Chủng Sinh Thế Nào, Linh Mục Thế Đó?

Sun,18/07/2021
Lượt xem: 2252

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Đó là câu nói của Mẹ Teresa Calculta, nay là Thánh nữ Teresa Calculta, nói với các chủng sinh của một chủng viện trong một dịp viếng thăn Việt Nam. Phải chăng thánh nhân muốn nói đến viễn cảnh người linh mục trong tương lai ra sao tùy thuộc vào hệ tại của việc được đào tạo và tự học hỏi của các chủng sinh qua bốn chiều kích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ? Trải qua các giai đoạn:

1.            Giai đoạn sơ tuyển:

Các ứng viên chủng sinh phải là người nam (phái tính), có ước muốn sống độc thân theo ơn gọi tu trì, có sức khỏe tốt và không có khiếm khuyết nào về tâm-sinh- lý, trình độ cao đẳng trở lên,  đã có 3 năm dự tu và sinh hoạt đều đặn. Tiếp đến là trải qua thi tuyển với 3 môn: trắc nghiệm, vấn đáp và văn nghị luận. Sau thi tuyển xong, nếu đạt kết quả, các ứng sinh được gọi đi khám sức khoẻ. Sau khi hoàn tất công tác khám sức khoẻ và được điều tra cẩn thận, các ứng sinh sẽ được Toà Giám Mục công bố danh sách trúng tuyển.

2.   Giai đoạn Tiền Chủng Viện

Nơi đây, các ứng sinh sẽ được đào tạo 2 năm về chương trình Tu đức nói chung cũng như một số môn cần thiết theo sự hướng dẫn của Ban đào tạo (BĐT) linh mục. Đây là giai đoạn BĐT giúp các ứng viên phân định một cách cụ thể, kết hợp học sâu hơn về Giáo lý, Kinh thánh, Tu đức, rèn luyện khả năng định hình, định lượng và định  tính về các chiều kích xã hội, chủ yếu là chiều kích nhân bản, chiều kích ưu tiên của việc đạo tạo ứng sinh linh mục, gọi là “nhân bản Kitô giáo”, nghĩa là “học cách làm người” và học thêm “cách làm người Kitô hữu”. Song song với việc đào tạo nhân bản là tập thich nghi với đời sống thiêng liêng và tập sống tâm tình biết “chạnh lòng thương” trong chiều kích mục vụ. Các ứng viên được đào tạo để trở nên những linh mục quản xứ, những người được sai đến với cộng đoàn giáo xứ trong tương lai, các ứng sinh không thể không biết, không thao thức, không nghĩ đến, không đụng chạm đến biết bao nhiêu vấn đề khó khăn và đa dạng mà bản thân người viết dám khẳng định dứt khoát rằng: Chỉ những ai có khả năng nội tâm “chạnh lòng thương” mới có thể phục vụ nơi các giáo xứ trong Giáo phận trong bối cảnh thực tế của xã hội ngày nay.

Sau hai năm Tiền Chủng Viện, các ứng sinh sẽ được nghỉ hè và gửi đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ đến khoảng đầu tháng 9 sẽ nhận thông báo có được tuyển chọn vào Đại Chủng Viện hay không.

3.   Giai đoạn Đại Chủng Viện

Thời kỳ vào Đại chủng viện, các chủng sinh sẽ được đào tạo 2 năm gọi là 2 năm Triết, và 4 năm Thần học. Trong hai năm đầu, cũng như đã nói ở trên, các chủng sinh cũng sẽ được đào tạo với 4 chiều kích. Vì hai năm Triết, nên các chủng sinh sẽ được học về các khoá học nhập môn về Triết học, Kinh Thánh, cũng như các môn học khác theo sự sắp xếp của chương trình đào tạo. Quan trọng trong hai năm Triết, là giúp các chủng sinh có một sự học hỏi, suy tư, suy nghĩ, xác định cũng như phân định cách rõ ràng ơn gọi của bản thân ngang qua các môn Triết học. Các chủng sinh cũng phải lên lớp để lãnh hội các bài học bởi quý Cha giáo. Sau 2 năm Triết, theo Ratio mới, các chủng sinh sẽ được gửi đi thực tập tập tại các giáo xứ. Thời kỳ quan trọng để các ứng sinh xác định và phân định tu hay không tu nữa. Nếu tiếp tục thì sẽ được vào học Thần học xuyên suốt 4 năm. Sau 4 năm Thần học, các chủng sinh sẽ được gửi đi giúp xứ khoảng 6 tháng và sẽ được lãnh sứ vụ Phó tế. Khi lãnh thừa tác vụ Phó tế xong, các thầy sẽ được gửi đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ cũng khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, bản thân người viết muốn trình bày một số quan điểm riêng tư hầu mong giúp các ứng sinh linh mục có cái nhìn tổng quan về chiều kích đào tạo và tự đào tạo nhằm trở nên những linh mục như lòng Chúa mong ước cũng như Giáo hội mong chờ.

3.1. Chiều kích nhân bản: Vì là nhân vô thập toàn, nhưng vẫn được chọn gọi vào Đại chủng viện, các chủng sinh phải được đào tạo về đời sống nhân bản, về lối sống, về cung cách cư xử của một linh mục tương lai đối với mọi người mà mình gặp gỡ trên đường sứ vụ. Như thế, một chủng sinh thiếu nhân bản thì sẽ trở thành một linh mục rất nguy hại cho sứ vụ tương lai. Chẳng hạn: ăn nói cộc lốc, thiếu tế nhị, nóng nảy, hỗn láo với bề trên cũng như với anh em, thiếu hoà đồng, thiếu thân thiện, thiếu cởi mở, hoặc hay cố chấp, hận thù, ghen ghét, nói hành nói xấu, kênh kiệu, oai phong, tự cao tự đại, thích thể hiện chính mình, chạy theo hàng hiệu từ xe máy xịn, quần áo, đồ dùng và điện thoại, cá mè một lứa,…Có lần bản thân người viết đã nghe một chủng sinh mới vào học năm Triết 1, tức là lớp C đã phát biểu với anh em lớp A: “đã vào chủng viện rồi thì thằng nào cũng là thầy, nó sợ thằng mô cả!”. Một câu nói vô tình hay hữu ý của chủng sinh kia phản ảnh đời sống nhân bản của anh ta. Và tương lai, anh ta chắc sẽ không sợ ai cả nếu được làm linh mục. Coi trời bằng vung. Cứ tưởng là đậu chủng viện là nhất, là giỏi, là thông minh hơn người. Mới chủng sinh mà đã có thái độ thể hiện quyền lực, oai phong và kẻ cả, thì đừng hỏi tại sao tồn tại những linh mục như vậy. Đối với bề trên, có thể một số chủng sinh vâng lời trước mặt nhưng phía sau lưng và vắng mặt thì sống khác, không muốn nói là tỏ thái độ nói xấu và bất tuân phục. Mặt khác, đối với anh em, nhiều chủng sinh đã thích sống thể hiện trước mặt anh em: có thể gia đình có điều kiện, hoặc có cha bố giàu có, có thể có ân nhân giúp đỡ. Cũng có nhiều chủng sinh dính vào các đam mê: nghiện chơi cờ, hút thuốc lá nhiều, nhậu nhẹt không thua người ngoài. Chủng sinh sống như thế thì đừng hỏi tại sao linh mục nghiện cờ quên dâng lễ hay không dâng lễ; vẫn tồn tại những linh mục hút thuốc ngay trước khi chuẩn bị dâng lễ và ngay sau khi lễ xong; cũng đừng ngạc nhiên khi có nhiều linh mục rơi vào tình trạng nghiện rượu và hậu quả sau đó thì không kể nổi. Chủng sinh thế nào, linh mục thế đó cũng không sai lắm.

3.2. Chiều kích thiêng liêng: Đây là chiều kích quan trọng đối với người ki-tô hữu nói chung, và đối với chủng sinh linh mục nói riêng. Không thể là linh mục thánh thiện nếu một chủng sinh không bao giờ dành thời gian suy gẫm riêng trước Thánh Thể. Quả thật, ngoài việc tham dự các giờ kinh chung, thánh lễ chung, người chủng sinh nên có những khoảnh khắc riêng tư trong ngày để suy niệm Lời Chúa và gặp Chúa Giê-su trước Nhà tạm. Nếu trong khoảng 10 năm được đào tạo tại Đại chủng viện, người chủng sinh cứ duy trì thói quen đó, thì chắc chắn nếu Chúa muốn sẽ trở thành một linh mục cầu nguyện và thánh thiện. Ngược lại, nếu một chủng sinh không quan tâm hay chểnh mảng chiều kích thiêng liêng như khô khan, lười biếng, bỏ kinh, bỏ suy niệm, bỏ bê giờ viếng Thánh Thể sau giờ nghỉ trưa, thì sẽ báo hiệu cho một linh mục không sốt sắng, thiếu đời sống cầu nguyện và khô khan nguội lạnh trong khi thi hành sứ vụ. Đời sống cầu nguyện là linh hồn của người linh mục tương lai, nên chủng sinh không được phép bỏ bê đời sống cầu nguyện và gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Nhờ có đời sống cầu nguyện chuyên sâu và thánh thiện, người linh mục dễ dàng thi hành mục vụ cách vui vẻ và bình an. Hơn nữa, để trở thành người trao ban của Thánh và là nhà chuyên môn về đời sống cầu nguyện, người chủng sinh luôn luôn và bắt buộc phải bó mình theo một chương trình cụ thể và nghiêm túc trong chiều kích thiêng liêng này. Vì thế, thái độ uể oải, chán chường, ngủ gật trong các giờ kinh nguyện hay thánh lễ, không đúng giờ đúng giấc kéo dài trong thời gian đào tạo nơi người chủng sinh sẽ rất nguy hại cho một linh mục tương lai của Giáo hội. Vì thế đừng đòi hỏi một linh mục thánh thiện, yêu mến đời sống cầu nguyện, thầy dạy cầu nguyện đúng nghĩa nơi một chủng sinh có những thái độ sống như thế. Chủng sinh thế nào, linh mục thế đó là không sai!

3.3. Chiều kích tri thức: Việc học tập ở Chủng viện cũng quyết định rất lớn cho sứ vụ tương lai của ứng sinh linh mục. Bài học rất nhiều với khả năng thuyết giảng của các Cha giáo, các chủng sinh phải nỗ lực hết mình để đón nhận và cố gắng đọc sách, tìm tài liệu để hiểu rõ vấn đề hơn. Miệt mài đèn sách là điều cần thiết cho các chủng sinh. Khi lên lớp để tham gia các khoá học, nếu không để ý hay ngủ gật nhiều, chủng sinh sẽ bị hổng kiến thức vì không ai dạy lại cho mình nữa. Hoặc chỉ học qua ở lớp mà không chịu đọc lại, tìm hiểu đi tìm hiểu lại bài học đã thụ huấn thì chủng sinh khó nắm vấn đề chắc chắn cho sứ vụ của mình. Quý Cha giáo sư chỉ là người giúp mình khai mở vấn đề, chỉ giúp mình biết cách mở phong bì, còn khám phá bên trong phong bì là chuyện của các chủng sinh. Nên các chủng sinh phải cố gắng để lắng nghe, chăm chỉ đọc sách ở nhà cũng như tại thư viện để bổ sung thêm kiến thức cho các bài học. Quả thật, thời đại @ là thời đại tri thức, giáo dân đa số hiểu biết nhiều, được học hành cao rộng, nên đòi hỏi các linh mục cũng phải có kiến thức, chưa muốn nói là uyên thâm về các chuyên môn. Nhưng làm sao có được những linh mục như thế, nếu trong thời gian đào tạo các chủng sinh không chịu học bài, không để ý các Cha Giáo sư giảng dạy, hoặc bỏ giờ, hoặc ngủ gà ngủ gật trong giờ học, không dành thời gian đọc sách, nghiên cứu kỹ càng các bài học,…

3.4. Chiều kích mục vụ: Đây là chiều kích thứ tư trong 4 chiều kích đào tạo các chủng sinh trở thành linh mục tương lai. Chiều kích này liên quan đến sứ vụ mục vụ, vai trò làm cha quản xứ và người lãnh đạo cộng đồng. Ngoài các bài khoá liên quan đến chiều kích mục vụ, các chủng sinh được mời gọi phải quan tâm, thao thức và lưu ý đến con người, đối tượng mà các thầy sẽ đối diện không chỉ trong thời gian đào tạo, về hè, về tết, khi đi giúp xứ và cụ thể khi là linh mục quản xứ. Trong chiều kích mục vụ tương lai các thầy đối diện sẽ có rất nhiều mặt, nhiều vấn đề: mục vụ gia đình, mục vụ truyền giáo, mục vụ di dân, mục vụ giới trẻ - thiếu nhi, mục vụ bệnh nhân, mục vụ các hội đoàn,…nên các chủng sinh phải có sự chuẩn bị ngay trong thời gian đào tạo. Nếu muốn trở nên linh mục vững vàng trong công tác mục vụ tại các giáo xứ, người chủng sinh không được lơ là, không hay biết, không quan tâm và vô cảm đối với chiều kích mục vụ. Vì thế, ngoài các giờ lên lớp, gặp gỡ, đối thoại về chiều kích mục vụ, các chủng sinh nên dành thời gian đọc sách, nghiên cứu, cầu nguyện, thao thức liên tục về tất cả đối tượng mà mình sẽ được giao phó trong tương lại. Đừng đòi hỏi nơi một linh mục luôn chậm chạp, không thành công trong mục vụ, khi thấy một chủng sinh ù lì, chậm chạp và không quan tâm đến con người, nhất là người nghèo. Đừng lạ lùng khi nhìn thấy một số vị linh mục sống quan liêu, độc quyền, ‘làm vua’ một cõi, vì nơi chủng sinh trước đó thích được phục vụ, thích được ‘suy tôn’, thích làm oai, thích thể hiện, thích ‘làm quan’ – ‘làm vua’. Như vậy, nơi một chủng sinh ươn lười, không chịu khó, hay phàn nàn, kêu ca, không nhiệt huyết, bỏ trốn công việc, chọn việc nhẹ nhàng, không chịu sửa đổi hay thay đổi tính cách, thì chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp một linh mục không nhiệt huyết và không hăng say loan báo Tin mừng cũng như trở thành rào cản trong việc rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Đúng là chủng sinh thế nào, linh mục thế đó.

Qua cái nhìn tổng quát về 4 chiều kích đào tạo những ứng sinh linh mục tương lai ở trên, bản thân người viết hoàn toàn không có ý phê phán hay chỉ trích ai cả, nhưng thiển ý muốn góp chút nhỏ mọn ý kiến cá nhân nhằm thức tỉnh, thôi thúc, nhắc nhở và góp ý cho công việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hôm nay. Với cái nhìn thực tế, người viết xin mãn phép được đưa ra những mặt trái, những điểm chưa thuận lợi trong quá trình được đào tạo để các ứng sinh linh mục tương lai chăm chú hơn và quyết tâm hơn hầu trở nên những linh mục như lòng Chúa mong ước. Mong rằng để trở thành những linh mục thánh thiện, những linh mục của đời sống cầu nguyện, những linh mục đạo đức, những linh mục thành công trong mục vụ, một linh mục nhiệt huyết nhiệt thành sẵn sàng lên đường đi truyền giáo khi Bề trên yêu cầu, tiên vàn đòi hỏi các chủng sinh, những người đang được thụ huấn tại môi trường Chủng viện phải ý thức mình là ai, mình sẽ là ai và mình phải làm gì, phải sống như thế nào, phải thay đổi tính cách như thế nào, phải rèn luyện các nhân đức nào, phải dành thời cầu nguyện như thế nào. Khi đặt ra được những câu hỏi như thế là cơ hội giúp các chủng sinh nhìn lại mình để nỗ lực hết mình và cậy dựa vào ơn Chúa ban nhằm trở nên những linh mục như lòng Chúa mong ước trong tương lai. Nhờ đó, các chủng sinh thế nào thì linh mục sẽ thế ấy!

Nguồn tin: