Vai Trò Của Linh Mục Quản Xứ Trong Sứ Vụ Truyền Giáo Cho Người Lương Dân Bên Cạnh Giáo Xứ

Fri,15/11/2019
Lượt xem: 4836

 Dẫn nhập


Nói đến truyền giáo cho lương dân, chúng ta thường ưu tiên đi đến những vùng xa xôi, vùng dân tộc. Điều đó là hết sức cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, những người lương dân bên cạnh chúng ta thì sao? Tại sao ta không truyền giáo cho họ? Tại sao các cha xứ không quan tâm đủ đến anh em hàng xóm ngay sát cạnh mình? Lương dân là những người biết chúng ta, cùng sinh sống, làm việc và có mối liên hệ mật thiết với chúng ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho họ. Để thực thi lệnh truyền đi đến với muôn dân của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mt 20, 28). Cha xứ cần đi đến với người lương để giúp họ nhận biết giá trị Tin Mừng, nhận biết Thiên Chúa. Mục vụ lương dân là một trong những phương thế thiết thực nhất để loan báo Tin Mừng cho họ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi sâu vào ba phương thế truyền giáo cho lương dân xung quanh các giáo xứ: Gặp gỡ đối thoại; Thăm viếng; Làm việc bác ái.

 1. Gặp gỡ đối thoại

Hầu hết người lương dân và giáo dân sống gần nhau. Hai bên có những mối ràng buộc qua lại nên việc gặp gỡ, trao đổi rất thuận lợi. Thế nhưng, cha xứ gặp gỡ với người lương dân ngay cạnh giáo xứ là một chuyện xưa nay hiếm thấy. Tuy nhiên, Huấn quyền Giáo Hội đòi hỏi cha xứ được sai đến với một giáo xứ không chỉ được sai đến với người giáo dân nhưng còn có trách nhiệm đối với những người khác trong địa hạt của mình để loan báo Tin Mừng cho họ.[1] Dầu vậy, những công việc của giáo xứ như: xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng hội đoàn, tổ chức các đại lễ và các hoạt động mục vụ khác đã chiếm trọn thời gian của các ngài. Cha xứ nhiều khi không có thời gian để tiếp xúc, gặp gỡ với con chiên của mình nói chi đến việc gặp gỡ, đối thoại với lương dân. Cha xứ không thể thông truyền Tin Mừng cho người lương dân nếu không gặp gỡ đối thoại với họ.

 Sứ vụ loan báo Tin Mừng của cha xứ thuộc về bản chất vì được thông phần vào sứ vụ của Đức Giêsu. Lần giở lại những trang Kinh Thánh, ta nhận thấy rằng khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Một của Mình xuống để đem bình an, đem tin vui cho muôn người, cho muôn dân tộc, cho hết thảy mọi người để “Tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Trong suốt cuộc đời rao giảng của Ngài, Đức Giêsu đã thi hành chương trình của Thiên Chúa là đem Tin Mừng cứu độ cho tất cả những ai Ngài gặp gỡ. Ngài đã đi hết làng nọ đến làng kia, chữa lành nhiều bệnh nhân, làm nhiều phép lạ cho không chỉ người Dothái mà còn cho cả dân ngoại. Một trong những cuộc gặp gỡ đẹp nhất, có ý nghĩa nhất đó là “Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp” (cf. Ga 4,1-42). Thời Chúa Giêsu, người Dothái và dân ngoại Samari không đội trời chung với nhau, giữa họ luôn xảy ra những xung đột, khoảng cách rất lớn. Thế mà, Chúa Giêsu đã chủ động đến với họ, xin họ nước để uống. Sau đó, trò chuyện với họ và kết quả là họ đến để nghe Ngài giảng dạy và cuối cùng đã tin vào Ngài.

Chính Đức Giêsu đã thấu suốt tâm tư con người và dùng cuộc đối thoại mang đầy tính nhân bản để dẫn đưa nhân loại đến với ánh sáng thần linh. Cũng thế, là môn đệ đã thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, cha xứ cũng phải hiểu biết những người đang chung sống với mình. Cha xứ luôn được mời gọi nhìn nhận nơi lương dân có nhiều điểm tốt đẹp, có nhiều điểm tương đồng với giáo lý của Giáo Hội. Nhiều người lương dân sống xung quanh giáo xứ là thửa đất màu mỡ, tốt tươi cho hạt giống đức tin được gieo vãi, đâm chồi và nảy lộc. Muốn vậy, cha xứ phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hóa qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn; phải thân thiết với các truyền thống dân tộc và tôn giáo; hãy khám phá với niềm vui và trân trọng những hạt mầm của Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó.[2] Khi liên kết với lương dân bằng mối dây nguồn gốc, đặc điểm, tình cảm và khuynh hướng, cha xứ có cơ hội để giới thiệu đức tin và giúp họ nhận ra giá trị Chân, Thiện, Mỹ.

Để làm được điều đó, cha xứ phải là mẫu gương trong việc lắng nghe và chia sẻ với người khác. Khi giảng dạy, cha xứ tạo cho giáo dân biết đối thoại với nhau, nhất là giúp họ biết chia sẻ và đối thoại với những người lương dân. Ngài giúp giáo dân vượt ra khỏi lũy tre làng, ra khỏi nếp sống khép kín để đi đến với những người sống cạnh mình chưa có đức tin. Ngài có nhiệm vụ giúp giáo dân biết tôn trọng, cởi mở và chấp nhận những khác biệt nơi những người lương dân. Ngài hướng dẫn giáo dân thay vì sống thành kiến, cãi cọ hay thậm chí đấu đá nhau, thì hãy yêu thương và đối thoại với nhau để cùng nhau phát triển tình làng nghĩa xóm.

Người lương dân không quen hay rất ngại đến với giáo xứ, với cha xứ. Họ cũng không có cơ hội để biết đạo nên ít có thiện cảm với đạo, không hiểu những nét đẹp của đạo. Vì vậy, cha xứ cần chủ động tổ chức nhiều cơ hội mời lương dân đến gặp gỡ, làm quen, kết thân và giới thiệu về đạo. Khi có dịp, giáo xứ phát thư mời và nhờ giáo dân trực tiếp chuyển thư, hướng dẫn giáo dân tha thiết mời anh chị em lương dân đến nhà thờ. Cha xứ phải biến nhà xứ thành ngôi nhà chung của mọi người, để ở đó không kể lương giáo có thể trao đổi, gặp gỡ và nối kết với nhau. Để từ đó, bằng chứng tá đời sống và bằng lời nói của mình, cha chân thành đối thoại với những người lương dân, để mở ra cho họ những con đường có thể dẫn họ tới việc nhận biết sứ điệp Tin Mừng, bằng một phương thế thích hợp với tâm tình và văn hoá của họ.[3] Ngoài gặp gỡ, đối thoại, cha xứ cần thăm viếng mọi người trên địa bàn mình được sai đến.

2. Thăm viếng

Theo lẽ thường, cha xứ chỉ đến thăm con chiên trong giáo xứ, còn người lương dân xung quanh thì ‘bất biết.’ Họ là hàng xóm, cùng làng, cùng xã, nhưng chẳng liên quan gì đến cha xứ. Họ biết rất rõ về cha xứ. Dưới con mắt của họ, cha xứ là người của ‘thế giới khác’ quyền cao chức trọng nên không thể gặp gỡ, không thể tiếp xúc, không thể nói chuyện. Ngài được mời gọi chủ động hạ mình xuống đi đến với mọi người, thăm viếng con chiên trong giáo xứ và lương dân như Đức Giêsu đã làm.

Để thực thi sứ vụ loan Tin Mừng chân lý đến với muôn người, Đức Giêsu đã tiếp xúc với nhiều người thuộc mọi tầng lớp, văn hóa, lối sống phong tục khác nhau, kể cả những người chống đối Ngài, muốn giết Ngài. Đức Giêsu đã nói với các tông đồ “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1, 38). Để hiện thực hóa sứ vụ, Đức Giêsu đến với người thu thuế (cf. Mt 9,9; Lc 5,27-28 ); dùng bữa với người tội lỗi (cf. Mt 9,10-13; Lc 5, 29-32 ); chữa người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại (cf. Mt 9,18-26; Mc 5,21-43 ); chữa con gái một bà gốc Phênixi xứ Xyri (cf. Mt 15,21-28),… Kết quả là dân chúng đi theo và tin vào Đức Giêsu rất đông (cf. Mc 3,7-11). Nhờ đó, Tin Mừng đã được gieo vào khắp miền Giuđê và sẽ được lan tỏa khắp thế giới nhờ vào các tông đồ.

Trải qua hơn hai ngàn năm, Giáo Hội vẫn tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng của Thầy Giêsu. Đặc biệt trong những năm gần đây, công cuộc loan báo Tin Mừng đang có những cách thức mới phù hợp hơn với thời đại. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng, mọi linh mục phải có khối óc và trái tim của nhà thừa sai, biết mở ra với những nhu cầu của Giáo Hội và của thế giới, quan tâm đến những người ở xa nhất, nhất là quan tâm tới những anh chị em ngoài Kitô giáo tại địa bàn của mình. Ngài nói:

“Đặc biệt tại những vùng mà các Kitô hữu chỉ là thiếu sổ nhỏ nhoi, các linh mục phải được đong đầy nhiệt tình dấn thân sứ mạng. Chúa ủy thác cho các ngài không chỉ bổn phận mục vụ săn sóc cộng đoàn Kitô hữu, mà còn và trên hết là việc loan báo Tin Mừng cho anh chị em xung quanh vốn chưa thuộc về đoàn chiên của Đức Kitô.”[4]

Trên cùng một tuyến đường đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trình bày Giáo Hội mở ra, đi đến vùng ngoại biên, là một Giáo Hội truyền giáo hoàn toàn. Ngài nói: “Chúng ta hãy ra đi, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Đức Kitô. Tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình.”[5] Như vậy, hai Đức Giáo hoàng mong muốn Giáo Hội phải đi đến với những người chưa có cơ hội biết về Tin Mừng để loan báo, giới thiệu cho họ về Đức Kitô. Trách nhiệm đó trước hết và trên hết thuộc về các cha xứ, những người trực tiếp và sống gần gũi với lương dân.

Cha xứ không thể phục vụ nhân loại nếu ngài trở nên xa lạ với cuộc đời và những hoàn cảnh sống của nhân loại. Chính thừa tác vụ đặc biệt đòi buộc các ngài không được sống rập theo đời này nhưng phải sống giữa mọi người trong thế gian này, phải như những mục tử nhân lành biết các con chiên của mình, lại phải tìm kiếm và dẫn về những con chiên chưa thuộc ràn này, để chúng được nghe tiếng Chúa Kitô và sẽ chỉ có một đàn chiên và một Chủ chiên.[6] Noi gương Đức Giêsu “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng […] Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Cha xứ được mời gọi thân thiện, gần gũi với con chiên. Ngài phải hạ mình xuống để ra đi và đến với con chiên. Ngài phải ‘đến ở với’ họ, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ mọi nỗi vui buồn, mọi khó khăn và nâng đỡ họ trong đức tin, trong đời sống đạo, về tinh thần lẫn vật chất như lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Edekiel: 

“Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng.” (Ed 34, 15-16).

Khi cha xứ hy sinh để đến với những người lương dân bằng thái độ gần gũi, cởi mở. Khi cha xứ biết hạ mình xuống để ‘hiện diện’ và trở thành một ‘con người trong họ’, chắc chắn người lương dân sẽ cảm thấy gần gũi và yêu mến đạo Công Giáo hơn. Để tạo nhịp cầu lương giáo với nhau và để lương dân có nhiều cơ hội tiếp xúc với cha xứ, giáo xứ nên tạo cơ hội và thường xuyên mời lương dân đến nhà thờ tham dự những sinh hoạt cộng đồng đạo đời như: thi đua thể thao, giao lưu văn hóa, hội diễn văn nghệ, lễ hội, bổn mạng, thuyết trình chuyên đề, chia sẻ thiện ích chung (sân tập dưỡng sinh, quàn xác nhà hài cốt xứ đạo), cầu nguyện chung… Đến nhà thờ nhiều lần lương dân sẽ xem nhà thờ như ‘người hàng xóm thân thiện’, biết các sinh hoạt, thấy các nét đẹp, hưởng những những thiện ích chung tại nhà thờ… Đó là tiền đề để họ tin và theo đạo.

Để thắt chặt thêm mối tình lương giáo và đặc biệt là để lương dân hiểu và tin theo đạo, trong các dịp hiếu hỉ như: Mùng 2 tết cầu cho ông bà tổ tiên, Mùng 3 tết cầu cho công việc làm ăn, Lễ các Đẳng Linh hồn 02/11, ngày bổn mạng họ đạo, ngày giỗ các giám mục & linh mục của giáo xứ, Noel, Trung Thu, Khánh nhật Truyền giáo, ngày khai giảng và bế giảng năm học… Những dịp đó, giáo xứ tổ chức đón tiếp cách trân trọng, niềm nở, phân công người hướng dẫn tham quan, khoản đãi trà nước, tặng quà lưu niệm..., hứa hẹn tái ngộ. Cha xứ cũng sẵn sàng, hy sinh đi đến với người lương dân vào những dịp quan trọng của họ như: chia buồn khi có người qua đời, dịp đầu năm, khai giảng và bế giảng năm học…

 Đó thực sự là những hành động thiết thực và có thể thực hiện được để cha xứ và người lương dân hiểu biết, tôn trọng và quý mến nhau. Khi đã tôn trọng và thân thiết với nhau, khi đã trở thành bạn bè của nhau thì chắc chắn chiếc cầu lương giáo được thiết lập và bền vững, đó sẽ là tiền đề cho hạt giống Tin Mừng được nhen nhóm và nảy mầm trong lòng mỗi người lương dân, sẽ không chóng thì chày, không nhiều thì ít, sẽ có nhiều người gia nhập đạo Công Giáo. Để cho hạt giống đó được lớn lên và phát triển, ngoài việc thăm viếng, cha xứ cần có những việc làm bái ái để giúp đỡ người lương dân.

3. Bác ái

Những bà con lương dân xung quanh Giáo xứ hầu hết là nông dân nghèo, lạc hậu. Họ không chỉ nghèo về vật chất nhưng còn nghèo về tình cảm, nghèo về đời sống tâm linh, nghèo về đức tin. Thật sự họ cần nhiều sự giúp đỡ. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang ‘làm ngơ’ hay nói cách khác là không quan tâm đến ‘hàng xóm’ của mình. Cha xứ chỉ lo giúp đỡ cho con chiên trong giáo xứ mà không khi nào để ý mở rộng tấm lòng, sự quan tâm đến lương dân bên cạnh. Như thế, làm sao chúng chúng ta có thể giảng về bác ái Kitô giáo, về lòng thương yêu, lòng thương xót của Đức Giêsu cho người khác được. Đặc biệt, làm sao chúng ta có thể truyền giáo khi chúng ta không cho họ thấy được tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa qua chứng nhân về đời sống bác ái của chúng ta.

Dưới ánh sáng Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng, suốt ba năm rong ruổi trên hành trình rao giảng và làm chứng về Nước Trời, bên cạnh việc gặp gỡ đối thoại, thăm viếng, Đức Giêsu còn biểu lộ lòng thương yêu hết mọi người: chữa người mù được thấy (cf. Mc 8,22-26), cho kẻ què đi được, người câm nói được (cf. Mc 7,31-37); chạnh lòng thương dân chúng vì dân chúng bơ vơ, không người chăn dắt (cf. Mt 9,36); hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (cf. Mc 6,30-44; Mt 14,13-28; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Ngài không chỉ cứu giúp họ về phần xác, nhưng còn qua việc cứu chữa thân xác, Ngài cứu chữa linh hồn họ. Ngài chữa người mù tại thành Giêricô (cf. Mc 10,46-52); Ngài tha thứ cho người đàn bà ngoại tình (cf. Ga 8,1-11). Tình yêu của Ngài được thể hiện cách trọn vẹn bằng cái chết trên thập giá “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người đã thí mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13). Như vậy, Đức Giêsu đến không phải chỉ để cứu chữa về phần xác nhưng chủ yếu để cứu linh hồn, đem lại cho người khác ơn cứu độ.

Cha xứ ý thức rằng mình là hiện thân của Đức Giêsu Kitô, là ‘Alter Christus.’ Vì thế, cha xứ phải hành động như Đức Giêsu Kitô để đến với đàn chiên và với từng con chiên để thăm nom, chăm sóc từng con một. Con nào đói, ngài cho ăn; con nào khát, ngài cho uống; con nào rách rưới, ngài cho áo mặc; con nào bị sói dữ đe doạ, ngài xả thân bảo vệ; con nào lạc lối, ngài cất công đi tìm và vác trên vai mang về (cf. Ga 10,11- 16 ). Làm việc bác ái trước hết và trên hết là phải biết họ, đến với họ, sống với họ. Cha xứ khuôn mình theo khuôn mẫu của Đức Giêsu Kitô -Đấng đã đến để phục vụ. Cha xứ trở thành một mục tử nhiệt thành chứ không chỉ là người cai quản đầy hiệu năng.[7] Mục tử đích thực thì biết từng con chiên của mình và quan tâm giúp đỡ. Mục tử lo cho con chiên có cái ăn, cái mặc, nơi ở, sức khỏe, nơi nô đùa vui vẻ. Muốn làm được như vậy, các mục tử phải hy sinh, hiện diện, chăm sóc từng con chiên, con ở trong ràn cũng như con ở ngoài ràn. Như thế, con chiên sẽ nghe tiếng của chủ chiên và đi theo chủ của mình. Cha xứ khi đến với lương dân, hiện diện với họ, giúp đỡ, thấu hiểu, đồng cảm với họ, tôn trọng văn hóa tín ngưỡng của họ, giải thích và dạy cho họ những chân lý thì chắc chắn họ sẽ yêu mến và đi theo. Khi đến với họ, cha xứ phải thành thật, chân tình, không áp đặt, không tìm tư lợi nhưng đến phục vụ cách vô vị lợi:

“Các linh mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô; các ngài hợp tác với giáo dân và sống giữa môi trường của họ theo gương Thầy, Ðấng đến ở giữa mọi người “không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình thay cho nhiều người” (Mt 20,28)”.[8]

 Phục vụ không chỉ là đến thăm, đối thoại, mà còn phải có những hành động bác ái cụ thể.

Trong giáo xứ, cha xứ có thể kêu gọi người giáo dân hy sinh đóng góp một phần mình để giúp đỡ người lương dân gặp những hoàn cảnh khó khăn. Ngài thường xuyên trực tiếp hoặc qua các hội đoàn đến thăm những gia đình cô đơn, cô thế cô thân, ông bà lão lương dân để nói chuyện, động viên, chia sẻ, giúp đỡ họ để họ có niềm vui, sự hạnh phúc. Cha xứ có thể kết hợp với ban Caritas của giáo xứ và giáo phận để thực hiện những chương trình hỗ trợ cho cả người giáo dân lẫn lương dân không phân biệt như: cho vay vốn để làm kinh tế, nuôi bò, phát thuốc khám chữa bệnh, xây nhà tình thương. Qua đối thoại, cha xứ liên kết với chính quyền xã, nhà trường để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo trong toàn xã, giúp đỡ xây dựng nhà trường, công trình thủy lợi; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân canh tác sản xuất và các em nghèo được có cơ hội cắp sách đến trường. Ngoài ra, hàng năm nên tổ chức các buổi gặp gỡ, tổ chức bữa tiệc tại giáo xứ dành cho những người bệnh tật, kém may mắn, hội người cao tuổi để giúp cho họ nối kết với nhau, không còn chuyện phân biệt lương giáo. Đó là những việc làm bác ái thiết thực, chân thành, nhờ đó cha xứ giới thiệu và làm chứng cho bác ái Kitô giáo. Người lương dân sẽ dần hiểu, yêu mến đạo Công Giáo hơn.

Kết luận

Suốt hơn hai ngàn năm qua, với biết bao sóng gió của thời cuộc trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, Giáo Hội đã không ngừng ra đi đem Tin Mừng cho mọi dân tộc, muôn dân nước. Kết quả là từ ‘con số 0’ tròn trĩnh, Giáo Hội đã phát triển mạnh mẽ, chiếm hơn 1,3 tỷ người,[9] trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xét về tổng dân số thế giới gần 8 tỷ người[10] thì người Công Giáo chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn biết bao nhiêu người chưa nhận biết Thiên Chúa. Cánh đồng truyền giáo mênh mông bát ngát đang chờ Giáo Hội đến gieo hạt giống Tin Mừng để hạt giống đâm chồi và nảy lộc. Sứ mạng của Giáo Hội là đem Chúa đến cho những người chưa nhận biết Ngài. Đó cũng chính là sứ mạng của cha xứ, những người trực tiếp sống, tiếp xúc hằng ngày với người giáo dân cũng như lương dân. Bên cạnh việc ‘Phúc âm hóa’ đời sống tín hữu trong giáo xứ, cha xứ còn được mời gọi loan báo Tin Mừng cho người lương dân xung quanh bằng những việc làm cụ thể tùy vào hoàn cảnh, văn hóa, cuộc sống địa phương.  Để qua đó, Giáo Hội trở thành gia đình của Thiên Chúa, nơi đó có sự liên đới và hiệp nhất giữa lương dân và giáo dân trong tình yêu thương.

                                                                                                                       Jos. Nhân Hòa,  K.XIII
                                                                                                    Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa, số 13


[1] Cf. Bộ Giáo luật 1983, điều 528.

[2] Cf. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 11.

[3] Cf. Bộ Giáo luật 1983, điều 787 § 1.

[4] Cf. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris misso, số 67.

[5] Cf. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 49.

[6] Cf. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Odinis, số 3.

[7] Cf. Lm. Giuse Nguyễn Công Đức, Linh đạo linh mục giáo phận, Nxb. Phương Đông, 2013, p. 48.

[8] Cf. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Odinis, số 9.

[9] Cf. Báo Công giáo và dân tộc, “Thế giới có 1,3 tỷ tín hữu Công giáo”, 2017, http://cgvdt.vn , truy cập ngày 20/01/2019.

[10] Cf. “Dân số thế giới”, https://danso.org, truy cập ngày 20/02/2019.

 

Nguồn tin: