Coi Lại Cách Ăn Ở

Fri,27/03/2020
Lượt xem: 2247

Bữa nọ về nhà, có ít đồ miền quên gửi biếu ông Cố, “chị Cố” tình nghĩa nên biếu lại người quen. Ông Cố biết vậy nên nói hờn : “Em trong nhà hổng thương mà thương người ta”. Người ta nghe được nói lại ông Cố : “Do cách ăn ở thôi !”. Ông cố hết nói luôn.

Lần nọ, cùng đi chung với nhau nhưng mấy người kia có quà, về đến nhà mới hỏi chú em : “Sao mình không có ta”. Cha em nói : “Ông coi lại cách ăn ở của ông đi !”

 

Rồi, đa phần, ông Cố hay bị người ta dìm hàng, buồn tình ông cố cũng nói với chú em về thảm trạng của ông Cố. Chú em nghe ông Cố nói xong chú em nói : “Do ông Cố ở sao thôi nên bị người ta xử vậy thôi ! Ông coi lại cách ăn ở đi. Sống sao người ta xử thế !”

 

Ờ ! Nghe chú em nói cũng có lý chứ ! Cũng do cách mình ăn ở nên đi đâu người ta cũng tìm cách dìm và dìm cho đến chết mới thôi. Chả phải do người ta, do cách mình sống thôi. Và như thế, nên chăng mình phải nghiền ngẫm cái câu : "Kỷ sở bất dục, vật thị ư nhân".

 

Ngày nay, đứng trước đại dịch, đa phần người ta trách người này, oán người kia và thậm chí còn than trách Thiên Chúa nữa. Người ta loanh quanh luẩn quẩn không lo giữ sức khỏe cá nhân cũng như cộng đồng khi tiếp xúc gần người bệnh theo như giới y khoa chỉ dẫn và bệnh dịch lây lan cách chóng vánh và bi đát nhất là họ hỏi Thiên Chúa ở đâu trong cơn đại dịch.

 

Chả có Thiên Chúa nào muốn sự dữ, sư ác, sự xấu cho con người cả. Có chăng tự con người gây họa cho nhau mà thôi. Biết họa đang đến và đã đến, cách tốt nhất là cách ly chính mình để bảo toàn cho người khác nhưng người ra cứ vui vẻ đi hết chỗ này sang chỗ khác để gây họa. Như thế thì có phải là Thiên Chúa gây họa hay chính con người gây họa.

 

Khởi đi từ sự vô cảm của con người dành cho nhau. Từ con virus phá hoạt con người, lẽ ra con người yêu thương đùm bọc nhau, bảo vệ nhau để bảo vệ sức khỏe của đồng loại và của chính mình nhưng rồi lại ngập tràn lối sống vô cảm đang sinh sôi nảy nở. Nếu như trước đây sự vô cảm đã làm cho người ta đau đầu nhức óc thì nay sự vô cảm ấy đã ra ngoài tầm kiểm soát.

 

Đối diện với dịch, chiếc khẩu trang và nước rửa diệt khuẩn là những thứ cơ bản nhân làm giảm thiểu nguy cơ bệnh tật cho con người nhưng người ta sẵn lòng làm nước diệt khuẩn giả. Khẩu trang thì không cần phải tranh cãi. Để đi mua được một hộp khẩu trang với cái giá trước dịch dường như là không tưởng. Hộp khẩu trang hiện nay có giá gấp 6 lần bình thường mà không còn nữa để mua.

 

Vì vô cảm với nhau nên bệnh dịch lan tràn là điều không khó hiểu. Trước nỗi đau của con người ngày hôm nay thì nên trách Thiên Chúa hay con người phải trách mình.

 

Con người đã không tiếc thương ra tay hủy hoại môi trường sống cũng như hủy hoại anh chị em đồng loại bằng những thực phẩm hàng ngày cho vào bụng với đầy hóa chất. Cây nào, trái nào cũng sống nhờ chất tăng trưởng cũng như thuốc bảo vệ thực vật quá liều. Chả có cơ thể nào thâu nạp được chất độc đưa vào cơ thể để rồi bao nhiêu chứng bệnh gây ra cho con người.

 

Với Thiên Chúa, con người ngày càng quay lưng lại với Thiên Chúa bằng lối sống dửng dưng. Ngày nay, tưởng chừng với những thành tựu khoa học con người đã không ngần ngại loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình.

 

  Với tất cả những điều đó và nhất là trong thời đại dịch, điều cần thiết nhất con người ngày hôm nay làm đó là cân chỉnh lại đời mình. Vì con người đã phá tan trật tự mà Thiên Chúa trao cho con người nên con người phải gánh chịu nên đừng ngồi đó mà giận hờn Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa như người cha người mẹ. Không chỉ thế, Ngài còn là Đấng giàu lòng thương xót để rồi không bao giờ oán phạt ai. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì yêu thương suốt cả cuộc đời. Thiên Chúa còn hơn cả cha mẹ để rồi Ngài không bao giờ bỏ rơi con người hay để con người phải đau khổ quá mức. Cơn dịch đang hoành hành tưởng nghĩ rằng con người cần thinh lặng để nghe tiếng Chúa nói hơn.

 

Nên chăng với hiện trạng thế giới ngày hôm nay, con người cần lắng và lặng để nhìn lại cuộc đời của mình với những mối tương quan với môi trường, với anh chị em đồng loại và nhất là với Thiên Chúa. Hy vọng rằng sau mùa dịch, sau mùa khóc lóc than van này con người xích lại gần nhau hơn, sống đẹp với thiên nhiên, sống gần gũi với con người và sống thân thiện với Thiên Chúa hơn. Trên mọi sự và trong mọi sự, con người hãy nên tự trách mình trước đã.

 

Người Giồng Trôm

 

Nguồn tin: Conggiao.info