Cùng nhau hành hương về linh địa Trại Gáo đây trong Năm Thánh, nhằm dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Gia Đình Thánh Tâm giáo phận và ghi nhớ 350 Chúa mạc khải lòng tôn sùng Thánh Tâm cho thánh nữ Magarita-Maria Alacốc, chúng ta nhìn lại vài điểm liên quan đến công việc mình đang làm.
I. HÀNH HƯƠNG
Công việc thứ nhất trong cuộc quy tụ của Gia đình Thánh Tâm giáo phận hôm nay chính là cuộc hành hương trong khuôn khổ Năm Thánh. Theo Từ Điển Công Giáo: “Cuộc hành hương là hành trình của các tín hữu rời nơi mình đang ở, đi tới một nơi thánh thiêng, để tỏ lòng sùng kính, tham dự lễ hội, cầu nguyện, làm việc đền tội, xin ơn hay tạ ơn”[1]. Hôm nay chúng ta thuộc mọi miền trong giáo phận, bất kể chênh lệch về tuổi tác và địa vị xã hội đều “rời nơi mình đang ở” để “đi tới một nơi thánh thiêng” là linh địa Trại Gáo này. Chúng ta đến đây “để tỏ lòng sùng kính” thánh Antôn, và qua người, chúng ta tôn thờ Chúa. Nếu nói là để “tham dự lễ hội, cầu nguyện” thì chính nơi cuộc lữ hành và quy tụ này, chúng ta sẽ có những sinh hoạt khác nhau mà cao điểm là Thánh Lễ cực trọng được dâng lên để tôn thờ Chúa cách đặc biệt. Qua Thánh Lễ, chúng ta cũng đền tội, xin ơn và tạ ơn. Do vậy, cuộc hội ngộ của chúng ta tại đây hết sức quan trọng.
Với ý nghĩa của những cử hành quan trọng đó, chúng ta phải làm gì? Câu 146 tập “Cẩm nang học hỏi Năm Thánh 2025”, Đại Chủng viện thánh Phanxicô Xaviê trả lời: “Trước hay trong cuộc hành hương, tín hữu thường được mời gọi chuẩn bị tâm hồn bằng các nghi thức hay các bí tích, để đón nhận hoa trái thiêng liêng trong nỗ lực tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa”[2]. Tôi nghĩ rằng, trước khi đến đây, anh chị em đã có tâm tình chuẩn bị, nhất là đã lãnh nhận bí tích hoà giải. Ngoài ra chúng ta còn cử hành các nghi thức khác, nhất là cử hành Thánh Lễ, hy tế cực trọng như đã nói trên. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn xứng hợp, cùng tham dự một cách tích cực, sống động và hữu hiệu.
Ngoài những ơn ích kể trên, “Việc hành hương tới các đền thánh là một cách thể hiện tình hiệp thông của Giáo Hội lữ hành trong tinh thần cầu nguyện. Những cuộc hành hương nhắc nhở tín hữu, đời sống trần gian là cuộc hành hương về Nước Trời”[3]. Không cần phải giải thích thêm thì cũng rõ, chúng ta đến đây biểu lộ một mối tình hiệp thông sâu sắc. Mỗi người một công việc, mỗi người một hoàn cảnh và ở nhiều vùng miền khác nhau, vậy mà chúng ta đã bỏ qua mọi công việc, gác lại mọi dự định riêng, để có thể hẹn nhau đúng giờ để cùng cầu nguyện và tham dự các nghi thức với nhau nơi linh địa này. “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr r5,14). Nguồn mạch ân sủng bới trái tim từ ái Chúa đã thu hút chúng ta để làm cho chúng ta nên một trong Người.
Hơn nữa, “những cuộc hành hương nhắc nhở tín hữu, đời sống trần gian là cuộc hành hương về Nước Trời”. Buổi quy tụ này cũng như bất kỳ cuộc hành hương nào khác đến bất kỳ nơi nào trên thế giới đều gợi lên cho chúng ta cách mạnh mẽ rằng chúng ta đang ở trong Giáo hội lữ hành, nghĩa là đang cùng nhau tiến về quê hương vĩnh cửu là Nước Trời. Giáo hội lữ hành đó lại đang cùng toàn thể nhân loại đi đến tận cùng của lịch sử của nó; trong lúc thế giới này lại đang cùng toàn thể vũ trụ tiến về “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 P, 3,14). Một khi đã xác định rõ ràng quê hương trần thế là tạm bợ, chúng ta phải lựa chọn cách sống đúng đắn, để trong lúc lo xây dựng xã hội trần thế, chúng ta góp phần kiến tạo quê hương trên trời qua việc biến đổi thể giới ngày càng phù hợp hơn với Tin Mừng của Chúa, sao cho nguồn mạch tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa làm lành mạnh mọi mối quan hệ trần gian.
Giáo hội tuyên xưng rằng: “Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã để máu và nước chảy ra hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh” (Kinh Tiền Tụng lễ Thánh Tâm). Toà Ân Giải Tối Cao đã quy định rất nhiều cơ hội để hưởng ân xá trong Năm Thánh. Do vậy, chúng ta sang phần thứ hai nói về:
II. ÂN XÁ
“Ân xá là ơn xoá bỏ các hình phạt tạm thời tội nhân còn phải chịu sau khi tội đã được tha”.[4]“Với quyền ban ân xá, Giáo Hội tha một phần (tiểu xá) hoặc tha toàn phần (đại xá) hình phạt tạm mà đáng lẽ hối nhân phải chịu dù đã được tha tội”[5] (Sđd, tr. 31). Các tội ta phạm, nếu thống hối thật lòng và xưng thú đầy đủ qua bí tích Hoà giải, tội của chúng ta được tha, nhưng hình phạt bởi tội thì vẫn còn, và chúng ta phải đền trả, nhất là đền tội trong luyện ngục sau khi chết. Nhưng Giáo hội ban ân xá để tha một phần hoặc tha toàn bộ hình phạt tạm đó. Theo như Bổn Cũ, hễ ai được ơn Đại xá mà chết “thì được lên thiên đàng tức thì, chẳng phải qua luyện ngục nữa.” Đây là một ơn hết sức to lớn, chúng ta hết sức vui mừng, nhưng cũng có thể sợ là mình bị mừng hụt. Sao mà dễ dàng thế, sao mà đơn giản thế? Tội tôi nhiều và nặng thế sao Chúa có thể tha bổng cho tôi? Thưa đó là nhờ lòng thương xót vô biên của Chúa, Đấng đã tha tội cho kẻ trộm lành chỉ vì anh ta kịp tỏ lòng sám hối trước lúc tắt thở trên thập giá. Bởi Chúa đã phán: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33,11).
Quyền năng của Chúa là vô hạn, lòng thương xót Chúa là vô biên, đó là điều không thể hồ nghi, nhưng do đâu Giáo hội có quyền ban ân xá? “Với tư cách là trung gian phân phát ơn cứu chuộc do Đức Kitô mang lại, Giáo Hội dùng quyền cầm buộc và tháo cởi mà Chúa Kitô đã trao phó để ban phát ân xá cho những Kitô hữu thực lòng sám hối và thực hành một số điều kiện nhất định”[6], Giáo hội như là công cụ Chúa dùng để ban ơn cứu độ, là máng thông ơn để khơi nguồn các bí tích và ơn thánh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Cứu Thế. Máu và nước từ cạnh sườn Chúa tuôn tràn ân sủng qua Giáo hội đến tất cả những ai thành tâm đón nhận.
III. HAI DỊP KỶ NIỆM QUAN TRỌNG
1. Trái tim là phần quan trọng nhất của con người, nó là phần sâu thẳm nhất của con người, động vật và thực vật. Không chỉ là trung tâm của cơ thể, nó còn là tâm hồn và tinh thần người ta. Tư tưởng và cảm xúc xuất phát từ trái tim và gắn kết chặt chẽ với nhau… Kinh Thánh nói về trái tim như một cốt lõi nằm ẩn dưới mọi vẻ bề ngoài…Trái tim cũng định vị sự chân thành, trong đó không có chỗ cho sự lừa dối và ngụy trang[7].
2. Trái tim quan trọng như thế, nhưng thế giới ngày nay dường như đang đánh mất trái tim, cho nên, thế giới và mỗi người chúng ta cần TRỞ LẠI VỚI TRÁI TIM.
Đức Thánh Cha nhận định: Trong cái thế giới ‘lỏng lẻo’ này của mình, chúng ta thấy mình bị nhận chìm trong xã hội của những người hăm hở tiêu thụ, ngày này qua ngày khác bị chi phối bởi nhịp sống hối hả và bị dội bom công nghệ, thiếu sự dấn mình vào đời sống nội tâm. Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường thấy mình bị bấn loạn và xâu xé, hầu như bị tước mất một nguyên lý bên trong vốn có thể tạo lập sự thống nhất và hòa hợp trong cuộc sống và hành động của mình.[8] Vậy chúng ta cần giải thoát mình khỏi sự kiềm toả của thế giới ồn ào, ngột ngạt và vội vàng hấp tấp để có thể bình tâm, thư giản với cuộc sống an bình trong Chúa.
3. Đối tượng chúng ta nhắm tới.
Số 50 của thông điệp Dilexit Nos chỉ dạy rằng, chúng ta thờ phượng chính “trái tim sống động của Chúa Kitô chứ không phải hình ảnh đại diện trái tim ấy”. Chúng ta không thờ lạy một bộ phận của con người nhưng là thờ lạy “Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy thân thể đó mãi mãi… Chúng ta cũng không thờ phượng trái tim ấy vì chính nó, nhưng bởi vì với trái tim này, Chúa Con nhập thể đang sống, yêu thương chúng ta và đón nhận tình yêu đáp trả của chúng ta. Như thế, bất kỳ hành động yêu mến hay tôn thờ nào đối với trái tim Chúa Kitô đều … tự nhiên quy hướng về Chúa Giêsu Kitô và…tình yêu vô biên của Người”.[9] Nói chính xác, việc tôn thờ nhắm đến Chúa Giêsu Kitô gồm linh hồn và thân xác, bản tính Thiên Chúa và bản tính con người trọn vẹn chứ không phải chỉ là trái tim, một cơ quan cung cấp máu cho cơ thể; cũng không nhắm tới bất kỳ loại tượng ảnh nào.
4. Việc Đền Tạ Thánh Tâm có còn cần thiết không?
“Đối với một số người, có vẻ như khía cạnh sùng kính Thánh Tâm này thiếu một cơ sở thần học vững chắc” (DN 54). Bởi vì “Chúng ta cũng có thể tự hỏi làm sao chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa của sự sống, Đấng đã sống lại từ cõi chết và đang ngự trị trong vinh quang, trong khi vẫn an ủi Người giữa những đau khổ của Người” Thật vậy, “Ðức Kitô, một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa” (Rm 6,9), lẽ nào Người có thể chịu đau khổ nữa mà phải đền tạ?
Điều này có vẻ hợp lý, nhưng theo lời dạy của Đức Piô XI, thì “mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta bởi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô thì vượt trên mọi ranh giới của thời gian và không gian, nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã hiến mình vì mọi tội lỗi, bao gồm cả những tội lỗi chưa phạm, bao gồm cả tội lỗi của chúng ta. Tương tự, những hành động chúng ta hiện đang dâng để an ủi Người, cũng siêu vượt thời gian, chạm đến trái tim bị thương của Người. Nếu cũng vì tội lỗi của chúng ta, tuy là trong tương lai nhưng đã được thấy trước, tâm hồn Chúa Giêsu đã buồn rầu đến chết, thì không thể nghi ngờ rằng cùng lúc đó, Người đã nhận được một an ủi nào đó từ sự đền bù của chúng ta, cũng được thấy trước, tại thời điểm khi ‘một thiên thần từ trời hiện ra với Người”[10]. Như vậy mọi tội lỗi chúng ta phạm ngày hôm nay và của con cháu chúng ta phạm mai sau đều đã làm cho Chúa phải phiền não trong vườn Cây Dầu năm xưa. Cũng một lẽ ấy, việc đền bù phạt tạ của chúng ta ngay hôm nay cũng có tác dụng an ủi Chúa từ giây phút Chúa hấp hối xưa rồi.
“Ở đây, cảm thức đức tin(sensus fidelium) nắm hiểu được điều gì đó huyền nhiệm, vượt quá luận lý của con người chúng ta, và nhận ra rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô không chỉ là một sự kiện của quá khứ, nhưng là một sự kiện mà chúng ta có thể chia sẻ thông qua đức tin … Chúng ta cũng có thể thêm vào sự nhìn nhận tội lỗi của chính mình, mà Chúa Giêsu đã gánh lấy trên đôi vai bầm dập của Người, và sự bất cập của chúng ta trước tình yêu vượt thời gian đó, vốn luôn lớn hơn hết mức”[11].
Hơn thế nữa, “trái tim phục sinh của Người vẫn giữ các vết thương như một ký ức thường hằng, và rằng hoạt động của ân sủng làm cho ta có thể kinh nghiệm điều vốn không bị giới hạn chỉ trong một khoảnh khắc của quá khứ … Bất kỳ ai có lòng yêu mến lớn lao đối với Thiên Chúa và nhìn lại quá khứ, đều có thể chăm chú suy ngẫm về Chúa Kitô, và nhìn thấy Người … gần như kiệt sức vì buồn bã, vì đau khổ, thậm chí ‘bị bầm dập vì tội lỗi của chúng ta’ ... Càng suy ngẫm về tất cả những điều này, các tín hữu càng thấy rõ rằng tội lỗi của nhân loại, dù xảy ra khi nào, chính là lý do khiến Chúa Kitô bị nộp cho đến chết”[12].
Đức Phanxicô lưu ý rằng: “Những lời này của Đức Piô XI đáng được xem xét nghiêm túc. Khi Kinh Thánh tuyên bố rằng những tín hữu không sống theo đức tin của mình ‘đang đóng đinh Con Thiên Chúa một lần nữa” (Dt 6,6), hoặc khi thánh Phaolô – dâng những đau khổ của mình vì lợi ích của người khác – người tuyên bố rằng “trong thân xác mình, tôi đang hoàn thành những gì còn thiếu trong những thống khổ của Chúa Kitô”[13] (Cl 1,24). Tất cả những điều trên cho ta thấy, việc đền tạ Thánh Tâm Chúa là việc phù hợp và cần thiết qua mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh.
IV. TÔN THỜ ĐỀN TẠ THÁNH TÂM CÁCH XỨNG HỢP
Có rất nhiều đường lối giúp chúng ta tôn thờ đền tạ Thánh Tâm Chúa, nhưng với thời gian hạn hẹp, tôi vận dụng vài tư tưởng của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tiến sĩ Hội thánh để góp phần giúp anh chị em vận dụng sống xứng hợp hơn với tư cách là hội viên của Gia Đình Thánh Tâm. Trong thời đại của người, có rất nhiều tâm hồn quản đại, thực hiện được những nhân đức anh hùng, thậm chí sẵn sàng chết để đền tạ Chúa. Điều đó tốt, nhưng không phải ai cũng có thể làm. Thánh nữ đã viết thư trả lời Sơ Marie như thế này: “Marie Thánh Tâm, tránh tập trung lòng sùng mộ này vào sự đau khổ, vì một số người đã trình bày sự đền bù chủ yếu dưới dạng tích lũy các hy sinh và các việc thiện.” Nói như thế không có nghĩa là cổ vũ một thứ đạo đức thoải mái, dễ dãi, nhưng Têrêsa trình bày lòng tín thác như là của lễ tốt nhất làm đẹp lòng Chúa Kitô: “Những ước muốn tuẫn đạo của em chẳng là gì cả; đó không phải là điều mang lại cho em lòng tín thác vô hạn mà em cảm thấy trong lòng mình.” Têrêsa thậm chí còn nhận thấy mặt trái của những nhân đức phi thường như là một điều gì đó khiến người ta cậy dựa vào mình mà xa cách Thiên Chúa: “Nói thật, những ước muốn ấy là sự giàu có thiêng liêng làm cho người ta trở nên bất công, khi người ta an nghỉ trong chúng với sự tự mãn và tin rằng chúng là điều gì đó vĩ đại”. Têrêsa chỉ ra con đường dẫn tới việc tôn sùng đền tạ Thánh Tâm Chúa cách tuyệt hảo với hết khả năng của mình: “Điều làm hài lòng [Chúa Giêsu], đó là Người thấy em yêu sự bé mọn và sự nghèo nàn của mình, niềm trông cậy bất khuất mà em đặt nơi lòng thương xót của Người … Đó là kho báu duy nhất của em” Vị nữ Tiến sĩ còn mạnh dạn khuyên người nữ tu quảng đại kia rằng: “Nếu chị muốn cảm thấy vui sướng, cảm thấy thích thú với đau khổ, thì đó là chị đang tìm kiếm sự an ủi cho mình… Hãy hiểu rằng để trở thành hiến lễ tình yêu dâng Người, thì kẻ càng yếu đuối, … thì sẽ càng phù hợp cho hoạt động của Tình yêu đầy sức thiêu đốt và biến đổi này” Dường như để tránh cho Sơ Marie hiểu lầm và không muốn gây bối rối cho chị ấy, thánh Têrêsa phân trần: “Ồ! Em muốn có thể làm cho chị hiểu được cảm giác của em biết bao!… Chính lòng tín thác và không gì ngoài lòng tín thác sẽ chắc chắn dẫn chúng ta đến với Tình Yêu”[14].
Đối với thánh Têrêsa, “công trạng không cốt ở làm nhiều hay cho đi nhiều, mà đúng hơn, cốt ở đón nhận’”[15]. Điều này chắc chắn là nằm trong khả năng của chúng ta. Chúng ta không lập được công trạng gì đáng kể, chúng ta cũng không có gì nhiều để cho, nhưng chúng ta có thể đón nhận ơn Chúa với hết tâm tình của mình.
Với chị Léonie, thánh Têrêsa viết: “Em chắc chắn với chị rằng Thiên Chúa tốt hơn nhiều so với những gì chị tin… Em, em thấy rất dễ thực hành sự hoàn thiện vì em hiểu rằng đó là vấn đề nắm lấy Chúa Giêsu nơi trái tim Người…”. Để làm rõ hơn ý tưởng này, thánh nữ đã giải thích việc nắm lấy Chúa Giêsu cách hóm hỉnh và dễ thương như sau: “Hãy nhìn một đứa trẻ vừa quấy rầy mẹ mình… Nếu nó đến với mẹ, dang rộng đôi tay nhỏ bé, mỉm cười và nói: ‘Mẹ hôn con đi, con sẽ không làm thế nữa đâu’, liệu mẹ nó có thể không dịu dàng ôm chặt nó vào lòng và quên đi trò nghịch ngợm trẻ con của nó không? Đành rằng bà biết đứa con bé bỏng của mình sẽ lại làm thế vào lần tới, nhưng điều đó không quan trọng; nếu nó lại nắm lấy trái tim mẹ, nó sẽ không bị trừng phạt”. Thánh nữ đã chỉ cho chúng ta đường lối tôn thờ đền tạ Thánh Tâm Chúa cách hữu hiệu nhưng lại hết sức nhẹ nhàng và lôi cuốn chứ không bị chìm vào cảm giác sợ hãi, buồn rầu hay nặng nề khó xử. Tôi nghĩ rằng đây chính là niềm vui cho chúng ta, những con người muốn đền tạ Chúa trong lúc vẫn mang đầy thương tích bởi tội lỗi và những yếu đuối của phận người. Nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể[16].
Tương tự như thế, trong một lá thư gửi cho Cha Adolphe Roulland, thánh Têrêsa viết: “Tất cả con đường của con là tín thác và yêu thương. Con không hiểu những tâm hồn sợ hãi một người bạn dịu dàng như vậy. Có những lúc, khi con đọc một số luận đề tâm linh trong đó sự hoàn thiện được cho thấy qua hàng ngàn chướng ngại vật, được bao quanh bởi một mớ ảo tưởng, tâm trí nhỏ bé tội nghiệp của con nhanh chóng mệt mỏi; con đóng cuốn sách uyên bác đang làm đầu con tan nát và làm khô héo trái tim con”. Có lẽ trong cuộc sống, đã nhiều lúc chúng ta gặp trường hợp khó xử, ngột ngạt, mệt mỏi thiêng liêng và thậm chí thất vọng như thế bởi bao nhiêu là sách vở, biết bao thông tin, biết bao lời khuyên và không thiếu những lời trách móc hù doạ. Xin đừng ai nản chí, hãy bắt chước thánh Têrêxa: “Con cầm lấy Kinh Thánh. Thế là tất cả dường như sáng tỏ với con; một từ duy nhất mở ra cho tâm hồn con những chân trời vô tận, sự hoàn thiện dường như đơn giản với con. Con thấy rằng chỉ cần nhận ra sự trống rỗng của mình và phó thác chính mình như một đứa trẻ trong vòng tay của Chúa”. Để làm được điều đó, trước hết hãy trút rỗng tâm hồn của mình, một tâm hồn mà như Sách Ngắm đã nói “là kho chứa những sự tơ tưởng dơ dáy, là hang nuôi những tính kiêu ngạo, là tổ những sự gian tham độc dữ là dường nào”[17].
Chúng ta có thể trút rỗng những thứ tồi tệ đó bằng lòng sám hối ăn năn, cố gắng khiêm nhường xưng thú tội lỗi của mình. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi nhận ra sự trống rỗng của mình vì tâm hồn nghèo nàn thiếu thốn các nhân đức và sự quảng đại. Nhận ra sự trống rỗng của mình là chìa khoá vàng giúp ta đón nhận ân sủng trọn vẹn, tràn ngập Thánh Linh và không lo lạc bước, hân hoan dấn thân trên đường hy vọng.
Một vấn đề khác được đăt ra: tội lỗi của tôi và của thiên hạ vô cùng lớn, sự xúc phạm thì quá nhiều, chúng ta đền trả thế nào cho cân xứng. Điều mà chúng ta gọi là đền tạ, thực sự là gì? Nếu đền trả theo lẽ công bằng là không thể được, vì chúng ta là thụ tạo thấp hèn, không thể đền bù cho cân xứng những điều đã xúc phạm đến Thiên Chúa Tạo Hoá, thông điệp Dilexit Nos cũng đã chỉ cho ta cách đền tạ, ĐÓ LÀ MỞ RỘNG TRÁI TIM CỦA ĐỨC KITÔ. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Một cách nào đó, Thiên Chúa đã tìm cách giới hạn chính mình,…Ngài dùng để kéo chúng ta vào hành động cộng tác với Đấng Sáng Tạo. Sự cộng tác này từ phía chúng ta có thể cho phép sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa lan rộng trong đời sống của chúng ta và trên thế giới, trong khi sự từ chối hoặc thờ ơ của chúng ta có thể ngăn cản điều đó”[18].
Đức Phanxicô giải thích thêm: “Chúng ta có thể nói rằng Người đã cho phép vinh quang lớn lao nơi sự phục sinh của Người bị giới hạn, và cho phép sự lan tỏa của tình yêu bao la và cháy bỏng của Người bị kiềm chế, để chừa chỗ cho chúng ta tự do cộng tác với trái tim Người.”
Và điều này quan trọng cho đến nỗi ra như chúng ta có quyền làm lan toả hay hạn chế hiệu lực tình yêu của Chúa: “Việc chúng ta từ chối tình yêu của Người dựng lên một rào cản đối với món quà ân sủng đó, trong khi việc chúng ta tin tưởng đón nhận nó sẽ mở ra một không gian, một kênh truyền cho phép nó tràn vào trái tim chúng ta. Sự từ chối hay thờ ơ của chúng ta sẽ hạn chế những tác động của quyền năng Người và hạn chế hoa trái của tình yêu Người trong chúng ta.”
Mỗi người chúng ta có vinh dự nhưng cũng có trách nhiệm lớn lao để duy trì dòng suối mạch tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa xuống cho thề giới này: “Chính Người muốn rằng nếu Người không gặp được sự cởi mở và tín thác nơi tôi, tình yêu của Người sẽ bị tước mất sự lan tỏa của nó,… trong cuộc sống của tôi và trong thế giới này, nơi Người kêu gọi tôi cho phép Người hiện diện.”
Nói như thế có vô phép không? Có xúc phạm đến Thiên Chúa toàn năng không? Đức Thánh Cha đưa ra một cách nhìn sáng suốt: “Một lần nữa, điều này không do bởi bất kỳ sự yếu đuối nào từ phía Người mà đúng hơn là bởi sự tự do vô hạn của Người, sức mạnh huyền nhiệm của Người, và tình yêu hoàn hảo của Người dành cho mỗi người chúng ta. Khi sức mạnh của Thiên Chúa được mặc khải trong cái yếu đuối của sự tự do con người chúng ta, thì “chỉ có đức tin mới có thể nhận hiểu điều đó”[19].
“Với sự hiểu biết tâm linh sâu sắc, thánh Têrêsa đã khám phá ra rằng chúng ta có thể hiến dâng chính mình theo một cách khác, không cần phải thỏa mãn công lý của Thiên Chúa nhưng bằng cách cho phép tình yêu vô hạn của Chúa lan tỏa tự do”[20]. Theo lời của thánh nhân, “đối với con ngay cả công lý của Thiên Chúa (và điều này có lẽ còn hơn cả những điều khác) dường như cũng được mặc lấy tình yêu”[21].
Kính thưa anh chị em, dịp quy tụ quan trọng ba trong một này, tôi đã nói với anh chị em đôi điều về ý nghĩa của hành hương và ân xá trong Năm Thánh, đồng thời làm rõ một vài bổn phận mà các hội viên của Gia đình Thánh Tâm cần thực hiện. Điều quan trọng là, dù cảm thấy mình hèn hạ yếu đuối, những việc làm đó vẫn nằm trong tầm tay của chúng ta, và như thế kéo theo một trách nhiệm mỗi người phải thi hành cho xứng với danh hiệu của mình.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh
[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2019, tr. 374.
[2] Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025, câu 146.
[3] Từ Điển Công Giáo, Sđd., tr. 374
[4] Ibid., tr. 30.
[5] Cẩm Nang Học Hỏi Năm Thánh 2025, Sđd., câu 131.
[6] Ibid., câu 132.
[7] x. ĐGH. Phanxicô, Thông điệp Dilexit Nos - Người đã yêu thương chúng ta (Lm. Lê Công Đức chuyển ngữ), Nxb. Đồng Nai, 2024, số 3-5
[8] x. Ibid., số 9.
[9] Ibid., số 50.
[10] Ibid., số 153.
[11] Ibid., số 154.
[12] Ibid., số 155.
[13] Ibid., số 156
[14] x. Ibid., số 138.
[15] Ibid., số 139.
[16] Ibid., số 140.
[17] Ibid., số 141.
[18] Ibid., số 192.
[19] x. Ibid., số 193.
[20] Ibid., số 196.
[21] Ibid., số 197.