Tác giả: Xuân Giang
Mỗi Thánh lễ trao tu phục tại Đại Chủng viện luôn để lại nhiều ấn tượng đậm sâu trong tôi. Thật xúc động khi nhìn những đôi mắt đỏ hoe rưng rưng nghẹn ngào, cảm nhận niềm vui ngập tràn nhưng có nét ngượng ngùng trong lần đầu các Thầy được mặc lên mình chiếc áo chùng thâm bao lâu nay mơ ước. Lời dặn dò ân cần của Đức cha Giám đốc vẫn như còn vẹn nguyên: “Việc lãnh tu phục đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình theo Chúa. Từ nay, các con phải sống khác với những thanh niên ngoài đời”.
Tôi giật mình nhìn lên chiếc áo chùng thâm mình đang mặc và tự nhủ: “Mình cũng đã từng có một dấu ấn như thế và cùng một tâm trạng như vậy”. Ngay lập tức, nhiều câu hỏi hiện lên trong tâm trí tôi: Sau những năm tháng được tu học trong nhà của Chúa, tôi đã trở nên “người của Chúa”? Liệu tôi đã phải là một con người được biến đổi để trở nên giống Chúa? Tôi đã thực sự “khác” hay chưa?
Nghi thức lãnh tu phục ghi dấu khởi đầu một cuộc sống mới, hiến dâng tâm hồn trong trắng để nhận lấy tu phục đen giòn một màu của trung kiên son sắt mến yêu[1]. Tôi không được chọn bởi vì có một công trạng mà người khác thiếu. Cũng không phải vì tôi xứng đáng hơn, khôn ngoan hơn hay tốt lành hơn người khác, nhưng chỉ vì tình Chúa yêu thương. Thật đúng như linh mục nhạc sư Kim Long diễn tả: “Dẫu công trạng con chẳng có, dẫu tài năng con đơn hèn nhưng chỉ vì yêu mến mà Ngài đã ưu ái chọn con”[2].
Người ta vẫn nói “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng tu phục lại là dấu chỉ của việc tận hiến, của sự nghèo khó[3]. Chẳng vậy mà có nhiều người chỉ vì thích màu áo dòng mà yêu luôn đời tu. Chiếc áo dòng cũng chất chứa sự thánh thiện được mong đợi nơi nhà tu: “hiền như cô nhà mụ, đẹp như chú nhà thầy”. Mặc chiếc áo chùng thâm lên mình khi tham dự Thánh lễ hay các cử hành phụng vụ không phải để được người khác tôn trọng, ưu tiên nhưng là dấu chỉ mình thuộc về Chúa, là người của Chúa. Đời sống thánh hiến không gì khác là chọn lựa Đức Kitô và đặt bước chân của mình vào con đường Người đã đi.
Trong Bài giảng Thánh lễ khai mạc triều đại Giáo hoàng, Đức Bênêđictô XVI nói rằng: “Chọn lựa Đức Kitô, để cho Ngài đi vào cuộc sống của mình, tôi chẳng mất điều gì cả, tuyệt đối không mất bất cứ điều gì trong những điều làm cho đời sống tôi nên tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Ngài không lấy đi bất cứ điều gì, Ngài cho tôi tất cả. Ai hiến mình cho Ngài, sẽ nhận lại gấp trăm”[4]. Quả thực, ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ trở nên người hơn[5].
Chiếc áo chùng thâm nhắc nhớ tôi về chọn lựa từ bỏ, chọn lựa con đường hẹp Thập giá, chọn lựa “chết đi cho trần gian”. Chọn từ bỏ không hề làm nghèo nàn sự hiện hữu, mà trái lại, từ bỏ đem lại tầng sâu ý nghĩa cho cuộc hiện hữu. Chọn lựa từ bỏ là con đường để tự thánh hoá chính mình, ngõ hầu thánh hoá người khác. Con đường từ bỏ mở ra đại lộ đầy ánh sáng. Nghịch lý thập giá lại là luận lý của tình yêu. Chết đi cho trần gian để sống mãi trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thời gian thử thách cũng chính là cơ hội trưởng thành.
Chiếc áo chùng thâm cũng nói lên chọn lựa sống các lời khuyên Phúc Âm. Màu đen của tinh thần nghèo khó, của đời sống khiết tịnh. Tấm áo dòng một dải phủ kín từ cổ đến gót chân gợi nhắc ý muốn một lòng vâng phục. Chiếc áo chùng thâm nhiều cúc, không quá nhanh khi mặc vào cũng không thể vội vàng khi cởi ra, như lời nhắc nhở người chủng sinh biết trân trọng lời mời gọi của Chúa, biết trân quý lý tưởng linh mục cao quý mình đang theo đuổi.
Thế nhưng, chiếc áo chùng thâm không phải là chiếc áo của những vị thánh. Mặc chiếc áo chùng thâm lên người không đủ đảm bảo để nên thánh. Đằng sau chiếc áo ấy vẫn là một con người khiếm khuyết và yếu đuối. Bên trong chiếc áo ấy vẫn là một con người đầy đủ hỷ nộ ái ố, với những rung cảm phập phồng và vương vấn thế tục. Chủng sinh là một “mầu nhiệm” đối với chính mình. Mặc dù được ân sủng nhào nặn và được phú bẩm cho những tài năng và những nét phong phú nhưng lại mang dấu ấn của những giới hạn và những nét mỏng giòn[6]. Tôi cũng chỉ là một người tội lỗi giữa những tội nhân. Vẫn chịu thử thách, cám dỗ. Vẫn bị lôi cuốn bởi dục vọng trần gian. Nhưng nếu sống đúng với dấu ấn ngày lãnh nhận tu phục thì chiếc áo chùng thâm làm tôi dễ nên thánh. Chiếc áo chùng thâm như tấm áo giáp âm thầm đỡ nâng để gìn giữ tôi trên bước đường phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Đôi lần chiếc áo chùng thâm như trở nên gò bó, chật chội với tôi. Chỉ vì quá nhấn mạnh đến chiều kích khổ chế, chỉ thấy đời tu nặng nề mà quên đi đó là một hồng ân[7]. Tôi thấy mình giống như người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu: Tuy anh ở gần cha nhưng lại ở thật xa cha, khi anh trọng một con cừu non hơn diễm phúc được luôn ở bên cha (x. Lc 15,11-32). Tôi lãng quên ân huệ được ở trong Nhà Chúa để còn mơ mộng những thú vui trần tục tầm thường. Đáng ra phải ưu tiên tìm kiếm và thực thi ý Chúa thì tôi lại chỉ mải mê đi tìm và làm theo ý riêng. Tôi để cho cái tôi thoải mái mặc sức lớn quá. Chiếc áo chùng thâm nhắc nhở tôi mặc lấy Đức Kitô hy sinh tự huỷ (x. Pl 2,6-11) là phải chấp nhận chết đi cho ý riêng.
Lắm lúc chiếc áo chùng thâm như quá rộng mỗi lần tôi thu mình an phận. Tôi dễ dàng khép kín trong vỏ bọc an toàn để trốn tránh trách nhiệm. Tôi hời hợt làm chiếu lệ những công việc bổn phận. Tôi hờ hững trước lời mời gọi dấn thân. Tôi vô tình bàng quan trước những hoàn cảnh đang cần sự giúp đỡ. Chiếc áo chùng thâm nhắc nhở tôi mặc lấy Đức Kitô sẵn sàng chết cho người mình yêu (x. Ga 15,13) là phải chết đi cho thói ích kỷ, nhỏ nhen.
Nhiều khi chiếc áo chùng thâm tôi đang mặc như thể bạc màu. Lời đoan hứa tôi mau quên. Dấu ấn ngày lãnh tu phục chóng nhạt nhoà. Chưa thôi khao khát thì đã vội ngả nghiêng. Đôi chút khó khăn thử thách mà đã ngại ngùng chùn bước chân. Chiếc áo chùng thâm lại nhắc nhở tôi mặc lấy Đức Kitô luôn trung tín và vâng phục đến cùng (x. Mt 26,39) là phải chết đi cho bản tính mỏng giòn hay thay đổi.
Đôi lần chiếc áo chùng thâm tôi đang mặc như trở nên lấm lem mỗi lần tôi sa ngã phạm tội. Tôi thấy mình cứ mãi là tập sinh trong việc rèn luyện một nhân đức nhưng lại quá dễ dãi để tái phạm những nết xấu. Tấm áo thanh sạch bị bụi đời làm cho hoen ố. Màu áo thánh thiện bị hoá ra nhơ bẩn. Chiếc áo chùng thâm lại nhắc nhở tôi mặc lấy Đức Kitô vẹn toàn, vô tì tích (x. 1Pr 1,19) là phải chết đi cho tính xác thịt và tội lỗi.
Đâu đó tôi vẫn bắt gặp lối lý luận rằng chỉ khi nào mặc chiếc áo chùng thâm trên mình thì người ta mới gọi là thầy còn khi không mặc thì chỉ là một con người bình thường. Nghe có vẻ hợp lý nhưng ít nhiều đã mang màu sắc tục hoá. Tôi vẫn là một con người bình thường nhưng là một con người được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa. Một cái gật đầu dễ dãi với tinh thần thế gian khiến tôi có nguy cơ không sống theo những đòi buộc của ơn gọi dâng hiến. Không phải chỉ lúc mặc chiếc áo chùng thâm trên người tôi mới là chủng sinh nhưng còn đang trong tiến trình đào tạo linh mục thì bất cứ lúc nào, dù ở nơi đâu, tôi vẫn luôn là một chủng sinh. Ý thức như thế để dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì (x. 1Cr 10,31) mọi người đều có thể nhận ra tư cách thánh hiến của tôi.
Thánh Josemaria Escriva nói: Một “người của Chúa” mà sa ngã thì đáng buồn biết mấy! Nhưng một “người của Chúa” mà khô khan và trần tục còn đáng buồn hơn nhiều![8] Thật vậy, đời tu thức tỉnh thế giới cách nào nếu những người sống bậc tu trì không phải là người tỉnh thức trước hết. Tôi được kêu mời để hoà đồng, hoà nhập chứ không phải hoà tan. Tôi được mời gọi “biến đổi” chứ không phải để “biến chất”. Biến đổi để trở nên hoàn thiện chứ không phải biến chất theo thói đời. Có tránh xa chước cám dỗ (x. Mt 6,13) thì mới mong khỏi bị sa lầy ở những vũng bùn của tội lỗi. Quả thế, theo Chúa nửa vời, một đời uổng công.
Cổ nhân đã đúc kết: “Tố nhân bất khả hữu ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt” (Làm người không nên có cái bộ dáng khinh ngạo, nhưng cũng không thể không có cái cốt cách khinh ngạo)[9]. Người thánh hiến cũng không thể có thái độ khinh khi đời, khinh chê người nhưng không thể không có cốt cách khinh miệt những cái xấu xa tầm thường. Tôi vẫn là một người trẻ với đầy đam mê nhưng tôi được mời gọi thanh lọc những đam mê trần thế để chỉ còn đam mê nên thánh, đam mê Chúa và các linh hồn. Nói như Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là: Ở giữa trần gian nhưng không do trần gian mà cho trần gian với những phương tiện của trần gian[10].
Cần lắm những hình ảnh đẹp nơi người chủng sinh hôm nay để ngày mai có những mục tử như lòng Chúa mong ước: thánh thiện, nhiệt tâm và dấn thân phục vụ. Chủng sinh phải là người biết can đảm nói không với những gì không thích hợp, biết tránh thoả hiệp với tinh thần thế gian, là người dám bơi ngược dòng nhưng phải đủ bản lĩnh để không bị dòng cuốn trôi. Con đường trọn hảo sẽ không đạt được nếu không có từ bỏ và chiến đấu chống lại những so đo tính toán kiểu phàm nhân.
Trở thành môn đệ là một kinh nghiệm không bao giờ hoàn tất[11]. Chắc chắn hành trình theo Chúa đòi hỏi tôi cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể “nguyện dâng hiến mãi như lần đầu”[12]. Tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp, cùng với chiếc áo chùng thâm trên mình, tôi vững vàng bước tới với niềm xác tín: Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương (2Cr 9,7).
[3] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis (28/10/1965), số 17; Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consecrata (25/3/1996), số 25.
[4] Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ khai mạc triều đại Giáo hoàng (24/4/2005), trích lại theo Tông huấn Verbum Domini (30/9/2010), số 104.
[8] x. Josemaria Escriva, The way, 414: How putiful is a “man of God” who has fallen away! – But how much more putiful is a “man of God '' who is lukewarm and worldly!
[9] x. Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa (theo bản in của Vĩnh Hưng Long Thư Quán xuất bản năm 1928), NXB Văn hoá Thông tin, 2006, truyện 46 quyển 2: Không đợi trông cũng biết.
[12] x. Bài hát Chúa cất tiếng gọi con của nhạc sĩ Việt Khôi.