê ấy cũng đồng thời dẫn con người ta đến việc phục vụ dân thánh của Thiên Chúa qua Giáo hội[2]. Đó cũng là mục đích của tiến trình đào tạo linh mục. Thiết tưởng những lưu ý của vị cha chung với những người làm công việc đào tạo ở giai đoạn khởi đầu hành trình ơn gọi cũng cần đặc biệt lưu tâm.

Vì nhằm đào tạo những mục tử ưu tuyển cho Hội Thánh, nên cần thận trọng ngay từ giai đoạn tuyển chọn ứng sinh. Đức thánh cha Phanxicô nhấn mạnh rằng: “Cần xét xem người này có ở gần Chúa không, có là người lành mạnh không, quân bình không, có khả năng trao hiến cuộc đời và loan báo Tin Mừng không, có khả năng đào tạo một gia đình và đồng thời từ chối đời sống gia đình để theo Chúa Giêsu không. Ngày nay chúng ta có rất nhiều vấn đề, trong nhiều giáo phận, vì một vài giám mục đã sai lầm khi nhận những người đã bị các chủng viện khác hay hội dòng khác trục xuất, với lý do đang thiếu linh mục. Làm ơn ! xin đừng làm như thế ! Chúng ta phải nghĩ tới thiện ích của Dân Chúa”[3].

Trong bài thuyết trình ở cuộc họp thượng đỉnh ngày 21-24/ 2/2019 với ĐTC Phanxicô, Đức TGM Scicluna nói rằng mặc dù tình trạng thiếu linh mục tại một số nơi trên thế giới, hoặc cả tại những nơi dồi dào ơn gọi, vấn đề thanh lọc ứng sinh linh mục vẫn là điều thiết yếu. Các văn kiện gần đây của Bộ Giáo sĩ về các chương trình huấn luyện nhân bản phải được nghiên cứu và áp dụng kỹ lưỡng[4].

Về công việc phân định, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, chiếm nhiều thời gian khi thăm dò nhằm biết sự thật về con người ứng sinh trong hành trình ơn gọi của họ. Bộ Giáo sĩ trong Ratio 2016 cũng ghi nhận rằng: “Đóng góp của các ngành tâm lý học, nói chung, đã đem lại một sự trợ giúp đáng kể cho nhà đào tạo, mà phân định ơn gọi là một trong những trách nhiệm của họ. Sự đóng góp có tính khoa học này giúp hiểu rõ hơn tính tình và nhân cách của ứng sinh và giúp thích nghi hơn công tác đào tạo với những điều kiện của mỗi người”[5].

Nhìn chung, số lượng ơn gọi ở Việt Nam, cụ thể ơn gọi của các Giáo phận tuy còn nhiều, nhưng thực tế cho thấy, đã có những dấu hiệu suy giảm và các ứng sinh thường đến từ các vùng ngoại ô của thành phố. Nhưng không vì thế mà nhà đào tạo xem nhẹ tính chất lượng của việc tuyển chọn ban đầu. Nghĩa là chú ý đến việc phân định ơn gọi cách nghiêm túc. Bộ Giáo sĩ lưu ý rằng: “Trong giai đoạn khởi đầu trước khi có quyết định nhận vào Đại chủng viện, nên thẩm định tâm lý khi tuyển sinh vào chủng viện và, nếu các nhà đào tạo xét thấy cần thiết, cũng nên làm tiếp sau đó”[6].

Trong khuôn khổ bài viết, người viết xin suy tư và nêu ra những phương thế thực hành từ góc nhìn về việc phân định ơn gọi, cách cụ thể qua việc phỏng vấn và các trắc nghiệm tâm lý với các ứng sinh chủng sinh giáo phận trong giai đoạn dự tu (hoặc trước khi nhận ứng sinh dự tu trong những trường hợp ngoại lệ, vd: lớn tuổi một chút; đã có trình độ học vấn Đại học, đã ổn định nghề nghiệp sinh sống...). Việc phân định này cũng bao hàm những bước tiếp theo không thể bỏ qua, đó là để giáo dục, huấn luyện và đồng hành với ứng sinh trong giai đoạn khởi đầu của ơn gọi. Và như thế, việc xây dựng một tương quan tin tưởng, chân thành và cởi mở giữa người làm phân định và ứng sinh là bước đầu tiên cần nhắm tới. Kế đến, người làm phân định cần có khả năng lắng nghe “đủ sâu” về câu chuyện cuộc đời ứng sinh và những biến cố “đáng lưu tâm” trên hành trình thăm dò bản thân ứng sinh trước tiếng gọi của Chúa. Và cuối cùng, chúng ta cũng cần có những công cụ hỗ trợ, thăm dò con người ứng sinh qua các bài kiểm tra tâm lý – là những công cụ hữu hiệu giúp hiểu người ứng sinh trong những tương quan đa dạng của họ với Chúa, với chính mình, với anh chị em và với thế giới.

I. KHAI TRIỂN

1. Người làm phân định và ứng sinh trong tương quan tin tưởng, chân thành và cởi mở

Giúp một con người khám phá sự thật của chính mình, khám phá chiều sâu khôn dò của bản thân là công việc tỉ mỉ, nghiêm túc, đòi hỏi sự nỗ lực đồng thời từ người ứng sinh lẫn người phân định, mặc dầu nhiều khi người ứng sinh không ý thức về sự thật về chính mình. Trong con người ta có một vài khía cạnh mà chúng ta không biết trên bình diện ý thức, cũng như vô thức[7], nên đây là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chiếm nhiều thời gian của những người dấn thân (cụ thể những ai làm công việc phân định và đồng hành) với ứng sinh trong ban mục vụ ơn gọi.


Hình ảnh: mvvcoaching.edu.vn 

Theo cái nhìn từ “cửa sổ Johari”[8] rất cần sự đối thoại cởi mở chân thành để người ứng sinh hiểu biết thêm về “ô mù” và “ô đóng” (những gì thuộc vô thức) và can đảm đối diện những gì thuộc “ô ẩn” với sự quan tâm nghiêm túc về chính mình, biết yêu mình cách lành mạnh. Dưới đây, chúng ta xem xét tầm quan trọng của tương quan giữa người làm phân định và ứng sinh.

Khi tham gia vào việc phân định ơn gọi và thẩm định tâm lý, điều quan trọng trước tiên là giúp ứng sinh nhìn nhận như người hưởng lợi trước tiên của công việc quan trọng này. Người ứng sinh là hạt nhân của cả quá trình thẩm định tâm lý, việc can thiệp có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ được thiết lập và phát triển giữa nhà tâm lý/ người làm phân định và ứng sinh. Thẩm định tâm lý phải được quyết định và thực hiện vì ứng sinh và cùng với ứng sinh. Vì sao ứng sinh cần phải là người được hưởng lợi trước tiên của thẩm định tâm lý? Bởi chính ứng sinh là người trải qua công việc phân định này. Tiếp đó, những kết quả của thăm khám được thông báo cho ứng sinh sẽ kích thích khả năng tự tìm hiểu bản thân của anh ta, và khiến anh ta trở nên có trách nhiệm với chính mình[9]. Vì thế, người ta không thể quan niệm việc phân định ơn gọi và thẩm định tâm lý nhằm hướng đến đào tạo mà không tạo được trước đó sự gần gũi cá nhân trong tương quan đủ tín nhiệm. Nên nhà đào tạo phải là những con người biết phân định, đạo đức và hết sức kiên nhẫn[10].

Thiết tưởng ở đây cũng cần lưu tâm điểm nhấn mà Đức Hồng Y Stella nhắc đến khi ngài giới thiệu Ratio Fundamentalis Institutionis sacerdotalis 2016 với một trong ba từ khóa: phân định (bên cạnh hai từ khác: nhân bản và thiêng liêng). Thách đố lớn liên quan đến ưu tư của ĐTC Phanxicô: thách đố đào tạo những linh mục “sáng suốt trong phân định[11]”. Và để trở nên người mục tử tương lai khôn ngoan trong phân định thì ngay trong giai đoạn khởi đầu của tiến trình đào tạo, người ứng sinh cần đủ can đảm để dấn mình vào một tương quan cách cởi mở với người làm công tác phân định. Người ứng sinh được khuyến khích kể câu chuyện cuộc đời mình như nó “là” chứ không theo cách “có vẻ là”. Người ứng sinh cần hiểu mục đích cuộc gặp gỡ phân định là để giúp cho họ hiểu biết hơn về cuộc đời mình cách khách quan với ngôn ngữ đối thoại, tôn trọng và không nệ hình thức (xem nhẹ công việc phân định hoặc quá phòng vệ). Và như thế, việc tạo nên môi trường thuận lợi cho việc gặp gỡ là điều hết sức cần thiết. Đó chính là sự thích hợp của không gian chia sẻ; ngôn ngữ đối thoại với những lối tiếp cận hiệu quả với ứng sinh; bầu khí gặp gỡ; ý hướng muốn giúp đỡ người ứng sinh.

Trước hết về không gian chia sẻ, cần có sự chuẩn bị không gian chia sẻ ấm cúng và kín đáo đủ, để những con người khi đến cảm thấy dễ tập trung vào công việc phân định, bớt đi những tình huống “chia trí” không đáng có, ví dụ: ánh sáng đủ (mà không quá chói); ghế ngồi thoải mái cho cuộc gặp lâu giờ; vị trí bàn làm việc và khoảng cách thích hợp giữa người làm phân định và ứng sinh (không quá gần và cũng không quá xa hoặc nhìn về hướng khác nhau).

Kế đến, bầu khí gặp gỡ đón tiếp cũng cần được lưu ý nơi những buổi làm việc. Sự thân tình và cởi mở trong đón tiếp sẽ tạo thuận lợi cho những câu chuyện sẽ kể đi vào tính chiều sâu nội dung của nó. Kinh nghiệm cho thấy, khi thiếu sự đón tiếp thân tình ban đầu, người ứng sinh sẽ dễ tăng “phản ứng phòng vệ” đi kèm với những cảm xúc không mong muốn (ví dụ như lo âu, sợ hãi, né tránh, kể quanh co,…).

Khả năng tập trung và kỹ năng lắng nghe sâu nơi người phân định sẽ giúp gợi mở câu chuyện ngày càng cụ thể và rõ ràng nơi người ứng sinh. Những nội dung kể câu chuyện cuộc đời mình với những tình tiết được phản hồi lại (feedback) sẽ gia tăng sự tin tưởng của ứng sinh, vì họ biết rằng: bản thân họ đang được lắng nghe và họ đang đối diện với chính mình.

Xuyên qua việc trao đổi trực tiếp, người làm phân định, một mặt sẽ nhận biết cách dần dần rõ ràng về những gì người ứng sinh “nói / kể”, nghĩa là người ứng sinh nói họ sống cho điều gì? Họ tìm kiếm điều gì? Về những gì họ tìm kiếm có thể là những giá trị siêu việt (vd: lòng tin, lời khuyên Phúc Âm, nhân đức, cầu nguyện, lãnh nhận bí tích…), cũng có khi là những ước muốn sống điều bản thân ước mong, những giá trị tự nhiên cùng những nhu cầu (vd: ăn uống ngủ nghỉ, sức khỏe, học hành, tình bạn, …); mặt khác, người làm phân định sẽ hiểu biết về kinh nghiệm thực tế người ứng sinh đã sống ra sao với những gì họ “nói/kể”. Ở đây, người ứng sinh sẽ cho những ví dụ rất cụ thể với kinh nghiệm sống riêng của mình mà không mơ hồ, hợp lý hóa hoặc trừu tượng hóa những gì trình bày.

Những câu hỏi cần tìm hiểu nơi người ứng sinh là : người ứng sinh thực sự sống để làm gì? Điều gì quan trọng với họ? Những gì họ thực sự tìm kiếm? Ở đây, người làm phân định phân tích mối liên hệ giữa các giá trị được công bố và các giá trị sống, đó là cách mà người ứng sinh sống cách cụ thể những giá trị trong đời sống hằng ngày. Đâu là giá trị phổ biến nơi con người ứng sinh?

Và cuối cùng, cần nhận ra nơi con người thực của ứng sinh (cái tôi thực) có nguồn gốc từ Chúa Kitô như là động lực chính hay không? Qua đó sẽ thấy ứng sinh tiềm năng cho đời sống ơn gọi linh mục sẽ ở trong cuộc đối thoại cầu nguyện với Thiên Chúa và với Giáo hội trong sự phân định ơn gọi mỗi ngày của họ.

Chìa khóa cho mối quan hệ hợp tác giữa người làm phân định và ứng sinh là phát hiện ra những động lực thúc đẩy mà chúng vượt qua sự hấp dẫn mang tính con người trong chức linh mục Công giáo (phục vụ những người khác) nơi bản thân ứng sinh. Đối với người có ơn gọi thực sự, cần phải có những động lực sâu xa, tận gốc, một động lực đan xen, tạo thành một động lực cốt lõi trong cuộc sống của người đó. Ngoài động lực mong muốn phục vụ người khác, cũng cần kể đến những động lực vang vọng khác chẳng hạn qua các dấu chỉ như: một tình yêu cho Bí tích Thánh Thể; một khao khát để phân phát các bí tích cho dân Chúa; một sự khao khát để xây dựng Giáo hội, và thúc đẩy sự gắn kết của sự hiệp thông giáo hội sâu sắc, đặc biệt là trong sự năng động của đời sống giáo xứ; một nỗ lực để trở thành một người lãnh đạo khiêm hạ và người cha thiêng liêng cho anh chị em trong đức tin; một lòng nhiệt thành để sống với những kết quả tối hậu của nó: một kinh nghiệm sâu xa về tình huynh đệ Kitô giáo[12]. Những lưu ý của cha Cencini về việc khám phá bản thân có tầm mức rất quan trọng trong tiến trình giáo dục, huấn luyện và đồng hành với ứng sinh ở giai đoạn đầu để nhận ra những xung đột căn bản nơi chính mình, biết mặt yếu nhất của bản thân mình, tự biết mình và biết mặt nào của nhân bản mình cần phải làm việc. Cha Cencini nhấn mạnh: “Việc huấn luyện có ích gì nếu trước hết không giúp cho con người tự biết mình, biết trong lòng mình có những gì để tự giải thoát? Thiếu điều tiên quyết này, tất cả nội dung huấn luyện đã đề ra sẽ đến với một người cõi lòng còn ngổn ngang đủ thứ mà chính người ấy cũng chẳng biết. Và nếu không biết thì làm sao mà thoát ra được? Như thế nội dung huấn luyện không thể ăn rễ sâu vào người ấy, và vì vậy tất cả những gì đề nghị với họ sẽ tỏ ra vô ích”.[13]

2. Lắng nghe “đủ sâu” về câu chuyện cuộc đời ứng sinh và những biến cố “đáng lưu tâm” trên hành trình thăm dò bản thân ứng sinh trước tiếng gọi của Chúa.

Ở giai đoạn khởi đầu cho tiến trình tiệm tiến của việc đào tạo, người làm phân định cần quan sát nơi ứng sinh ý hướng ngay lành và một sự thích hợp với đời sống ơn gọi linh mục giáo phận. Với ý hướng ngay lành, người ứng sinh sẽ tiến bước trên hành trình thực sự nhận ra và thanh tẩy những động lực ý thức và vô thức của bản thân ứng sinh mà lắm khi chúng chi phối bên dưới những trăn trở, kinh nghiệm, quyết định và chọn lựa hành động của ứng sinh. Sự thích hợp được diễn tả trong đời sống ứng sinh qua những dấu chỉ cụ thể như có thể thấy nơi người ứng sinh: sự nhiệt tình, sự nỗ lực (cố gắng) hoán cải bản thân, sự dễ uốn nắn, sức bền bỉ và khả năng thăng tiến trong những tương quan liên vị đa dạng.

Khi lắng nghe “đủ sâu” về câu chuyện cuộc đời ứng sinh và đọc lại những biến cố “đáng lưu tâm” trên hành trình thăm dò bản thân ứng sinh trước tiếng gọi của Chúa (vd: qua bài viết của ứng sinh về “những dấu nhấn trên hành trình nhận ra tiếng gọi” người làm phân định có thể nhận ra phần nào triển vọng ơn gọi của người ứng sinh trên hành trình tìm hiểu ơn gọi. Trước hết, cần xác định nơi câu chuyện cuộc đời của người ứng sinh có hay không sự bất nhất cốt lõi trong chính đời sống; Theo cha Cencini, sự bất nhất (incoherence = sự bất nhất, nghĩa là không tập trung, không đồng nhất) đảo lộn mối liên hệ, cho dù là liên hệ bạn bè, liên hệ gia đình, trong một cộng đoàn tu sĩ hay là kể cả tương quan với Thiên Chúa và với Lời Chúa, cho nên nó làm lộn xộn việc tông đồ, mặc dầu chúng ta không ý thức và chúng ta cho rằng đó là lỗi của cả thế giới và của sự tục hóa[14]. Kế đến, nơi câu chuyện về đời sống thực tế của ứng sinh, người làm phân định hiểu được nơi người ứng sinh ước muốn, sự hứng thú và khả năng phục vụ người khác ra sao; kinh nghiệm về chính Chúa và

tiếng gọi bước theo Người qua những ai đã sống ơn gọi linh mục hay tu sĩ; khả năng vui thích khi sống cộng đoàn và sự hấp dẫn trong sứ vụ của Giáo hội.

Đức Hồng Y Carlo Maria Martini nói khi bàn về khởi đầu cho một cuộc hành trình tâm linh thì việc trước tiên là cần biết rõ ràng về bản thân mình đang ở đâu. Đức Hồng Y nhấn mạnh sự kiện rằng chúng ta không biết rõ chính bản thân mình. Thực tế, có nhiều nhà đào tạo chưa biết rõ và sâu xa về ứng sinh và ngay cả bản thân ứng sinh cũng biết rất ít về chính mình. “Điều đầu tiên cần xem xét là chính bản thân của người trẻ, hoàn cảnh sống hiện nay của người ấy là gì? Bối cảnh lịch sử đức tin mà người ấy sống như thế nào? Người ấy tìm kiếm điều gì, động lực nào thúc đẩy cuộc tìm kiếm này, mức độ dễ bảo mà người ấy tỏ lộ ra, người ấy có loại khát khao nào?”[15].

Việc lưu ý đến sự dễ uốn nắn, “sự mềm dẻo” nơi đời sống nội tâm của ứng sinh cũng được nhìn trong chính dòng lịch sử gia đình mà ứng sinh thuộc về. Theo cái nhìn của cha Cencini, khi nói về “sự mềm dẻo” (docibilitas) cũng có nghĩa là người ứng sinh sẵn sàng tiếp xúc với thực tại và những người khác nói chung, để không ngừng học hỏi từ cuộc sống và từ mỗi người. Bấy giờ, việc huấn luyện trở nên giống như một “thói quen” gần gũi với người ứng sinh, và làm cho họ trẻ mãi. Có thể nói như thế này: Hễ ai đã biết học hỏi (và để cho mình được huấn luyện), kẻ ấy sẽ tiếp tục học hỏi qua mọi người và qua tất cả cuộc sống của mình. Trái lại, kẻ nào đã không “học hỏi” trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu, thì chẳng bao giờ học được gì, và sẽ không bao giờ học hỏi bất cứ điều gì nơi người khác và từ cuộc sống[16]. Ở điểm này, người ứng sinh được mời gọi kể lại câu chuyện cuộc đời mình và rút ra từ đó những kinh nghiệm mới mẻ cho việc hiểu biết bản thân hơn.

Ở đây khi có sự lưu tâm đến hoàn cảnh sống và bối cảnh lịch sử đức tin của người ứng sinh thì chúng ta cần kể đến mối liên hệ gia đình, cách ví von như “một chủng viện đầu tiên” mà nơi ấy, người ứng sinh được gieo mầm và được nuôi dưỡng ơn gọi ra sao. Cùng với gia đình và mở rộng ra, giáo xứ cũng được xem như “chủng viện đầu tiên” giúp khơi dậy và vun trồng những ơn gọi linh mục. Khủng hoảng ơn gọi linh mục hôm nay trước hết là do khủng hoảng về đời sống gia đình[17].

Với những mối liên hệ giữa ứng sinh và các thành viên khác trong gia đình, chúng ta có thể biết phần nào các tập quán thật sự của người ứng sinh qua lịch sử và gia đình của người ấy. Trong đó chúng ta cần tìm hiểu về phong cách sống của từng người cha, mẹ của ứng sinh; ký ức tuổi thơ ấu khi nghĩ và kể về cha mẹ; đâu là những gì người ứng sinh thích và không thích nơi cha mẹ mình; những gì mà người ứng sinh muốn được như cha mẹ; đời sống tương quan giữa các thành viên trong gia đình ra sao; việc giáo dục đức tin ra sao trong gia đình và bằng phương thế truyền đạt nào; cách hành xử của cha mẹ với nhau và với con cái; những giá trị nhân bản ưu tiên mà gia đình truyền đạt cho ứng sinh khi còn nhỏ cho đến trưởng thành; đâu là những nguyên nhân chính của những xung đột (nếu có) trong gia đình và ai là người có tầm ảnh hưởng (tiếng nói quyết định) trong gia đình. Ví dụ qua những câu hỏi tìm hiểu nơi gia đình ứng sinh: Kiểu tương quan mà cha mẹ ứng sinh đang sống ra sao? Khi họ tranh cãi, đâu là những nguyên nhân? Và ai là người hay giành chiến thắng? Ai ra các quyết định trong gia đình? Cha mẹ ứng sinh thể hiện tình cảm của họ công khai hoặc dè dặt? Giá trị quan trọng nào đối với cha mẹ của ứng sinh quan tâm? Làm thế nào họ thông truyền cho ứng sinh? Việc giáo dục đức tin ra sao trong gia đình ứng sinh? Họ đối xử với ứng sinh khi còn nhỏ và lúc này ra sao?...

Và vì thế, trong việc nuôi dưỡng, cổ vũ và khuyến khích người ứng sinh hướng đến sự kiên trì, bền bỉ trong ơn gọi, chúng ta cũng phải kể đến tác động cách trực tiếp và gián tiếp nơi gia đình ứng sinh, cụ thể nơi người cha hay người mẹ. Cách chung cũng tạo nguồn động lực phấn đấu cho người ứng sinh.

Bên cạnh đó, với những gia đình quá mong đợi và có tương quan kiểu gia đình “kiểu mắt lưới” (cha mẹ luôn muốn kiểm soát chặt và chỉ muốn con cái theo ý mình và có những nỗi lo sợ không thực tế trên con cái) Điều này đôi khi cũng là “rào cản” tạo nên những thúc ép không cần thiết cho đời sống tự do của người ứng sinh trước những mong đợi không thực tế của cha mẹ.

Thật đáng để dành mọi công sức cho gia đình; ở đó họ sẽ tìm thấy những động lực tốt nhất để trưởng thành và tìm thấy những niềm vui đẹp nhất để chia sẻ[18]. Nên rất hữu ích nếu người ứng sinh tự tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi ở vị trí nào trong gia đình của tôi; các mối liên hệ thật sự của tôi trong đó là gì?”. Chúng ta thường quên và đánh giá thấp những năng động tích cực trong đời sống gia đình. Chúng ta có thể cũng coi thường những điều tiêu cực, những điều sẽ tạo nên các vấn đề nghiêm trọng sau này (vd: mất dần động lực ơn gọi; mất đi những hỗ trợ cần thiết từ gia đình; dễ suy nghĩ chuyển hướng qua việc bắt đầu vào những tương quan “liều lĩnh, nguy hiểm” hoặc không phù hợp với ơn gọi linh mục;…).

Dường như đối với đa số trong chúng ta, chúng ta có cảm tưởng mình biết rõ về gia đình của mình; nhưng trong thực tế các mối liên hệ giữa anh em với nhau, giữa cha mẹ và con cái luôn tạo ra những ánh sáng và bóng tối; cả hai mặt này có tác động quan trọng đối với chúng ta. Kinh Thánh kể nhiều câu chuyện về các vị tổ phụ và cho chúng ta thấy có những yếu tố lành mạnh và cả những tổn thương lớn trong mối liên hệ giữa anh em với nhau, giữa cha mẹ và con cái.[19]

Bắt đầu từ lúc mới sinh cho đến suốt cuộc đời, trẻ con tác động đến các cách mà bố mẹ đối xử với mình. Gia đình thực sự là một hệ thống gia đình năng động, tương tác trong đó bố mẹ và con trẻ ảnh hưởng lẫn nhau (Parke & Buriel, 1998). Mối quan hệ bố mẹ - con cái tương hỗ là tâm điểm trong sự phát triển con người, nhưng các mối quan hệ khác trong gia đình cũng có nhiều ảnh hưởng. Đối với nhiều đứa trẻ, mối quan hệ với anh chị em ruột cũng rất quan trọng. Cũng rất quan trọng, anh chị em ruột cũng ảnh hưởng đến sự phát triển lẫn nhau. Vào những năm trước tuổi đến trường, anh chị em ruột thường dành nhiều thời gian với nhau hơn là với bố mẹ, cho thấy mối quan hệ của anh chị em ruột có nhiều ảnh hưởng (Dunn, 1993; Larson & Richards, 1994). Ngoài ra, sự tương tác giữa anh chị em ruột thường nhiều cảm xúc hơn sự tương tác trong các mối quan hệ khác (Katz, Kramer, & Gottman, 1992)[20]. Thế còn con một thì sao? Thực ra, con một thành công trong trường học nhiều hơn và có mức độ thông minh, khả năng lãnh đạo, tính tự quản và chín chắn cao hơn (Falbo & Polit, 1986). Và vì thế đứa trẻ cũng dễ trở nên ích kỷ và tự đề cao mình[21].

Thế nhưng trong việc phân định, thực tế cũng có những ứng sinh đến từ những gia đình có hoàn cảnh đổ vỡ. “Sự thiếu thốn ơn gọi theo sau sự đổ vỡ của gia đình, nhưng nơi nào bậc cha mẹ quảng đại phục vụ sự sống, trẻ em sẽ có nhiều khả năng quảng đại hơn khi đặt vấn đề về việc dâng mình cho Chúa[22]. Khi tìm hiểu về ly hôn/ ly dị ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ra sao, có nhiều học giả cố trả lời câu này. Kết hợp kết quả của những nghiên cứu, phân tích của họ cho thấy một số lĩnh vực trong đó trẻ con có bố mẹ ly hôn thường có kết quả kém hơn số trẻ con có gia đình nguyên vẹn. Khi bố mẹ ly hôn, đứa con sẽ kém thành công trong trường học hơn và có nhiều vấn đề liên quan đến hạnh kiểm và khái niệm cái tôi hơn. Ngoài ra, mối quan hệ bố mẹ - con cái thường xấu đi. Một số yếu tố đã được nhận dạng (Amato & Keith, 1991). Thứ nhất, sự vắng mặt của một bố hoặc một mẹ có nghĩa là đứa trẻ mất đi một vai trò mẫu, một nguồn giúp đỡ và hỗ trợ cảm xúc của bố mẹ cũng như người giám sát. Thứ hai, các gia đình có một bố hoặc một mẹ thường gặp cảnh túng quẫn kinh tế, tạo ra căng thẳng. Thứ ba, mâu thuẫn giữa bố mẹ khiến con cái vô cùng đau khổ. Bố mẹ thường xuyên cãi vã, ẩu đả thì con cái cũng thường biểu hiện phần lớn những tác động tương tự đi kèm với ly hôn (Davies & Cummings, 1998; Harold và người khác, 1997). Vấn đề đặt ra là: sự đổ vỡ, mâu thuẫn và căng thẳng đi kèm với ly hôn có ảnh hưởng đến trẻ con hay không? Dĩ nhiên là có. Tuy nhiên, sau khi trả lời câu hỏi “gai góc” này vẫn còn nhiều câu hỏi khó khác: tất cả khía cạnh trong cuộc sống của trẻ con có bị ảnh hưởng như nhau từ cuộc ly hôn hay không? Có yếu tố nào làm ly hôn đối với một số đứa trẻ căng thẳng hơn và đối với một số đứa trẻ khác ít căng thẳng hơn hay không?. Thực tế cho thấy, cuộc sống của con trẻ sau khi ly hôn không phải tất cả đều u sầu và ảm đạm. Trẻ con có thể và thực sự điều chỉnh để thích nghi với các tình huống mới trong cuộc sống (Chase Lansdale & Hetherington, 1991).[23]

Và cách thức con người ta ứng phó trong hoàn cảnh ngặt nghèo và đầy tính thách đố sẽ phần nào phản ánh sự trưởng thành cảm xúc, tình cảm và trưởng thành trong chính suy nghĩ, nhận thức, đem lại sức bật giữa những mất mát, khổ đau của cuộc sống. Nhà trị liệu Victor Frankl trong hành trình cuộc đời của ông khi đối diện với chính những nỗi thống thổ trong hoàn cảnh tù đày thời diệt chủng của Đức Quốc Xã, đã kinh nghiệm rất sâu sắc triết lý của Nietzsche: “Người nào tìm được lý do để sống, sẽ vượt qua được hết mọi nghịch cảnh trong cuộc đời”. Và chính ông đã trải nghiệm cuộc đời mình và biết bao con người “tù tội” (nạn nhân của chế độ diệt chủng) mà vẫn vươn lên khi con người ta tìm được ý nghĩa cuộc đời. Và vì thế, ông đã sáng lập trường phái trị liệu ý nghĩa (Logotherapy), mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực cho những ai tìm đến. Frankl nói: “Thay vì hỏi tại sao tôi bất hạnh hãy hỏi cuộc sống chờ đợi điều gì ở bạn và bắt tay vào việc đi[24].

Và đã nhiều lần, Đức thánh cha Phanxicô mời gọi người trẻ và cũng là với ứng sinh trong ơn gọi linh mục phải chống lại nền văn hóa chỉ coi mọi sự như là tạm thời và rốt cuộc, đó là một nền văn hóa nghĩ rằng họ không có khả năng chịu trách nhiệm, nghĩ rằng họ không có khả năng để yêu thương chân thành dẫu là hoàn cảnh gia đình còn đó khổ đau, mất mát, chia lìa[25]. Vậy nên người làm phân định cũng cần lưu tâm đến những ứng sinh đến từ những gia đình có đổ vỡ và tổn thương. Được biết có những nơi trước đây đã không chấp nhận vào Đại chủng viện những ứng sinh có hoàn cảnh gia đình như thế. Dĩ nhiên, người ứng sinh cũng ảnh hưởng ít nhiều từ gia đình mình khi có những ly tán, đổ vỡ hoặc ngoại đạo, nhưng khi từ chối ứng sinh, không cho vào giai đoạn tiếp theo của tiến trình đào tạo (vào nhà ứng sinh dự bị hoặc đại chủng viện) mà bỏ qua việc tìm hiểu mức độ trưởng thành của đương sự, ý hướng ngay lành và khả năng thật sự thích hợp của người ứng sinh khi vươn lên trong một hoàn cảnh ngặt nghèo, thiết tưởng cũng hơi “bất công” với người ứng sinh khi họ thực sự có triển vọng ơn gọi.

Ngày hôm nay trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta chứng kiến tình trạng mất phương hướng và cô lập càng lúc càng gia tăng. Chúng ta nhận thấy, mỗi ngày một nhiều hơn, việc đánh mất ý nghĩa cuộc sống, sự bất lực trong việc nối kết “gia đình”, và nỗi vất vả kiến tạo mối tương giao có ý nghĩa. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết đối thoại như thế nào, và với sự phân định rõ ràng[26]. Một gia đình lành thánh sẽ nuôi dưỡng và có những con người lành thánh. Và gia đình lành thánh sẽ là điểm tựa rất quý cho một ứng sinh trong việc ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi. Chính vì thế, quan tâm đầu tiên của Đức thánh cha Phanxicô chính là vấn đề gia đình, với Thượng Hội đồng Giám mục Ngoại thường năm 2014 và Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ 2015. Trong thế giới hôm nay, những cám dỗ về hưởng thụ của thế giới tục hóa đang tấn công mãnh liệt đời sống đức tin và luân lý của các các gia đình Kitô hữu. Riêng về ơn gọi linh mục rất cần có sự quan tâm của gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ nơi người trẻ thuộc về. Đồng thời, những trợ giúp cần thiết và đồng hành của các linh mục sẽ giúp người trẻ mau mắn và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi cách thăng tiến mỗi ngày.

Ngoài ra, người làm phân định cũng cần nhạy bén nơi những biến cố “đáng lưu tâm” trên hành trình thăm dò bản thân ứng sinh trước tiếng gọi của Chúa. Về mặt thiêng liêng và giáo dục đức tin, người ứng sinh được nuôi dưỡng ra sao trong đời sống gia đình và những dấn thân cụ thể của ứng sinh nơi giáo xứ mà họ thuộc về. Ở đây, những người làm mục vụ ơn gọi sẽ luôn kết hợp với mỗi cha xứ của ứng sinh để quan sát ứng sinh cách cụ thể trong môi trường sinh hoạt mục vụ giáo xứ. Những phản hồi hằng năm ra sao từ cha xứ về ứng sinh trong giai đoạn dự tu nơi môi trường giáo xứ: Động lực ơn gọi (ứng sinh có tham gia mục vụ tại giáo xứ cách tích cực và trung thành?); chiều kích nhân bản: Khả năng cộng đoàn (ứng sinh có để ý đến người khác, tôn trọng mọi người trong lời nói và thái độ?); Trưởng thành về tình cảm (ứng sinh có làm chủ được những vui, buồn, nóng giận; có những tương quan tình cảm trong sáng với phụ nữ và trẻ em; có biểu hiện đồng tính không?); Trưởng thành về sử dụng tự do với những lựa chọn và những hành vi tốt đẹp (ứng sinh sử dụng thời giờ, tiền bạc; dấn thân, hy sinh phục vụ, giúp đỡ người khác?); Chiều kích tri thức (ứng sinh có ham học hỏi, tinh thần cầu tiến, có sáng kiến? Khiêm tốn học hỏi, đón nhận những ý kiến từ người khác?); Chiều kích tâm linh (ứng sinh có tâm tình và thái độ qua việc đến với Chúa Giêsu trong Thánh lễ và bí tích hòa giải; qua việc đạo đức cá nhân, chia sẻ Lời Chúa,…?); Chiều kích mục vụ (ứng sinh có thao thức, nhiệt thành, sáng kiến khi tham gia công tác mục vụ tại giáo xứ; thái độ cư xử trong những sinh hoạt chung, cách làm việc với tinh thần liên đới và trách nhiệm?); Dư luận giáo dân về ứng sinh; nhận xét của cha xứ về ứng sinh.

Vì ứng sinh sẽ là người được mời gọi sống sứ vụ trong những tương quan đa dạng nơi giáo xứ, dấu chỉ trưởng thành về tình cảm và có đời sống quân bình cảm xúc là điều rất đáng quan tâm. Cha Thomas V. Berg có nói đến một yếu tố khá quan trọng để chuẩn bị cho một đời sống ơn gọi linh mục là khả năng làm phong phú hóa đời sống chính người ứng sinh nhờ vào sự hiệp thông tình cảm với những người bạn lành mạnh và hỗ tương. Trong thực tế, người ứng sinh linh mục (kể cả linh mục) không thể thực sự phát triển mạnh mẽ trong một cam kết về sự khiết tịnh độc thân mà không có ít nhất một vài tình bạn thân thiết và tình cảm, nam và nữ. Sự thân mật về cảm xúc không phải là sự thân mật tình dục, và nó chắc chắn phải được hướng đến trong ranh giới giữa các cá nhân. Cũng không phải là sự thân mật tình cảm để bị nhầm lẫn với sự phụ thuộc cảm xúc. Thay vào đó, chúng ta đang nói ở đây về một mức độ hiệp thông giữa các cá nhân phù hợp với trạng thái độc thân. Nói một cách dễ hiểu, đó là

biểu hiện quan trọng nhất của cái mà chúng ta gọi là sự trưởng thành về mặt tình cảm[27].

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ trong “Chương trình huấn luyện linh mục” (ấn bản lần thứ 5), có nhắc đến sự trưởng thành về mặt tình cảm bao gồm, trong số các yếu tố khác, như sau trong đời sống ứng sinh, đó là khả năng cho và nhận tình yêu, một khả năng thực hành sự cởi mở phù hợp, một khả năng phát triển và duy trì tình bạn đồng nghiệp lành mạnh và toàn diện, và khả năng thiết lập ranh giới phù hợp bằng cách chọn không hành động theo cảm xúc lãng mạn, và bằng cách phát triển kỷ luật tự giác khi đối mặt với cám dỗ. Nó có nghĩa là một mức độ tự làm chủ về tình cảm và cảm xúc, cho phép người độc thân dễ bị tổn thương, thể hiện sự đồng cảm, truyền đạt cảm xúc với sự thận trọng và cân bằng, và chia sẻ và nhận được những cử chỉ phù hợp của sự khẳng định và tình cảm[28].

Tất cả những điểm trên hình thành nên đối tượng của một cuộc thăm dò tế nhị và đòi hỏi, trong đó điều quan trọng là người làm phân định cố gắng hiểu biết một cách xác thực về những gì người ứng sinh kể và ngay cả những gì còn lưỡng lự, dè dặt, sợ hãi hoặc chỉ kể một phần do phòng vệ. Vì thế, các trắc nghiệm tâm lý là những công cụ xem ra hữu hiệu để người làm phân định hiểu biết cách khách quan hơn về chính ứng sinh, về cấu trúc đời sống tâm lý, sự quân bình về tâm lý, sự trưởng thành về tình cảm, cách mà ứng sinh hiểu biết về chính mình, cách vận hành năng động trong suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc và các hành vi, cách ra quyết định và hành động ra sao.

3. Những hỗ trợ của các bài kiểm tra tâm lý - công cụ hữu hiệu giúp tiếp cận người ứng sinh trong những tương quan đa dạng và giúp họ hiểu biết chính mình

Tâm lý học thuộc khối khoa học xã hội, chuyên nghiên cứu về hành vi và tâm trí, cũng như mọi mặt của ý thức, vô thức và tư duy của con người. Ngày nay chúng ta phải thừa nhận ngành khoa học về tâm lý đã có những bước tiến và nghiên cứu đa dạng trong nhiều khía cạnh của đời sống con người. Và vì thế, tâm lý học không chỉ giải thích những gì chúng ta làm và cách ta thực hiện mà còn lý giải đâu là sự bất nhất trong chính đời sống con người, quá trình suy nghĩ, ra quyết định, phong cách sống với những thói quen trong cách hành xử và những động cơ, ý hướng bên dưới những hành vi đó. Và vì có liên quan với một số bộ môn khác như sinh học, triết học, nhân chủng học và xã hội học, nên nhiều phân ngành nghiên cứu và ứng dụng mới vẫn không ngừng hình thành và phát triển.

Trắc nghiệm tâm lý là một công cụ đã được tiêu chuẩn hóa, dùng để đo lường khách quan một hay nhiều khía cạnh của nhân cách hoàn chỉnh qua những mẫu trả lời bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ hoặc những loại hành vi khác” (F.S. Freeman, 1971). Khi nói chúng được quy chuẩn hóa nghĩa là người ta xét đến tính hiệu quả hay độ ứng nghiệm (Validity); độ tin cậy hay tính khả tín (Fidelity); độ phân biệt (Difference) và tính quy chuẩn (Standardization). Trắc nghiệm tâm lý về cơ bản là một phép đo khách quan, đã được chuẩn hóa một mẫu hành vi (A. Anastasi, 1976). Trắc nghiệm cũng còn được định nghĩa như là một dạng bài tập cá nhân hoặc nhóm đã được chuẩn hoá, nó có thể định tính hoặc định lượng, có nghĩa là xác định sự hiện diện hoặc thiếu vắng một năng lực, kiến thức hoặc một kĩ năng nào đó, hoặc xác định mức độ hiện diện của chúng (J. Drever, 1979).

Thường thì phải tránh nhận vào chủng viện những người có bệnh lý, đã rõ ràng hay còn ẩn giấu (chẳng hạn như chứng tâm thần phân liệt, hoang tưởng, trầm cảm, lệch lạc về tình dục, ...), là những yếu tố có thể làm lu mờ phán đoán của đương sự, và vì thế ảnh hưởng đến khả năng đảm nhận những trách nhiệm gắn liền với ơn gọi và thừa tác vụ”[29]. Có thể nói người ta sử dụng rất nhiều hình thức trắc nghiệm/ thẩm định tâm lý cách khá rộng rãi tùy theo lĩnh vực nhà tâm lý muốn thăm dò và nhu cầu muốn thăm khám của bản thân đương sự. Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số trắc nghiệm thông dụng hỗ trợ cho việc phân định ơn gọi và thẩm định tâm lý người ứng sinh. Trong thăm khám lâm sàng tâm thần và các phương pháp khảo sát nhân cách, có hai loại trắc nghiệm chính là dạng bộ câu hỏi, khuôn hình (MMPI-2; Hoàn thành câu); các trắc nghiệm phóng chiếu (TAT; Rorschach) và các bài kiểm tra bổ trợ (MBTI; Test EQ; Test IQ - Raven).

II. CÁC BÀI KIỂM TRA HIỆU QUẢ ĐI KÈM VỚI PHỎNG VẤN – LƯỢNG GIÁ CÁ TÍNH VÀ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI

1. Bản câu hỏi tự đánh giá MMPI-2[30]

Thăm dò cụ thể về các rối loạn chức năng tâm lý và tâm thần là điều rất quan trọng, phải bao gồm trong bất kỳ quá trình lượng giá cá tính hoặc phân định ơn gọi nào. Các thử nghiệm như bản kiểm tra tính cách đa dạng của Minnesota (MMPI-2) có thể là lựa chọn tốt nhất để đạt được mục tiêu này. Đây là một bài kiểm tra được xây dựng rất tốt và thường xuyên được sử dụng để đo lường nhiều vấn đề về tâm lý và tính cách. Nó bao gồm 567 câu phát biểu liên quan đến nhiều lĩnh vực rất đa dạng mà người ứng sinh trả lời qua hình thức: đúng/ sai với chính mình.

Trong cấu trúc của bộ trắc nghiệm có 10 thang lâm sàng, đánh giá tình trạng về sức khoẻ chung; đánh giá các triệu chứng về[31] thần kinh; về tâm thần của người ứng sinh. Kết quả đánh giá qua các qua thang đo, ví dụ như thang Hd (Hypochondria) biểu hiện trạng thái nghi bệnh; thang D (Depression) đánh giá mức độ trầm cảm và góp phần hỗ trợ cho thầy thuốc lâm sàng chẩn đoán các rối loạn loạn tâm căn có liên quan đến stress; thang Hy (Hysteria) nghiên cứu khí chất loại rối loạn phân ly; thang Py (Personality Deviation) nghiên cứu về trạng thái nhân cách bệnh; thang Mf (Masculine feminine) nghiên cứu giới tính ( khuynh hướng thiên về nữ tính hay nam tính); thang Pa (Paranoia) nghiên cứu sự nghi kỵ, tưởng bị hại, hoang tưởng; thang Pt (Psychasthenia) nghiên cứu trạng thái lo âu suy nhược, ám ảnh sợ, ám ảnh cưỡng bức; thang Sc (Schizophrenia) nghiên cứu các thể lâm sàng của tâm thần phân liệt; thang Ma (Hypomania) đánh giá tình trạng hưng cảm; thang Si (Social introvertion) đánh giá xu hướng rút vào nội tâm, tránh né xã hội, tránh tiếp xúc với người khác.

Ngoài ra, kết quả của bộ test MMPI-2 kiểm tra thái độ và sự thành thật của ứng sinh với trắc nghiệm qua 3 thang phụ gồm: thang nói dối - L, thang tin cậy F (là dạng câu trả lời ít gặp) và thang điều chỉnh K. Ở đây, vì ứng sinh thường cố gắng thể hiện bản thân trong hình thức trả lời sao cho có lợi và đạo đức nhất, nên họ thường phòng thủ cao và không thừa nhận các khó khăn của bản thân. Cách thế phòng thủ, và đôi khi tỏ ra “ngoan hiền” này thường có thể làm bài kiểm tra mất hiệu lực do đó làm cho việc sử dụng các bài kiểm tra trở nên vô giá trị (ví dụ: thang L có chỉ số quá cao). Trong những hoàn cảnh như thế, điều quan trọng là phải xác minh xem nơi ứng sinh tất cả những thứ ấy có tỏ ra một sự thật về mình hay là trái lại, chỉ là cái gì mà người ta diễn tả bề ngoài (còn trong lòng thì khác)[32].

2. Trắc nghiệm phóng chiếu TAT[33]

Đây là một bộ trắc nghiệm gồm 30 tấm hình và 1 tấm hình để trắng. Hầu hết trong số đó mô tả về người hoặc sự vật trong các tình huống khác nhau. Các tấm hình này có những tấm hình dành riêng cho từng giới, độ tuổi và cả những tấm hình chung. Người làm trắc nghiệm sẽ được yêu cầu kể câu chuyện qua việc quan sát tấm hình. Đồng thời mô tả cả những nhân vật, tình huống và nhân vật đó đang làm gì, chuyện gì xảy ra đối với nhân vật trước đó và chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Trắc nghiệm TAT giúp ta hiểu một số động lực chính yếu, cảm xúc, tình cảm, sự phức tạp và xung đột của một tính cách. Giá trị đặc biệt của trắc nghiệm nằm trong khả năng tiết lộ những khuynh hướng bị ức chế tiềm ẩn mà ứng sinh không sẵn sàng thừa nhận hoặc không thể thừa nhận vì họ không hề biết về chúng. Về mặt hiệu quả, TAT sẽ được tìm thấy hữu ích trong bất kỳ nghiên cứu toàn diện nào về tính cách, và trong việc giải thích các rối loạn hành vi, bệnh tâm lý, bệnh thần kinh và rối loạn tâm thần. Kỹ thuật này đặc biệt được khuyên dùng như một khởi đầu cho một loạt các cuộc phỏng vấn tâm lý trị liệu hoặc phân tích tâm lý ngắn. Có thể nói trắc nghiệm TAT và Rorschach cùng bổ sung thông tin lẫn nhau, nên sự kết hợp của hai loại này, như Harrison và những người khác đã chỉ ra, có hiệu quả đặc biệt[34].

3. Trắc nghiệm vết mực loang (Test Rorschach)[35]

Trắc nghiệm Rorschach đã trở thành trắc nghiệm phóng chiếu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới (Camara và cs., 2000), được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý học thần kinh, tâm bệnh học, định hướng và đánh giá trị liệu cho thân chủ[36]. Và không phải ai cũng có thể tiến hành bài trắc nghiệm này nếu không được huấn luyện kỹ càng. Vì thế nó cũng đồng thời được coi là một phương pháp đánh giá và nghiên cứu nhân cách, chứ không chỉ là một trắc nghiệm tâm lý đơn thuần[37]. Exner (1993) từng nói: “Càng nghiên cứu được nhiều thì chúng ta càng thấy rõ rằng Rorschach làm bộc lộ một hiện tượng gốc của thân chủ”. Nhờ tiếp cận được với hiện thực gốc này, Rorschach cho phép nhà chuyên môn tìm ra các dấu hiệu tâm bệnh, phân biệt các dấu hiệu này với những nét nhân cách hoặc với những rối loạn chỉ có tính tình huống; nó cũng cho phép xác định “điểm mạnh và điểm yếu” về mặt tinh thần của thân chủ, nói cách khác, nó tìm ra đâu là quá trình giúp ích, đâu là quá trình cản trở sự lành bệnh.

Phương pháp Rorschach gồm 10 bức tranh có vết mực đối xứng, 5 bức màu đen - xám, 5 bức nhiều màu. Các hình ảnh được tạo nên từ những vệt mực có thể giúp khám phá mong ước thầm kín nhất cũng như nỗi sợ hãi sâu xa trong tâm hồn họ. Thân chủ lần lượt được yêu cầu xem từng hình, theo thứ tự, theo chiều thống nhất chung và nhiệm vụ của thân chủ là trả lời câu hỏi cái đó là gì? Nó giống cái gì? Kết quả sau đó được phân tích theo các chỉ số. Đây cũng là một kỹ thuật phóng chiếu cấu trúc hóa trong tâm lý, phản ánh nội tâm, rối nhiễu và những quan niệm về nhân sinh quan, giá trị của một người nào đó.

Các nghiên cứu tổng hợp đã cho thấy Rorschach có khả năng: Chỉ ra ở thân chủ những yếu tố tâm bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu (DSM-IV) hay tâm căn, loạn thần (trường phái Rorschach Pháp) (Weiner, 2003; Chabert, 1997); phân biệt các loại rối loạn nhân cách khác nhau như rối loạn nhân cách ranh giới hay rối loạn nhân cách ái kỷ (Anzieu & Chabert, 2005); tìm ra những tổn thương tâm lý hoặc lạm dụng tình dục, cảnh báo nguy cơ tự tử (Exner, 1993). Vì tất cả những lý do này, một cách bài bản, người ta thường khuyến khích sử dụng Rorschach trong một thăm khám tâm lý có tính tổng hợp, cùng với nhiều trắc nghiệm khác, nhằm: hỗ trợ việc đưa ra chẩn đoán bệnh học, chẩn đoán phân biệt hay chẩn đoán nhân cách, đóng góp cho các nghiên cứu trong tâm bệnh học và tâm lý học lâm sàng[38].

4. Trắc nghiệm viết tiếp để hoàn thành những câu được gợi ý còn bỏ trống[39]

Bài kiểm tra này tốn ít công sức hơn so với các bài kiểm tra phóng chiếu khác như Rorschach và Trắc nghiệm TAT. Nó bao gồm 64 câu được gợi ra với vài từ khóa nhưng chưa hoàn chỉnh và công việc của ứng sinh là viết tiếp để tạo thành câu trọn vẹn (ví dụ: Gia đình tôi...; Tôi nghĩ tôi có thể...; Tôi bận tâm khi…). Bài kiểm tra được phát triển để xác định thái độ và quan điểm của ứng sinh về bản thân, về những người khác và về thế giới. Qua từng câu bắt đầu với vài từ gợi ý, người ứng sinh được mời gọi diễn tả suy nghĩ, cảm xúc bản thân cách trực tiếp. Qua bài kiểm tra này, người làm phân định sẽ hiểu quan điểm của ứng sinh cách cụ thể nơi bản thân ứng sinh xét trong từng mối tương quan. Đầu tiên là với chính mình: Ơn gọi; thiêng liêng; tương lai; các mục tiêu; quá khứ; lỗi lầm; khả năng. Kế đến, là với những người khác: Cha mẹ; bề trên; bạn bè; người khác phái; và cuối cùng là với thế giới: Xã hội; các bận tâm; điểm tựa; hôn nhân; gia đình.

III. CÁC BÀI KIỂM TRA BỔ TRỢ

1. Trắc nghiệm MBTI[40]

Trắc nghiệm MBTI được hình thành trên cơ sở lý thuyết của Carl Jung và Briggs, Myer. C. Jung cho rằng nhân cách được chia thành 3 yếu tố: Xu hướng tự nhiên hướng nội, hướng ngoại; Cách thức người đó tìm hiểu thế giới: Trực quan hay giác quan; Cách thức đưa ra lựa chọn. Sau đó, tác giả Myer đã bổ sung thêm vào một yếu tố nữa đó là tính nguyên tắc và linh hoạt. Ưu điểm của trắc nghiệm này là sử dụng nhiều trong các công tác quản lý, dự án; tập trung vào đối tượng là những người bình thường và nhấn mạnh sự khác biệt các đặc tính của từng nhó[41]. Tuy nhiên trắc nghiệm MBTI bị phê phán là thiếu tính khoa học, chưa có độ tin cậy cao bởi vì cảm xúc rất dễ bị biến đổi. Nhưng thiết tưởng trắc nghiệm này cũng cho thấy những thiên hướng và đam mê ngành nghề nào mà người ứng sinh có thể thành công và tạo nhiều tương tác với những người khác khi làm việc nhóm, đồng thời ứng sinh cũng biết cách học hỏi nơi những người khác các điểm mạnh mà bổ sung cho những điểm hạn chế của bản thân.

Trắc nghiệm online miễn phí[42] với 50 câu thăm dò. Kết quả cho thấy người ứng sinh này thuộc nhân cách nào và những nhóm ngành nghề người ứng sinh có khả năng học hỏi và sống với tất cả sự tương hợp, hăng say. Người ta cũng đo lường mức độ phần trăm nét tính cách nào vượt trội so với nét tính cách ngược lại giữa: Hướng nội/ hướng ngoại; cảm giác/ trực giác; lý trí/ tình cảm; nguyên tắc/ linh hoạt. Cũng cần lưu ý rằng: Không có nét tính cách nào “bị” phán xét, cho bằng người làm phân định cần lưu tâm đến liệu người ứng sinh có cân bằng trong đời sống tâm thể lý hay không khi anh ta sẽ đảm nhận một vai trò trong đời sống cộng đoàn. Ví dụ: Quá hướng ngoại (E) là 90-100% và khi ấy nét hướng nội (I) chỉ 10%, xét thấy cũng là dấu chỉ (tham khảo) cảnh báo người ứng sinh này sẽ có đời sống nội tâm ít sâu sắc nếu không muốn nói là hời hợt. Hoặc người có nét tính cách về nguyên tắc (J) trong khoảng 90-100% xem ra sẽ phần nào quá cứng nhắc mà ít có cách xử trí linh hoạt.

Một khi đã xác định rằng người ứng sinh không có vấn đề tâm lý nghiêm trọng, bước tiếp theo của việc lượng giá là xác định về “sự hòa hợp tâm lý và tính cách” của ứng sinh với đời sống linh mục giáo phận[43]. Người làm phân định sẽ thăm dò liệu người ứng sinh có thực sự “thích hợp” trong môi trường đòi hỏi sự năng động của giáo xứ và sứ vụ đặc thù của một linh mục giáo phận khi được mời gọi nên thánh trong cộng đoàn được sai đến hay không.

2. Đánh giá trí thông minh cảm xúc (EQ)

Mức độ thông minh cảm xúc của một người thường được gọi là chỉ số thông minh cảm xúc, hay EQ. Và người ta có thể nhận ra một số dấu hiệu quen thuộc chỉ mức độ thông minh cảm xúc thấp khi đời sống tương quan của ứng sinh: Rơi vào quá nhiều tranh cãi thắng – thua. Và vì thường rơi vào những cuộc tranh cãi mà không cân nhắc nên ứng sinh không dễ hiểu được người khác cảm thấy như thế nào. Rồi khi cảm thấy bực bội họ dễ từ chối lắng nghe quan điểm của người khác (tự cảm thấy mình luôn đúng và luôn biện hộ cho hoàn cảnh của mình và đồng thời từ chối không nghe những gì người khác nói. Hậu quả là họ thường bi quan và quá bài xích những cảm xúc của người trong cuộc); Đổ lỗi cho người khác dẫn đến khuynh hướng trốn tránh trách nhiệm thường khiến họ cảm thấy cay đắng và như thể mình bị biến thành nạn nhân; thiếu kỹ năng ứng phó với những tình huống chứa đựng nhiều cảm xúc, vì thế dễ che giấu cảm xúc thật, và không để người khác biết về chúng cũng khá phổ biến; Những cơn bộc phát cảm xúc đột ngột cũng thường thấy nơi người có EQ thấp, họ thường vật lộn để hiểu và kiểm soát cảm xúc của chính mình. Họ có thể không lường trước được những cơn bộc phát cảm xúc nhanh và khó kiểm soát của chính mình; Khó duy trì tình bạn do trơ lì và vô cảm, nên họ rất khó duy trì các mối quan hệ thân thiết. Chúng ta có thể thấy tình bạn thân thiết đòi hỏi sự cho đi và nhận lại đôi bên, việc chia sẻ cảm xúc, sự yêu thương và hỗ trợ cảm xúc đều là những thứ mà người có chỉ số EQ thấp gặp rất nhiều khó khăn; thiếu lòng thấu cảm do họ không hiểu được cảm xúc của đối phương, vậy nên việc đặt mình vào vị trí của người khác với họ là điều không thể[44].

Trí thông minh cảm xúc (EQ) có thể ảnh hưởng lên nhiều mối quan hệ xã hội. Nếu nó ở mức thấp, nó có thể hủy hoại nhiều khía cạnh trong đời sống một người. Một người có EQ thấp sẽ gặp phải vấn đề lớn trong các mối quan hệ tình cảm. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng trí thông minh cảm xúc còn thực sự quan trọng hơn IQ trong việc quyết định thành công chung của một người trong cuộc sống. Nó có thể đóng một vai trò lớn lao trong cách mà người ta tương tác với người khác. Và vì ứng sinh linh mục giáo phận sẽ thi hành sứ vụ trong cộng đoàn, nên trí thông minh cảm xúc (EQ) nơi người ứng sinh cũng đóng vai trò trong việc xây dựng cộng đoàn năng động và thăng tiến mà anh được sai đến phục vụ.

Để giúp ứng sinh hiểu hơn về cảm xúc của chính mình, từ đây tự tin hơn trong các tình huống căng thẳng, chúng ta có thể tham khảo bài kiểm tra từ Harvard Business Review[45], gồm 25 câu hỏi, tự đánh giá độ hiểu của bản thân về những tình huống khác nhau. Bên cạnh việc cho kết quả, người ta còn gợi ý một số tài liệu tham khảo thêm cũng như lời khuyên để tăng cường điểm mạnh và cải thiện điểm yếu cho người ứng sinh.

3. Trắc nghiệm trí tuệ Raven (IQ):

Trắc nghiệm trí tuệ Raven xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1936. Theo Raven (người Anh) – tác giả của trắc nghiệm - đây là phương pháp đo năng lực tư duy trên bình diện rộng nhất. Trắc nghiệm Raven còn được gọi là “Trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn” (Progressive matries). Năm 1960, trắc nghiệm Raven được Unesco chính thức cho phép sử dụng để đo trí tuệ của con người. Trắc nghiệm Raven gồm các khuôn hình tiếp diễn trong 5 bộ được kí hiệu là: A, B, C, D. Mỗi bộ có 12 khuôn hình với mức độ phức tạp tăng dần từ bài 1 đến bài 12. Mỗi bộ khuôn hình có các hình vẽ chưa đầy đủ, đòi hỏi cá nhân phải quan sát để tìm ra mối liên hệ giữa các hình, nhận ra bản chất hình vẽ để bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các mối quan hệ. Có hay không nơi ứng sinh phương pháp suy luận có hệ thống.

Do trắc nghiệm thuộc vào loại phi ngôn ngữ, dễ sử dụng, dễ xử lý kết quả nên mặc dù có những hạn chế nhất định (phổ đo không rộng, kém nhạy đối với những trường hợp suy giảm trí tuệ rõ rệt...), trắc nghiệm trí tuệ Raven vẫn được ưa dùng ở Việt Nam. Toàn bộ trắc nghiệm có 60 bài, được chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm 12 bài. Trong mỗi nhóm, bài sau khó hơn bài trước, còn trong toán trắc nghiệm, nhóm sau khó hơn nhóm trước. Bài kiểm tra này giúp đánh giá phần nào năng lực suy tư và khả năng học hỏi của ứng sinh trong môi trường đào tạo tri thức.

IV. KẾT LUẬN

Khi nói về sự cần thiết của một nền đào tạo hội nhập toàn diện, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh việc đào tạo phải bao trùm các chiều kích thiết yếu của con người. Điều này đúng cho những người thánh hiến và các chủng sinh của các giáo phận. Việc đào tạo phải dựa trên bốn cột trụ luôn tương tác lẫn nhau: đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn, đời sống học tập nghiên cứu, và đời sống tông đồ. Trong đó, phải kể đến sự quan trọng của đời sống cộng đoàn, nơi ấy, con người ta biết mình, biết nhau và các mặt hạn chế có dịp được tỏ lộ[46].

Và trong tương quan tin tưởng, chân thành và cởi mở sẽ gợi mở nhiều kết quả cho việc nhận ra thánh ý Chúa và hứa hẹn một lộ trình tiệm tiến cho việc hiểu biết, đón nhận, chữa lành và thay đổi bản thân nơi chính con người ứng sinh, vươn tới sự trưởng thành toàn diện. Đồng thời, tương quan ấy cũng mở ra những cuộc gặp gỡ trong chiều sâu hơn nữa cho người ứng sinh với những nhà linh hướng và đào tạo khác trong việc huấn luyện và đồng hành tiếp theo trong các giai đoạn. Thiết tưởng, chia sẻ của Đức thánh cha Phanxicô cũng đáng để chúng ta quan tâm khi thiết lập một tương quan đối thoại chân thành. Đức thánh cha diễn giải rằng: “Người khác luôn có điều gì đó trao cho ta, nếu chúng ta biết cách đến gần họ trong tinh thần cởi mở và không thành kiến... Ngày nay, hoặc là chúng ta dám liều dấn thân vào con đường đối thoại, mạo hiểm bước vào nền văn hóa gặp gỡ, hoặc là chúng ta mất tất cả. Đó là con đường sẽ sinh hoa kết trái[47]. Và như thế, cuộc gặp gỡ giữa người làm phân định và ứng sinh dẫu là công việc đặc thù nhưng cũng phải bao hàm cả ý hướng làm thăng tiến cuộc sống của người ứng sinh qua nền văn hóa gặp gỡ, một nền văn hóa trong đó mọi người đều có điều gì tốt lành để trao tặng, và có thể nhận lại điều tốt lành.

Từ đời sống của ứng sinh trong gia đình, chúng ta hãy nghĩ về thánh Giuse, Đấng đã chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, nghĩ về việc ngài chăm sóc gia đình Thiên Chúa đã ủy thác cho ngài, và về sự ân cần quan tâm, nhờ đó, ngài dẫn dắt Thánh Gia tránh khỏi những nguy hiểm trên đường. Vì thế, các mục tử và những ai đang dần bước trong ơn gọi nên người lãnh đạo dân Chúa (một cộng đoàn với biết bao gia đình) phải đi trước đàn chiên mà dẫn đường cho chúng, ở giữa đàn chiên để hiệp nhất chúng, và ở đằng sau đàn chiên để bảo vệ chúng khỏi bị lạc đàn, bởi vì đàn chiên có khứu giác tốt để tìm ra con đường. Người mục tử phải di chuyển như thế![48]

Vậy nên, với các công cụ kể trên trong lĩnh vực kiểm tra hay thẩm định tâm lý, bên cạnh mong muốn được hiểu hơn về con người ứng sinh, nơi người làm phân định cần có ý muốn giúp đỡ người ứng sinh hướng đến một đời sống tinh thần quân bình khi nhận ra và cải thiện sự bất nhất trong chính nội tâm mình, đồng thời xây dựng và thăng tiến đời sống tương quan của họ. Vì thế, để biết sự thật sâu xa của một con người, phải biết ý nghĩa đích thực của quá trình lịch sử, những vết thương, những khả năng và những yếu đuối của người ấy, những gì người ấy nói ra và cả những gì người ấy không nói ra, phải làm việc với cái tôi hiện tại của người ấy. Như chúng ta biết, có một cái tôi hiện tại và một cái tôi lý tưởng. Giáo dục là làm việc với cái tôi hiện tại[49]và việc huấn luyện, đồng hành theo sau đó sẽ đạt hiệu quả khi nhà đào tạo hiểu biết tương xứng về con người ứng sinh và thay đổi, hoán cải vươn tới sự thánh thiện và trưởng thành toàn diện. Nhằm phục vụ cho việc hiểu biết cách khách quan và đi sâu hơn nữa trong lĩnh vực này, người làm phân định và các nhà đào tạo cần lưu tâm đến những công cụ đánh giá năng lực tâm lý, tâm thần của ứng sinh trước khi nhận vào Đại chủng viện. Tuy không quá đòi hỏi người ứng sinh phải “hoàn hảo” mọi khía cạnh, nhưng việc nhận biết con người ứng sinh có phù hợp ơn gọi giáo phận hay không vẫn là việc phải làm, qua đó cũng biết cách huấn luyện và đồng hành cách hiệu quả hơn với người này trên chặng đường tiệm tiến tiếp theo cho việc đào tạo.

Và thêm vào đó, người đồng hành phân định cần dành chỗ cho tự do của Thánh Thần, tự do của cá nhân ứng sinh trong hành trình hoán cải và thăng tiến bản thân nhằm tìm thánh ý Chúa và đáp lại cách cụ thể trong đời sống trước tiếng gọi của Chúa. Do đó, người làm phân định ơn gọi cho ứng sinh trước hết phải là người kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa trong chính ơn gọi của bản thân. Kinh nghiệm này thôi thúc, mở ra cho họ biết bao lời mời gọi từ Chúa và niềm vui đáp lại: qua việc sống ơn gọi bản thân thật sâu; hiểu biết ngày càng rõ nét chính cuộc đời mình; đam mê công việc được trao ban qua Giáo hội; ước muốn nâng đỡ từng “mảnh đất tâm hồn được gieo hạt giống ơn gọi” nơi ứng sinh; trau dồi hiểu biết về những chỉ dẫn của Giáo hội trong việc đào tạo linh mục giáo phận; linh hoạt nhằm phong phú hóa khả năng phân định với những gì đã được đào tạo: nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ và hiệp thông cộng đoàn. Và từ đây nhận ra đâu là thánh ý Chúa và sự thích hợp của bản thân ứng sinh trong đời sống ơn gọi linh mục giáo phận.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 120 (Tháng 9 & 10 năm 2020)

 


[1] X. Pope Paul VI, Message for World Day of Prayer for Vocations, from web site: http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/vocations/resources/houses-of-discernment.cfm.

[2] X. ĐTC Phanxicô, Sức mạnh của ơn gọi, trò chuyện với Fernando Prado, Nxb Đồng Nai 2019, Lê Công Đức, PSS., dịch, trang 79-84.

[3] ĐTC Phanxicô, Diễn từ ngày 3-10-2014.

[5] Bộ Giáo sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, Đào tạo linh mục, bản dịch của Ủy ban Giáo Sĩ và Chủng sinh, số 192

[6] Bộ Giáo sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, Đào tạo linh mục, bản dịch của Ủy ban Giáo Sĩ và Chủng sinh, số 193

[7] X. Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng hành, một sư phạm giúp một người thể hiện ơn gọi của mình, Damiano, OFM chuyển ngữ, NXB Phương Đông, trang 13

[8] Cửa sổ Johari là một mô hình giao tiếp dùng để tăng cường hiểu biết giữa từng cá nhân hoặc giữa những cá nhân với nhau và với tập thể. Ngoài ra, cửa sổ này cũng giúp phát triển các năng lực bản thân dựa trên sự tự bạch, khám phá và phản hồi. Được xây dựng và phát triển bởi Joseph Luft và Harry Ingham (từ Johari là từ viết tắt ghép lại từ hai tên người này), mô hình này có hai ý chính như sau:

1. Các cá nhân có thể xây dựng niềm tin lẫn nhau bằng cách tiết lộ thông tin về bản thân.

2. Họ có thể tự học và hiểu thêm về mình và hiểu về những vấn đề về bản thân mình chính từ những phản hồi của người khác.

(nguồn sơ đồ: https://mvvcoaching.edu.vn/tin-tuc/cua-so-johari-de-cai-thien-quan-he-va-phat-trien-ban-than/)

[9] X. Dana Castro, Thăm khám tâm lý trong thực hành lâm sàng – Công cụ đánh giá trí thông minh và nhân cách của trẻ em và người lớn, NXB Tri Thức, trang 12-13

[10] X. ĐTC Phanxicô, Sức mạnh của ơn gọi, trò chuyện với Fernando Prado, Nxb Đồng Nai 2019, Lê Công Đức, PSS dịch, trang 80.

[11] Theo trả lời của Đức Hồng y Stella trong cuộc phỏng vấn do báo Quan sát viên Rôma thực hiện, khi Bộ Giáo sĩ công bố tài liệu mới có nhan đề Ratio Fundamentalis Institutionis sacerdotalis vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8 tháng 12 năm 2016).

[13] Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng hành, một sư phạm giúp một người thể hiện ơn gọi của mình, Damiano, OFM chuyển ngữ, NXB Phương Đông, trang 16

[14] Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng hành, trang 58-59

[15] HY. Carlo Maria Martini, Biết mình đang ở đâu, Khởi đầu cho một cuộc hành trình tâm linh, người dịch Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, NXB Tôn Giáo 2015, trang 24

[16] Cencini, Tâm tình Chúa Con, Hành trình huấn luyện đời sống thánh hiến, chuyển ngữ: Nguyễn Ngọc Kính, OFM & Nguyễn Văn Khoan, OFM, NXB Tôn Giáo 2012, trang 237

[17] ĐGM Antôn Vũ Huy Chương, nguyên Chủ tịch UB Giáo sĩ - Chủng sinh, http:// www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/van-de-ton-giao/dao-tao-linh-muc-la-mot-tien-trinh-dao-tao-toan-ven_a1079

[18] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Christus vivit - Chúa Kitô đang sống, số 263.

[19] ĐHY Carlo Martini, Biết mình đang ở đâu; Khởi đầu cho một cuộc hành trình tâm linh, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ. NXB Tôn Giáo, 2015, trang 26-27

[20] Robert V. Kail - John C. Cavanaugh, Nghiên cứu về sự phát triển con người, TS. Nguyễn Kiên Trường dịch, TS. Lê Sơn hiệu đính, trang 252-253

[21] Sđd trang 254.

[22] http://www.usccb.org/beliefs-and-teachings/vocations/vocation-resources-families.cfm  trích lại từ: Truth and Meaning of Human Sexuality: Guidelines for Education within the Family, Pontifical Council for the Family, 1995

[23]Robert V. Kail - John C. Cavanaugh, Nghiên cứu về sự phát triển con người, TS. Nguyễn Kiên Trường dịch, TS. Lê Sơn hiệu đính, trang 256-257

[24] Viktor E. Frankl (1905-1997), bác tâm lý học người Áo nổi tiếng thế giới, người từng được đề cử cho giải thưởng Nobel về hòa bình. Tác giả của cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” (Man’s search for meaning) được dịch ra nhiều ngôn ngữ

[25] X. ĐTC Phanxicô, Diễn từ, Đại hội Giới trẻ Thế giới, Ngày 28 tháng 7 năm 2013

[26] ĐTC Phanxicô, Diễn từ, phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội, Ngày 21 tháng 9 năm 2013

[29] Bộ Giáo sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 2016, Đào tạo linh mục, bản dịch của Ủy ban Giáo Sĩ và Chủng sinh, số 191

[30] Test MMPI được bắt đầu từ năm 1939 tại ĐHTH Minnesota (Hoa Kỳ). Lúc bấy giờ S.R. Hathaway và J.C. Mc Kinley muốn có được một bộ công cụ nhằm hỗ trợ cho quy trình thăm khám tâm thần, giúp việc đánh giá một cách cẩn thận mức độ rối loạn tâm thần. Sau đó các tác giả rất quan tâm đến việc đánh giá những thay đổi do trị liệu tâm lí và trong cuộc sống của người bệnh.

MMPI-2 đã được hoàn thiện năm 1989 và toàn bộ MMPI gồm 567 câu, trong đó có 16 câu được nhắc lại. Các câu của MMPI là những câu khẳng định về sức khỏe thể chất, quan hệ xã hội và các khía cạnh khác của nhân cách.

[31] Plante, T. G. (2006). The psychological assessment of applicants for priesthood and religious life. Human Development, 27, 45-48

[32] X. Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng hành, một sư phạm giúp một người thể hiện ơn gọi của mình, Damiano, OFM chuyển ngữ, NXB Phương Đông, trang 32

[33] Thematic Apperception Test (TAT), Các tác giả Murray, Atkinson, McClelland... đã sử dụng phương pháp phóng chiếu TAT (Thematic Apperception Test) để đo đạc nhu cầu thành đạt. Các tác giả trên đã dựa trên tư tưởng chủ đạo của học thuyết S. Freud coi phóng chiếu như một cơ chế tự vệ tâm lý, gán những xung động lo âu cho một người khác để đưa ra phương pháp nghiên cứu này. Theo họ, nhu cầu thành đạt là những nhu cầu ngầm, tiềm tàng của mỗi cá nhân, do vậy tưởng tượng là cách thức tốt nhất để nghiên cứu một cách cặn kẽ nó.

[34] X. Henry A Murray, M.D and the staff of the Harvard Psychological Clinic, manual, trang 3

[35] Trắc nghiệm được đặt theo tên tác giả của nó, bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Hermann Rorschach (1884-1922).

[36] X. Dana Castro, Thăm khám tâm lý trong thực hành lâm sàng – Công cụ đánh giá trí thông minh và nhân cách của trẻ em và người lớn, NXB Tri Thức, trang 193

[37] X. sđd, trang 198-202

[38] Sđd, trang 203-204

[39] X. Religious Vocation Sentence Completion Test, © Our Lady of Peace Guidance Centre, Quezon City, Philippines.

[40] Chỉ số đánh giá tính cách MBTI được phát triển bởi Isabel Briggs Myers, Katharine Cook Briggs và David Keirsey từ các công trình nghiên cứu của vị bác tâm thần học nổi tiếng Carl G. Jung về các loại hình tâm lý dựa trên các học thuyết về các chức năng nhận thức. 16 loại tính cách được nghiên cứu nhận dạng tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator), giúp nhận ra và phát triển những ưu điểm và khuyết điểm của bản thân.

[43] Plante, T. G. (2006). The psychological assessment of applicants for priesthood and religious life. Human Development, 27, 45-48

[46] . X. ĐTC Phanxicô, Sức mạnh của ơn gọi, trò chuyện với Fernando Prado, Nxb Đồng Nai 2019, Lê Công Đức, PSS., dịch, trang 83-84

[47] ĐTC Phanxicô, Diễn từ, Ngày 27 tháng 7 năm 2013

[48] ĐTC Phanxicô, Diễn từ, Ngày 21 tháng 6 năm 2013

[49] X. Cencini, Giáo dục, huấn luyện và đồng hành, một sư phạm giúp một người thể hiện ơn gọi của mình, Damiano, OFM chuyển ngữ, NXB Phương Đông, trang 14

Nguồn tin: hdgmvietnam.com