Thử Tìm Đường Vào Trái Tim Người Trẻ Hôm Nay

Sat,25/04/2020
Lượt xem: 1843

 Dẫn nhập

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho năm 2020-2022. Dưới ánh sáng Tông huấn Christus Vivit của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ủy Ban Giới Trẻ đã có nhiều hoạt động hướng đến xây đắp tương lai tốt đẹp cho người trẻ. Bài viết không nhằm làm nổi bật những đóng góp ấy cho bằng thử tìm một vài lối đi vào thế giới tâm hồn người trẻ hôm nay.

1. Những thách đố và hy vọng

Các tài liệu của Huấn quyền và xã hội nhắc đến rất nhiều thách đố mà các bạn giới trẻ ngày nay phải đối diện, đặc biệt là những thách đố từ xã hội Việt Nam: xã hội lợi nhuận, xã hội tiêu thụ, xã hội hưởng thụ, xã hội quảng cáo và bệnh thành tích. Đặc biệt, nền công nghiệp 4.0 đang ‘giữ’ người trẻ trong thế giới của smart phone khiến họ không thể hoặc không muốn bước ra để thay đổi chính mình và bước tới tha nhân. Tông huấn Pastores Dabo Vobis nói đến ‘lối sống thoải mái’ và ‘lối sống phóng túng’ đưa đến những quan niệm lệch lạc về tự do và tính dục.[1] Tông huấn Christus Vivit mô tả bức tranh đau buồn mà các bạn trẻ rất nhiều nơi trên thế giới đang phải sống: bị bắt cóc, bị khai thác nô lệ và tình dục trẻ em, bị ép buộc cầm vũ khí.[2] Những thực trạng trên đưa đến thái độ ‘duy chủ thể’ trong lĩnh vực đức tin.[3]  

Giáo hội tại Việt Nam cũng đang có nhiều bước tiến trong việc mục vụ cho giới trẻ. Tuy vậy, thực tế mục vụ cho thấy đang gặp phải rất nhiều thách đố. Hệ thống mục vụ giới trẻ từ cấp Giáo phận đến Giáo xứ chưa đáp ứng được những mong mỏi của người trẻ. Những kinh nghiệm và gương mẫu của người đi trước không đủ hấp dẫn họ. Bởi đó, người trẻ có xu hướng tự tìm con đường riêng của mình. Họ tìm kiếm lối đi từ những nguồn ngoài truyền thống, ít muốn nghe hoặc phụ thuộc vào kinh nghiệm sống của người đi trước. Một khi ‘khởi sự’ thất bại, họ đóng khung tâm hồn, niêm phong lối vào bằng những lối sống ngụy biện giả tạo. Người trẻ, đối tượng năng động, lại dường như đang thụ động tìm kiếm hướng đi cho tương lai. Người trẻ đang thiếu những người bạn tốt và những người thầy đích thực.

Những thách đố mà chúng ta vừa lướt qua không phải là bức tranh hoàn toàn xám xịt. Thật vậy, nơi một số người trẻ, chúng ta có thể nhận thấy khát vọng Thiên Chúa trong họ, dù ở tầm mức ‘khá mơ hồ’ so với mạc khải.[4] Hình bóng Thiên Chúa được họ ‘gọi tên’ dưới những khuôn mặt khác nhau: lý tưởng sống tình huynh đệ giữa con người, khát vọng chân thành muốn phát triển tài năng để phục vụ con người, sự nhạy cảm với nghệ thuật và bảo tồn nét đẹp của thiên nhiên…[5] Đặc biệt, người trẻ đã tận dụng tốt những thế mạnh của môi trường kỹ thuật số để phát huy những sáng kiến phục vụ con người, đồng thời chính họ trở thành những nhịp cầu kết nối và lan tỏa những nét đẹp của chân lý Tin Mừng.

 Đồng hành cùng người trẻ không phải là trách nhiệm riêng của nhà giáo dục nhưng của những tâm hồn muốn góp phần mình làm cho các chi thể được phát triển đồng đều trong thân thể Giáo hội. Cánh cổng vào thế giới đa sắc màu của người trẻ không thể ‘húc đổ’ bằng việc dùng ‘cỗ xe định kiến’ khá nặng nề và chậm chạp đã bị xã hội loại biên. Nếu có cơ may bước vào sâu trong trái tim người trẻ hôm nay cũng không thể ở lại bằng việc khoác những chiếc áo đã vá chằng chịt bởi những đường khâu truyền thống. Do đó, điều quan trọng là ta cần biết làm mới lại chính mình. Bài viết thử ‘nâng cấp’ một vài chìa khóa khá cổ điển nhưng có thể giúp ích nếu sử dụng hết ‘chức năng’ của nó.

2. Một vài ‘chìa khóa vạn năng’

2.1. Tin tưởng - chìa khóa mở lòng

Trong tất cả mối tương quan hay bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, lòng tin luôn là yếu tố đầu tiên mà người ta đề cập tới. Thật vậy, tục ngữ có câu: “Một lần mất tin, vạn lần mất tín.” Lòng tin ở đây không đơn thuần là cái có được sau hành động nhưng còn là cái tiền đề trước khi hành động. Thánh Don Bosco nhìn người trẻ là hình ảnh của Thiên Chúa, các em được dựng nên vốn dĩ rất tốt đẹp. Ngài luôn nhìn thấy những nét son nơi tâm hồn người trẻ. Trong mắt ngài, những ngỗ nghịch, hư hỏng, nổi loạn nơi người trẻ là kết quả của môi trường thiếu yêu thương. Trong lá thư viết từ Rôma năm 1884, bốn năm trước khi qua đời, ngài nhắn nhủ: “Tin tưởng là dòng điện lưu chuyển giữa thanh niên và người trên. Một khi đã có sự tín nhiệm thì thanh thiếu niên sẽ không ngần ngại cởi mỡ, giãi bày mọi ưu tư, lỗi lầm của mình.”[6] Các sách tiểu sử cuộc đời thánh nhân có rất nhiều câu chuyện minh chứng sự tin tưởng đã cải hóa cuộc đời của nhiều thanh thiếu niên đang rời vào ngõ cụt. Phương pháp của thánh nhân có thể tóm kết như sau: dùng tình thương và lòng tin tưởng để chạm tới cõi lòng, khơi dậy niềm hy vọng, và giúp họ nên người hoàn thiện.

Tông huấn Christus Vivit có lối nhìn hoàn toàn mới về người trẻ: “Chúng ta không thể duy chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới.”[7] Tông huấn khẳng định tầm quan trọng của sự tin tưởng trong việc mục vụ giới trẻ: “Việc tạo lập những mối gắn kết đòi phải có sự tin tưởng được nuôi dưỡng hằng ngày qua sự kiên nhẫn và tha thứ.”[8] Tông huấn nói thêm rằng: “Những ai trong chúng ta không còn trẻ nữa thì cần phải tìm cách gần gũi với những tiếng nói và những mối quan tâm của người trẻ.”[9]

Trong xã hội ít nhiều bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo, người trẻ phát triển bản thân trong thước đo của chữ hiếu. Do đó, mọi tư tưởng, hành vi, nguyện vọng nhất nhất theo sự chỉ dẫn của bậc sinh thành. Người trẻ ‘miễn bàn hỏi’ trong các vấn đề cá nhân. Họ thiếu không gian biểu đạt và sáng tạo. Sự phát triển của họ có tính cách lề lối, nền nếp hơn là trưởng thành tự nhiên. Những tư tưởng này đã vô tình gây ra những hệ quả đáng tiếc trong giáo dục và định hướng tương lai của người trẻ. Tại các gia đình Việt, người trẻ ít được tham gia vào những công việc hệ trọng của gia đình. Quan niệm ‘con nít’ tạo ra khoảng cách không nhỏ giữa người trẻ và các thế hệ gia đình. Người trẻ ít được lắng nghe và biểu đạt suy nghĩ trong các vấn đề của gia đình. Dù muốn hoặc không, quan điểm này đã đặt người trẻ vào trạng thái xa cách, cảm giác tủi thân, mặc cảm và lâu dần trở nên bàng quang, thiếu nhạy cảm trước những biến cố trong gia đình và ngoài xã hội.

Trong địa bàn giáo xứ tại các vùng quê cũng đang thiếu sự tin tưởng đối với người trẻ. Tông huấn Christus Vivit nói đến thực trạng hàng giáo sỹ chưa phản ứng hữu hiệu trước cảm xúc của người trẻ. Chúng được biểu hiện qua những bài giảng xa xôi trừu tượng, khó khăn trong việc giải thích giáo thuyết theo ngôn ngữ hiện đại và xem người trẻ có vai trò thụ động trong cộng đoàn.[10] Khi một bạn trẻ có tiếng ngỗ nghịch hay phạm một lỗi nào đó nghiêm trọng thì như lập tức ‘tội’ ấy ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người. Họ sẽ ‘nhắc’ đến người trẻ ấy cùng với ‘tội’ và đồng thời cấm cản con cái họ tiếp cận với những trường hợp như thế. Cảm giác bị lên án, bị xa lánh và hắt hủi sẽ gây nên những ‘sang chấn’ tâm lý nơi người trẻ. Hậu quả của những tổn thương này sẽ gây ‘tai biến’ về sau.

Nếu một người trưởng thành cần sự tin tưởng bao nhiêu thì những người trẻ cũng cần chừng ấy sự tin tưởng. Tin tưởng là chìa khóa để mở cõi lòng mình và cõi lòng người trẻ. Khi khung cửa lòng được mở rộng, con mắt tâm hồn sẽ thấy những nét đẹp tiềm ẩn nơi người trẻ và mời gọi họ bước vào ngôi nhà tâm hồn mình. Đó là con đường từ tâm đến tâm. Tin tưởng còn là chấp nhận những hậu quả có thể xẩy đến, miễn sao chạm tới cõi lòng người trẻ và giúp người trẻ sống tốt hơn. Tin tưởng sẽ trổ sinh những sáng kiến đồng hành cùng người trẻ.

2.2. Kiên nhẫn - chìa khóa để đồng hành

Một trong những nhà sư phạm nổi tiếng trong lịch sử là cô giáo Anne Sullivan (1866-1936), người Mỹ, gốc Ireland. Nhờ tình thương và kiên trì, cô đã thành công trong việc dạy cô bé Helen Keller – một cô gái vừa mù vừa điếc, vừa bướng bỉnh, trở nên một nhà văn nổi tiếng thế kỷ XX. Cô Anne phải dạy Helen bằng xúc giác, sau đó vẽ lên lòng bàn tay của học trò. Dần dần, Helen có thể đọc, đánh chữ, trò chuyện…và sau này trở nên một diễn giả nổi tiếng. Sự kiên nhẫn của Anne có thể nói là ‘vô địch’ trước một cô học trò dường như đã bị số phận an bài thua thiệt.

Đức tính hàng đầu cần có ở người giáo dục chính là sự nhẫn nại. Thực vậy, giáo dục (educere) trong tiếng Latin nghĩa là dẫn ra, phân biệt ra, làm cho rõ. Nó là công việc ‘đào bới’, ‘lôi ra’ sự thật về con người của mình trên cả bình diện ý thức và không ý thức. Qua đó, giúp người thụ huấn nhận biết chính mình, khám phá những tiềm năng và yếu điểm, đồng thời giúp họ phát huy những tiềm năng của mình một cách tối đa.[11] Nếu giáo dục là công việc khám phá chiều sâu thì đồng hành là việc chung sống với hiện tại. Từ thời Trung cổ, hạn từ đồng hành (cum-panio) có nghĩa là ‘chung một tấm bánh.’ Tự bản chất, đồng hành tức là chia sẻ.[12] Giáo dục và đồng hành là hai thành tố luôn đi đôi với nhau và để có thể sinh hoa trái, chúng cần đến nhẫn nại. Thực vậy, việc cùng khám phá và lôi ra ánh sáng chiều sâu của tâm hồn đối tượng là thành quả sau một quá trình vất vả để tạo được nhịp cầu tin tưởng. Qua giai đoạn trải lòng, người hướng dẫn cần thêm nhiều thời gian nữa để phát huy những tiềm năng nơi người thụ huấn. Cuối cùng, quá trình đồng hành cần nhẫn nại để chia sẻ những thất bại, lắng nghe những khó khăn của người thụ huấn trong quá trình biến đổi. Việc lắng nghe cũng là một yếu tố rất quan trọng, cần sự nhẫn nại. Chúng ta thấy ví dụ về cách lắng nghe này nơi câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmau (x. Lc 24,13-35). Chúa Giêsu Phục Sinh đã bước đi với họ, cho dù họ đang đi sai đường. Người lắng nghe họ trình bày những vướng mắc trong cõi lòng và giải gỡ tơ lòng cho họ. Khi Người nói sẽ đi xa hơn, họ nhận ra rằng Người đã trao cho họ món quà là thời gian của Người và họ quyết định đáp trả lại món quà ấy bằng cách mời Người ở lại dùng bữa với họ.[13] Đức thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta cần dành nhiều chỗ hơn nữa cho tiếng nói của người trẻ được lắng nghe.”[14]

Tuổi trẻ là giai đoạn có những bất ổn về tâm sinh lý nhưng nó lại quyết định việc hình nhân cách của con người. Thực tế cho thấy, nhiều người trẻ lạc lõng và thất bại vì không có người đồng hành cùng họ tiến bước. Đôi khi những thất bại của người trẻ lại đến từ những người đồng hành có tâm lý áp đặt. Sau khi đã làm công việc ‘đào bới’ và ‘lôi ra ánh sáng’ con người thật của người trẻ, ta cần ‘biến mất’ để người trẻ tự bước đi. Chúa Giêsu đã đi khuất ánh nhìn của hai môn đệ sau khi ‘mắt họ được sáng ra.’ Nhẫn nại là chìa khóa cần có để đồng hành cùng người trẻ tiến bước vào cuộc đời.

2.3. Yêu thương - chìa khóa để ở lại

Chúa Giêsu dành một tình thương rất lớn cho người trẻ. Tin Mừng ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng... Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.”[15] Chúa Giêsu cũng đã ‘đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến’ anh thanh niên ao ước sống trọn lành và mời gọi anh sống từ bỏ (x. Mc 10,17-22). Người chữa lành những bạn trẻ không chỉ vì lời kêu xin của những bậc phụ huynh nhưng xuất phát từ tình thương và sự trân trọng rất lớn đối với người trẻ. Khi Chúa Giêsu chữa lành một em bé, Tin Mừng dùng ngôn ngữ hết sức gần gũi: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (Mt 5,41). Việc làm cho sống lại người thanh niên con của bà góa tại đám tang thành Naim cho thấy tình thương của Chúa thật lớn lao. Người nhìn thấy nỗi đau của người mẹ nhưng cũng nhìn thấy nguồn hy vọng duy nhất của bà nơi người thanh niên (x. Lc 7,14). Như vậy, chìa khóa mà Chúa Giêsu đã dùng để đến với người trẻ là con đường từ tâm đến tâm, một con đường tiếp chạm gần gũi bằng tình thương chan chứa.

Yêu thương là món quà quý giá nhất mà con người có thể trao tặng với nhau. Nó là khởi đầu cho mọi hành trình đi đến kết thúc tốt đẹp. Yêu thương là đòi hỏi đầu tiên cần có để kết nối mọi đối tượng. Nó có sức mạnh kéo gần mọi khoảng cách xa xăm. Có thể nói rằng vận mệnh của người trẻ được hình thành từ yêu thương. Khởi đi từ những ngày sống trong vòng tay ấm áp của cha mẹ, người trẻ được bao bọc và lớn lên bởi tình thương của những người sống ngay cạnh. Khi bước vào cửa ngõ cuộc đời, họ được thắp lửa bởi tình yêu đôi lứa để trao lại ngọn lửa tình yêu này cho thế hệ mai sau. Bởi lớn lên trong thế giới của yêu thương nên họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Thật vậy, một hành động xấu thiếu đi sự yêu thương hay một gương xấu của người lớn sẽ luôn là cú sốc không dễ gì phai nhạt nơi tâm hồn đơn sơ của người trẻ. Để bước vào ‘vương quốc tình thương’ của người trẻ, tâm hồn ta phải là những nguồn suối yêu thương. Từ nguồn suối sống động này, ngôn ngữ và hành động của yêu thương sẽ đơm hoa kết trái. Mục vụ giới trẻ ngày nay liên hệ đến hai hoạt động chính yếu. Một là vươn ra, là phương cách mà chúng ta thu hút người trẻ đến với một kinh nghiệm về Chúa. Hai là phát triển, tức là phương cách mà chúng ta giúp những người vốn có kinh nghiệm đó, để họ trưởng thành hơn.[16] Hoạt động vươn ra cần dùng đến ngôn ngữ gần gũi, ngôn ngữ của tình yêu quảng đại, liên đới và hiện sinh, có sức chạm đến trái tim, tác động đến đời sống, đánh thức những khát khao và hy vọng. Người trẻ cần được tiếp cận qua ngả yêu thương chứ không phải thuyết pháp. Người trẻ hiểu thứ ngôn ngữ của những ai đang phát tỏa sức sống, những ai ở với họ và cho họ và những ai, với những giới hạn và yếu đuối của mình, cố gắng sống đức tin của mình cách đúng đắn.[17]

2.4. Niềm vui - chìa khóa để kiến tạo

Sách Huấn Ca viết: “Nét mặt vui tươi là dấu chỉ một tâm hồn hạnh phúc” (Hc 13,26). Sách Thánh Vịnh mô tả niềm vui trong khung cảnh tràn ngập tình huynh đệ: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (x. Tv 133,1). Thánh Phaolô cho thấy tính tương liên của niềm vui: “Tôi xác tín rằng niềm vui của tôi cũng là niềm vui của tất cả anh em” (x. 2Cr 2,3). Ngài còn cho thấy niềm vui  ấy mặc lấy nhiều ý nghĩa khi dấn thân phục vụ: “Phải, chính anh em là vinh quang và là niềm vui của chúng tôi” (1Tx 2,20). Niềm vui của tình huynh đệ được nên trọn khi ‘có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau’ (x. Pl 2,2).

Niềm vui mà chúng ta quảng diễn trên kia không phải là những niềm vui được quảng bá bởi nền văn hóa tiêu thụ và cá nhân chủ nghĩa ngày nay nhưng là ‘niềm vui trong Chúa’ (x. Tv 32,11) và cội rễ của nó là “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu.”[18] Niềm vui này bền vững và cần được loan báo, cần được chia sẻ, cần có hành động kèm theo. Tình huynh đệ sẽ gia tăng niềm vui nơi chúng ta vì nó giúp ta biết vui mừng với niềm vui của người khác thay vì chú ý vào các nhu cầu của mình.[19]

Biểu dương những nét đẹp của Tin Mừng bằng niềm vui và trao tặng nó qua đời sống đượm tình huynh đệ là con đường hữu hiệu để mở ra những lối đi mới. Thật vậy, một khi được hòa mình vào thế giới người trẻ, con tim của người đồng hành cũng sẽ được làm mới bằng niềm vui. Tâm hồn rầu rĩ bởi những thương tích của đời sống tàn phá sẽ được phục hồi nhờ sức sống và niềm vui của người trẻ. Qua đó, ta khám phá thêm khía cạnh mới của bản thân và nhìn thấy những tiềm năng nơi người trẻ. Ta biết ‘cởi dép’ trước mảnh đất tâm hồn đầy huyền nhiệm của người trẻ và cùng với họ có những sáng kiến để phác họa nên bức tranh cuộc đời tươi đẹp hơn.

Tạm kết

Có nhiều đường vào thế giới người trẻ. Có những con đường ngắn nhưng không hẳn bền vững. Có những con đường gian khổ hơn nhưng hoa quả của nó lại ngọt ngào. Con đường từ tâm đến tâm mà Chúa Giêsu khai mở để đến với kiếp nhân sinh luôn có sự tin tưởng, tình yêu, nhẫn nại và niềm vui. Con đường ấy không phải là lối tắt nhưng là thành quả sau những cố gắng không ngừng nhằm đem lại cho tha nhân, đặc biệt là người trẻ hôm nay những điều tốt đẹp nhất. Những ‘chìa khóa’ mà chúng ta đề cập trên kia không phải là những gì quá lớn lao nhưng nếu thiếu đi chúng thì hành trình đồng hành với người trẻ sẽ chông chênh, khó đạt tới đích. Cùng bước vào tâm hồn người trẻ và cùng với họ dựng xây nên những kỳ công mới là góp phần làm cho khuôn mặt của Giáo hội thêm tươi trẻ, thêm xinh đẹp và lộng lẫy, xứng đáng là Hiền thê của Đức Kitô.[20]

Jos. Hào Nguyễn, K13



[1] X. ĐGH. Gioan Phaolô II (Linh mục Phaolô Đậu Văn Hồng dịch), Tông huấn Pastores Dabo Vobis, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015, số 8, tr.43-45.

[2] X. ĐGH. Phanxicô (Linh mục Lê Công Đức dịch), Tông huấn Christus Vivit, Nxb. Đồng Nai, 2019, các số 71-74, tr. 45-46.

[3] Thái độ nhìn đức tin và Giáo hội với cái nhìn phiến diện.

[4] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit, số 84.

[5] X. Nt.

[6] X. Ngọc Tâm, FMA., Đến với người trẻ theo phương pháp giáo dục của Don Bosco, Nxb. Phương Đông, 2015, tr. 10.

[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit, số 64.

[8] Nvt., số 217.

[9] Nvt., số 38.

[10] X. Nvt., số 39.

[11] X. Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Đào tạo những mục tử như lòng Chúa mong ước, Đcv. thánh Phanxicô Xaviê, 2016, tr. 56.

[12] X. Nvt., tr. 62.

[13] Đức thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit, số 291.

[14] Nvt., số 38.

[15] x. Mc 10,13-16; Mt 19,13-15; Lc 18,15-17

[16] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 209.

[17] X. Nvt., số 211.

[18] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 1.

[19] X. Nvt., số 128.

[20] X. ĐGH. Phaolô VI, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 4.

Nguồn tin: Người Kitô Hữu